Yến
sào – Thần dược hay tào lao?
Nguyễn
Tiến Cường
May 1, 2021
https://saigonnhonews.com/article-can-promote/yen-sao-than-duoc-hay-tao-lao/
Bài viết này không nhằm đã kích, phê phán hay thuyết
phục ai về công dụng chữa trị, bồi dưỡng của yến sào. Cách đây vài ngày, tình cờ
đọc được một số ý kiến tranh luận về Yến Sào trên facebook. Khá nhiều người ca
tụng, khen ngợi yến như một thần dược, chỉ có 3-4 ý kiến không tin vào công dụng
của Yến.
Những ý kiến ca tụng yến như một món thuốc bổ
thần kỳ có thể tóm lược như sau:
– Ăn chén chè yến lái xe 6 tiếng đồng hồ không thấy
mệt.
– Ăn thử yến vài lần sẽ biết yến có bổ hay không.
– Khỏe hay không thì không biết nhưng chắc chắn da mặt
rất đẹp.
– Yến chưng với hạt kỷ tử, táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục,
củ bách hợp, đường phèn trị được bệnh ho dai dẳng như ho gà.
– Yến là món ăn của vua chúa ngày xưa, làm sao không
bổ dưỡng cho được?
…
Cho đến hôm nay, chưa có nghiên cứu khoa học
nào xác nhận rằng yến là một thần dược có khả năng tái tạo năng lượng, hồi phục
sức khỏe nhanh chóng cho cơ thể khi đang mỏi mệt, chữa được một số bệnh đường
phổi như bị ho, khan cổ… Tất cả chỉ là những lời nói truyền miệng và ghi trong
sách vở Đông y của Việt Nam, bởi nếu có thì các hãng bào chế dược phẩm nổi tiếng
trên thế giới như Pfizer, Johnson&Johnson, Smith&Kline, Bayer, Sanofi…
chắc chắn đã nhảy vào nghiên cứu, khai thác.
Y khoa ngày nay đã tiến bộ vượt bậc, việc phân
chất, tìm hiểu thành phần hóa học, cấu trúc của các loại protein, tế bào trong
cơ thể con người hay động vật không còn là một điều khó khăn. Thậm chí nếu muốn,
các bác sĩ, nhà sinh vật học có thể tạo dựng chuỗi nhiễm sắc thể RNA, tổng hợp
các protein của tế bào vi khuẩn gây bệnh như đã tiến hành trong việc chế tạo
vaccine Sars-CoV2. Do đó, nếu quả thật yến có một số dưỡng chất nào đó đặc biệt,
có tác dụng như các lời đồn đãi, chắc chắn họ đã nghiên cứu, tìm hiểu đến nơi đến
chốn.
Tìm kiếm tác dụng chữa trị, ích lợi của yến
trên Google tiếng Việt, cho ra 198 triệu kết quả trong 0.60 giây nhưng bằng tiếng
Anh thì không có kết quả nào. Tổng kết những kết quả trên, theo các bác sĩ đông
y Việt Nam cho thấy yến đúng là “thần dược”, có công dụng phục hồi sức khỏe
nhanh chóng, làm sáng mắt, giúp đỡ tiêu hóa, bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch,
chống lão hóa… Nói chung là yến có công dụng bổ toàn diện, chỉ không diệt được
virus, bacteria thôi.
Tuy nhiên vì yến đắt quá, đắt “lòi kèn” – một
kilogram có thể lên tới vài ngàn đôla, nhất là loại yến huyết có những chỉ đỏ
là máu của chim yến tiết ra khi làm tổ đã cạn kiệt nước bọt. Do đó không phải
ai cũng có thể… thử một lần cho biết. Phải chi yến rẻ như xuyên tâm liên, lá đu
đủ đực sấy khô, đậu methi, rượu tỏi, canh dưỡng sinh, sữa ong chúa, nhầu noni…
thì chắc người Việt Nam dễ kiểm chứng hơn.
Ngoài một số hormone, vitamine, cơ thể con người
cần ba nguồn năng lượng chính để duy trì sự sống và hoạt động: Mỡ (lipid), đường
(glucid), đạm (protid), trong đó đường giữ nhiệm vụ chính cung cấp năng lượng
(energy) cho vận động cơ thể, trí óc. Làm việc bằng trí óc hay hoạt động chân
tay đều tiêu thụ một số lượng lớn calories, lúc đó cơ thể đòi hỏi tái tạo số
năng lượng đã mất đi.
Một bệnh nhân bị ung thư được hóa trị (chemo
therapy) sau mỗi lần uống thuốc sẽ mệt lã người, không thấy đói, không thèm ăn,
ăn vào nhiều khi ói ra nhưng cho húp một chén yến hầm với táo tầu, hạt sen, đường
phèn sẽ nuốt được và cảm thấy khỏe hẳn lại. Câu hỏi được đặt ra là cái gì trong
chén yến khiến bệnh nhân tỉnh táo, khỏe khoắn khi mà giá trị dinh dưỡng của yến
gần như không có gì? Chẳng có gì bí mật cả: Do đường phèn!
Ai không tin cứ hầm hạt sen, táo tầu với đường
phèn, không cần yến, cho bệnh nhân ăn thử, xem có gì khác không. Lái xe 5-6 giờ
đồng hồ, uống một lon Energy Drink cũng sẽ tỉnh táo, không thấy mệt, giống như
ăn một chén yến hầm với đường phèn, táo, hạt sen. Do quá đắt cộng với lời đồn
đãi, nhiều người tin tưởng rằng yến quả thật bổ dưỡng, có khả năng phục hồi sức
khỏe, tăng cường khả năng sinh lý, trị nhiều chứng bệnh đường phổi, tiêu hóa,
làm đẹp da mặt…, nhưng, như đã nói, cả Đông y lẫn Tây y chưa hề có cuộc thí
nghiệm nào được thực hiện. Tất cả chỉ là những bài viết của các đông y sĩ, lời
truyền khẩu, mà không có kết quả thử nghiệm nào về yến được công bố trên các tạp
chí khoa học Âu, Mỹ.
Yến đắt bởi vì hiếm, khó thu hoạch, tổ yến ở
trong các hang động, hoang đảo, trên cao, ngoài biển vừa gió vừa lạnh, vách đá
trong hang lại trơn trượt, ẩm ướt. Người đi lấy tổ yến trèo lên cao bằng những
chiếc thang tre ọp ẹp, gặp nhiều hiểm nguy đến tính mạng nên món hàng trở nên đắt.
Đắt, hiếm nên trở thành thức ăn chỉ dành cho giai cấp giầu có, quyền quý Á
Đông, xưa thì dành cho vua chúa là vậy.
Ở một khía cạnh khác, ăn yến trở thành một tội
ác làm tuyệt chủng loài chim. Theo tờ Los Angeles Times (Passion
for Bird’s Nest Soup Is Endangering a Species) sự tiêu thụ yến tiếp
tục gia tăng, trở thành một trận chiến quyết liệt giữa những tổ hợp khai thác yến,
những kẻ lấy trộm, những người kinh doanh du lịch trong khu vực của họ, nơi các
hòn đảo có nhiều tổ chim yến. Hàng triệu tổ yến đã được lấy đi ngay cả khi yến
chưa kịp đẻ trứng hoặc chim con bị vứt bỏ hàng năm từ các hang động trên các
hòn đảo ở Đông Nam chỉ để làm thỏa mãn khẩu vị và niềm tin tưởng của một số người,
đặc biệt là người Tàu ở Hoa Lục, Hong Kong, Đài Loan, Việt Nam… Thực khách
tại một số địa điểm như nhà hàng Hong Kong’s Fook Lam Moon sẵn sàng trả giá đắt
cho món yến chất lượng cao nhất – 58 USD/chén súp.
Theo Alex Yau của tổ chức World Wide Fund For
Nature, từ 1992 đến 1998, riêng Hong Kong đã nhập cảng tổng cộng 985 tấn yến
sào trị giá 700 triệu USD. Navjot Sodhi, một nhà sinh vật học của Đại học
Quốc gia Singapore, cho biết số chim yến có thể đã giảm tới ¾ (khoảng 73%) ở một
số khu vực ở Đông Nam Á từ năm 1962 đến 1990 do việc phá rừng và khai thác tổ yến
vô tội vạ.
Tuy nhiên, ăn yến cũng giống như tôn giáo, đã
là niềm tin thì bất khả tư nghị. Chẳng phải thứ gì vua chúa ăn đều bổ, có giá
trị dinh dưỡng cao. Đọc truyện Từ Hi Thái Hậu đãi tiệc sứ thần của Bát Quốc
Liên Quân mới thấy người Hoa đúng là tổ sư của những món ăn quái đản được cho
là bổ dưỡng nhất trên trần gian.
No comments:
Post a Comment