Xung
đột Trung Đông và thế khó của Hoa Kỳ
Hiếu
Chân/Người Việt
May 18, 2021
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/xung-dot-trung-dong-va-the-kho-cua-hoa-ky/
Bạo lực giữa Israel và Palestine đang kéo Hoa
Kỳ trở lại một cuộc xung đột mà chính quyền Biden hy vọng có thể tránh được để
tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên khác như vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi
nền kinh tế và giải quyết bài toán di dân.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/05/A1-Xung-dot-Trung-Dong-1536x1024.jpg
Một nhóm người biểu
tình ủng hộ Palestine, tuần hành đến Lãnh Sự Quán Israel tại khu vực Westwood,
Los Angeles, California, hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Năm, để lên án Israel và ủng hộ
người Palestine trong cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông. (Hình: AP
Photo/Ringo H.W. Chiu)
Cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Palestine
đã kéo dài sang tuần thứ hai, thương vong của cả hai bên đang tăng lên và chưa
có dấu hiệu dừng lại trong lúc thế giới tỏ ra bất lực.
Bạo lực chưa có dấu
hiệu dừng
Đến hôm Thứ Ba, 18 Tháng Năm, ngày thứ chín của
cuộc chiến, quân đội Israel vẫn tiếp tục không kích vào dải Gaza trong lúc các
chiến binh Hamas vẫn tiếp tục bắn hỏa tiễn xuyên biên giới vào một số thành phố
Israel sau một đêm tạm yên tĩnh.
Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức y tế
Gaza cho biết đến Thứ Ba đã có 215 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 61
trẻ em và 36 phụ nữ, hơn 1,400 người bị thương. Phía Israel có 12 người bị giết,
trong đó có hai trẻ em.
Cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc thông báo
có gần 450 tòa nhà ở dải Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng, trong đó có sáu bệnh
viện và chín trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu; khoảng 52,000 người phải đến
tạm trú tại các trường học của Liên Hiệp Quốc. Một cao ốc 12 tầng là nơi đặt
văn phòng của hãng tin Mỹ Associated Press (AP) và một số cơ quan truyền thông
khác đã bị phi cơ Israel ném bom san phẳng. Israel nói các lực lượng của họ đã
tiêu diệt khoảng 130 chiến binh Hamas và 30 người khác từ các cuộc thánh chiến
Hồi Giáo.
Vụ xung đột hiện tại là trầm trọng nhất giữa
nhóm chiến binh Hamas và Israel trong nhiều năm qua, có nguy cơ leo thang thành
một cuộc chiến tranh toàn diện như lời cảnh báo của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc
Antonio Guterres. Mặc dù các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu và nhiều nước
khác kêu gọi các bên kiềm chế, ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ thường dân và giải
quyết bất đồng qua đối thoại, song tình hình thực địa cho thấy lời kêu gọi đó
đã không được lắng nghe.
Các bên gây chiến đều có những mục tiêu chính
trị riêng. Tổ chức Hamas cầm quyền ở Gaza muốn thể hiện là người bảo vệ dân
Palestine bị ngược đãi ở Đông Jerusalem để giành sự ủng hộ, đối phó với nhóm
Fatah ở Bờ Tây trong cuộc bầu cử dự tính vào giữa năm nay; còn Thủ Tướng Israel
Benjamin Netanyahu cũng muốn gây xung đột để tránh né những vấn đề chính trị bất
lợi trong nội bộ mà nổi cộm là uy tín bị sứt mẻ, các cáo buộc tham nhũng đang
gây khó khăn cho ông ta.
Tổ chức Hamas ở dải Gaza bắt đầu bắn hỏa tiễn
vào Israel tám ngày trước để trả đũa cái mà họ gọi là sự đàn áp người Palestine
trong tháng lễ Ramadan như ngăn cản tín đồ Hồi Giáo đến cầu nguyện ở nhà thờ Al
Aqsa thiêng liêng và cưỡng bức một số gia đình Palestine khỏi nhà cửa của họ
trong khu Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel nói họ
đang đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm tiêu diệt khả năng của các phe vũ trang Hamas
và Hồi Giáo Jihad. Trong một video clip đăng trên Twitter, Thủ Tướng Netanyahu
khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những việc cần thiết để khôi phục an
ninh và sự yên bình cho tất cả công dân Israel.”
Ông Netanyahu cũng cho biết các cuộc tấn công
của Israel nhằm vào các chiến binh ở Gaza đã “khiến Hamas lùi lại nhiều năm.” Một
số nhà bình luận tin tức của Israel coi lời nhận xét này như là báo hiệu sắp có
một lệnh ngừng bắn trong vòng vài ngày tới sau khi ông Netanyahu tuyên bố chiến
thắng.
Thế khó của chính
quyền Biden
Chính phủ Hoa Kỳ từ trước đến nay đều đứng về
phía Israel trong cuộc xung đột. Hoa Kỳ viện trợ quân sự rất nhiều cho Israel
và che chắn cho chính phủ Tel Aviv về ngoại giao trước các phản ứng của quốc tế.
Mỗi khi bạo lực bùng nổ thì lập trường của Hoa Kỳ đều gần như không thay đổi:
lên án chủ nghĩa khủng bố, ủng hộ quyền tự vệ của Israel và kêu gọi các bên kiềm
chế.
Khi lên cầm quyền đầu năm nay, Tổng Thống Joe
Biden hy vọng xung đột Israel-Palestine sẽ không còn là vấn đề quốc tế nổi bật
nữa và ông có thể tập trung vào các nhiệm vụ ưu tiên khác ở trong nước. Vụ xung
đột nổ ra có phần làm cho chính quyền Biden bị bất ngờ và lúng túng. Cho đến
nay Hoa Kỳ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ tại Israel và ông Biden chỉ có thể cử một đặc
phái viên tới Tel Aviv để theo dõi tình hình.
Lần này cũng vậy; sau khi xung đột leo thang Tổng
Thống Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ Tướng Netanyahu và nhà lãnh đạo
Palestine Mahmoud Abbas. Hôm Thứ Hai, 17 Tháng Năm, ông Biden lần đầu tiên công
khai bày tỏ ủng hộ một cuộc ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Nhưng ông đồng thời
nhắc lại rằng Israel có quyền tự vệ và không kêu gọi Israel thay đổi hành động
bất chấp những lời lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Ông Biden không thể
ngay lập tức đảo ngược chính sách ủng hộ Israel, đặc biệt được đảng Cộng Hòa
theo đuổi, từ trước tới nay.
Thế khó của ông là bây giờ tình hình chính trị
đã có nhiều thay đổi. Tình cảnh của người Palestine trên dải Gaza bị phong tỏa
bốn bề, trong các trại tị nạn ở Bờ Tây, lẫn trong lãnh thổ Israel đã càng ngày
càng không chịu đựng nổi. Israel tiếp tục đưa người định cư đến chiếm những
vùng đất mà về truyền thống là thuộc về người Palestine, tước bỏ các quyền sống
căn bản của họ, tạo ra một hoàn cảnh mà tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human
Rights Watch) phải gọi là chế độ phân biệt chủng tộc. Sự lộng hành của Israel
có phần trách nhiệm của Hoa Kỳ.
Thảm cảnh của người Palestine, cùng với số
thương vong của thường dân trong vụ xung đột đã làm cho các chính trị gia phải
đặt lại vấn đề chính sách của Washington. Tại Thượng Viện, 28 thượng nghị sĩ
Dân Chủ đã đồng loạt ra tuyên bố kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức vào tối
Chủ Nhật vừa qua; sau đó một nửa số dân biểu Hạ Viện vốn ủng hộ Israel cũng đưa
ra tuyên bố tương tự. Họ cảnh báo ông Biden rằng “Hoa Kỳ không thể chỉ đơn giản
hy vọng và chờ đợi cho tình hình được cải thiện.”
Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Dân Chủ-Vermont),
một người Israel sinh trưởng tại New York, đã viết một bài bình luận quan trọng
trên báo The New York Times lên án hành động bạo lực của Israel tại dải Gaza và
yêu cầu xem xét lại sự ủng hộ mà Hoa Kỳ dành cho đồng minh thân cận này. “Hoa Kỳ
phải thôi làm người biện hộ (apologist) cho chính phủ của Netanyahu,” ông
Sanders tuyên bố.
Dân Biểu Gregory W. Meeks (Dân Chủ-New York),
chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, hôm Thứ Hai nói rằng ông sẽ yêu cầu chính
quyền Biden đình hoãn việc bán cho Israel lô vũ khí chính xác trị giá $735 triệu
đã được phê chuẩn trước đây. Đề nghị đình hoãn này phản ánh mối lo ngại của nhiều
chính trị gia Dân Chủ có nên gửi vũ khí Mỹ cho Israel tại thời điểm quân đội nước
này ném bom thường dân hay không.
Quan điểm của người
dân Mỹ
Bên ngoài chính trường, nhìn chung dư luận Hoa
Kỳ vẫn dành nhiều thiện cảm cho Israel hơn là Palestine. Cuộc khảo sát ý kiến
thường niên World Affairs do Viện Gallup thực hiện vào giữa Tháng Hai, 2021,
ghi nhận 75% người Mỹ ủng hộ Israel, gấp ba lần số người ủng hộ Palestine
(25%). Tuy vậy số người ủng hộ Palestine đã tăng từ mức 21% trong cuộc khảo sát
năm 2018 trong khi số ủng hộ Israel không thay đổi.
Về chính sách của Hoa Kỳ, có 34% số người được
hỏi ý kiến cho rằng Washington cần gây áp lực với Israel để cải thiện tình cảnh
người Palestine trong khi 44% yêu cầu gây áp lực với Palestine để chấm dứt hành
động bạo lực của các nhóm chiến binh Hồi Giáo. Tính chung số người Mỹ muốn
chính phủ gây áp lực với Israel đã tăng từ 27% năm 2018 đến 34% hiện nay, trong
khi số người muốn gây sức ép với chính quyền Palestine đã giảm từ 50% xuống còn
44% hiện nay; phản ánh sự thay đổi trong quan điểm của người Mỹ về chính sách
Trung Đông.
Mấy ngày qua, rải rác ở các thành phố Hoa Kỳ
đã có nhiều nhóm biểu tình bày tỏ sự ủng hộ người Palestine, lên án hành động bạo
lực của Israel tại Gaza.
Sự thay đổi quan điểm của người Mỹ, cả trong
giới chính khách lẫn dân thường, buộc chính quyền Biden phải tích cực can dự
vào tình hình Trung Đông, tìm cách chấm dứt cuộc xung đột, tiến tới một giải
pháp bền vững cho cuộc chung sống của hai dân tộc Do Thái và Palestine.
Ngoại giao thầm lặng
trong hậu trường
Trước tuyên bố của ông Biden vài giờ, Ngoại
Trưởng Antony Blinken đang công cán ở Châu Âu, nói với báo chí ở thủ đô Đan Mạch
rằng chính quyền Biden “đang làm việc cật lực sau hậu trường để cố chấm dứt vụ
xung đột.”
Ông Blinken được biết đã điện đàm với người đồng
cấp của Israel, chính quyền Palestine, Ai Cập, Saudi Arabia và Pakistan để tìm
giải pháp chấm dứt cuộc xung đột. “Chúng tôi sẽ nối lại ngay lập tức cái công
việc thiết yếu là hiện thực hóa tầm nhìn về một nước Israel và nhà nước
Palestine cùng tồn tại bên nhau, trong hòa bình, cùng với người dân từ tất cả
các cộng đồng đều được sống đúng với phẩm giá của mình,” ông Blinken nói.
Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó? Bà Jen
Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, cũng nói rằng “cách giải quyết của chúng tôi
là thông qua ngoại giao thầm lặng và kiên trì. Đó là cách mà chúng tôi tin là
có hiệu quả nhất.”
“Tổng Thống Biden làm những việc này đủ lâu để
biết cách tốt nhất để chấm dứt một cuộc xung đột quốc tế là không tranh luận về
nó trước công chúng… Đôi khi ngoại giao cần diễn ra trong hậu trường, cần thầm
lặng và chúng tôi sẽ không công bố toàn bộ các hoạt động,” bà Psaki nói hôm Thứ
Ba.
Theo thông tin mới nhất trên truyền thông Mỹ,
trong cuộc điện đàm với Thủ Tướng Israel Netanyahu, Tổng Thống Biden đã đưa ra
một thông điệp mạnh mẽ hơn là những điều ông tuyên bố công khai trước công
chúng. Ông Biden được biết đã yêu cầu Israel nhanh chóng chấm dứt các cuộc
không kích gây thương vong cho thường dân ở Gaza, cảnh báo rằng ông không thể
tiếp tục kéo dài việc ngăn cản áp lực của Quốc Hội Mỹ và cộng đồng quốc tế buộc
Israel phải thay đổi hành động.
Trung Quốc lợi dụng
cơ hội
Cho đến nay, Liên Minh Châu Âu tỏ ra đồng thuận
với cách đối phó của Hoa Kỳ, nhưng các đối thủ như Iran và Trung Quốc lại tận dụng
cơ hội để tố cáo Hoa Kỳ bao che cho chính quyền Israel và cản trở hành động lên
án của Liên Hiệp Quốc.
Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), phát ngôn
viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, cho rằng Hoa Kỳ “đạo đức giả.” “Chúng ta có thể
cảm thấy rằng Hoa Kỳ luôn nói họ quan tâm tới nhân quyền của người Hồi Giáo
nhưng lại làm ngơ trước những khổ nạn của người dân Palestine,” bà Hoa nói và
thêm rằng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Palestine, Hoa Kỳ đã đứng
về phía đối lập với cộng đồng quốc tế! Được biết trong vài ngày qua Hoa Kỳ đã
phủ quyết các dự thảo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Hôm Chủ Nhật, phát biểu với cuộc họp trực tuyến
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà hiện do Trung Quốc giữ vị trí chủ tịch trong
tháng này, Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) kêu gọi Hoa Kỳ “điều chỉnh”
lập trường về vụ xung đột Israel-Palestine.
“Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ gánh vác trách nhiệm
và thay đổi lập trường của mình. Việc sử dụng vũ lực không thể mang lại hòa
bình,” ông Vương nói và nhấn mạnh điều quan trọng là Israel phải kiềm chế và
tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, chấm dứt việc phá dỡ nhà cửa của
người Palestine, xua đuổi họ đi nơi khác. Báo South China Morning Post cho biết
thêm Trung Quốc muốn đứng ra đóng vai nhà thương thuyết, làm trung gian hòa giải
giữa Israel và tổ chức Hamas.
Không khó để nhận ra Bắc Kinh đang lợi dụng
tình hình ở Trung Đông để mở rộng ảnh hưởng trong các nước Arab, phá vỡ khối
liên minh mà Hoa Kỳ đang xây dựng để đối phó với Iran và các tổ chức vũ trang Hồi
Giáo chân rết của Iran tại Trung Đông.
Và điều đó càng đặt ra một thách thức nữa cho
chính quyền của Tổng Thống Biden. [qd]
No comments:
Post a Comment