Monday, 3 May 2021

TRUNG QUỐC ĐÃ 'THAM CHIẾN BẤT THƯỜNG' VỚI MỸ TRONG 'VÙNG XÁM' (Jamie Seidel - News)

 



 

 

Trung Quốc đã ‘tham chiến bất thường’ với Mỹ trong ‘vùng xám’

Jamie Seidel  -  News

Dịch giả: Dương Lệ Chi

03/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/03/trung-quoc-da-tham-chien-bat-thuong-voi-my-trong-vung-xam/

 

LGT: Bài báo này rất quan trọng, nói về các chiến thuật của Trung Cộng, cũng như thuyết Tam Chiến đã được Bắc Kinh sử dụng, là chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý, nhằm mục tiêu chiến lược là đánh bại Hoa Kỳ trong cuộc tranh giành ngôi bá chủ thế giới.[

 

Các nhà nghiên cứu Việt Nam cần đọc bài này, cũng như theo sát các phân tích của các chuyên gia về Trung Cộng như ông John Lee của USSC hay Greg Poling của CSIS, để định hình các chính sách thiết thực về ngoại giao và quốc phòng cho Việt Nam.

 

                                                           ***

 

Các chuyên gia nói rằng, một cuộc chiến giữa Trung Quốc với Mỹ diễn ra nhưng Úc cần tận dụng điểm yếu hiển nhiên của nó.

 

Đó là chiến tranh. Nhưng không phải chiến tranh như chúng ta biết.

 

Các bài viết trong nhiều thập niên của các nhà chiến thuật hàng đầu của Trung Quốc tiết lộ điều này như thế.

 

Một phân tích của học viện quân sự Hoa Kỳ cảnh báo: “Các nhà lãnh đạo an ninh quốc gia nên xem xét kỹ những lời của các quan chức Trung Quốc và các hành động quân sự của Trung Quốc nói về cách Quân Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] có thể thật sự chống lại một cuộc chiến”.

 

Họ nói rằng đó là một cuộc chiến đang diễn ra. Điều đó có nghĩa là sự khởi đầu của bất kỳ cuộc xung đột ‘quy ước’ nào sẽ rất u ám và rối rắm. Và, ngay cả khi vụ nổ súng bắt đầu, gieo rắc sự nghi ngờ và không tin tưởng sẽ là một thứ vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của nó.

 

Nó sẽ liên quan đến cảnh sát.

 

Nó sẽ liên quan đến dân quân.

 

Nó sẽ liên quan đến dân thường.

 

Và tất cả sẽ mở đường cho các loại vũ khí truyền thống hơn của Quân Giải phóng Nhân dân [Trung Quốc] (PLA) tìm mục tiêu của nó.

 

Nó được gọi là “Vùng Xám”.

 

Nó là không gian giữa hòa bình và chiến tranh.

 

Nó là nơi diễn ra hành vi ép buộc, đe dọa, tuyên truyền và thao túng.

 

Richard Kemp, đại tá quân đội Anh đã nghỉ hưu, viết: “Nỗi sợ leo thang của các nền dân chủ là một sự ngăn cản đáng kể chống lại việc sử dụng các lựa chọn quân sự bạo lực trong vùng xám và đó chính xác là nỗi sợ hãi mà các quốc gia độc tài… muốn khơi dậy”.

 

Đó là xoay quanh các giá trị dân chủ – chẳng hạn như pháp quyền – chống lại chính nó.

Bài báo của West Point (ND: Học viện Quân sự Hoa Kỳ), khẳng định: “PLA đang tham gia vào cuộc chiến bất thường ngày nay. Trung Quốc đang sử dụng ‘chiến tranh pháp lý’ (lawfare) để đạt được các mục tiêu chiến lược. Lực lượng dân quân biển đang thực thi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, chống lại các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ”.

 

Và nó đã vũ khí hóa các luồng thông tin quốc tế và các kênh ảnh hưởng, cùng với các chiến thuật mạng, kinh tế và tâm lý.

 

 

Phân chia và chinh phục

 

Một bài viết của Derek Bernsen, nhà phân tích hải quân Hoa Kỳ, lập luận rằng: “Nga và Trung Quốc có kế hoạch giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh cường quốc bằng cách làm cho Mỹ suy yếu, gieo rắc mối bất hòa và tiếp tục một cuộc chiến bí mật cho đến khi các vị trí trong trật tự thế giới bị đảo ngược”.

 

Sự phân cực. Thuyết âm mưu. Thù ghét.

 

Chúng đã tồn tại. Nhưng một vài bài đăng trên mạng xã hội được đặt đúng chỗ và “những người có ảnh hưởng” đồng lõa có thể thúc đẩy họ theo những hướng có lợi.

Nhiều yếu tố của chiến tranh bất quy tắc, chẳng hạn như chiến tranh tâm lý, chiến tranh pháp lý và chiến tranh mạng, là trọng tâm trong khái niệm chiến tranh thông tin của PLA và lý thuyết chiến thắng trong một cuộc xung đột quy ước”, phân tích của Viện Chiến tranh Hiện đại [West Point] lập luận.

 

Quân đội của Bắc Kinh có một cái tên cho nó: Tam Chiến (The Three Warfares). (ND: Tam chiến của Trung Quốc là chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý).

 

Dư luận. Đạo đức. Các quy trình pháp lý. Tất cả đều bị thao túng để đạt được mục đích của Bắc Kinh.

 

Mục đích là “kềm chế những lời chỉ trích đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, truyền bá những quan điểm tích cực về Trung Quốc (và ảnh hưởng đến các chính phủ) theo những cách có lợi cho Trung Quốc”.

 

Kết quả là gieo rắc sự bất mãn và rối rắm trước bất kỳ xung đột trực tiếp nào.

 

Nhóm tư vấn của West Point cảnh báo: “Trước và trong một cuộc xung đột, chúng tôi đoán trước rằng các lực lượng Trung Quốc sẽ tăng cường những nỗ lực này, đặc biệt là chống lại các nước có lực lượng Hoa Kỳ [đóng quân]. Trung Quốc có thể quảng bá các bài tường thuật về việc quân đội Mỹ lạm dụng một số dân địa phương, một số phóng đại và một số tưởng tượng, để khiến người dân chống lại sự ủng hộ của chính phủ họ đối với Hoa Kỳ”.

 

Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đồng ý điều này.

 

Một báo cáo mới của ASPI viết: “Ngoài ra còn có một thị trường béo bở của các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê người tạo ảnh hưởng, mà các tổ chức nhà nước có thể thuê bên ngoài các chiến dịch tuyên truyền rải rác và gây ảnh hưởng để làm xáo trộn các hoạt động của họ. Những tác nhân thương mại này ngày càng trở thành một phần kết cấu của chiến dịch vận động chính trị ở nhiều nước. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch xung quanh các hoạt động này có nguy cơ làm hư hỏng chất lượng dân chủ trong môi trường mà chúng hoạt động”.

 

 

Ngoại giao cưỡng chế

 

Làm thế nào để bạn thu phục được bạn bè, ảnh hưởng đến các chính phủ và loại bỏ sự bất đồng quan điểm?

 

Trong trường hợp của Bắc Kinh, ý tưởng về “vũ khí ma thuật” của Chủ tịch Mao Trạch Đông đóng một vai trò quan trọng.

 

Cụ thể – những câu chuyện được vũ trang hóa.

 

Tiến sĩ John Lee, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ, lập luận: “Điều thần kỳ là, những câu chuyện này tạo điều kiện cho chúng ta chấp nhận các chính sách của Trung Quốc ngay cả khi chúng đi ngược lại lợi ích quốc gia của chúng ta”.

 

Cho dù bất kỳ tuyên bố, lập luận hoặc trích dẫn cụ thể nào có thể kỳ quặc đến đâu – chúng phải củng cố năm thông điệp thiết yếu. Sự lặp lại đơn giản đã gắn nó vào tâm thức công chúng.

 

1. Trung Quốc là một nền văn minh thống trị về mặt lịch sử.

 

2. Đảng Cộng sản Trung Quốc trường tồn và bất biến.

 

3. Không gì có thể làm nhụt chí Bắc Kinh.

 

4. Trung Quốc sẵn sàng trả bất kỳ giá nào để đạt được các mục tiêu cốt lõi của mình.

 

5. Mỹ đang ở trong tình trạng cuối cùng của sự suy tàn.

 

Tiến sĩ Lee viết: “Nếu chúng ta chấp nhận những lời tuyên bố này, động lực để các nước trong khu vực phản kháng hoặc chống lại những chính sách cưỡng bức nhất sẽ giảm đáng kể, ngay cả khi chúng ta hoàn toàn không đồng ý với hành vi của Trung Quốc”.

 

Thật vậy, thông điệp từ Bắc Kinh làm cơ sở cho các mối đe dọa chống lại Úc là chúng ta sẽ làm tốt hơn để quyết định tốt nhất về tương lai chủ nghĩa Đại Hán (Sino-centric) sắp xảy ra – như New Zealand rõ ràng đang làm – hơn là chống lại nó“.

 

Đó là về sự cám dỗ của việc giành được phần lớn nhất bằng cách đăng ký sớm.

 

Nhưng không phải tất cả đều có vẻ như thế.

 

Tiến sĩ Lee viết: “Trung Quốc và đảng CSTQ có những điểm yếu, lỗ hổng và sự phụ thuộc đã được che giấu cẩn thận và khéo léo để duy trì câu chuyện được ưa thích”.

 

 

Tiêu hao chính trị

 

Bắc Kinh đang cố gắng hạ bệ các nước láng giềng.

 

Áp lực không ngừng được áp dụng lên các biên giới của nước này với Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

 

Máy bay quân sự, tàu chiến, lực lượng dân quân đánh cá, nạo vét cát và thậm chí là các khu nhà ở đều là một phần trong cuộc chơi quyền lực của Bắc Kinh.

 

Không có phát súng nào được bắn ra, nhưng mọi sự xâm nhập đều đòi hỏi phải có một sự phản ứng. Nếu không, đó sẽ là một chiến thắng ngầm cho Bắc Kinh.

 

Nhưng mà cách nào (phản ứng hay không phản ứng) thì Trung Quốc cũng thắng.

 

Ví dụ, lực lượng không quân nhỏ và già cỗi của Đài Loan không thể đánh chặn mọi tàu thăm dò hiếu chiến từ đại lục. Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chang Che-ping phát biểu trước quốc hội hồi tháng trước rằng: “Chúng tôi đang xem xét cuộc chiến về vấn đề tiêu hao”.

 

Nhà phân tích Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói: “Trung Quốc không bao giờ đưa ra bất kỳ mối đe dọa quân sự công khai nào với điều này, nhưng rõ ràng là họ đang từ từ ăn mòn sự sẵn sàng quân sự của Đài Loan và ảnh hưởng đến cán cân quyền lực”.

 

Philippines vẫn đang loay hoay tìm cách đánh đuổi một đội tàu đánh cá giả dạng [của Trung Quốc] ra khỏi lãnh hải của mình.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, nói: “Chúng tôi hy vọng Philippines sẽ nhìn nhận điều này một cách khách quan và đúng đắn, ngay lập tức ngừng việc cố tình cường điệu hóa… và tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương cũng như hòa bình và ổn định chung ở Biển Đông”.

 

[Trung Quốc] làm như thể đó là lỗi của Manila.

 

Trong khi đó, Ấn Độ đang nỗ lực thách thức sự tiến công của mọi trung đội Trung Quốc trên cao dãy núi Himalaya. Và Nhật Bản đang tự hỏi phải làm gì trước số lượng ngày càng gia tăng các tàu hải cảnh Trung Quốc được đặt tên một cách bịp bợm, trong vùng biển của mình.

 

Bắc Kinh không bao giờ thật sự đưa ra cho bạn một thời hạn rõ ràng với lý do để sử dụng vũ lực. Bạn chỉ tự cảm thấy mình mệt mỏi và từ từ bị đẩy lùi”, ông Poling nói.

 

 

Gián đoạn kỹ thuật số

 

Ông Bernsen lập luận: “Những phát súng đầu tiên của cuộc chiến này đã xảy ra cách đây nhiều năm. Chiến tranh thông tin cung cấp cơ chế hoàn hảo để làm xói mòn sức mạnh của Hoa Kỳ mà không cần dùng đến xung đột trực tiếp”.

 

Một cuộc tấn công mạng của Nga nhằm vào Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1999 đã khiến quốc gia này thiệt hại hàng triệu đô la và làm lộ ra một kho dữ liệu nguy hiểm.

 

Tuy nhiên, không có sự trả đũa nào từ Mỹ. Sự thiếu trả đũa này cho thấy, Nga có thể tiến hành chiến tranh thông tin chống lại Mỹ mà không bị trừng phạt”.

 

Trung Quốc đã nhìn thấy điều này và nắm bắt cơ hội.

 

Năm ngoái, New Delhi đã cáo buộc Bắc Kinh về một cuộc tấn công mạng nhằm cắt điện ở thành phố lớn nhất của Ấn Độ.

 

‘Cuộc chiến tranh không hạn chế’ như thế được thiết kế để giành chiến thắng trong một cuộc giao tranh trước khi bất kỳ vụ nổ súng nào bắt đầu.

 

Nhưng đó không phải là tất cả về sự phá hoại.

 

Đó cũng là về hoạt động gián điệp.

 

Bắc Kinh “không còn thấy có lợi trong cách tiếp cận ‘chiến tranh nhân dân’ quy ước, vốn liên quan đến các cuộc tấn công bằng biển người trong các trận chiến tập trung vào đất liền. PLA hiện đang chuẩn bị chiến đấu đồng thời trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào việc chiến thắng điều mà họ gọi là ‘các cuộc chiến tranh được thông tin hóa’ và lấy ưu thế thông tin làm động lực cho việc lập kế hoạch hoạt động”, Viện Chiến tranh Hiện đại [của West Point] lập luận.

 

Điều đó có nghĩa là ăn cắp tài sản trí tuệ.

 

Điều đó có nghĩa là sự gián đoạn kỹ thuật số.

 

Điều đó có nghĩa là tuyên truyền.

 

Ông Bernsen nói: “Chiến tranh thông tin, kết hợp với các hành động xâm lược về kinh tế và chính trị, bao gồm phần lớn các hành động giữa Hoa Kỳ và Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc”.

 

Hoạt động mạng và thông tin cũng có lợi thế là khó quy kết. Một hoạt động chiến tranh thông tin được thực hiện một cách tinh vi sẽ xóa dấu vết của chính nó và gây ra nghi ngờ về việc liệu nó có xảy ra hay không, hoặc lan truyền thông tin sai lệch về một hoạt động đã – hoặc không – xảy ra”.

 

 

Đẩy các giới hạn

 

Dân quân. Đảng phái. Lính đánh thuê. Những điều này từ lâu đã được sử dụng để đưa ra một bầu không khí ‘không thể chối cãi được’ trong xung đột quốc tế.

 

Bắc Kinh đã nắm lấy ý tưởng này.

 

Nó cũng đã chính thức hóa khái niệm.

 

Nó đã thành lập Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (PAP), cùng với Lực lượng Dân quân Biển nổi tiếng hơn.

 

Lực lượng dân quân là lực lượng trong vùng xám của Bắc Kinh, khẳng định quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với đội tàu đánh cá thương mại của họ và thống trị các vùng lãnh thổ tranh chấp.

 

Bài viết của Viện Chiến tranh Hiện đại West Point West Point lập luận: “Những hành động này phù hợp với mô hình gần đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc chuyển sang chiến tranh bất thường để đạt được các mục tiêu chiến lược ở Biển Đông: Trung Quốc đưa lực lượng dân quân biển của mình đến một địa điểm trên Biển Đông để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và sau đó giành quyền kiểm soát mà không cần can dự vào bằng các lực lượng thông thường”.

 

Nó khiến các nước đối lập – chẳng hạn như Nhật, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia – đứng ngoài lề. Họ phải đối mặt với một làn sóng tuyên truyền nếu tàu chiến được triển khai để đáp trả. Và có nguy cơ tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để leo thang.

Và, một khi vụ nổ súng bắt đầu, các đơn vị dân sự trên danh nghĩa này sẽ có một vai trò nào đó.

 

Báo cáo của Viện Chiến tranh hiện đại West Point cảnh báo: “Các cây viết Trung Quốc thảo luận về một số nhiệm vụ thời chiến cho lực lượng dân quân biển, chẳng hạn như tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), chống ISR, phá hoại, nhiệm vụ phòng không, đột kích và chiến tranh điện tử. Các hoạt động chiến tranh bất thường được tích hợp hoàn toàn với các chiến thuật và hoạt động thông thường đến mức chúng không được xác định là ‘bất thường’.”

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats