Tuesday, 18 May 2021

THẾ GIỚI HÔM NAY : 18/05/2021 (The Economist)

 



Thế giới hôm nay: 18/05/2021

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

18/05/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/05/18/the-gioi-hom-nay-18-05-2021/

 

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã gặp ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah bin Zayed Al Nahyan để thảo luận về lệnh ngừng bắn giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine. Nhưng Mỹ đã chặn một tuyên bố cùng lên án bạo lực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc — lần thứ ba họ làm vậy trong một tuần. Đến nay, cuộc xung đột đã khiến 201 người ở Gaza và 10 người ở Israel thiệt mạng.

 

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đồng ý xét xử vụ kiện liên quan đến một luật ở Mississippi cấm phá thai sau tuần thứ 15. Các tòa cấp thấp đã chặn luật này vì nó vi phạm tiền lệ án Roe v Wade, một phán quyết năm 1973 không cho phép các bang cấm phá thai trước thời điểm thai nhi có “khả năng tồn tại” (khoảng 24 tuần thai). Đây sẽ là vụ kiện về quyền phá thai đầu tiên được tòa xem xét kể từ khi thẩm phán Amy Coney Barrett trúng cử, với đa số bảo thủ 6-3.

 

Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tặng các nước 80 triệu liều vắc-xin covid-19 vào cuối tháng 6, nhiều hơn 20 triệu liều so với cam kết trước đây, nhằm tăng tốc các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu. Hồi đầu tháng, chính quyền ông Biden cũng nói cần miễn trừ bảo hộ các bằng sáng chế vaccine covid-19 để nhiều nước có thể tự sản xuất. Các lãnh đạo châu Âu hoài nghi với kế hoạch đó, vì cho rằng các nước nên chia sẻ nguồn cung cấp hiện có.

 

Đài Loan đã cắt điện nhiều hơn vì nắng nóng và hạn hán khiến nhu cầu điện tăng đột biến trong khi một nhà máy điện bị hỏng. Thứ Năm tuần trước, hòn đảo cũng cắt điện tương tự sau sự cố mất điện tại một nhà máy điện ở phía nam thành phố Cao Hùng. Đài Loan là nước sản xuất chip bán dẫn hàng đầu, do đó những rắc rối về điện của nước này có thể khiến tình trạng thiếu chip toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

 

Giao tranh bùng nổ trở lại ở Afghanistan giữa lực lượng an ninh nhà nước và Taliban sau khi lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày được công bố nhân dịp lễ Eid qua đi. Năm nay Mỹ sẽ rút quân khỏi nước này – hai thập niên kể từ lần đầu họ đến để lật đổ Taliban. Nhóm này có thể giành lại quyền kiểm soát một khi người Mỹ rời đi. Hiện bạo lực leo thang vì lực lượng Hồi giáo tìm cách tăng cường ảnh hưởng.

 

Liên minh châu Âu tạm dừng kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ. Hai bên đã đồng ý thảo luận về tranh chấp kéo dài xoay quanh ngành thép và nhôm. Hồi năm 2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt ra mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm châu Âu. EU đáp trả tương đương. Vòng đàm phán mới có thể giúp khép lại cuộc thương chiến ăn miếng trả miếng.

 

Hãng viễn thông AT&T của Mỹ sẽ tách mảng WarnerMedia của họ và sáp nhập với Discovery để tạo ra một dịch vụ phát trực tuyến mới cạnh tranh với Disney và Netflix. Thương vụ này sẽ giúp AT&T giảm bớt các khoản nợ khổng lồ của kế hoạch xây dựng một doanh nghiệp truyền thông-viễn thông kết hợp nội dung và phân phối. Dường như họ đang thay đổi chiến thuật.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Kinh tế Nhật Bản tiếp tục trồi sụt

Trong nhiều thập kỷ mất mát qua với tốc độ tăng trưởng gần bằng không, kinh tế Nhật Bản không phải chỉ đi xuống mà trải qua một loạt các đợt lên rồi xuống. Nó giống như một chiếc “răng cưa, chứ không phải một đường phẳng”, theo nhà nghiên cứu Adam Posen của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Lối ẩn dụ này xem ra vẫn phù hợp. Ngay sau đợt suy thoái do đại dịch gây ra đầu năm ngoái là một đợt tăng trưởng dựng đứng.

 

Song số liệu công bố hôm nay có thể cho thấy nền kinh tế lại suy thoái trong quý đầu năm, sau khi chính phủ áp đặt tình trạng khẩn cấp lần hai hồi tháng 1 để kiểm soát một làn sóng ca nhiễm mới. Tình trạng khẩn cấp lần ba, được ban bố vào tháng trước, cũng sẽ làm chậm quá trình phục hồi trong quý này. Do đó, Nhật Bản tiếp tục đối mặt một đợt giảm phát, trong khi các nước khác bao gồm Mỹ đang trải qua lạm phát cao bất thường. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kỳ vọng giảm phát không kéo dài lâu. Nhưng xem ra họ không có nhiều công cụ hiệu quả lắm.

 

Israel và Gaza: muốn ngừng bắn nhưng không bên nào ngỏ lời

Đã một tuần kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine ở Gaza bùng nổ, Israel vẫn chưa từ bỏ không kích. Hơn 200 người đã chết ở Gaza; và 10 người ở Israel. Cả hai nhóm dân quân Hamas và Muslim Jihad vẫn phóng rocket vào các thị trấn Israel, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại.

 

Đang có các nỗ lực ngăn chặn giao tranh. Hamas, thông qua trung gian là Ai Cập, đã yêu cầu ngừng bắn; Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp; trong khi một phái viên của chính quyền Mỹ Biden đang tiến hành các vòng đàm phán.

 

Nhưng ít nhất thì Israel không tung hết sức. Thủ tướng Binyamin Netanyahu cho biết “sẽ mất thời gian” để các cuộc xung đột khép lại. Quân đội nhấn mạnh rằng trước tiên phải làm suy giảm khả năng quân sự của Hamas. Ở hậu trường, họ thừa nhận có thể ngừng bắn. Nhưng không bên nào muốn bị xem là đã đầu hàng, đồng nghĩa mọi cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc không kích đều có nguy cơ làm leo thang xung đột.

 

Tòa Tối cao Mỹ sắp xem xét một vụ quan trọng về quyền phá thai

Hôm qua, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã thông báo họ sẽ xét xử cuộc chiến về quyền phá thai lớn nhất trong ba thập niên qua. Vụ kiện này, Dobbs v Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson xoay quanh lệnh cấm phá thai 15 tuần của Mississippi.

 

Đạo luật Tuổi thai, được thông qua vào năm 2018, là vi hiến theo các phán quyết Roe v Wade (1973) và Planned Parenthood v Casey (1992). Nhưng Dobbs đã mở lại câu hỏi về việc liệu các bang có thể cấm phá thai trước khi xác định được “khả năng tồn tại”, thời điểm một bào thai có thể tồn tại bên ngoài tử cung (khoảng 24 tuần).

 

Vụ này sẽ được tòa nghe vào mùa thu, một năm sau khi Amy Coney Barrett, một người phản đối phá thai, thay thế Ruth Bader Ginsburg khuynh hướng tự do ở vị trí thẩm phán của tòa. Tháng 6 năm ngoái, chánh án John Roberts đã đứng về phía các thẩm phán tiến bộ trong một vụ liên quan đến quy tắc hạn chế đối với các phòng khám phá thai. Nhưng với việc tòa có đa số bảo thủ 6-3, quyền phá thai xem ra đang bị đe dọa.

 

Đã 30 năm nhưng nền độc lập của Somaliland vẫn chưa được công nhận

Ba mươi năm trước, Somaliland tuyên bố độc lập khỏi Somalia. Quốc gia 4,5 triệu dân ở vùng Sừng châu Phi có thể nhìn lại ba thập niên tương đối thành công. Không như nước láng giềng bị chiến tranh tàn phá, Somaliland đang ổn định và hòa bình. Chỉ có điều chủ quyền của họ vẫn chưa được công nhận hoàn toàn. Cụ thể, trên danh nghĩa họ vẫn thuộc Somali, kể từ khi Somaliland thuộc Anh hợp nhất với thuộc địa Ý để tạo ra nước Somalia hiện đại vào năm 1960.

 

Mặc dù người nước ngoài thông cảm với việc không có địa vị nhà nước của Somaliland, nhưng các nước phương Tây và châu Phi nói nền độc lập chính thức phải được chấp thuận bởi Somalia — điều không thể xảy ra, vì làm vậy là khuyến khích các khu vực đang có ý định ly khai của họ. Do đó Somaliland bế tắc, độc lập trên thực tế nhưng không được phần còn lại của thế giới công nhận. Điều này khiến việc thu hút viện trợ và đầu tư trở nên khó khăn hơn — nhất là ở một nước có thanh niên thất nghiệp hàng loạt, với 70% dân số sinh sau năm 1991.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats