The
Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy
biên dịch
14/05/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/14/the-gioi-hom-nay-14-05-2021/
Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu nói
ông đang xem xét triển khai binh sĩ để kiểm soát các vụ ẩu đả giữa người Do
Thái và người Ả Rập tại các thành phố Israel vài ngày qua. Tình trạng bất ổn
này xuất phát từ căng thẳng ở Jerusalem, và cuộc giao tranh sau đó ở Gaza. Cho
đến nay, cuộc đấu rocket và không kích giữa Hamas và Lực lượng Phòng vệ Israel
(IDF) đã làm hơn 80 người Palestine và 7 người ở Israel thiệt mạng. IDF đã hủy
bỏ mọi chuyến nghỉ phép của các đơn vị chiến đấu, đồng thời gọi thêm 7.000 quân
dự bị.
Hàn Quốc sẽ chi 450 tỷ USD để
phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của họ trong thập niên tới. Hai hãng
Samsung và Hynx hiện đang sản xuất phần lớn các chip nhớ cơ bản của thế giới.
Nhưng nước này muốn vượt Đài Loan để dẫn đầu thế giới về các chip tiên tiến.
Chính phủ sẽ giảm thuế, nới quy định, hạ lãi suất và đầu tư nhiều hơn vào cơ sở
hạ tầng để giúp thúc đẩy ngành công nghiệp này ở trong nước.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ giảm
xuống còn 473.000 trong tuần kết thúc vào ngày 8 tháng 5, con số hàng tuần thấp
nhất kể từ giữa tháng 3 năm 2020, thời điểm đỉnh dịch tại Mỹ. Trong một diễn biến
khác, Amazon công bố kế hoạch thuê mới 75.000 nhân viên cho các kho hàng
của họ ở Mỹ và Canada. Hiện hãng thương mại điện tử này đã thuê gần một triệu
người trên khắp nước Mỹ.
Lệnh ngừng bắn 3 ngày do Taliban đặt ra
để chào mừng ngày lễ Eid al-Fitr sụp đổ chỉ vài giờ trong ngày đầu tiên bởi 4
quả bom quanh Afghanistan, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và 13 người
khác bị thương. Tất cả đều là bom gài bên vệ đường; ngoài ra không có ghi nhận
giao tranh giữa Taliban và chính phủ Afghanistan.
Cuba bắt đầu tiêm cho người lớn
hai loại vắc-xin covid-19 chưa được phê duyệt, trong nỗ lực ngăn chặn đà tăng
ca nhiễm ở nước này. Cả hai loại thuốc đều do Cuba tự sản xuất, song chưa được
cơ quan y tế của đất nước phê duyệt. Theo tiêu chuẩn quốc tế, số ca nhiễm của
Cuba thật ra khá thấp, nhưng hiện họ đang chiếm phần lớn số ca lây nhiễm mới ở
vùng Caribe.
Ý phạt Google hơn 100 triệu euro (120
triệu đô la) vì lạm dụng vị thế độc quyền trên chợ ứng dụng Android. Cụ thể, cơ
quan quản lý chống độc quyền của Ý đã cáo buộc gã khổng lồ công nghệ ưu ái
Google Maps hơn JuicePass, một ứng dụng bản đồ đối thủ do công ty năng lượng Ý,
Enel X, phát triển, có tính năng giúp người dùng xe điện tìm thấy các trạm sạc.
Miền đông nam nước Mỹ đang thiếu xăng trong những
ngày qua vì vụ tấn công ransomware vốn buộc Colonial Pipeline phải đóng
cửa. Hãng đường ống nhiên liệu lớn nhất đất nước nối lại hoạt động từ thứ Tư
nhưng cho biết sẽ còn mất nhiều ngày mới trở lại bình thường. Hiện hai phần ba
số trạm xăng ở Bắc Carolina, cùng khoảng một nửa trạm ở Georgia, Nam Carolina
và Virginia vẫn chưa có xăng.
TIÊU
ĐIỂM
GDP Ấn Độ thiệt hại
nặng vì covid-19
Khi làn sóng covid-19 đầu tiên của Ấn Độ đạt đỉnh
vào tháng 9 năm ngoái, người ta đã mải bàn về cách nền kinh tế sẽ phục hồi sau
cơn bão. Thậm chí vào đầu tháng 4, IMF còn tăng dự báo GDP cho nước này lên
12,5% trong năm tới.
Dù làn sóng thứ hai đã đạt đỉnh, nhưng quy mô
tàn phá của nó không thể làm người ta lạc quan được. Với việc số người chết
chính thức vượt quá 250,000 người, và con số thực cao gấp nhiều lần, các dự báo
hiện đang giảm xuống. Ngân hàng Credit Suisse dự đoán tăng trưởng 8,5-9%, chỉ đủ
bù đắp khoản đã mất trong năm ngoái.
Nền kinh tế chính thức của Ấn Độ sẽ hồi phục,
nhưng hai làn sóng dịch liên tiếp đã làm tê liệt khu vực phi chính thức khổng lồ
của nước này, và khiến hàng chục triệu người trở lại cảnh nghèo đói. Nợ của
chính phủ cũng sẽ sớm lên tới 90% GDP, khiến nhiều người phải nói về khả năng hạ
mức tín nhiệm. Đó sẽ là một đòn đau nữa cho Ấn Độ.
Cuộc xung đột hỗn
loạn giữa Israel và Palestine
Cuộc chiến mới nhất giữa Israel và các tổ chức
dân quân Palestine ở Dải Gaza, khởi động từ hôm thứ Hai, vẫn chưa có dấu hiệu hạ
nhiệt. Hamas và Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo đã phóng gần 2.000 quả rocket vào
các thị trấn của Israel, giết chết ít nhất 7 người nước này. Đáp lại, Israel tiến
hành không kích trả đũa tại Gaza, giết chết các tay súng và hàng chục dân thường.
Trong khi đó, các thị trấn với dân số trộn lẫn hai sắc tộc chìm trong hỗn loạn.
Cả giáo đường Do Thái và nhà thờ Hồi giáo đều bị tấn công, trong khi các cơ sở
kinh doanh của cả hai cộng đồng bị đốt cháy.
Lý do của tất cả điều này là việc Israel xuống
tay với người biểu tình ở nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem trong tháng
Ramadan. Nhưng tháng thánh đã qua đi còn các cuộc đụng độ vẫn leo thang. Hamas
đã đánh tiếng quan tâm đến một lệnh ngừng bắn. Song quân đội Israel, theo một
người phát ngôn, đã nhận được “lệnh hành quân” để tăng cường hoạt động. Nếu tên
lửa không ngừng lại, máu có thể sẽ đổ nhiều hơn nữa.
Nạn đói thế giới
trầm trọng hơn trong đại dịch
Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nhiều mặt trái
tồn tại có sẵn của thế giới. Nạn đói toàn cầu là một trong số đó. 155 triệu người
ở 55 quốc gia được ước tính là “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” trong năm
ngoái, theo một báo cáo do cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc công bố vào tháng
này. Con số đó cao hơn 20 triệu so với năm 2019.
Báo cáo cố gắng lý giải các nguyên nhân gây ra
khủng hoảng lương thực. Yếu tố quan trọng nhất là xung đột, vốn liên quan đến nạn
đói của 99 triệu người ở 23 quốc gia, tăng từ 77 triệu người của năm 2019. Hiện
các cuộc chiến ở Ethiopia và Yemen đã đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn
đói.
Nhưng tác động của covid-19 cũng rất lớn. Các
cú sốc kinh tế được cho là liên quan đến nạn đói ngắn hạn của khoảng 40 triệu
người trong năm 2020, gần gấp đôi so với con số 2019. Các nước nghèo hơn, vì
thiếu vắc-xin, sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau đại dịch. Trong
khi đó, virus nạn đói tiếp tục lây lan.
Hy Lạp lên kế hoạch
đón du khách trở lại
Đại dịch kéo dài không phải là lý do để hoãn
đi nghỉ, ít nhất là theo lời của các bộ trưởng Hy Lạp. Với mong muốn thu tiền từ
khách du lịch trở lại, họ đang cho phép du khách từ 35 quốc gia đến thăm mà
không cần kiểm dịch. Các chuyến bay đầu tiên sẽ hạ cánh hôm nay tại các sân bay
trên đảo. Khi đến, du khách sẽ phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc
giấy xét nghiệm covid-19 âm tính. Sau đó là bãi biển vắng và các quán rượu vẫy
gọi.
Nhưng dường như họ đến không đúng lúc. Đầu tuần
này, số ca nhiễm covid-19 mới ở Hy Lạp đã lần đầu vượt quá mức trung bình của
EU. Chính phủ đang vật lộn để tiêm phòng cho 1,5 triệu người sống trên các hòn
đảo hút khách trước cuối tháng 6. Nếu đến mùa du lịch tháng 7-tháng 9, thời điểm
các khách sạn bỏ túi tới hơn một nửa thu nhập hàng năm, mà vẫn chưa mở cửa thì
nền kinh tế có thể lại rơi vào suy thoái.
Một công ty Mỹ
nghiên cứu tái sử dụng tên lửa đẩy
Bắn tên lửa vào không gian là một ngành kinh
doanh tốn kém. Bất kỳ phương tiện nào muốn rời khỏi bầu khí quyển Trái đất đều
cần một tên lửa để đẩy nó đi trong chặng đầu tiên của sứ mệnh, trước khi tách
ra và rơi xuống Trái đất. Các tên lửa đẩy này thường chỉ dùng có một lần. Nhưng
ngày mai Rocket Lab, một công ty hàng không vũ trụ Mỹ, sẽ bắt đầu thử nghiệm một
phương pháp “phóng, bắt và lặp lại” các tên lửa đẩy của họ.
Khoảng 150 giây sau khi cất cánh từ bệ phóng
trên bờ biển phía đông Đảo Bắc của New Zealand, tên lửa đẩy của Rocket Lab sẽ
tách ra và lao xuống bầu khí quyển với tốc độ gấp tám lần tốc độ âm thanh. Những
chiếc dù sẽ được bung ra để giảm tốc độ rơi của nó xuống phía nam Thái Bình
Dương, và từ đó được vớt lên để nghiên cứu các dấu hiệu của thiệt hại do nhiệt.
Mục đích cuối cùng là để trực thăng bắt tên lửa đẩy khi chúng rơi xuống, để có
thể tái sử dụng cho các sứ mệnh trong tương lai. Nếu vậy có thể giảm đáng kể
chi phí.
No comments:
Post a Comment