Thành ngữ “Mặt nghệt như mất sổ gạo” (kỳ 6): Kho lương thực
Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021
https://thongcao55.blogspot.com/2021/05/thanh-ngu-mat-nghet-nhu-mat-so-gao-ky-6.html
Tháng 8.1964, máy bay Mỹ đánh ra miền Bắc. Lứa
chúng tôi sinh sau ngày hòa bình lập lại, vào độ tuổi lên 10, lần đầu tiên biết
thế nào là chiến tranh. Lại những cuộc sơ tán người và tài sản, chỉ không giống
thời Pháp từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do, mà là kéo nhau về nông thôn. Các gia
đình ngoài phố đưa con cái về nông thôn để tránh bom bởi thời ấy người ta nghĩ
rằng phố xá là nơi máy bay Mỹ nhắm đến. Thực tế thì có những phố bị bom, bị
đánh phá, nhưng chủ yếu là những trận địa, kho tàng, cầu cống, bến cảng… Những
khu Sở Dầu, Thượng Lý, Xi Măng, cầu Niệm ở Hải Phòng bị bom, nhiều người chết,
một phần do dính với những thứ ấy.
Người lớn là cán bộ công nhân viên thì ở lại cơ quan, nhà máy xí nghiệp làm việc,
chỉ những người già cả, người không công ăn việc làm, người buôn bán phải đi sơ
tán. Bọn trẻ con thì sơ tán trăm phần trăm. Trường học quê tự dưng đông gấp đôi
gấp ba. Tôi còn nhớ thời ấy có bài hát “Về đồng quê” (chả nhớ của nhạc sĩ nào bởi
lâu quá rồi, cũng không tìm thấy dấu vết trên mạng, kể cả Gu gồ) viết riêng cho
đám trẻ sơ tán, vẫn thuộc mấy câu: “Về đồng quê em vui chơi học hành/Giúp đỡ
gia đình cô bác bà con/Về đồng quê em đào mương chống Mỹ/Phân bón gây thật nhiều
cho đồng lúa xanh tươi/Lúa lúa ơi em yêu cây lúa/Lúa nuôi anh bộ đội diệt quân
Mỹ xâm lăng/Về đồng quê em yêu mến lũy tre làng/Chăm học chăm làm để cố gắng
thành trò ngoan”… Các bạn sơ tán của tôi, giờ ít nhất cũng ngoài 60, chả biết
có ai còn thuộc bài này.
Kho tàng cũng phải sơ tán. Sau khi nhà tôi bị buộc “tự nguyện” vào hợp tác xã
năm 1964, ruộng đất phải góp vào hợp tác gần hết, trong đó có mấy sào ven đường.
Thày bu tôi trước đó mua ruộng đều mua những thửa ven đường cho tiện đi lại
canh tác. Đôi lúc lẩn thẩn nghĩ, giá nhà mình cứ quyết không vào hợp tác, cứ
làm ăn riêng lẻ cá thể, giữ được đám ruộng ấy tới bây giờ, đem phân lô bán nền
thì có khi còn giàu hơn Bill Gates. Một thửa phía đông nhà tôi được xây thành cửa
hàng hợp tác xã mua bán, còn thửa to hơn phía tây nhà được trưng dụng xây dựng
kho lương thực của huyện. Còn một thửa nữa của nhà tôi, cũng ven đường, nhà nước
lấy xây kho phân đạm. Giờ thì tất cả đã thành nhà riêng của mấy chục gia đình.
Hợp tác xã tan, đất đó bị đem bán, tiền chạy đi đâu chả biết, chứ nhà tôi không
được xu nào. Cuộc cách mạng và giải phóng ở xứ này, về thực chất là cuộc chiếm
đất chiếm nhà dưới những hình thức mỹ miều, ở miền Bắc trước 1975 và miền Nam
(nhất là Sài Gòn) sau 1975 là vậy. Chuyện cướp nhà, tôi sẽ biên kể kỹ hơn trong
bài riêng. Chẳng phải vô lý mà người ta chế thêm lời bài hát “Tiến về Sài Gòn”
của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước - Mai Văn Bộ) thành “Tiến về Sài
Gòn, ta chiếm nhà mặt tiền/Tiến về Sài Gòn, ta chiếm nhà thật tooooo”.
Năm 1965, kho lương thực bề thế xây xong, gạo đổ về kìn kìn chất đầy tới nóc, để
dự trữ nuôi quân ăn no đánh giặc, để chở dần ra tiền tuyến. Nhiều hôm tôi sang
ao kho câu cá, nhìn những bao gạo căng ninh ních to như con lợn lai kinh tế, chỉ
ao ước nhà mình có một bao, nấu nồi cơm trắng không độn, ăn sướng biết chừng
nào. Thày tôi bảo gạo của nhà nước, chúng mày vào đó chớ có đụng chạm tơ hào một
hột, nghe chửa.
Thời gian đầu, hai ông thủ kho là ông Sáu và ông Minh. Các ông là cán bộ nhà nước,
lúc nào cũng tề chỉnh. Ông Sáu có cái răng vàng, cười sáng lóe, chuyên mặc áo đại
cán 4 túi, mùa nực cũng như mùa lạnh. Ông Minh nhỏ người, thấp bé, bỏ áo trong
quần nghiêm túc. Hai ông hay qua nhà tôi uống nước chè, hút thuốc lào, chuyện
vãn vài ba câu rồi về làm. Nhà kho to lớn hoành tráng thế mà lúc nào cũng sạch
bong. Các ông còn lấy tre nứa làm hàng rào lối đi, trồng hoa những chỗ đất trống.
Có lần thày tôi bảo ông Sáu, kho của các ông trông như công viên, hai ông thích
lắm. Thày còn kể chuyện, ông Minh tâm sự trông coi kho gạo cả nghìn tấn như thế
nhưng các ông vẫn ăn độn, đúng khẩu phần lương thực của mình. Hèn gì ông Minh gầy
thật, người hom hem, chỉ ngoài 4 chục ký là cùng. Công nhận thời đó cán bộ phần
lớn tử tế đàng hoàng, có nhân cách, không như sau này.
Khoảng năm 68-69 thì hai ông chuyển đi kho khác, về thay là cô Hoa miền Nam tập
kết. Một mình cô trông coi, nhưng có sự phụ giúp của ba đứa con, thằng Hùng,
cái Kiều Nga, cái Hải Nam. Chồng cô là chú Võ Đại Dũng người Huế đang chiến đấu
trong Nam. Cô Hoa cao to, nóng tính, tiếng oang oang nên đám trẻ con chúng tôi
đứa nào cũng sợ, thậm chí không dám vào ao kho câu, chỉ sợ cô nghi vào lấy trộm
gạo. Năm 1970, một hôm nghe tiếng khóc gào thảm thiết bên nhà kho vọng sang,
tôi khều hỏi thằng Hùng chuyện gì vậy, nó bảo ba em hy sinh rồi, giấy báo tử vừa
đưa về. Từ bấy cô Hoa lúc nào cũng thắt khăn tang, ít nói hẳn, lặng lẽ. Mấy anh
em Hùng, Nga, Nam rất ngoan, dần dà làm nguôi ngoai nỗi đau của mẹ. Tôi rất
thích tính thằng Hùng, nó cực chăm chỉ, ham đọc sách số 1. Không cuốn sách nào
của nhà tôi mà nó không đọc, kể cả mấy cuốn hướng dẫn cách trồng rau của thày tôi.
Năm 1972 tôi đi học xa nhà, mỗi lần về anh em lại tíu tít. Sau tháng 4.1975, mấy
mẹ con cô Hoa dắt díu nhau về Nam, quê chồng. Tôi không gặp lại mẹ con cô lần
nào nữa, nghe anh trai tôi bảo rằng Võ Đại Hùng lái tàu hỏa, hình như có lần bị
tai nạn nên gặp lôi thôi. Cái kho lương thực ấy bây giờ không còn chút dấu tích
gì. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
No comments:
Post a Comment