Thursday, 13 May 2021

PHẢN BIỆN MỘT CÂU NÓI CỦA ÔNG PHÚC (Nguyễn Đình Cống)

 



Phản biện một câu nói của ông Phúc

Nguyễn Đình Cống

13/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/13/phan-bien-mot-cau-noi-cua-ong-phuc/

 

Trong buổi tiếp xúc cử tri, ứng viên Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước, đã nói đến một số điều, trong đó có câu: Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân, nhưng dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn!“.

 

Rất nhiều điều ông Phúc nói có thể phản biện. Bài này chỉ phản biện một câu vừa trích dẫn.

 

Câu ấy vừa nghe qua thì thấy đúng và hay, lừa được những người nhẹ dạ cả tin, nhưng ngẫm nghĩ kỹ mới phát hiện ra một số điều bất hợp lý được giấu kín.

 

Thứ nhất là “Ý kiến của nhân dân”. Nhân dân Việt Nam hiện có ba tầng lớp với những ý kiến rất khác nhau. Một là tầng lớp trên, được chế độ ưu đãi, họ luôn luôn ủng hộ và bảo vệ chế độ.

 

Hai là tầng lớp bình dân, họ có nhu cầu cơ bản là được yên ổn để sinh sống và làm ăn, họ chủ yếu nghe theo chính quyền, sợ chính quyền, không dám nói khác ý chính quyền (trừ khi họ bị áp bức, bị oan ức không thể chịu nổi).

 

Ba là tầng lớp trung lưu, trong đó có những người trí thức, họ có nhu cầu cao về tự do dân chủ, một số người trong họ là những nhà phản biện.

 

Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân. Phải chăng chỉ xem trọng ý kiến của tầng lớp trên và tầng lớp bình dân, còn phớt lờ phần lớn ý kiến của tầng lớp trung lưu và ai có ý kiến phản biện thì bị cho là “thế lực thù địch”, bị bắt bớ, tra tấn, tù tội.

 

Thế là dân chủ có lựa chọn. Ngay như số cử tri đến tiếp xúc với ông Phúc cũng được lựa chọn khá kỹ chứ có phải ai cần hoặc muốn đến gặp mà được đâu. Như vậy câu “Đảng luôn xem trọng ý kiến của nhân dân” mới chỉ là một phần của sự thật. Mà một phần của sự thật thì nhiều khi chưa phải là sự thật.

 

Thứ hai là “Dân chủ tào lao đất nước sẽ loạn”. Đây là ngụy biện kiểu đánh tráo khái niệm. Thế nào là dân chủ tào lao. Thí dụ trong buổi họp có người nói: Thưa chủ tịch, ngài nói sai rồi. Người ấy có nói tào lao không?

 

Ý kiến mà chính quyền, lãnh đạo cần xem trọng, chính là những ý kiến phản biện được phát biểu thông qua tự do ngôn luận, tự do báo chí, chứ không chỉ ở trong các hội nghị mà người tham dự được chọn lựa kỹ càng. Dân oan bị cướp đất, họ tổ chức phản đối, thế có phải dân chủ tào lao không? Trung Quốc có mưu đồ xấu, dân biểu tình phản đối có phải việc tào lao không? Đưa ra khái niệm dân chủ tào lao để hù dọa dân, để cho những người có chức quyền lợi dụng đàn áp dân, phải chăng đó là một mánh khóe?

 

Thứ ba là “Đảng luôn xem trọng…”. Ông Phúc đang ở vai trò ứng viên tiếp xúc cử tri. Ông đem Đảng ra để làm gì? Phải chăng Đảng của ông là thần, là thánh? Phải chăng ông không đủ tự tin để nói với cử tri mà phải viện dẫn đến Đảng của ông để làm bình phong?

 

-------------------

 

LIÊN QUAN

 

DÂN CHỦ TÀO LAO (Lê Minh Nguyên)

 

BÀN VỀ “DÂN CHỦ TÀO LAO” CỦA ÔNG PHÚC (Trương Nhân Tuấn)

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats