Đồng
Nhân dân tệ kỹ thuật số: Tác động chính trị và chiến lược
Dylan
MH Loh và Karyn Liow - RSIS
Commentary
Đỗ Đặng Nhật Huy dịch
thuật
26/05/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/05/26/dong-nhan-dan-te-ky-thuat-so-tac-dong-chinh-tri-va-chien-luoc/
Sức hút của tiền kỹ thuật số trên toàn cầu cũng như
sự phát triển của tiền số tư nhân đã khiến các ngân hàng trung ương trên khắp
thế giới xem xét phát triển các loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Hiện nay Trung
Quốc đang dẫn đầu với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Cuộc chạy đua để ra mắt đồng
tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (central bank digital currency, hay
CBDC) lớn đầu tiên trên thế giới và sự chính trị hóa loại tiền tệ này là hồi
chuông báo hiệu khởi đầu một cuộc cạnh tranh mới giữa các nền kinh tế lớn.
Đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để
chuyển đổi mạnh từ tiền mặt sang các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Trong
bối cảnh tiền điện tử dần trưởng thành, điều này khiến các ngân hàng trung ương
trên toàn thế giới phải suy nghĩ nghiêm túc về việc phát hành các loại tiền kỹ
thuật số của riêng họ.
Trên mặt trận này, Trung Quốc đang dẫn đầu thế
giới, với đồng Tiền tệ Kỹ thuật số/Thanh toán Điện tử (DC/EP), hay gọi ngắn gọn
là đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu
nghiên cứu về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số từ năm 2014. Ba năm sau, họ thành lập
Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số và sau đó cho ra mắt loại tiền kỹ thuật số
của riêng mình.
Các dự án thí điểm
của Trung Quốc
Nhiều dự án thí điểm trên khắp Trung Quốc đã
cho phép cư dân của một số thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thâm Quyến và Tô Châu,
dùng thử tiền kỹ thuật số cho cả giao dịch mua trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Sáu
ngân hàng nhà nước lớn ở Thượng Hải đang làm việc với PBOC để quảng bá đồng
nhân dân tệ kỹ thuật số như một giải pháp thay thế cho các nền tảng thanh toán
phi tiền mặt hiện có – Alipay và WeChat Pay.
Một cuộc thí điểm hiện đang được tiến hành ở
10 khu vực: Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô, Bắc Kinh (Xiong’An New Area), Thượng
Hải, Hải Nam, Trường Sa, Tây An, Thanh Đảo và Đại Liên. Được thiết kế nhằm tạo
điều kiện thuận lợi cho các giao dịch nội địa tức thì, thí điểm giúp kiểm tra
tính ổn định và dễ sử dụng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
CBDC của Trung Quốc cũng hứa hẹn sẽ giải quyết
những mối lo ngại pháp lý lâu năm như tháo chạy vốn, rửa tiền, trốn thuế và tài
trợ khủng bố. Tại thời điểm tháng 4 năm 2021, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã
được dùng ở các cửa hàng như Starbucks và McDonald’s, cũng như các doanh nghiệp
tư nhân khác như JD.com.
Cuộc thử nghiệm nhân dân tệ kỹ thuật số của
Trung Quốc không chỉ dừng lại ở người dùng trong nước. PBOC gần đây đã bắt tay
với Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) để giám sát các vụ thí điểm thanh toán bằng
đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ở cấp độ xuyên biên giới. Trung Quốc cũng có ý định
cho phép các vận động viên nước ngoài sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số
trong Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh vào tháng 2 năm 2022. Với tiến độ thí điểm
hiện tại và sắp tới, Trung Quốc khả năng cao sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên giới
thiệu thành công một CBDC.
CDBC của Trung Quốc:
Phản ứng khu vực
Sự phát triển nhanh chóng đồng nhân dân tệ kỹ
thuật số của Trung Quốc đã làm gia tăng những lo ngại về quyền riêng tư, an
ninh quốc gia và quyền lực chính trị ở phương Tây, đặc biệt là ở Washington và
các đối tác thân cận của Mỹ.
Bất chấp những cam đoan từ cả PBOC và cựu thống
đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên rằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ chỉ dùng trong nước,
các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang ngày càng cảnh giác với thách thức đặt ra
bởi các nỗ lực trình làng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.
Trong khi các quan chức của Ủy ban Chứng khoán
và Giao dịch Hoa Kỳ nói đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc vẫn chưa phải
là một thách thức nghiêm trọng cho đồng đô la Mỹ, các quan chức Đảng Cộng hòa bảo
thủ lại xem nó như tham vọng lâu dài của Trung Quốc nhằm xây dựng một đồng tiền
dự trữ thống trị thế giới. Thật vậy, nhà sử học Niall Ferguson đã gọi đồng nhân
dân tệ kỹ thuật số là một “thách thức chí mạng” đối với quyền bá chủ tài chính
kéo dài hàng thập niên qua của Hoa Kỳ.
Các nhà hoạch định chính sách Đài Loan cũng dần
có quan điểm tương tự. Trước đây, đồng minh thân Mỹ này chỉ coi nhân dân tệ kỹ
thuật số “không gì hơn một tác phẩm tuyên truyền và trò lăng xê của Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, màn ra mắt thành công nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc đã khiến
ngân hàng trung ương Đài Loan ngày càng coi đây là một mối đe dọa an ninh.
Đáng ngạc nhiên là Nhật Bản phản ứng khá nước
đôi. Một mặt, các quan chức Nhật Bản nói đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung
Quốc khó có thể đe dọa vị thế của đồng đô la Mỹ, trong khi chính họ thừa nhận
Trung Quốc có “lợi thế đi trước” trong việc phát hành một loại tiền kỹ thuật số
quốc gia.
Sự lan tỏa toàn cầu
và chính trị hóa CBDC
Đà tiến nhanh của Trung Quốc đã khiến ba bên đẩy
nhanh các kế hoạch CBDC của riêng họ. Dù ban đầu Chủ tịch Yang Jinlong của Ngân
hàng Trung ương Đài Loan nói Đài Loan “không vội vàng tung ra một loại tiền kỹ
thuật số”, nhưng họ lại triển khai thử nghiệm CBDC bán lẻ của riêng mình vào
tháng 9 năm 2020. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng xác nhận có kế hoạch cho một
đồng Yên kỹ thuật số. Đồng Yên này hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm đầu
tiên, kéo dài đến tháng 3 năm 2022.
Ngoài ra, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ
Jerome Powell hồi tháng 2 năm 2021 cũng từng nói đồng đô la kỹ thuật số là một
“dự án ưu tiên cao.” Mặc dù Mỹ khó có thể chiến thắng trong cuộc đua phát triển
đồng tiền kỹ thuật số quốc gia, nhưng chính quyền Biden gần đây đã để mắt hơn đến
chương trình nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc.
Các quốc gia thành viên ASEAN cũng đã đẩy mạnh
nỗ lực tung ra các loại tiền kỹ thuật số quốc gia, mặc dù còn có khoảng cách về
mức độ chín muồi. Các động thái đáng chú ý bao gồm Dự án Bakong của Campuchia,
Dự án Inthanon của Thái Lan và Dự án Ubin của Singapore. Các nước khác như
Indonesia, Malaysia và Philippines vẫn đang trong quá trình nghiên cứu khả thi
ban đầu. Myanmar, Việt Nam và Lào không có cái nhìn thiện cảm với tiền kỹ thuật
số nên bị tụt lại.
Khác biệt giữa các nước thành viên ASEAN xoay
quanh tiền kỹ thuật số khiến khối này không thể thống nhất một quan điểm chung
đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc. Ví dụ, Ngân hàng Thái Lan
đang hợp tác với Trung Quốc, Hồng Kông và Ngân hàng Trung ương UAE. Cơ quan Tiền
tệ Singapore (MAS) cũng hoan nghênh hợp tác chặt chẽ với PBOC để trao đổi kiến thức và chuyên môn với Trung Quốc về CBDC.
Định nghĩa lại tiền?
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng
gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, có lẽ những tiến bộ nhanh chóng
của Trung Quốc đối với CBDC khó tránh khỏi một số lo ngại từ Washington và các
đồng minh. Thật vậy, sự tiến bộ nhanh chóng của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số hứa
hẹn không chỉ định nghĩa lại các phương thức thanh toán hiện có mà còn cả bản
thân khái niệm “tiền”.
Ngoài sự phức tạp về mặt kỹ thuật, có lẽ quan
trọng hơn là cách CBDC của Trung Quốc cho phép Bắc Kinh theo dõi và giám sát
các giao dịch tài chính ở mức độ chi tiết.
Điều này khiến nó trở thành một mô hình hấp dẫn
cho các nước khác làm theo – có thể qua đó giúp mở rộng ảnh hưởng tài chính của
Trung Quốc ở khu vực. Khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhận thấy
được ý nghĩa to lớn của công nghệ blockchain, thì cuộc cạnh tranh và cuộc đua
chính trị hóa CBDC đã khai màn./.
--------------------------------------------
Dylan MH Loh là giáo sư
chương trình chính sách công và các vấn đề toàn cầu tại Đại học Công nghệ
Nanyang (NTU), Singapore. Karyn
Liow là sinh viên đại học cùng chương trình.
Nguồn:
Dylan MH Loh và Karyn Liow, “Digital
Yuan: Politicisation of China’s CBDC”, RSIS Commentary,
21/05/2021.
No comments:
Post a Comment