Nước
Mỹ trước một chặng đường mới
Hiếu
Chân
May 5, 2021
https://saigonnhonews.com/hoa-ky/nuoc-my-truoc-mot-chang-duong-moi/
Bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc Hội của Tổng Thống
Joe Biden hôm 28 Tháng Tư không chỉ trình bày những chính sách mới của chính phủ
mà còn báo hiệu một chuyển biến mới của nước Mỹ cả về kinh tế, chính trị và ngoại
giao.
Các “Kế Hoạch Việc Làm” (American Job Plan) trị
giá $2,300 tỷ và “Kế Hoạch Gia Đình” (American Family Plan) trị giá $1,800 tỷ
mà ông Biden giới thiệu trong bài diễn văn thực sự là động lực đưa nước Mỹ vào
một hướng phát triển mới.
Các kế hoạch này đặt trọng tâm vào công bằng
xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm giành “chiến thắng trong thế kỷ 21”
trong cuộc đua với Trung Quốc và nhiều đối thủ khác.
Trước đó, ông Biden đã khai triển kế hoạch “Giải
Cứu Nước Mỹ” (American Rescue Plan) có chi phí $1,900 tỷ, dù chỉ là một phản ứng
cấp thời để ứng phó với thảm họa COVID-19, nhưng đã hỗ trợ các gia đình thu nhập
thấp và tái khởi động các hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Hướng đi mới mà ông Biden đề nghị là chia tay
với mô hình quản trị “chính phủ nhỏ,” sử dụng quyền lực nhà nước để thúc đẩy
phát triển kinh tế và công nghệ, tạo lập một xã hội công bằng và thịnh vượng.
Về kinh tế, ông Biden khẳng định: “Đồng bào Mỹ thân mến, kinh tế học thẩm thấu từ trên xuống
đã không bao giờ hoạt động. Đã đến lúc phải thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng từ
dưới và từ giữa lên.”
Để hiểu câu nói đó của ông Biden, cần để ý rằng
suốt 40 năm qua từ thời Tổng Thống Ronald Reagan (tổng thống thứ 40,
1981-1989), ý tưởng chủ đạo trong chính trị Mỹ là đường lối “chính phủ nhỏ”:
đánh thuế thấp, giảm bớt quy định về kinh tế, cân đối ngân sách, khuyến khích cạnh
tranh, hạn chế nghiệp đoàn và bảo vệ tự do của người kinh doanh.
Các kinh tế gia cánh hữu cho rằng, thị trường
tự do có “bàn tay vô hình” sẽ điều tiết hoạt động của xã hội, điều tiết dòng chảy
của cải theo hướng “thẩm thấu” (trickle-down): của cải và lợi nhuận từ những
người giàu sẽ thẩm thấu dần xuống những tầng lớp trung lưu và người nghèo. Khi
các công ty tăng trưởng, tiền lời thu được sẽ được các ông chủ đầu tư trở lại
cho hoạt động kinh doanh, mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhận
thêm nhiều người lao động – người nghèo nhờ đó mà có công ăn việc làm, có thu
nhập và cả xã hội sẽ cùng tiến bộ.
Trong một thị trường tự do như vậy, vai trò của
chính phủ nên được thu hẹp, chính phủ không nên can thiệp vào hoạt động kinh
doanh của các công ty. Để doanh nghiệp phát triển, chính phủ chỉ cần đặt ra luật
lệ, giảm bớt các quy định về kinh tế, môi trường, khuyến khích cạnh tranh, giảm
thuế để công ty có tiền đầu tư mở rộng hoạt động. Chính phủ cũng được yêu cầu đứng
về phía các ông chủ, thân doanh nghiệp (pro-business) vì các ông chủ tạo ra
công việc làm; nghiệp đoàn – với tư cách đại diện cho người lao động, cần phải
được hạn chế.
Trong xã hội tự do như vậy, người dân được
khuyến khích phải làm việc khi có đủ điều kiện về sức khỏe; mạng lưới phúc lợi
xã hội chỉ nên duy trì ở mức độ tối thiểu để không ai có thể lợi dụng, dựa vào
phúc lợi xã hội để tránh né lao động. Quan niệm “chính phủ nhỏ” thu hẹp vai trò
của chính phủ vào chức năng lập pháp và thực thi pháp luật thay vì phải đảm
trách việc cung cấp các dịch vụ công như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội. Tổng
Thống Ronald Reagan từng có câu nói nổi tiếng: “Chính phủ không phải là giải
pháp cho các vấn đề của chúng ta, chính phủ chính là vấn đề.”
Quan niệm kinh tế “thẩm thấu” và chính phủ nhỏ
không chỉ ngự trị ở Mỹ mà trở thành chủ nghĩa Thatcher (Thatcherism) ở Anh và
chi phối chính sách của các chính phủ sau Reagan-Thatcher, kể cả chính phủ thuộc
đảng Lao Động Anh và các chính phủ Clinton, Obama thuộc đảng Dân Chủ Mỹ. Có thể
tìm hiểu thêm về học thuyết kinh tế này trong các công trình nghiên cứu của nhà
kinh tế học theo trường phái tân tự do như Milton Friedman (Giải Nobel Kinh tế
1976) ở Mỹ và Huân Tước Alan Walters, cố vấn kinh tế của Thủ Tướng Margaret
Thatcher ở Anh.
Bốn mươi năm qua, đường lối kinh tế “thẩm thấu”
của Tổng Thống Ronald Reagan, gọi là Reaganomics, đã đem lại sự thịnh vượng cho
nước Mỹ, giảm lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp nhưng cũng tạo ra hố ngăn cách
ngày càng rộng giữa người giàu và người nghèo và gia tăng nợ công. Những ông chủ
trong nền kinh tế cũng không hành động “thẩm thấu” như kỳ vọng của các nhà hoạch
định chính sách: tiền lời thu được, cùng với tiền thuế được chính phủ miễn giảm,
thay vì được đầu tư trở lại mở rộng sản xuất để tạo nhiều công việc làm thì các
ông chủ đem đầu tư ra nước ngoài, mua lại cổ phần trên thị trường chứng khoán để
nâng giá cổ phiếu. Người nghèo, người lao động đã không nhận được phần tương xứng
trong công cuộc phát triển kinh tế theo chính sách Reaganomics.
Những người ủng hộ
ông Joe Biden trong cuộc bầu cử năm 2020. Hình minh họa. Credit: Colin
Lloyd/Unsplash.
Những bất cập của đường lối kinh tế
Reaganomics bộc lộ rõ trong những năm đầu của thế kỷ 21, sau khi Trung Quốc gia
nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO và trở thành công xưởng của thế giới nhờ lực
lượng lao động đông đảo, giá nhân công thấp. Hàng loạt nhà máy, công ty chuyển
hoạt động sang Trung Quốc, tận dụng thị trường lao động giá rẻ để tối đa hóa lợi
nhuận, nhiều triệu người lao động ở Mỹ bị mất việc trong khi mạng lưới phúc lợi
xã hội bị thu hẹp dưới thời Reagan đã không còn đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu
cho người nghèo.
Đại dịch COVID-19 trong năm 2020-2021 càng làm
cho sự chia cách giữa người giàu và người nghèo, giữa giới chủ và người lao động
trong xã hội Mỹ càng thêm gay gắt: trong khi nhiều hoạt động kinh tế bị ngưng
trệ, hàng triệu người bị mất việc phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp thì Wall
Street vẫn có thêm 56 tỷ phú và tài sản của họ vẫn tăng không ngừng.
Theo CNBC,
từ khi đại dịch bùng phát giữa Tháng Ba, 2020, đến cuối năm 2020, tài sản của
659 tỷ phú Mỹ tăng thêm $1,000 tỷ nhờ giá cổ phiếu tăng vọt; và tổng tài sản của
họ nhiều gấp đôi so với tổng tài sản của 165 triệu người Mỹ nghèo nhất.
Chính quyền Biden muốn thay đổi tình trạng đó.
Ông Biden cho rằng 40 năm qua, các chính phủ đã nuông chiều, thậm chí khuyến
khích các công ty ra đi và chuyển đầu tư ra nước ngoài, tạo nên một thảm họa quốc
gia mà ông đưa ra những chính sách để đảo ngược xu thế ấy.
Trọng tâm những nỗ lực “Xây Dựng Lại Tốt Hơn”
(Build Back Better) của ông Biden là khôi phục vai trò của chính phủ với tư
cách người cung cấp dịch vụ công, kiến tạo công bằng xã hội, lấy tầng lớp trung
lưu làm nòng cốt cho xã hội. Chính phủ của ông Biden sẽ không phải là “chính phủ
nhỏ” như quan niệm của cố Tổng Thống Reagan mà mở rộng ra để thực hiện những
công việc mà thành phần tư nhân không làm, không thể làm hoặc không muốn làm vì
không mang lại lợi nhuận kỳ vọng.
“Kế Hoạch Gia Đình” đặt trọng tâm vào việc miễn
giảm thuế (tax credit) cho các thành phần dân cư phụ thuộc, hỗ trợ gia đình có
con trẻ, mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe phổ quát cho toàn dân, miễn học
phí đại học công lập, trợ cấp chăm sóc trẻ em trước tuổi đi học để các bậc cha
mẹ có thể đi làm toàn thời gian mà không vướng bận chăm sóc con cái…
“Kế Hoạch Việc Làm” không chỉ nhằm tu bổ, xây
dựng cầu đường, bến cảng, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động kinh tế
mà còn nhằm phát triển các cộng đồng nông thôn qua hệ thống điện toán tốc độ
cao, đem cơ hội làm ăn tới mọi ngóc ngách của nước Mỹ thay vì chỉ tập trung ở
các đô thị lớn; tài trợ hoạt động nghiên cứu sáng tạo công nghệ mới.
Mục đích lâu dài của các kế hoạch này còn là
cuộc đầu tư lớn vào các thế hệ tương lai, từ việc giảm nghèo cho trẻ em các gia
đình thu nhập thấp hiện nay đến mở rộng cơ hội học tập ở bậc cao, để từ đó nâng
cao phẩm chất, năng suất của lực lượng lao động Mỹ – yếu tố bảo đảm lợi thế
trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Để làm được những chương trình tham vọng này,
nước Mỹ cần một chính phủ lớn, mạnh và hiệu quả.
“Ông Biden đang dẫn dắt cuộc mở rộng lớn lao nhất của
chính phủ Mỹ trong nhiều thập niên qua, một nỗ lực sử dụng khoản chi tiêu
$6,000 tỷ của chính phủ liên bang để giải quyết những thách thức kinh tế xã hội
ở quy mô chưa từng thấy trong nửa thế kỷ,”
báo The New York Times nhận định.
Tất nhiên để có $6,000 tỷ đầu tư vào những
chương trình nhiều tham vọng như vậy, chính phủ phải tăng thuế. Nhiều người bị
sốc khi thấy cựu Tổng Thống Donald Trump mở đầu nhiệm kỳ bằng một đạo luật cắt
giảm thuế rất mạnh, thuế lợi tức công ty giảm từ 35% xuống còn 21%, trong khi
ông Biden hành động ngược lại, chủ trương tăng thuế để có tiền thực hiện các kế
hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, dự định tăng thuế của chính quyền
Biden không thực hiện tràn lan mà nhắm vào thành phần giàu có trong xã hội, vào
những cá nhân có thu nhập hằng năm từ $400,000 trở lên. Lần đầu tiên, chính quyền
Biden đang làm việc với lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới để lập ra một
mặt bằng thuế lợi tức doanh nghiệp chung, thống nhất trên toàn cầu, để ngăn các
công ty dùng các xảo thuật kế toán kê khai thuế ở những nơi nào có mức thuế thấp
nhất, tránh những nước có mức thuế cao trong một xu thế mà Bộ Trưởng Tài Chính
Janet Yellen gọi là “cuộc đua xuống đáy.”
Người nghèo và người trung lưu có thu nhập dưới
$400,000 không phải lo lắng gì về biện pháp tăng thuế của chính quyền Biden. “Tôi
sẽ không áp đặt bất kỳ khoản tăng thuế nào lên những người làm ra ít hơn
$400,000. Nhưng đã đến lúc các tập đoàn công ty và 1% những người Mỹ giàu nhất
phải bắt đầu đóng góp phần công bằng của họ,” Tổng Thống Biden nói.
Chính sách tăng thuế người giàu và tăng phúc lợi
xã hội cho người nghèo đã làm cho nhiều người sánh ông với Robin Hood – một
nhân vật trong truyền thuyết chuyên lấy tài sản của người giàu chia cho kẻ
nghèo và chống bất công xã hội.
Chính sách của
chính phủ Hoa Kỳ dưới thời TT Biden: tăng thuế người giàu, tăng phúc lợi cho
người nghèo. Hình minh họa. Credit: Alexander Mils/Unsplash.
Những tham vọng của chính phủ Biden, tuy vậy
không phải tự dưng nảy sinh mà có gốc gác từ trong lịch sử. Mỗi khi nước Mỹ trải
qua một cuộc khủng hoảng thì chính phủ lại tung ra những biện pháp kích thích lớn
để vực dậy nền kinh tế.
Sau cuộc Đại Khủng Hoảng 1930-1932, Tổng Thống
Franklin Delano Roosevelt đã ban hành chính sách kinh tế mới New Deal, Tổng Thống
Lyndon B Johnson thúc đẩy các đạo luật về bình đẳng vào thập niên 1960, tái củng
cố niềm tin của người dân Mỹ vào vai trò của chính phủ trong việc tạo lập một
xã hội bình đẳng hơn.
Nhiều sử gia đã so sánh và nhận thấy những ý
tưởng của Tổng Thống Biden hiện nay nhiều phần phản ánh những chương trình và
hành động của hai vị tổng thống tiền nhiệm trong một bối cảnh mới, nhiều thử
thách hơn: đảng Dân Chủ hiện không có lợi thế lớn ở Quốc Hội như dưới thời ông
Roosevelt và Johnson.
Tuy vậy, dư luận dân chúng Mỹ hiện thời dường
như là một lợi thế của chính phủ Biden. Thăm dò của hãng nghiên cứu trực tuyến
SurveyMonkey được báo The New York Times tường thuật cho thấy 60% số người được
hỏi ý kiến ủng hộ một kế hoạch y tế quốc gia trong đó người dân Mỹ được bảo hiểm
y tế từ chính phủ; 70% ủng hộ chính phủ cung cấp giáo dục miễn phí cho sinh
viên các đại học hai năm và bốn năm; 60% muốn chính phủ rút ngắn khoảng cách
thu nhập giữa người giàu và người nghèo và hơn một nửa số người được hỏi yêu cầu
giảm cách biệt thu nhập giữa người Mỹ da trắng và người da màu. Đặc biệt hai phần
ba số người được hỏi ý kiến, trong đó có nhiều người Cộng Hòa, ủng hộ đề nghị
tăng thuế lợi tức thêm 2% lên những người có thu nhập trên $50 triệu hằng năm,
tính cả thu nhập từ tiền lời cổ phiếu và bất động sản.
Nhiều ý tưởng chính sách của chính phủ Biden về
phúc lợi xã hội cũng đã được thực hiện với những mức độ thành công khác nhau ở
Tây Âu và nhiều nước tư bản phát triển khác như Úc, Nhật, đặc biệt thành công ở
các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch. Ở các nước này, cuộc sống của
người dân được bảo đảm, giáo dục và chăm sóc y tế được miễn phí (thực ra đã được
tính vào phần thuế mà người dân phải đóng), trẻ em được chính phủ trợ cấp hằng
tháng từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành để bảo đảm không ai phải bắt đầu cuộc
sống từ dưới mức nghèo khó.
Và để có tiền trang trải cho mạng lưới an sinh
xã hội khổng lồ, các nhà nước phúc lợi (welfare states) ở Châu Âu áp dụng mức
thuế cao hơn so với Mỹ, thu nhập càng nhiều thì mức thuế phải đóng càng cao. Mô
hình quản trị của các nước Bắc Âu được gọi chung là chế độ “dân chủ xã hội”
(social democracy), bảo đảm các quyền tự do dân chủ không kém các quốc gia
phương Tây khác, mà không thể đánh đồng với những quốc gia tàn dư của chế độ Cộng
Sản như Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba – nơi xã hội nằm dưới sự kiểm soát
chuyên chế của một nhóm người và các quyền tự do bị tước đoạt.
Xây
dựng một
nước Mỹ mạnh hơn về kinh tế, tân tiến hơn về cơ sở hạ tầng và công bằng hơn
về xã hội cũng là yếu tố nền tảng để bảo đảm thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với
các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, xem nước nào sẽ phát triển, nước nào sẽ
chìm nghỉm trong nền kinh tế của thế kỷ 21. Lợi thế của Trung Quốc là một chính phủ độc tài toàn trị có thể dễ
dàng huy động và tập trung mọi nguồn lực xã hội nhằm đạt được những mục tiêu đề
ra mà không phải vướng bận vào những trình tự pháp lý rắc rối của chế độ dân chủ.
Nếu nước Mỹ, theo ông Biden, thất bại trong việc
sử dụng quyền lực của chính phủ để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ, để tái tạo một tầng lớp trung lưu năng động và sáng tạo thì khả năng
vượt qua Trung Quốc, duy trì vị thế quốc gia phát triển nhất thế giới sẽ không
thể nào đạt được. Và thất bại của nước Mỹ cũng có nghĩa là thể chế dân chủ tự
do bị mô hình độc tài toàn trị lấn lướt và thay thế trên con đường vận động của
lịch sử nhân loại.
Vấn
đề là những kế hoạch đầy tham vọng của ông Biden đưa nước Mỹ vào chặng đường mới
nhận được rất ít sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa đối lập, dù trong các hành động hằng ngày và trong bài diễn văn trước Quốc Hội,
Tổng Thống Biden đã nhiều lần kêu gọi sự đoàn kết lưỡng đảng cùng chung tay xây
dựng lại đất nước thời hậu đại dịch.
“Không có việc gì, không có gì – nằm ngoài
năng lực của chúng ta. Chúng ta có thể làm bất cứ việc gì chúng ta định làm, nếu
chúng ta làm việc cùng nhau. Thế thì hãy bắt đầu làm việc cùng nhau,” ông Biden
kết thúc bài diễn văn quan trọng.
Nhưng thời gian sẽ cho biết, lời kêu gọi của
ông được hưởng ứng ở mức độ nào.
No comments:
Post a Comment