Mỹ
và phương Tây bị Trung Quốc dẫn trước trong ngoại giao vaccine
Jackhammer
Nguyễn
25/05/2021
Ngày 24/5/2021 là một ngày buồn của Ấn Độ, khi
số người chết bởi Covid-19 đã vượt qua 300 ngàn. Con số thật sự có thể cao hơn
nhiều lần vì nhiều người bị virus này giết chết mà không được xét nghiệm, do
các nhân viên y tế tập trung nguồn lực để cứu người.
Đáng buồn nữa là sự “vỡ trận” của Ấn Độ làm
cho cuộc phản công của phương Tây chống lại cuộc chiến gọi là ngoại giao
vaccine của Trung Quốc, tiếp tục bế tắc.
Với sự kiểm soát dịch bệnh tốt bằng những biện
pháp khắc khe, cho nên dù là nơi xuất phát đại dịch Covid-19, nhà cầm quyền
Trung Quốc tích cực sử dụng các loại vaccine của họ chế tạo để đi chiêu dụ các
nước nghèo trên khắp thế giới, hiện đang khốn đốn vì dịch bệnh.
Bắc Kinh dùng vaccine của mình để thu lợi về
tiền bạc, như bán cho Hungary với giá rất đắt, ngoài ra, còn thu lợi về chính
trị như buộc các quốc gia còn có quan hệ với Đài Loan như Honduras, Paraguay phải
đoạn giao với Đài Bắc.
Và trên hết, Bắc Kinh dùng vaccine như vũ khí
của “sức mạnh mềm Made in China” để gây ảnh hưởng toàn cầu. Họ xâm nhập vào cả
những khu vực chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ từ trước đến nay như châu Mỹ Latin.
Vùng Đông Nam Á dĩ nhiên không nằm ngoài toan tính ngoại giao vaccine này với 9
nước ASEAN, không có Việt Nam, hoặc đã nhận vaccine Trung Quốc, hoặc đang lên kế
hoạch nhận trong tương lai gần, nhất là trong lúc đợt dịch mới bùng phát ở châu
Á.
Bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang ra sức
quảng cáo cho hình ảnh của mình. Cờ Trung Quốc bay phấp phới cùng các viên chức
Hoa Lục chụp hình, bắt tay bên cạnh các thùng vaccine đề chữ China Aid, viện trợ
từ Trung Quốc.
Phương Tây không phải là không biết thủ thuật
rất lộ liễu này của Bắc Kinh, nhưng họ có hai cản trở để phản công. Thứ nhất, họ
không kiểm soát được dịch trong năm 2020, cho nên khi các loại vaccine có chất
lượng tốt của phương Tây, như Pfizer, Moderna, Janssen, AstraZeneca được cho
phép sử dụng, họ còn phải tốn nhiều thời gian để tiêm chủng cho dân của họ,
chưa thể giúp các quốc gia khác. Thứ hai, các hãng dược phẩm phương Tây không
muốn nhượng quyền sản xuất, hoặc là vì lợi nhuận quá cao, hoặc là lo ngại không
kiểm soát được chất lượng.
Ý thức được những khó khăn đó, chỉ trong thời
gian ngắn sau khi nắm quyền, tháng 1/2021, chính quyền Biden của Mỹ bàn tính kế
hoạch sản xuất vaccine với bộ tứ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là Mỹ, Úc, Nhật
và Ấn Độ. Theo kế hoạch này, Ấn Độ sẽ là trung tâm sản xuất vaccine để cung cấp
cho các nước nghèo vì quốc gia này có năng lực sản xuất thuốc men hàng đầu thế
giới.
Nhưng như đã nói ở trên, đại dịch bùng phát ở Ấn
Độ, do chính quyền dân túy của thủ tướng đương nhiệm, ông Modi đã cho phép thực
hành những nghi lễ tôn giáo, huy động đến hàng triệu người, nhằm đạt được những
mục đích chính trị đảng phái.
Một biện pháp khác có thể sử dụng để phản công
lại Trung Quốc là, Mỹ ủng hộ việc tạm thời bãi bỏ quyền sở hữu bản quyền các
vaccine phương Tây theo đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi. Nhưng việc ủng hộ này cho
đến nay không gây ra hiệu quả gì, vì sự phản đối của các công ty dược phẩm. Đồng
minh thân cận của Mỹ là Liên hiệp châu Âu, cũng không ủng hộ việc này.
Sau khi việc tiêm chủng ở Mỹ được tiến hành
thành công, số người chết và nhiễm bệnh hàng ngày giảm xuống, xuất thấp nhất
trong một năm qua, chính quyền Biden công bố là sẽ viện trợ 80 triệu liều
vaccine cho các nước nghèo. Trước đó, Mỹ đã chia sẻ 20 triệu liều vaccine
AstraZeneca cho Mexico và Canada. Loại vaccine này tuy chưa được sử dụng ở Mỹ
nhưng Anh và châu Âu đang sử dụng có hiệu quả.
Nhưng cả trăm triệu liều vaccine đó vẫn như muối
bỏ bể trước tình trạng đại dịch toàn cầu, và thấp hơn rất nhiều so với lượng
vaccine mà Bắc Kinh tung ra khắp thế giới trong chiến dịch “ngoại giao vaccine”
của họ.
Tuy vậy, Mỹ và phương Tây vẫn chưa hoàn toàn
thất bại vì những lý do sau đây: Thứ nhất, nhiều nước cưỡng lại chiến dịch ngoại
giao của Bắc Kinh vì biết rằng Trung Nam Hải dùng vaccine để gây ảnh hưởng
chính trị. Thứ hai, hiệu quả kém của các loại vaccine Trung Quốc. Hai quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng
hàng đầu thế giới là Seychelles và Chile, dùng vaccine Trung Quốc, đang đứng
trước một đợt dịch bùng phát trở lại.
Mỹ và phương Tây đang điều chỉnh lại chiến lược
vaccine sau khi Ấn Độ bị vỡ trận. Châu Âu đã cam kết hàng trăm triệu liều cho
các nước đang phát triển, tính đến cuối năm 2021. Người ta cũng dự đoán rằng, Mỹ
sẽ liên kết cùng Hàn Quốc, thay vì Ấn Độ để sản xuất đại trà các loại vaccine của
phương Tây. Hàn Quốc là quốc gia có năng lực chế tạo các sản phẩm kỹ thuật sinh
học (biotech) hàng thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ. Nhật Bản cũng vừa cam kết giúp
Việt Nam trong việc thiết kế các kho lạnh để trữ và vận chuyển các loại
vaccine.
Dân biểu liên bang Hoa Kỳ, ông Joaquin Castro
viết trên Tạp chí Diplomat rằng, đây là cơ hội để Hoa Kỳ thực hiện sứ mạng lãnh
đạo của mình trên khắp thế giới, cũng giống như Hoa Kỳ đã tham gia vào trận đại
chiến thế giới lần thứ hai để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.
_______
Tham khảo
https://www.nbcnews.com/news/world/china-using-vaccines-push-its-agenda-latin-america-u-s-n1268146
https://www.bbc.com/news/world-asia-57224565
https://thediplomat.com/2021/04/america-must-become-the-vaccine-arsenal-of-democracy/
No comments:
Post a Comment