Thursday, May 20, 2021
http://phamthanhnghien.blogspot.com/2021/05/mien-man.html
Nhân chuyện anh tài xế Nguyễn Trần Minh bị tấn
công và phải một mình vật lộn với tên cướp trong tình trạng bị thương trước sự
chứng kiến của cả công an lẫn người dân, mình cũng xin kể một câu chuyện nho nhỏ.
Trước khi kể, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng
những người dân chứng kiến hôm đó cũng có lỗi, đấy là sự vô cảm. Song nghĩ đi
phải nghĩ lại, đặt tình huống giả dụ thế này. Giả dụ hôm ấy không có thằng (phải
gọi thế) côn an tên Lâm đứng đó thì mọi việc có lẽ đã khác hơn. Có khi nhiều
người chứng kiến chả nghĩ: “Ối dời, có công an rồi còn lo gì”...; “công an còn
làm ngơ thì mình dính vào làm gì cho phải vạ”...; “bắt cướp là việc của công an
chứ có phải của mình đâu”. Đấy, đại loại
thế. Nên “tội” của Lâm rõ rành rành, phải bị kỷ luật từ đang công tác ở xã sẽ
“đại nhảy vọt” lên công tác ở huyện. Đây là hình thức kỷ luật thích đáng, tương
tự vụ đồng chí côn an nọ vì bị phát giác đang đóng phim con lợn với vợ của một
đồng chí khác, ngay lập tức bị kỷ luật từ quận lên thành phố công tác. Đáng đời
chưa.
Còn đây là câu chuyện nho nhỏ mình kể.
Khoảng tầm này năm ngoái, hai vợ chồng mình và
bé Tôm đang chở nhau bằng con la già (xe cúp 50) đi trên đường đến đoạn đường
Tô Ký thì gặp một vụ tai nạn. Quả thật mình cũng không kịp quan sát xem ai đúng
ai sai vì cuộc va chạm xảy ra ở bên kia đường, phía ngược chiều với hướng đi của
mình. Tới nơi thì thấy một cô gái đang ngồi bệt dưới đất, quần áo lấm lem, chân
tay người ngợm và cả mặt đều trầy xước hết cả. Vì là giờ cao điểm nên người đứng
xem khá đông nhưng không ai giúp cô gái. Chiếc xe gắn máy nằm chỏng gọng gần
như giữa đường. Vì không biết đi xe nên đành bảo ông xã chở con lùi vào phía
siêu thị gần đó đứng chờ để mình ra phụ cô ấy. Mình tới hỏi han, cố đỡ nhưng cô
gái đau quá không đứng lên được. Mình hô “mỗi người phụ một tay cho người ta đi
chứ”. Thấy vậy, mấy anh xe ôm Grab đậu gần đó xúm vào. Người dắt xe, người cùng
mình dìu cô ấy lên vỉa hè. Một vài người đi xe hơi gặp vụ tai nạn, không đi qua
được vì kẹt xe, ngồi bên trong quan sát từ đầu bấy giờ mới mở cửa kính thò mặt
ra lên tiếng: “hỏi xem xe nào đâm vào cô ấy”, “xe này này, tôi thấy ông này quệt
vào cô ấy”. Tôi hỏi cô gái xem có đúng
gã đàn ông đi chiếc xe gắn máy đang đậu gần đấy là người đâm vào cô không. Sở dĩ
gã còn đứng đó vì khi cô gái ngã, cũng vừa lúc đèn đỏ, đông người quá gã chưa
“chạy” được. Cô gái gật đầu, trả lời bằng giọng vẫn còn rất đau đớn nhưng khá
thật thà: “Tự em ngã, nhưng anh ấy phóng nhanh quá em tránh không kịp”. Gã kia
lườm tôi: “ Đấy chưa, đâm đâu mà đâm”. Tôi điên tiết: “Anh không đâm nhưng anh
phóng nhanh, thấy người ta té anh cũng phải giúp đỡ người ta chứ”. Tôi chưa nói
hết câu gã phóng mất. Mấy người tài xế hô “giữ anh ta lại”. Nhưng ai giữ bây giờ?
Sau khi giúp cô gái, gọi điện cho người nhà,
và biết chắc cô chỉ bị trầy xước, không gãy chân và không có vết thương nào
nghiêm trọng, tôi mới đi. Cô cảm ơn rối rít, nói rằng lúc cô bị té, chỉ toàn
người đứng nhìn, người ta chỉ hỏi han cô khi thấy tôi dừng lại, giúp đỡ.
Một câu chuyện thường tình, nhưng để lại ấn tượng
không nhỏ cho bé Tôm. Vì chúng tôi hay qua nhà chị gái anh Tú (mẹ đỡ đầu của
Tôm) chơi, đều phải đi qua đoạn đường đó nên bé Tôm càng nhớ. Lần nào đi đến
khu vực này, bé Tôm cũng nhắc: “Chỗ này
cô bị té nè. Cô té xong rồi mẹ Nghiên giúp cô dậy nè”. Nhiều khi còn thêm mắm
thêm muối vài câu như bà cụ non: “Mình phải đi cẩn thận không là té như cô
đó.... Ra đường gặp người ta té mình phải giúp đỡ người ta dậy đó”. Chữ “đó” lại
kéo dài giọng ra nghe đến là buồn cười.
Thực ra, giúp người cũng là giúp mình. Cho dù
nếu một ngày nào đấy không may gặp chuyện tương tự, chưa chắc sẽ có bàn tay của
ai đó nâng mình dậy, nhưng ít ra thì mình cũng đã dạy cho con trẻ thấy được vẻ
đẹp của việc giúp đỡ người khác. Trẻ con, ngay từ nhỏ phải được dạy dỗ về lòng
tốt, sự dũng cảm và niềm trắc ẩn. Để sau này chúng không trở thành một phần của
đám đông vô cảm như hôm nay.
No comments:
Post a Comment