Logic
trong cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
Joseph
S. Nye, Jr. - Project Syndicate
Đỗ Kim Thêm, chuyển ngữ
07/05/2021
https://baotiengdan.com/2021/05/07/logic-trong-canh-tranh-giua-trung-quoc-va-hoa-ky/
Lời người dịch: Trong
bài này, Joseph S. Nye không đưa ra một kịch bản tồi tệ nhất khi Hoa Kỳ và
Trung Quốc không còn kiềm chế trong việc giải quyết các tranh chấp hiện nay:
Chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra cho nhân loại. Với 8000 đầu đạn hạt nhân của
Nga, khoảng 270 của Trung Quốc và 7000 của Mỹ, việc xung đột hai nước, nếu
không có giải pháp, sẽ là nghiêm trọng hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Theo bản tin của AFP, trong cuộc hội thảo về những vấn
đề toàn cầu của McCain Institute’s Sedona Forum vào ngày 30/4/2021, cựu Ngoại
Trưởng Henry Kissinger đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng: “Sự căng thẳng về
ngoại giao với Trung Quốc là vấn nạn lớn cho Hoa Kỳ và cho thế giới. Vũ khí
nguyên tử thời Chiến Tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô có khả năng tàn phá lớn
lao và khả năng tàn phá đó đã vượt quá mức do kỹ thuật và trí thông minh nhân tạo
mà Hoa Kỳ và Trung Quốc nay đã có trong tay. Lần đầu tiên trong lịch sử loài
người, nhân loại có thể sẽ tự hủy diệt trong khoảng thời gian ngắn”.
Kissinger đã so sánh sức mạnh giữa Nga và Trung Quốc
là: “Nga không có sức mạnh kinh tế nhưng có khả năng về kỹ thuật. Nga không
phát triển được khả năng kỹ thuật như Trung Quốc. Trung Quốc có sức mạnh kinh tế
khổng lồ cộng thêm với sức mạnh quân sự đáng kể”.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-43-1024x512.jpg
Chủ tịch TQ Tập Cận
Bình và Phó TT Joe Biden tại tòa Bạch Ốc ngày 14/2/2012. Nguồn: Chip
Somodevilla/Getty Images
Sau đây là nội dung bài dịch:
***
Thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong
chính sách về Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc liệu hai cường quốc có thể hợp
tác trong sản xuất hàng hóa tiện ích công cộng cho toàn cầu hay không khi đang
cạnh tranh trong các lĩnh vực khác. Mối quan hệ Mỹ-Trung là một “cuộc cạnh
tranh hợp tác”, mà trong đó các điều khoản cạnh tranh sẽ đòi hỏi sự chú ý bình
đẳng cho cả hai bên. Điều đó sẽ không dễ dàng.
Trong bài diễn văn gần đây trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe
Biden cảnh báo, Trung Quốc đang hết sức nghiêm túc trong nỗ lực trở thành cường
quốc bậc nhất thế giới. Nhưng Biden cũng tuyên bố, những kẻ chuyên quyền sẽ
không giành chiến thắng tương lai; Mỹ sẽ giành được. Nếu xử lý sai, cuộc cạnh
tranh hai đại cường Mỹ-Trung có thể nguy hiểm. Nhưng nếu Hoa Kỳ hành xử đúng đắn,
sự cạnh tranh với Trung Quốc có thể sẽ lành mạnh.
Sự thành công của Biden trong chính sách về
Trung Quốc phụ thuộc một phần vào Trung Quốc và còn phụ thuộc vào cách mà Mỹ
thay đổi như thế nào. Duy trì sự dẫn đầu về công nghệ của Mỹ sẽ rất quan trọng,
và sẽ đòi hỏi đầu tư vào nguồn nhân lực cũng như công trình nghiên cứu và phát
triển. Biden đã đề xuất cả hai. Đồng thời, Hoa Kỳ phải đối phó với các mối đe dọa
xuyên quốc gia mới như biến đổi khí hậu và đại dịch đã giết chết nhiều người Mỹ
hơn tất cả các cuộc chiến tranh của đất nước cộng lại kể từ năm 1945. Giải quyết
những thách thức này sẽ đòi hỏi sự hợp tác với Trung Quốc và những nước khác.
Do đó, Biden phải đối mặt với một chương trình
nghị sự khó khăn và đang coi cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là một “Khoảnh khắc
Sputnik”. Mặc dù trong bài phát biểu của mình, Biden đã đề cập tới Tổng thống
Franklin D. Roosevelt và cuộc Đại suy thoái, tránh những lời lẽ hùng biện như
trong thời chiến tranh lạnh dễ gây hiểu lầm, một so sánh phù hợp là, thập niên
1950, khi Tổng thống Dwight Eisenhower sử dụng cú sốc phóng vệ tinh của Liên Xô
để thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng và
công nghệ mới. Hiện nay, Mỹ có thể làm điều tương tự được không?
Trung Quốc đang phát triển về sức mạnh, nhưng
cũng có những điểm yếu đáng kể, trong khi Mỹ có nhiều lợi thế về quyền lực quan
trọng trong dài hạn. Bắt đầu với khía cạnh địa lý. Trong khi Mỹ được bao che bởi
các đại dương và các nước láng giềng thân thiện, Trung Quốc có tranh chấp lãnh
thổ với Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Lợi thế của Mỹ cũng tương tự như vậy. Mỹ
hiện là nước xuất khẩu năng lượng ròng, trong khi Trung Quốc phụ
thuộc vào nhập khẩu dầu được vận chuyển qua Ấn Độ Dương, nơi mà Hải quân Mỹ duy
trì sự hiện diện đáng kể.
Hơn nữa, Hoa Kỳ nắm giữ sức mạnh tài chính từ
các tổ chức toàn cầu và quyền bá chủ quốc tế của đồng đô la. Trong khi Trung Quốc
mong muốn đóng một vai trò to lớn hơn về tài chính toàn cầu, một loại tiền tệ dự
trữ đáng tin cậy, phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi tiền tệ, thị trường vốn tư
bản bền vũng, chính phủ trung tín và hệ thống pháp quyền – tất cả những điểm mà
Trung Quốc đều thiếu. Mỹ cũng có lợi thế về mặt dân số: Lực lượng lao động của
Mỹ đang tăng lên, trong khi của Trung Quốc đã bắt đầu suy giảm.
Mỹ cũng đi đầu trong các công nghệ chủ yếu và
các trường đại học nghiên cứu của Mỹ đứng đầu trong các bảng xếp hạng về giáo dục
đại học trong toàn cầu. Đồng thời, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực
nghiên cứu và phát triển, hiện nay đang cạnh tranh có hiệu quả trong một số
lĩnh vực và đặt mục tiêu trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo
vào năm 2030. Với tầm quan trọng của việc học tập bằng máy như một công nghệ đa
năng, những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là đặc biệt
quan trọng.
Hơn nữa, tiến bộ công nghệ của Trung Quốc không
chỉ dựa trên sự bắt chước. Trong khi chính quyền Trump trừng phạt Trung Quốc
chính xác về các hành vi trộm cắp, chuyển giao cưỡng chế các tài sản trí tuệ và
các hoạt động thương mại không công bằng, một phản ứng thành công của Mỹ đối với
thách thức công nghệ của Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào những cải tiến trong
nước hơn là các biện pháp trừng phạt ra bên ngoài.
Khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới
trỗi dậy khác tiếp tục tăng trưởng, tỷ trọng của Mỹ trong nền kinh tế thế giới sẽ vẫn ở dưới mức khoảng 25% vào đầu
thế kỷ này. Ngoài ra, sự trỗi dậy của các cường quốc khác sẽ khiến việc tổ chức
hành động tập thể để thúc đẩy hàng hóa tiện ích công cộng cho toàn cầu trở nên
khó khăn hơn. Tuy nhiên, không có quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, sắp thay thế
Mỹ về nguồn lực năng lượng tổng thể trong vài thập niên tới.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của châu Á đã
khuyến khích sự thay đổi về quyền lực theo chiều ngang sang thành trong khu vực,
nhưng châu Á có cán cân quyền lực nội tại riêng biệt. Sức mạnh của Trung Quốc
được cân bằng bởi Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, trong số những nước khác, với Mỹ đóng
một vai trò quan trọng. Nếu Mỹ duy trì với các liên minh của mình, Trung Quốc sẽ
có triển vọng mỏng manh về việc đẩy liên minh của mình từ khu vực Tây Thái Bình
Dương, nên ít thống trị thế giới hơn.
Nhưng việc cạnh tranh với Trung Quốc chỉ là một
nửa vấn đề mà Biden phải đối phó. Như Richard Danzig, một chuyên gia Mỹ về công
nghệ, lập luận, “các công nghệ trong thế kỷ 21
không chỉ là trong lĩnh vực phân phối trong toàn cầu, mà còn trong hậu quả của
chúng. Mầm bệnh, hệ thống trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vi khuẩn trong máy
tính và bức xạ mà những yếu tố khác vô tình có thể trở thành vấn đề của chúng
ta nhiều như của công nghệ”. Vì lý do đó, Danzig lập luận: “Khi đồng thuận
về các hệ thống báo cáo, các việc kiểm soát chung, các kế hoạch dự phòng chung,
các luật lệ và hiệp ước phải được theo đuổi như là một phương tiện làm giảm bớt
các rủi ro lẫn nhau của chúng ta”.
Trong một số lĩnh vực, tinh thần lãnh đạo đơn
phương của Mỹ có thể mang lại một phần lớn của câu trả lời cho vấn đề cung cấp
hàng hóa tiện ích công cộng. Ví dụ, Hải quân Hoa Kỳ rất quan trọng trong việc
kiểm soát luật biển và bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng khi nói đến các
vấn đề xuyên quốc gia mới như biến đổi khí hậu và đại dịch, thành công sẽ đòi hỏi
sự hợp tác của những nước khác. Trong khi sự lãnh đạo của Mỹ sẽ rất quan trọng,
Mỹ không thể giải quyết những vấn đề này bằng cách hành động đơn phương, bởi vì
hiệu ứng khí thải trong nhà kính và vi khuẩn, không tôn trọng biên giới hoặc phản
ứng với sức mạnh quân sự.
Trong lĩnh vực tương thuộc về sinh thái, quyền
lực trở thành một trò chơi tích cực cho tất cả. Do đó, Mỹ không thể chỉ đơn giản
nghĩ về sức mạnh của mình đứng trên các nước khác, mà còn phải xem xét sức mạnh
của mình khi cùng hợp tác với các nước khác. Về nhiều vấn đề xuyên quốc gia,
trao quyền cho nước khác có thể giúp cho Mỹ đạt được mục tiêu của riêng mình; Mỹ
được hưởng lợi nếu Trung Quốc cải thiện hiệu quả về năng lượng và khí thải CO2 ít
hơn. Do đó, Mỹ phải hợp tác với Trung Quốc trong khi cũng cạnh tranh với Trung
Quốc.
Một số người lo ngại, Trung Quốc sẽ liên kết hợp
tác trong việc giải quyết biến đổi khí hậu với các nhượng bộ của Mỹ trong các
lĩnh vực cạnh tranh truyền thống, nhưng điều này bỏ qua việc Trung Quốc phải mất
bao nhiêu nếu việc đóng băng ở núi Hy Mã Lạp Sơn tan chảy hoặc thành phố Thượng
Hải bị ngập lụt. Đáng chú ý là, gần đây khi tham gia hội nghị khí hậu toàn cầu
của Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất chấp căng thẳng song phương về
những lời chỉ trích nhân quyền của Mỹ đối với Trung Quốc.
Một vấn đề quan trọng khi đánh giá sự
thành công của Biden trong chính sách về Trung Quốc sẽ là, liệu hai cường quốc
có thể hợp tác sản xuất các hàng hóa tiện ích công cộng cho toàn cầu hay không,
đồng thời cạnh tranh mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác. Mối quan hệ Mỹ – Trung là
một “cuộc cạnh tranh hợp tác”, mà trong đó các điều khoản cạnh tranh sẽ đòi hỏi
sự chú ý bình đẳng cho cả hai bên. Điều đó sẽ không dễ dàng.
_____
Joseph S. Nye Jr. là Giáo sư trường Đại học
Harvard University, tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to
Trump.
No comments:
Post a Comment