Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=959904401510286&id=100024722048900
Mấy hôm rồi, khi đi gặp gỡ cử tri ở TP.HCM,
ông chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người được (không biết là giới thiệu hay chỉ
định) bầu làm đại biểu quốc hội tại thành phố này đã có nhiều phát biểu rất…
ông Phúc. Chả hạn, ông bảo đột phá về hạ tầng cho khu vực Hóc Môn - Củ Chi thì
đất nơi đây sẽ thành đất vàng (nghe nói vậy, ông bạn tôi càu nhàu các bố lúc
nào cũng chỉ đất đất). Ông còn nói TP.HCM không chỉ làm đầu tầu nữa mà phải là
trực thăng cất cánh… Tôi thì tôi nhớ nhất ông nói “TP.HCM phải thành hòn ngọc tỏa
sáng Viễn Đông”.
Đi vận động bầu cử, lẽ dĩ nhiên phải nói nhiều.
Chẳng ai tới gặp gỡ cử tri cứ ngồi im thin thít, hết giờ thì về. Mà cũng lạ,
dân gặp được mỗi lần, cũng chả biết con người của các ứng cử viên thế nào, mà
chính quyền cứ buộc dân phải sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng, chọn thế
quái nào được. Lão hàng xóm nhà tôi cười, nếu tao mà sáng suốt thì các vị ấy đi
tàu suốt hết, nhất là với những ông bà kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ông Phúc tất nhiên sẽ trúng chắc, bầu cũng thế,
mà không bầu cũng thế. Ông này mà trượt, cứ chặt đầu tôi. Vậy nên ổng nói gì,
nghe cho vui. Tìm được niềm vui bây giờ khó lắm, bởi đời vốn quá nhiều nỗi buồn.
Ngày xưa, chả biết tự thời nảo nao nào, thiên
hạ ví Sài Gòn là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Đó là thứ danh hiệu, là tấm huân chương
đặc biệt người ta trao cho Sài Gòn. Người Sài Gòn tự hào và hãnh diện về điều
này. Vang bóng một thời. Rồi thời thế đổi thay, ngọc mờ dần, chả mấy ai nhắc tới
nữa.
Đáng nhẽ ông chủ tịch nước chỉ cần nói “Hòn ngọc
Viễn Đông” là đủ, tự dưng lại màu mè thêm thắt thành “Hòn ngọc tỏa sáng Viễn
Đông” khiến sai tè le. Vì sao sai?
Bàn chút về từ ngữ. Đông tức là phương đông,
phía đông, cũng để chỉ vùng đất ở đông địa cầu. Khi quả đất quay theo chu kỳ,
phía đón nắng mặt trời trước thì là đông, phía đón sau là tây. Có địa danh
phương đông và phương tây là vậy. Mao bên Trung Quốc từng nổi tiếng với câu
“Gió đông thổi bạt gió tây”. Cụ Hồ có câu thơ (được dịch ra là): “Phương đông
màu trắng chuyển sang hồng/Bóng tối đêm tàn quét sạch không”. Những lời của vĩ
nhân thường nhiều hàm chứa, không thể hiểu kiểu 1 + 1 = 2 được.
Viễn nghĩa là xa. Ta thường nói “kính nhi viễn
chi”, kính trọng (kính) ai đó (chi) nhưng (nhi) chỉ nên cách xa (viễn), đừng có
lại gần. Khổng Tử dạy kính trọng quỷ thần thì đừng có gần. Viễn vọng là ngóng về
nơi xa, viễn thị là nhìn xa (ngược với cận thị là nhìn gần), vĩnh viễn là mãi
mãi xa. Truyện Kiều có câu “Có người viễn khách tìm vào vấn danh”, ông khách ở
xa tới hỏi tên...
Ngày trước người ta định rằng ở phía đông địa
cầu có vùng Viễn Đông. Đó là vùng xa xôi, chậm tiến, lạc hậu, nghèo nàn, cổ hủ…,
trái ngược với phương Tây văn minh, tiến bộ, phát triển. Viễn Đông gồm cả Nhật
Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ… chứ không phải chỉ là Đông Á hoặc Đông
Nam Á như nhiều người nghĩ. Ngày xưa, dưới mắt mấy ông tây đi khai hóa, thì Viễn
Đông cũng chỉ là nơi mà ta quen gọi “vùng sâu vùng xa” bây giờ.
Vậy nên, dưới thời Pháp cai trị, Sài Gòn mà được
phong là “Hòn ngọc Viễn Đông”, quả thật rất đáng ngưỡng mộ, hãnh diện. Khi đó,
những thành phố lớn, cực lớn ở Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… đã rất phát
triển, vậy nhưng Sài Gòn được xem là thành phố ngọc, hòn ngọc của khu vực rộng
lớn này, đủ biết nó đẳng cấp thế nào. Người Pháp đã tạo nên một Sài Gòn hoa lệ,
giàu có, hiện đại, tầm cao; tiếp nữa chế độ Việt Nam cộng hòa đã phát huy duy
trì được. Sài Gòn trước năm 1975, dù bị chiến tranh, nhưng mấy thành phố thủ đô
của Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore còn phải xách dép chạy theo nó. Còn
giờ nó thế nào, ra sao, là gì, vì sao… không cần phải giải thích.
Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông thì bản thân ngọc
tự tỏa sáng, nhất là khi xung quanh vẫn mờ mịt. Giờ xung quanh nhất loạt thành
ngọc rồi, sáng trưng rực rỡ rồi, mình chỉ phấn đấu thành ngọc đã khó, lại còn
đòi tỏa sáng. Muốn tỏa sáng được vùng Viễn Đông, chỉ còn cách đề nghị những ngọc
kia tự tắt sáng vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Khát vọng là đáng quý,
nhưng phải hợp lý, biết điều. Không thể cứ nói văng mạng xong là hết trách nhiệm.
Tôi chỉ mong Sài Gòn tương lai năm xa nào đó lại
thành “hòn ngọc Viễn Đông” giữa bao nhiêu ngọc, thế là mãn nguyện lắm rồi, chứ
không phải “hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông” rất khó thành. Có nhẽ phải đợi đến đời
cháu hoặc chắt, F3, F4…
Nguyễn Thông
Ảnh: Đường phố quận nhất, Sài Gòn năm 1958 (ảnh
của tạp chí Life, tư liệu internet)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=959903548177038&set=a.133382914162443
No comments:
Post a Comment