Thursday, 20 May 2021

CẦN ĐÁNH BẬT TƯ TƯỞNG CÓ HỌC SINH GIỎI, NGƯỜI GIỎI LÀ GIÁO DỤC Ở HẠNG CAO  (Chu Mộng Long)

 



CẦN ĐÁNH BẬT TƯ TƯỞNG CÓ HỌC SINH GIỎI, NGƯỜI GIỎI LÀ GIÁO DỤC Ở HẠNG CAO  

Chu Mộng Long

01:03  20/05/2021   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/4705356146145258

 

Thường các quan chức Việt Nam có cách nguỵ biện, rằng giáo dục Việt Nam có học sinh giỏi, người giỏi là được xếp ở hạng cao so với thế giới. Thậm chí có người còn đem Ngô Bảo Châu ra khoe như một niềm tự hào chính đáng.

 

Bài này tôi không cần nói tỉ lệ giỏi bao nhiêu phần trăm, từ tiểu học đến đại học, cao học, bởi các tỷ lệ 80, 90% đó hoàn toàn là ảo, cái ảo của căn bệnh dối trá, nhã ngữ gọi là "bệnh thành tích".

 

Bài này chỉ nói đến những cá nhân giỏi thật, tức nhân tài thật. Như Ngô Bảo Châu chẳng hạn, mặc dù Ngô Bảo Châu chủ yếu học và làm việc ở nước có nền giáo dục hiện đại.

 

Ai từng quan tâm đến giáo dục hiện đại chắc là biết đến các thí nghiệm và kết luận nổi tiếng của Galperin, cha đẻ của lý thuyết "kiến tạo hoạt động trí tuệ". Tôi quan tâm đến một thí nghiệm đơn giản: cho đối tượng vẽ trên trang giấy một đường, sau đó yêu cầu đối tượng nhắm mắt và vẽ lại con đường đó. Kết quả, đối tượng mò trong bóng tối để vẽ hàng trăm đường mới có thể vẽ được một đường gần trùng với đường ban đầu. Kết quả đó muốn nói lên điều gì? Giáo dục đi trên con đường mù thì ngẫu nhiên cũng sinh ra được nhân tài, trong khi có vô số "nhân tai" sống bên cạnh nhân tài! Mà nhân tai đông như vậy thì nhân tài chỉ có thể... chết yểu hoặc chết bất đắc kì tử!

 

Không thể nói nhờ giáo dục thời cổ - trung đại, thậm chí hiện đại của phương Tây, mà nhân loại có những nhân tài như Socrates, Plato, Aristotle, Archimedes, Thales, Copernicus, Galileo, Newton, Einstein, Marx... Phương Đông cũng vậy. Không thể nói các nhân tài kiệt xuất như Quản Trọng, Hàn Phi Tử, Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Quang Trung, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh... mà người ta tôn thờ như những vị thánh là nhờ giáo dục phong kiến hay thực dân. Sao không thấy các sách giáo dục học của các ông hiện nay ngợi ca những nền giáo dục ấy mà toàn phủ nhận đến sổ toẹt?

 

Lấy cá nhân học sinh giỏi, người giỏi ra tự hào về giáo dục thì Giáo hội Rome hay các loại thánh đường khác cũng có quyền tự hào "xưa nay chưa từng có"!

 

Một ví dụ dễ hiểu như trường hợp Archimedes, nhờ ông ta bơi trong hồ mà phát hiện ra định luật vật nổi hay nhờ giáo dục giúp cho ông ta? Các phát minh vĩ đại của nhân loại xưa nay, phần lớn nhờ ngẫu nhiên, nhờ nỗ lực cá nhân hay nhờ giáo dục? Tất cả đều là một cuộc mò mẫm cá nhân cả đấy! Mà đã mò mẫm cá nhân thì có khi hàng thiên niên kỷ mới có nhân tài.

 

Trong sự ngẫu nhiên ấy có điều không ngẫu nhiên. Trong số những nhân tài đó, không ít người đã cực lực chống lại nền giáo dục mà họ từng thụ hưởng. Họ có tài, có trí qua trải nghiệm cá nhân, họ thấy hết những bất cập của giáo dục đang cầm tù họ, họ chống quyết liệt thứ giáo dục giáo điều đang thống trị và đòi đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ. Trong khi, nói như Einstein, "không thể chống lại bọn ngu, vì chúng rất đông", có nghĩa là "bọn ngu" ấy hoặc a dua, nô lệ giáo điều, hoặc thậm chí hùa nhau giết chết nhân tài thật nếu giáo dục không chủ động giải thoát để tìm đến ánh sáng!

 

Lịch sử chứng minh sống động nhiều nhân tài bị vùi dập, bị treo cổ, bị tru di ba họ khi bọn ngu nắm quyền hành. Socrates bị tử hình, Galieo bị đưa lên giàn hoả thiêu, Tư Mã Thiên bị thiến, Nguyễn Trãi bị tru di ba họ... Nhân tài đọ sức với nhân tai đấy! Hiện nay có quá nhiều nhân tài học xong thì ở luôn nước ngoài vì điều gì?

 

Khi Nguyễn Trãi viết "Nhân tài như lá mùa thu", có lẽ ông đã ám ảnh cái đầu nhân tài bị rơi trước lưỡi gươm hung hãn của bọn ngu (không phải quân Minh) đang nắm quyền.

Giáo dục Việt Nam đến lúc cần đánh bật cái tư tưởng có học sinh giỏi, người giỏi là có thể xếp hạng cao so với thế giới. Mỗi năm đến kỳ thi quốc gia hay quốc tế với những giải cao giải thấp là thi nhau hô hào tán dương mà không thấy đó chỉ là nỗ lực cá nhân trong cái xác suất đơn lẻ giữa đa số năng lực yếu kém. Có những trường có năm có cá nhân đoạt giải cao thì rầm rộ tán dương như là thành tích chung, có năm bị trượt vỏ chuối thì lại bùi ngùi khóc và tự an ủi là không may mắn. Hạng cao mà làm Lý Thông và đợi hên xui vậy sao?

 

Tôi khẳng định, bất cứ nền giáo dục nào, tệ hại đến mấy cũng có một số nhân tài! Cho nên không thể lấy các nhân tài đơn lẻ ấy đánh giá giáo dục.

 

Cá nhân tôi, không dám tự kiêu nhận mình là nhân tài. Nhưng phải nói thẳng một điều, những gì tôi có được hôm nay đều là nỗ lực cá nhân. Nếu không nói, chính nền giáo dục này đã tròng lên đầu tôi một vòng kim cô, một cái gông mà suốt nhiều năm tôi phải đấu tranh vật vã với nó để giải thoát.

 

Một nền giáo dục ở hạng cao không trông chờ một kết quả ngẫu nhiên hay nỗ lực cá nhân như vậy mà phải là một kết quả tất yếu. Nền giáo dục ấy không để cho cá nhân mày mò trong bóng tối hay nỗ lực riêng mà soi sáng cho nhiều người cùng học tập và phấn đấu với kết quả tất yếu của một tiến trình cả xã hội học tập. Nhiều quốc gia văn minh đã làm điều ấy bằng chính phương pháp dạy học mới, mỗi người học đều có một công cụ tốt nhất để làm việc tốt nhất trong lĩnh vực cuộc sống của họ mà không trông chờ vận may rủi hay nỗ lực riêng của những phát kiến cá nhân.

 

Các lãnh đạo và ông Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có hiểu tôi nói gì không?

 

Chu Mộng Long

 

21 BÌNH LUẬN  

 

.

Phạm Quang Hòa

https://giaoduc.net.vn/.../giao-duc-cua-chung-ta-chua-bao...

GIAODUC.NET.VN

“Giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”  

 

.

Phạm Quang Hòa

https://congly.vn/van-ban-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-co...

CONGLY.VN

Văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu bị làm giả (Bài 2): Ai là người chỉnh sửa?

.

Chu Mộng Long

Phạm Quang Hòa Loại ma quỷ này ngồi đầy văn phòng Bộ.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats