Thursday, 20 May 2021

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG BẮC CỰC : MỘT NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI? (Trọng Nghĩa - RFI)

 



Bảo vệ môi trường vùng Bắc Cực: Một nhiệm vụ bất khả thi ?

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 20/05/2021 - 14:35

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210520-bao-ve-moi-truong-bac-cuc-nhiem-vu-bat-kha-thi

 

Nhân hội nghị thường kỳ hai năm một lần mở ra vào hôm nay, 20/05/2021, tại Iceland, tám quốc gia giáp giới với Bắc Cực tập hợp trong Hội Đồng Bắc Cực bàn thảo về hợp tác nhằm bảo vệ một khu vực đang bị hiện tượng khí hậu nóng lên đe dọa. Giới quan sát nhìn chung đều cho rằng mục tiêu kể trên sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, trong bối cảnh vùng cực bắc của Trái đất đang bị những lợi ích kinh tế và địa chính trị của các cường quốc khuấy động.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3ba4fa3c-0d90-11ea-b4c4-005056bfe576/w:980/p:16x9/Arctic_Sea_Ice%202007.webp

Diện tích băng Bắc Cực suy giảm mạnh trong hơn 20 năm qua. Trong ảnh là bản đồ so sánh diện tích bề mặt băng Bắc cực trong giai đoạn 1979-2000, và hai năm 2005, 2007. Ảnh Wikipedia

 

Trong chương trình nghị sự chính thức, tám nước thành viên Hội Đồng Bắc Cực (bao gồm Iceland, Nga, Mỹ, Đan Mạch, Canada, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan) sẽ bàn về các vấn đề như khí hậu ngày càng nóng lên nhanh chóng trong khu vực, các điều kiện phát triển giao thông hàng hải và khai thác tài nguyên được dễ dàng hơn nhờ hiện tượng băng tan, tương lai của cư dân địa phương.

 

Các chủ đề này không có gì mới, và ngay từ năm 1991, các nước thành viên của Hội Đồng đã từng thông qua một “Chiến lược bảo vệ môi trường Bắc Cực”. Thế nhưng, từ đó đến nay, cho dù khu vực phía bắc vĩ tuyến 60 đang ngày càng bị hâm nóng thêm, làm tan lớp băng che chở các nguồn tài nguyên đang càng lúc càng bị khai thác nhiều hơn, các nước trong vùng hầu như vẫn không làm gì, hay có làm thì làm rất ít.

 

Đối với giới chuyên gia nghiên cứu về Bắc Cực, được nhật báo Pháp Les Echos ngày 20/05/2021 trích dẫn, môi trường khu vực này rõ ràng là đã biến đổi đến mức không còn có thể đảo ngược được nữa, với những hệ quả rất đáng ngại.

 

Vào cuối năm 2020 vừa qua, Rick Thoman, nhà khí hậu học tại Đại Học Fairbanks (Alaska), đã khẳng định: “Không còn bất kỳ một sự mơ hồ nào cả. Đà chuyển đổi Bắc Cực thành một vùng ấm hơn, ít đóng băng hơn và bị biến đổi về mặt sinh học, đã thực sự bắt đầu”.

 

Báo cáo thường niên lần thứ 15 của Cơ Quan Quan Sát Đại Dương và Khí Quyển Mỹ (NOAA), ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ trong sáu năm gần đây đều cao hơn so với mức trung bình của những gì được quan sát từ năm 1981 đến 2010. Năm 2020 chẳng hạn, đã nổi lên thành năm “nóng” kỷ lục đứng hàng thứ hai được ghi nhận tại Bắc Cực, nóng hơn đến 1,9 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010. Tại vùng Siberia của Nga, mức chênh lệch này thậm chí còn cao hơn so với mức “bình thường”: + 3 đến + 5 độ.

 

Hệ quả của hiện tượng nóng lên này đã được biết rõ. Đã có hơn 9 triệu ha rừng bị cháy trong năm ngoái, một con số chưa từng thấy. Nhiệt độ nóng lên đã tạo điều kiện cho thảm thực vật sinh sôi nảy nở, một loại chất dễ cháy rất tai hại cho các khu rừng taiga (hay rừng cây lá kim). Theo báo cáo kể trên, hơn một phần ba vùng "lãnh nguyên" (toundra) đã chuyển sang màu xanh lá cây trong một vài thập kỷ, và phần lớn trong số đó đã chuyển sang màu nâu do các đám cháy.

 

Một hệ quả khác của sự gia tăng nhiệt độ là tốc độ băng tan ngày càng nhanh. Từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020, chỏm băng duy nhất còn lại ở Greenland đã tan nhiều băng hơn mức trung bình quan sát được từ năm 1981 đến năm 2010. Khối lượng nước xuất phát từ các tảng băng bị tan đã được thêm vào khối lượng nước của các đại dương và làm mực nước biển dâng cao.

 

Tại cuộc họp thường niên vừa qua của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, ông Gail Whiteman, giám đốc Trung Tâm Phát Triển Bền vững Pentland thuộc Đại học Lancaster (Anh Quốc), đã cảnh báo: “Bắc Cực là một phong vũ biểu về rủi ro đe dọa toàn cầu. Những gì xảy ra ở đó đang lan rộng ở nơi khác”.

 

Vấn đề đặt ra là phản ứng của chính quyền các nước đối với những nguy cơ này dường như rất yếu. Julien Rochette, giám đốc chương trình đại dương tại Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế (Iddri) tại Pháp, giải thích: “Các nước rõ ràng là đã nghe khuyến cáo của giới khoa học là cần phải bảo vệ môi trường Bắc Cực. Thế nhưng các lời khuyên này hầu như không ra khỏi các bộ Môi Trường, trong lúc các bộ Quốc phòng hay Công Nghiệp lại có những ưu tiên khác”.

 

Một vấn đề nhức nhối khác là không giống như Nam Cực, được Hiệp ước Madrid bảo vệ từ năm 1991, không gian thiên nhiên bao la tạo thành vùng Bắc Cực không được bất kỳ hiệp ước nào bảo vệ.

 

                                                     ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Mỹ không muốn thấy Trung Quốc hoành hành ở Bắc Cực như tại Biển Đông

 

Bắc Cực : Từ miền đất khắc nghiệt thành vùng cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats