Tuesday, 4 May 2021

BẢN TIN NGÀY 4-5-2021 (BTV Tiếng Dân)

 



BẢN TIN NGÀY 4-5-2021

BTV Tiếng Dân

04/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/04/ban-tin-ngay-4-5-2021/

 

Tin Biển Đông

 

Infonet đặt câu hỏi: ‘Khoe cơ bắp’ Hải quân, Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì cho Mỹ? Một loạt hành động quân sự gần đây của TQ, từ lễ triển khai cùng lúc 3 tàu chiến mới, tới các cuộc tập trận của 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, vừa là hành động “khoe cơ bắp” trước sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông, vừa gửi lời đe dọa đến các lực lượng Mỹ trong khu vực. 

 

Báo Thế Giới và VN đặt câu hỏi về sự kiện tàu cá Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu ở Biển Đông: Thấy gì từ phản ứng của Mỹ? Có 3 điểm đặc biệt trong phản ứng chính thức của Mỹ về sự kiện tàu dân binh TQ tập trung tại Đá Ba Đầu. Thứ nhất, trong số các nước có phản ứng tức thời qua kênh ngoại giao, Mỹ không thuộc nhóm các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông. Thứ 2, Mỹ đưa ra phản ứng nhiều nhất và ở nhiều cấp nhất. Cuối cùng và quan trọng nhất, Mỹ là nước chỉ trích thế lực bá quyền TQ trực diện và mạnh mẽ nhất.

 

Báo cáo Sức mạnh TQ năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý: Lực lượng “dân quân biển” TQ có vai trò quan trọng trong các hoạt động cưỡng ép nhằm giúp đạt mục tiêu thu tóm lãnh hải như: bảo vệ yêu sách biển, do thám, bảo vệ nguồn cá hay hỗ trợ hậu cần… mà không cần tham chiến.

 

Báo Tiền Phong đưa tin: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp có chuyến thăm đầu tiên đến Đông Nam Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn về an ninh châu Á, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tổ chức từ ngày 4 đến 5/6.

 

Đây là sự kiện thường niên nhưng đã bị hoãn trong năm ngoái do dịch Covid-19. Phía IISS cho biết về sự kiện sẽ diễn ra vào đầu tháng 6: “Sự kiện năm nay đánh dấu chuyến công du đầu tiên của Bộ trưởng Austin đến Đông Nam Á. Ông sẽ có bài phát biểu và thực hiện nhiều cuộc gặp song phương và đa phương bên lề diễn đàn”.

 

Thông Tấn Xã VN đưa tin: Cộng đồng quốc tế chỉ trích hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối hàng loạt hành động gây hấn mới của TQ  ở Biển Đông, gồm vụ TQ đơn phương tuyên bố bảo đảm thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1/5, trên vùng biển có phạm vi gồm một phần Vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa, hay vụ TQ tiếp tục triển khai tàu dân binh đến hoạt động tại Bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa.

 

Philippines, Mỹ, Nhật và Liên minh châu Âu (EU) đều lên tiếng phê phán các hành động của TQ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trong tuyên bố gửi Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu, EU nhận định, sự hiện diện của các tàu dân binh TQ tại Bãi Ba Đầu đang đe dọa nền hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

 

VTC có clip: Việt Nam bác bỏ lệnh cấm bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông.

https://www.youtube.com/watch?v=h4f8l096i8M

 

Dù TQ vẫn duy trì các tàu “dân quân biển” ở Đá Ba Đầu, cũng như xung quanh nhiều thực thể ở quần đảo Trường Sa, Tổng thống Philippines nói “không cần phải thô lỗ” với Trung Quốc, báo Người Lao Động đưa tin.

 

Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu sau khi được chích vaccine ngừa Covid-19 do hãng dược Sinopharm của TQ sản xuất: “Chúng tôi có xung đột với Trung Quốc không có nghĩa là chúng tôi phải thô lỗ và thiếu tôn trọng”. Diễn biến này cho thấy ảnh hưởng của thủ thuật “ngoại giao vaccine” của TQ ra sao. 

 

RFA đặt câu hỏi: Ngư dân Việt bị giam ở Indonesia tuyệt vọng kêu cứu- Đại sứ quán hỗ trợ đến đâu? Các ngư dân VN đang bị phía Indonesia bắt giữ lên tiếng kêu cứu vì điều kiện giam giữ khắc nghiệt, trong khi Đại sứ quán VN tại Indonesia gần như “bỏ mặc” họ. Giới chức Indonesia thống kê, hiện có khoảng 200 ngư dân VN bị giam giữ ở nước này với cáo buộc đánh bắt trộm trong vùng biển của Indonesia, đang chờ đợi giấy tờ, thủ tục về nước. 

 

Một ngư dân VN bị Indonesia bắt từ tháng 3/2020 kể: “Em thì có ba mẹ già. Lúc em không có thu nhập, ông bà làm thuê làm mướn cũng đủ ăn đủ sống. Cũng có vay mượn để sinh sống và gửi qua bên đây, mỗi tháng gửi 1 triệu đồng, là khoảng 500.000 ở bên này. Toàn bộ anh em ở đây có người rất khổ, sống vất vả lắm! Cơm ở đây ăn được cái có nửa chén thôi. Nhiều người bị đói khát lắm”

 

Mời đọc thêm: Thị uy ở Biển Đông, Trung Quốc muốn gì? (TT). – Mỹ, Nhật Bản ‘cực lực phản đối’ ý đồ đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông (TG&VN). – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2021 (Tin Tức). – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore (PLTP).

 

– Xung quanh việc Ngoại trưởng Philippines gay gắt hiếm thấy với Trung Quốc (VietTimes). – Trung Quốc: “Ngoại giao bằng microphone” của Philippines có thể phá hoại quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila (Sputnik). – Ảnh hưởng chính trị của Quân Đội Việt Nam gia tăng do vấn đề an ninh Biển Đông (RFI). – Việt Nam cực lực… nhưng vẫn bất lực (RFA). 

 

 

Diễn biến mới vụ án Nhật Cường

 

RFA đưa tin: Vụ xử Nhật Cường Mobile buôn lậu sẽ diễn ra ngày 5/5. TAND TP Hà Nội thông báo, sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường từ ngày mai. Phiên tòa sẽ xử công khai 15 bị cáo, trong đó có 2 bị cáo chính, bị buộc tội vi phạm quy định kế toán là Kế toán trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng và GĐ Tài chính Nguyễn Ngọc Bảo.

 

VKSND Tối cao nhận định, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, cấu kết giữa các bị can khi phạm tội, cựu Tổng GĐ Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu. Còn 2 bị cáo Ngọc và Hằng là người thừa hành trong vụ án. Cơ quan điều tra lưu ý, vụ án Nhật Cường còn có dấu hiệu của tội rửa tiền, nhưng do ông Huy vẫn đang bỏ trốn, lực lượng an ninh “tinh nhuệ” của VN chưa bắt được, nên vấn đề rửa tiền được tách ra để xử lý sau. 

 

Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: 2 tiệm vàng giúp Nhật Cường chuyển hơn 2.500 tỉ đồng ra nước ngoài? Liên quan đến hành vi “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, cáo trạng vụ án xác định, năm 2014, Tổng GĐ Bùi Quang Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán. Hệ thống sổ sách kế toán nội bộ sử dụng phần mềm ERP để quản lý, còn hệ thống sổ sách để công khai với nhà nước thì được quản lý bởi phần mềm MISA.

 

Lời khai của bị can Nguyễn Bảo Ngọc, cựu GĐ tài chính Nhật Cường và dữ liệu của phần mềm ERP cho thấy, ông Huy đã cùng các đồng phạm thông qua 2 tiệm vàng để chuyển hàng ngàn tỉ đồng cho các nguồn hàng ở nước ngoài và thanh toán tiền công vận chuyển. Đó là tiệm vàng Lộc Phát và tiệm vàng Thuận Phát, ở quận Hoàn Kiếm. Lộc Phát đã chuyển 1.729 tỉ đồng, còn Thuận Phát chuyển 795 tỉ đồng.

 

Diễn biến liên quan đến phiên tòa xét xử vụ Nhật Cường: Triệu tập 12 người có quyền và nghĩa vụ liên quan, theo báo Lao Động Thủ Đô. Vụ án có liên quan đến “sân sau” của cựu quan chức từng nằm trong danh sách những người quyền lực nhất thủ đô, liên quan đến đường dây nhập lậu hơn 255.000 sản phẩm công nghệ, tổng giá trị gần 3000 tỉ đồng, nhưng chỉ triệu tập 12 người liên quan. Phiên tòa xét xử trong một tuần. 

 

Trước đó, báo Thanh Niên có bài: Hàng triệu dân Hà Nội đang dùng dịch vụ công trực tuyến ‘lậu’? Vụ cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thu xếp cho “sân sau” là Công ty Nhật Cường được ôm trọn gói thầu dịch vụ công ở Hà Nội, hậu quả là: Hàng triệu người dân Hà Nội ngày ngày vẫn giao dịch các dịch vụ công trực tuyến, từ khai sinh, khai tử… đến hồ sơ y tế, với nhiều thông tin quan trọng, trên một phiên bản phần mềm chưa được cấp phép. Dịch vụ công Hà Nội còn liên tục bị đòi nợ, đe dọa cắt dịch vụ, nguy cơ mất an toàn kết nối và lộ lọt thông tin cá nhân… kéo dài 3 năm qua.

 

Mời đọc thêm: Ngày mai, xét xử vụ buôn lậu tại công ty Nhật Cường (TP). – Sáng mai – 5/5, 15 bị cáo trong vụ Công ty Nhật Cường buôn lậu hầu tòa (PLVN). – 15 người trong vụ án Nhật Cường hầu tòa 7 ngày (VNE). – Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Triệu tập 12 người liên quan (ĐĐK). – Xét xử vụ Công ty Nhật Cường: Triệu tập 12 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (BNews). 

 

 

Công an kiêm “bảo kê”

 

VTC đưa tin: 2 cựu công an bảo kê đường dây cá độ 2.000 tỷ đồng sắp hầu tòa. TAND TP HCM thông báo, ngày 18/5 sẽ mở phiên tòa xét xử 2 cựu lãnh đạo công an là Trần Xuân Linh và Trần Quang Việt, phạm tội môi giới hối lộ 38 tỷ đồng. Hai cựu quan chức công an bị truy tố từng là cán bộ Phòng phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thuộc Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

 

Hai cựu quan chức công an nói trên đã nhận tiền từ tội phạm Nguyễn Minh Đạt để “bảo kê” cho đường dây đánh bạc trên mạng, thông qua trang M88gin.com. Trang web cá độ này do Đạt móc nối với 2 người đàn ông Đài Loan, hợp tác điều hành. Nhằm bảo đảm an toàn cho đường dây, 2 đồng phạm Đài Loan đã đề nghị Đạt kiếm công an bảo kê, với phí bảo kê là 60.000 Mỹ kim mỗi tháng. 

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/Img1.png

Tội phạm Nguyễn Minh Đạt tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an/VTC

 

VTC có clip: Hai cựu Cán bộ Công An làm “Cầu nối” bảo kê đường dây cá độ 2.000 tỷ đồng.

https://www.youtube.com/watch?v=KsHFfl-3w0U

 

Báo Người Lao Động có bài: Hai cựu cán bộ công an làm “cầu nối” bảo kê đường dây cá độ 2.000 tỉ đồng. Sau khi hợp tác với đường dây cá độ qua mạng, trong giai đoạn 2014-2018, Trần Xuân Linh đã nhận 38 tỉ đồng từ Nguyễn Minh Đạt để bảo kê đường dây M88gin.com. Hai bên giao nhận tiền qua thẻ và tài khoản ngân hàng. 

 

Trong một số lần giao dịch, Linh nhờ đồng nghiệp là Trần Quang Việt mang khẩu trang đến mấy trụ sở ATM vắng vẻ rút tiền bảo kê. Linh còn chuyển phần lớn số tiền cho một người giữ chức vụ trưởng phòng, sau đó được thăng tiến lên cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Nghĩa là đường dây này còn có một quan chức công an “cỡ lớn” nữa tham gia bảo kê, nhưng người này hiện đã qua đời nên không thể lấy lời khai, cũng không thể xử lý hình sự được. 

 

Mời đọc thêm: Hai cựu công an nhận 38 tỷ đồng để bảo kê trang cá độ (Zing). – 2 cựu công an môi giới hối lộ 38 tỉ sắp hầu tòa (PLTP). – Sắp xét xử hai cựu công an môi giới hối lộ sếp C50 bảo kê đường dây cá độ 2.000 tỷ đồng (DNVN). 

 

 

Tin nhân quyền

 

RFA đưa tin: Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư đối mặt với 5-12 năm tù vì 8 clip trên Facebook. TAND tỉnh Hòa Bình sẽ bắt đầu xử bà Cấn Thị Thêu và con trai là Trịnh Bá Tư vào ngày mai, nhưng tối qua, chồng bà Thêu là ông Trịnh Bá Khiêm cho biết, ông vẫn chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì gửi đến cho gia đình về ngày giờ hai người thân của ông bị đưa ra xét xử.

 

Ông Khiêm kể: “Tôi có làm đơn để gửi tòa thì họ đưa cho tôi giấy biên nhận đơn nhưng không có ghi ngày hẹn làm việc. Vì Tòa Cộng sản Hòa Bình khi mà ai đến làm việc là người bảo vệ cứ hỏi, ‘Có giấy hẹn không’ thì mới làm việc, còn không có giấy hẹn thì khó khăn. Họ đã đưa cho tôi bản biên nhận nhưng mà không có ngày hẹn. Tôi bảo với Tòa rằng cái giấy này không có ngày hẹn thì để một năm sau trả lời cũng được phải không? Tòa Hòa Bình còn ngang nhiên công bố với tôi là không cho gặp vợ con tôi trước phiên tòa”.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/Img2-1.jpg

Bà Cấn Thị Thêu và ông Trịnh Bá Tư. Ảnh: FB nhân vật/ RFA

 

RFA có bài: HRW kêu gọi trả tự do cho ba mẹ con hoạt động dân chủ: Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ra thông báo, kêu gọi chính quyền VN lập tức trả tự do cho 3 thành viên gia đình bà Thêu, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng VN hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ba mẹ con bà Thêu.

 

HRW lưu ý, trong suốt thập niên qua, bà Thêu cùng chồng và 2 người con trai đã tham gia nhiều cuộc biểu tình, đồng thời hỗ trợ vận động cho nhân quyền, quyền đất đai, bảo vệ môi trường và nhiều vấn đề khác ở VN. Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của HRW nói: “Bà Cấn Thị Thêu và gia đình  là những nhà bảo vệ nhân quyền mạnh mẽ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần lắng nghe những người dân can đảm như gia đình này chứ không phải bỏ tù họ”.

 

Báo Người Việt đưa tin: Tổ chức Project 88 tố nhà cầm quyền CSVN tiếp tục siết cổ báo chí. Tác giả Stewart Rees vừa có bài viết trên Diplomat, nhận định tình hình tự do báo chí ở VN chẳng còn hy vọng gì, vì đến cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn chủ trương đàn áp nhân quyền. Ông Rees còn là một cộng tác viên của Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Project 88, có trụ sở chính tại Mỹ, do một số nhà hoạt động nhân quyền Mỹ và người Mỹ gốc VN sáng lập, điều hành.

 

Ông Stewart Rees thống kê một số vụ đàn áp các nhà báo độc lập mấy năm gần đây, như vụ xét xử bà Trần Thị Tuyết Diệu ở Phú Yên, vụ bắt 3 người đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập VN, là các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, vụ bắt nhà báo Phạm Đoan Trang ở Sài Gòn, vụ đàn áp nhóm Báo Sạch và nhiều vụ vi phạm nhân quyền tương tự. 

 

Mời đọc thêm: HRW kêu gọi trả tự do cho nhà hoạt động dân chủ Cấn Thị Thêu và hai con (RFI). – Chủ tịch Đài Á Châu Tự Do kêu gọi thực thi công lý đối với phóng viên nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới (RFA). – Cựu đại sứ Mỹ lên tiếng sau thông tin chính quyền Biden trục xuất người tị nạn Việt (VOA). – Trong năm 2021, Mỹ tiếp nhận người tị nạn nhiều hơn bốn lần so với nhiệm kỳ Trump (RFI).

 

                                                        ***

Thêm một số tin: Máy bay lòng vòng trên trời, ra biển, xuống Cần Thơ mới ngược về Tân Sơn Nhất (TT). – Du học sinh Việt bị đình chỉ vì ‘sỉ nhục’ cờ vàng ở Úc (VOA). – Chuyện Bill & Melina Gates: Cuộc ly hôn ‘tiền tỷ’ hay mối lo ‘chồng rửa bát’? (BBC). – Covid-19 tại Ấn Độ: Áp lực gia tăng lên thủ tướng Modi —  Thảm họa dịch Covid-19 tại Ấn Độ : Narendra Modi trả giá cho sự ngạo nghễ — Covid-19 : Ấn Độ vượt ngưỡng 20 triệu ca nhiễm, đối lập kêu gọi phong tỏa toàn quốc — 35 năm sau vụ nổ Tchernobyl: Điện hạt nhân – lá bài địa chính trị của Nga (RFI).

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats