Lê
Quang Ngọ và Lê Quí Trọng
19/05/2021
Hồ Chí Minh là cha đẻ của chính quyền Cộng sản
Việt nam hiện nay. Mặc dù ông ta đã về với Karl Marx và Lenin hơn nửa thế kỷ
qua, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông không bị lớp bụi thời gian che phủ mà
vẫn tiếp tục được thần thánh hóa để phủ bóng lên đời sống chính trị và xã hội của
đất nước.
Những người kế tục sự nghiệp của ông Hồ luôn đề
cao tên tuổi ông để mọi người cùng học tập và noi theo, thậm chí từ tháng
11/2006, đảng bắt đầu tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“, nhằm
“Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm
gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội” để “nâng
cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội” (1).
Suốt 15 năm qua, đảng liên tục ban hành nhiều
văn bản về vấn đề này. Từ “tiếp tục đẩy mạnh” đến “đẩy mạnh”
trong đó “có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nêu gương”của các cán bộ chủ
chốt các cấp” (2). Vì sao Đảng phải quan tâm nhiều đến công việc này như vậy? Bài viết này cung cấp cho độc
giả một cái nhìn khách quan về một “tấm gương” mà những người Việt trên mảnh đất
hình chữ S đã, đang và sẽ phải tiếp tục học tập.
Như mọi người đã biết, giống như những lãnh tụ
cộng sản bậc thầy của mình, Hồ Chí Minh sau khi yên vị trên đỉnh cao quyền lực,
đã làm mọi biện pháp để những cán bộ đảng viên thuộc quyền, trở thành những con
cừu thuần trắng, nhằm thuận lợi cho công tác lãnh đạo và duy trì sự toàn trị của
đảng. Do đó, ông thường dạy họ phải chống chủ nghĩa cá nhân, bởi “Chủ
nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm
đến lợi ích chung của tập thể” và “là kẻ thù hung ác của đạo đức
cách mạng, của chủ nghĩa xã hội” (3). Nhưng ông Hồ lại không né tránh,
mà còn mặc nhiên thừa nhận sự sùng bái cá nhân dành cho ông.
Ngay sau những ngày thành lập nước, ông đã chấp
nhận và khuyến khích các nhạc sĩ sáng tác các bài hát ca ngợi ông. Dù rằng thời
gian này phần lớn người dân Việt còn chưa biết người đứng đầu chính quyền mới
là ai, cần phải có sự tuyên truyền, nhưng dần dà nó bị biến thành tôn sùng lãnh
tụ. Trào lưu “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong những năm ở chiến khu đã hướng một
phần đề tài vào hình tượng Hồ Chí Minh, các họa sĩ đến vẽ ông để khỏi mai một
tay nghề ở nơi rừng sâu núi thẳm.
Sau năm 1954, để được nổi danh cũng như để bày
tỏ lập trường trước đảng, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy sự nghiệp của ông làm đề tài
sáng tác. Những người từng có thời gian hoạt động với ông, đua nhau viết hồi ký
in thành sách. Nhật ký trong tù của ông được các nhà Hán học
và các nhà thơ dịch sang tiếng Việt cùng với những lời bình có cánh để người
dân biết được những vần thơ uyên thâm của ông.
Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã phải lặn lội về
Nghệ An để tìm hiểu và viết cuốn “Quê hương và thời niên thiếu của Bác”.
Những cuốn sách có chung đề tài về Hồ chí Minh cùng “Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch” mà ông là tác giả, dưới bút danh Trần Dân
Tiên và “Nhật ký trong tù” được ông nhận là của mình, đã được bày
trên các kệ sách của các hiệu sách Nhân dân nghèo nàn về lượng đầu sách lúc đó.
Mỗi dịp giáp tết, ngoài các ảnh chân dung và
tượng bán thân bằng thạch cao của ông đã có sẵn, người ta còn bày bán các bài
thơ chúc tết của ông, được in chữ đỏ trên nền giấy màu hồng, cùng các bức ảnh
chụp ông trong nhiều mô típ để người dân mua về trang trí tết.
Là “Cụ”, rồi là “Bác” của mười bảy triệu dân Bắc
Việt, nhưng ông còn muốn hình ảnh của ông được ghi sâu đậm trong lòng dân bằng
cách trao tặng Huy hiệu Bác Hồ cho những người có những gương làm việc tốt
trong thời gian từ năm 1959 đến năm 1969. Đến nỗi “Hồi đó, miền Bắc Việt Nam
đã dấy lên phong trào thi đua ‘nhà nhà làm việc tốt, người người làm việc tốt’
để mong được đón nhận Huy hiệu Bác Hồ” (4).
Huy hiệu này lấy khuôn mẫu quốc huy Việt Nam
DCCH thay ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ bằng hình bán diện Hồ Chí Minh được
dập nổi. Việc đưa hình ảnh của mình vào quốc huy để làm phần thưởng, nhằm khuếch
trương uy tín cá nhân, là một sự ngạo mạn đến mức cực đoan của người mắc bệnh
công thần nặng nhất chế độ này. Về hình thức trông nó còn bắt mắt hơn cả huân
chương Hồ Chí Minh – huân chương bậc cao thứ nhì của nhà nước Việt Nam do chính
ông Hồ ký sắc lệnh ngày 6/6/1947.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-14.png
Quốc huy Việt Nam DCCH và Huy hiệu ‘bác Hồ’
Huy hiệu này có giá trị tương đương với huân
chương Chiến công và huân chương Lao động, những vật phẩm của nhà nước dùng để
trao tặng cho những cá nhân và đơn vị có những thành tích xuất sắc trong công
cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, như phi công Phạm Thanh Ngân, được nhận 8 huy
hiệu cho 8 lần bắn rơi máy bay Mỹ và Anh hùng lao động Phạm Thị Vách, 2 lần được
nhận “huy hiệu Bác Hồ”…
Ngày 9/5/1961, Hồ Chí Minh đến thăm đảo Cô Tô
và sau đó được chính quyền tỉnh Hải Ninh (cũ) xin phép được dựng tượng ông trên
đảo này. “Được lời như cởi tấm lòng”, ông đã vui vẻ đồng ý và bắt đầu
từ đây, bức tượng của ông như một tế bào ung thư hình thành và theo thời gian
đã di căn ra khắp các tỉnh thành trên cả nước, khiến cho Việt Nam ngày nay trở
thành cường quốc về tượng đài lãnh tụ.
Hồ Chí Minh thường bỏ nhiều tâm huyết để dạy
các đảng viên của mình về “đạo đức cách mạng”, nhấn mạnh bốn điểm chính, gồm: “Cần,
kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Ngoài ra, ông còn nói: “Người
ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong
lúc nhân dân còn khó khăn, một người nào đó muốn sống hưởng ăn ngon, mặc đẹp
thì không có đạo đức” (5).
Những người có hân hạnh gặp ông và được dùng
cơm cùng ông, kể lại trên phương tiện truyền thông về cuộc sống bình dị của
ông, đôi khi thái quá, làm cho độc giả hiểu sai tác dụng của công tác tuyên
truyền. Nhưng họ đâu có biết, chính họ đã được sử dụng làm phương tiện đánh
bóng tên tuổi ông. Bởi những bữa ăn như vậy, cũng giống như những bữa ăn chay của
các phật tử vào ngày mùng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng.
Nếu ông ăn uống thực sự thanh đạm như vậy, ông
đâu cần phải có một người đầu bếp riêng từ năm 1951 đến năm 1969, tên là Đinh
Văn Cẩn, được Pháp đào tạo nấu giỏi cả cơm Tây lẫn cơm Việt. Phạm Văn Đồng cũng
có một đầu bếp riêng thạo nấu cơm Tầu, tên là Đặng Văn Lơ. Tuy nhiên, hai người
này cùng nhau hợp tác để các món ăn của hai vị lãnh đạo luôn được thay đổi cho
ngon miệng (6).
Mỗi lần ông sang Trung Quốc nghỉ ngơi dưỡng bệnh,
thì có đầu bếp Thiệu Vinh Lễ nấu riêng cho ông. “Ăn cơm tàu” nhưng
ông không “ở nhà Tây” bởi tình yêu đất nước của ông khác người, cho nên
không gian sống của ông ở đó cũng thật đặc biệt. Theo báo “lề đảng”,
tại khách sạn Tùng Hóa ở ngoại ô thành phố Quảng Châu hiện còn lưu giữ “kiến
trúc khu nhà Bác ở gần như vẫn nguyên vẹn, từ phòng làm việc, phòng ngủ, phòng
khách đến gian bếp, phòng ăn, kể cả sàn nhà lát bằng gỗ đem từ Việt Nam
sang” (7), điều đó có thể bắt nguồn từ nỗi nhớ miền Nam của ông, khiến
cho những người cảnh vệ đã phải bứng cả cây vú sữa cách đó 20 – 30 bước chân,
đưa về trồng ngay cạnh cửa sổ nhà sàn của ông để ông được nguôi ngoai (8).
Được phục vụ bởi những người đầu bếp tay nghề
cao như vậy chắc chắn ông là một người rất sành sỏi và tinh tế trong văn hóa ẩm
thực, với những món ăn đặc sắc Á, Âu. Nếu ai đó không đồng ý với quan điểm này,
hẳn họ phải thừa nhận ông đã sai lầm khi phí phạm tài năng trong công tác nhân
sự.
Theo lời kể của Vũ Kỳ, thư ký của ông Hồ, đoạn
mở đầu di chúc được ông viết vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt, nhưng
trong hồi ký của mình Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Anh Hoàng Tuệ kể với tôi
chuyện này: hồi kháng chiến chống Pháp, đi công tác ban đêm, tình cờ anh đi
cùng một đoàn người chở thuốc lá ngoại từ vùng tề ra cho cụ Hồ, có bộ đội đi
kèm để bảo vệ. Họa sĩ Dương Bích Liên, hồi cùng ở với ông Hồ ở Việt Bắc thấy
ông thường hút thuốc lá ngoại, uống rượu Tây và uống sữa tươi (Người ta nuôi một
con bò để lấy sữa cho ông)”… Và “ông Hồ ở Phủ Chủ tịch, thỉnh
thoảng lại đóng bộ complet, cravat, chống baton đi dạo một lúc trong khuôn viên
cho đỡ nhớ – hẳn là nhớ sinh hoạt hồi ở Paris” (9).
Hồ Chí Minh là người có tài thu phục nhân tâm
và dùng người, bài hát Kết Đoàn thường được ông sử dụng để kêu gọi mọi người đồng
lòng chung sức vì sự nghiệp cách mạng theo phương châm đã được ông đề ra: “Đoàn
kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nhưng
trong thực tế, ông không thành công trong việc gắn kết những người thân cận nhất
của ông thành một khối thống nhất.
Theo hồi ký Hoàng Tùng, ông có 10 nỗi đau,
trong đó “Nỗi đau thứ bẩy là sự bất hoà giữa mấy người lãnh đạo của ta.
Không phải mọi việc đều êm đẹp cả. Họ nhất trí với nhau về quan điểm đánh Mỹ,
nhưng quan điểm quốc tế không thống nhất, về quan hệ cá nhân với nhau không thuận
lợi… Tôi được biết từ năm 1966, cứ mỗi chiều thứ bẩy, Bác lại cho làm cơm và
nói: ‘Mấy chú cứ đến đây ăn cơm vui vẻ với nhau, có gì khúc mắc cứ nói hết ra,
không nên để bụng’. Anh Nguyễn Chí Thanh làm thư ký cho những cuộc đó cho đến
khi anh đi vào Nam. Sau anh Lê Văn Lương nói lại với tôi là họ cứ đến ăn cơm,
chén hết rồi họ về, chẳng ai nói với ai điều gì” (10).
Thế mới biết CNCS mà ông Hồ mang về cho dân tộc
ta thật khó thành hiện thực, những con người được ca ngợi là “học trò
xuất sắc” của ông, rốt cuộc cũng vẫn chỉ là những cỗ máy sinh học phức tạp
không thể vượt qua được cái tôi, cho nên họ không thể
giống những chiếc đồng hồ qua bàn tay chế tác của người thợ tài giỏi sau khi
lên dây cót xong là vận hành được chính xác.
Để mọi người hiểu rõ các chặng đường đi trên
con đường mà ông đã định hướng, Hồ Chí Minh giải thích: Thời kỳ quá độ “là
thời kỳ dân chủ mới, tiến dần lên CNXH”. Đó là thời kỳ “xóa bỏ triệt
để các tàn tích của chế độ thực dân, phong kiến, đồng thời từng bước gây dựng
các mầm mống cho CNXH phát triển” (11). Theo ông: “Bước đi trong
xây dựng XHCN ở nước ta là ‘phải làm dần dần’, ai nói dễ là chủ quan và sẽ thất
bại, phải thực hiện ‘đi bước nào vững chắc bước ấy’”. Như vậy nó khác hẳn với
mục tiêu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” mà
đại hội đảng lần 3 đề ra.
Chắc là vì vậy nên đến nay, sau 60 năm tiến
lên CNXH, mặc dù mắc bệnh kêu ngạo cộng sản nặng, người đứng đầu đảng mới đây
cũng phải thừa nhận: “Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng; chất
lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn
chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp; tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn
biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng
chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên” (12).
Mặc dù vậy, nhưng ônng TBT đảng vẫn khẳng định: “Điều
hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng
lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp
công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ
nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang
được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện”. Bởi theo di sản tư
tưởng Hồ Chí Minh thì chủ nghĩa Mác – Lê-nin “là cái ‘cẩm nang’ thần kỳ,
không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta
đi với thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản” (13).
Đúng là vào thời điểm đó nó là cứu cánh giúp
ông có vương quyền, nhưng nó không giúp cho đất nước ông, cũng như các nước
trong khối cộng sản, phát triển thịnh vượng về đủ các phương diện, cho nên nó
đã bị loài người vứt bỏ 30 năm qua. Sau khi khối Đông Âu sụp đổ thì công cuộc
xây dựng CNXH ở Việt Nam, dù ông có tái sinh để chỉ đạo, thì cũng bất khả thi
như sự quản lý đất và người trên quần đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng, cho
dù chính phủ đã có quyết định thành lập nó thành huyện đảo Hoàng Sa từ năm
1997.
Là lãnh tụ cộng sản dày dặn kinh nghiệm, cộng
với sự nhạy bén chính trị, về cuối đời, hẳn Hồ Chí Minh đã nhận thấy được những
cái bất cập trong lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa này. Bởi nếu nó hoàn hảo
thì không có những người phê phán nó sau khi nó ra đời, không có cuộc nổi dậy tại
Đông Đức năm 1953, không có sự kiện năm 1956 ở Hungary, không có Mùa xuân Praha
năm 1968 và cũng như ở Việt Nam không xảy ra vụ án chống đảng năm 1967 và chắc
chắn ông cũng đã linh cảm được sự thoái trào của CNCS bởi những lãnh tụ “đồng
sàng dị mộng”.
Sự đau lòng của ông đối với phong trào cộng sản
thế giới mà ông ghi trong di chúc, giống như tâm trạng của một chủ doanh nghiệp
đồng thời là cổ đông lớn, đang nhìn thấy cổ phiếu của ngành mà ông ta đặt mua cổ
phần, ngày càng tụt dốc trên sàn chứng khoán thế giới.
Không chỉ có mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn,
Hồ Chí Minh cũng là người “tiền hậu bất nhất” – mà ngày nay người ta gọi là ‘tự
diễn biến’ – cả trong cách đối nhân xử thế. Nhiều thế hệ người Việt được đào tạo
dưới mái trường XHCN, hẳn đã từng có lần làm bài văn nghị luận về câu nói của
ông: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài
thì làm việc gì cũng khó”. Nhưng hình ảnh mà ông dẫn chứng “Nếu có
đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có ích gì
cho loài người” (14) thì khó được chấp nhận. Bởi chữ Bụt có nguồn gốc
chữ Phạn: Buddhã, chính là Phật trong tiếng Hán.
Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan ông đã từng
nương nhờ cửa Phật, tự cắt tóc làm sư Hạnh Đa để tránh bị truy lùng và dễ bề hoạt
động trong cộng đồng Việt kiều tại đây (15). Năm 1947, trong thư Gửi Hội Phật tử
Việt Nam, ông đã viết: “Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu
chúng sinh ra khỏi khổ nạn. Nguời phải hy sinh đấu tranh, diệt lũ ác ma” (16)
và tại chùa Bà Đá, ngày 5/1/1946, ông đã từng cầu nguyện trước tượng Phật và
cũng đã từng nhắc nhở các nhà sư “ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng
thành công” (17).
Là môn đồ của Marx, chắc chắn câu nói “Tôn
giáo là thuốc phiện của nhân dân” đã làm cho ông, một người ưa dùng bạo
lực cách mạng có một cái nhìn sai lệch về tôn giáo này khi ông đã thành công và
qua đó cũng không chỉ thể hiện sự vô ơn, mà còn biểu hiện căn bệnh kiêu ngạo cộng
sản trầm kha của ông.
Căn bệnh này được thể hiện vào năm 1951 theo lời
kể của Hoàng Tùng: “Trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác nói Stalin
không được như thế đâu, chỉ vì người ta cần có một ngọn cờ mà đưa lên như thế.
Nghĩa là Bác biết rõ Stalin. Người không sùng bái, cũng như không sùng bái Mao
Trạch Đông. Nhiều lúc Bác cũng phải ngoại giao”. Thế mà trước đó một
năm ” ông đã công khai nói trước hội nghị cán bộ (1950) tại chiến khu
Việt Bắc để chuẩn bị cho đại hội 2 của ĐCS sẽ họp năm sau là: ‘Các cô các chú
nên biết rằng: ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch
Đông thì không thể nào sai được’.” (18)
Có một điều khó hiểu là một người coi thường
Phật giáo như vậy mà tượng của ông ngày nay lại được đưa vào trong các nhà chùa
để thờ phụng. Phải chăng Phật giáo Việt Nam đã và đang bị chế độ cộng sản thao
túng?
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-12.png
Tượng Hồ Chí Minh
trong chùa quốc doanh. Nguồn internet.
Với ý chí và nghị lực, cùng với sự nhạy bén nắm
bắt thời cơ, Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn ngàn hiểm nguy để đạt tới tột đỉnh
vinh quang. Là con người trần tục, ông có thể đã có một cuộc sống thật viên mãn
lúc đã công thành danh toại, tận hưởng hạnh phúc cá nhân muộn mằn khi đã về già
ngồi trên ngôi báu, nhưng ông không có đủ bản lĩnh để khước từ những gì mà đảng
đã ưu ái dành cho ông. Là nô lệ của danh vọng ông đã tự nguyện gạt bỏ hạnh phúc
cá nhân để nhập vai thành một đấng toàn tri, toàn giác của đảng.
Trong di chúc của mình ông mong muốn, sau khi
chết nhà nước không “tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì
giờ và tiền bạc của nhân dân”, nhưng ông đã không phản đối khi biết nguyện
vọng cuối đời của ông không được thực hiên. “Theo lời kể của con trai cả
của Bí thư Lê Duẩn đã nói với Hồ Chí Minh về việc thi hài ông nên được bảo quản
lâu dài để đồng bào trong Nam và cả nước được đến thăm, nghe vậy Hồ Chí Minh trở
nên trầm ngâm” (19).
Theo triết gia Aristotle, hai điều trái ngược
không thể tồn tại lâu dài trong một chủ thể, như vậy sự trầm ngâm này phản ánh
cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt của ông, nó giống hệt như cuộc đấu tranh “ai
thắng ai” (20) đã được ông phân tích, rao giảng trước mọi người nhiều
năm trước đó.
Vậy theo độc giả, trước khi chúng ta vẫn còn bị
đảng tuyên truyền, giáo dục theo định hướng, có nên xin tiến sĩ Bùi Trường Giang, phó ban Tuyên giáo TƯ, tư
vấn câu hỏi đang được bỏ ngỏ này: Đảng sẽ tiếp tục thu hoạch được gì từ
cuộc vận động “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh”?
______
Chú thích:
4- https://vi.wikipedia.org/wiki/Huy_hi%E1%BB%87u_B%C3%A1c_H%E1%BB%93
5- https://www.bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/8953-hoc-bac-tu-nhung-dieu-binh-di-phan-1.html
6- https://vtc.vn/nguoi-dau-bep-va-nhung-chuyen-thu-vi-ve-bua-an-cua-bac-ho-ar220540.html
7- https://www.vietnamplus.vn/nhung-lan-sinh-nhat-bac-qua-loi-ke-cua-dau-bep-trung-quoc/322190.vnp
8- https://www.youtube.com/watch?v=Y_DV8QbAFHY (phút
14:00 – 14:45)
9- https://www.wattpad.com/107760-hoi-ky-nguyen-dang-manh/ (Hồi
ký Nguyễn Đăng Mạnh Chương VII: Hồ Chí Minh (trang 121-131)
10- https://www.diendan.org/viet-nam/tu-lieu-hoang-tung-1920-2010-noi-ve-ho-chi-minh
13- https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/con-duong-dan-toi-den-chu-nghia-lenin.htm
14- https://bqllang.gov.vn/danh-sach-khach-vieng.html?id=3241:nhung-cau-noi-hay-cua-bac-phan-1 (câu
18 và câu 25)
16- http://clb.tinhnguoi.vn/goc-yeu-thuong?baiviet=Chu-Tich-Ho-Chi-Minh-voi-dao-Phat-pid53.html
17- http://quehuongonline.vn/con-nguoi-viet-nam/minh-triet-ho-chi-minh-voi-phat-giao-13744.htm
18- https://www.rfa.org/vietnamese/binhluan/Land_Reform_P4_NMCan-20060520.html
19- https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Ch%C3%AD_Minh
No comments:
Post a Comment