Wednesday, 12 May 2021

ĐÁM "CHIẾN BINH SÓI" TRUNG CỘNG ĐANG LÀM LOẠN NHƯ THẾ NÀO? (Minh Đăng - Saigon Nhỏ News)

 



Đám “chiến binh sói” Trung Cộng đang làm loạn như thế nào?

MINH ĐĂNG

Last updated May 12, 2021

https://saigonnhonews.com/article-can-promote/dam-chien-binh-soi-trung-cong-dang-lam-loan-nhu-the-nao/

 

Dùng chính “sân chơi” truyền thông xã hội phương Tây, cộng sản Trung Quốc đã và đang tổ chức các chiến dịch tâm lý chiến dữ dội. Đập nát luận điệu của cộng sản Trung Quốc trên mặt trận này thật sự là điều không dễ dàng…

 

Một mặt trận “hoang dã” có kiểm soát

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến lâu dài và đầy tham vọng nhằm định hình dư luận toàn cầu: phương tiện truyền thông xã hội phương Tây. Lưu Hiểu Minh, người gần đây vừa rời ghế đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh, là một trong những “chiến binh” hung hăng nhất trên chiến trường trực tuyến này. Lưu gia nhập Twitter vào tháng 10-2019, thời điểm mà hàng loạt nhà ngoại giao Trung Quốc mở tài khoản Twitter và Facebook. Lưu đã lôi kéo hơn 119.000 người theo dõi khi biến mình thành hình mẫu của chính sách ngoại giao “chiến binh sói”. Những tweet quá khích của Lưu đã được retweet hơn 43.000 lần chỉ từ tháng 6-2020 đến tháng 2-2021.

 

Theo AP (ngày 12-5-2021), cuộc điều tra bảy tháng của Associated Press và Viện Internet Oxford (thuộc Đại học Oxford) phát hiện rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc trên Twitter đã được hỗ trợ bởi một đội quân nhung nhúc chuyên sử dụng tài khoản giả. Hơn một nửa retweet mà Lưu nhận được từ tháng 6-2020 đến tháng 1-2021 đều đến từ các tài khoản mà Twitter đã tạm ngưng do vi phạm quy tắc của họ. Nhìn chung, hơn 1/10 trong 189 lượt retweet mà 189 nhà ngoại giao Trung Quốc nhận được trong khung thời gian đó đều đến từ các tài khoản mà Twitter đã tạm ngưng vào ngày 1-3-2021. Tuy nhiên, việc bị Twitter đình chỉ không ngăn được cỗ máy khuếch đại được thiết kế để ủng hộ Trung Quốc. Tất cả khiến tạo ra “ảo giác” về sự ủng hộ rộng rãi, làm sai lệch các thuật toán, vốn được thiết kế để thúc đẩy việc phân phối những nội dung phổ biến, và cuối cùng dẫn đến chuyện dư luận nói chung bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền Trung Quốc.

Cần nhấn mạnh rằng, dù các tài khoản giả có thể không có tác động riêng nhưng theo thời gian và quy mô, chúng luôn có khả năng làm sai lệch môi trường thông tin.

 

Các yêu cầu gỡ xuống của Twitter thường chỉ được thực hiện sau vài tuần hoặc vài tháng mà tài khoản đó hoạt động. Tổng cộng, AP và Viện Internet Oxford đã xác định 26.879 tài khoản được lập ra để retweet những gì giới ngoại giao hoặc phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc phát biểu và chúng đã retweet gần 200.000 lần trước khi bị “khóa mõm”. Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói rằng họ không sử dụng các trò bịp trên mạng xã hội. “Không có cái gọi là tuyên truyền sai lệch, cũng như xuất khẩu một mô hình hướng dẫn dư luận trực tuyến” – đại diện Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói với AP – “Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan sẽ từ bỏ thái độ phân biệt đối xử, cởi bỏ “cặp kính râm” và có cách tiếp cận hòa bình, khách quan và hợp lý trên tinh thần cởi mở và hòa nhập”.

 

Hiện có ít nhất 270 nhà ngoại giao Trung Quốc tại 126 quốc gia đang “chiến đấu” trên Twitter và Facebook. Cùng với truyền thông nhà nước Trung Quốc, họ kiểm soát 449 tài khoản trên Twitter và Facebook. Những tài khoản này đã đăng gần 950.000 lần từ tháng 6-2020 đến tháng 2-2021. Theo phân tích của Viện Internet Oxford và AP, những tin này được thích hơn 350 triệu lần, trả lời và chia sẻ hơn 27 triệu lần. Ba phần tư các nhà ngoại giao Trung Quốc trên Twitter đã tham gia trong vòng hai năm qua.

 

“Trên chiến trường Internet, việc chúng ta có thể chống chọi và chiến thắng hay không liên quan trực tiếp đến an ninh tư tưởng và an ninh chính trị của đất nước” – Chủ tịch Tập Cận Bình nói vào năm 2013, không lâu sau khi lên “ngai hoàng đế”. Tháng 9-2019, khi các nhà ngoại giao Trung Quốc đổ xô lên Twitter, Tập kêu gọi các cán bộ Đảng tăng cường “tinh thần chiến đấu”, trong khi cùng lúc ra lệnh chấn chỉnh việc quản lý internet ở Trung Quốc, thắt chặt biện pháp kiểm soát và ràng buộc truyền thông Trung Quốc hơn bao giờ hết phải trung thành với Đảng, nhằm đảm bảo, như ông nói trong một phát biểu năm 2016, rằng truyền thông phải tỏ ra “yêu thích, bảo vệ và phục vụ Đảng”.

 

Tính đến ngày 1-3-2021, Facebook đã gắn nhãn 2/3 trong 95 tài khoản truyền thông nhà nước Trung Quốc bằng tiếng Anh, nhưng chưa đến 1/4 tài khoản bằng các ngôn ngữ khác. Không như Twitter, Facebook không gắn nhãn các tài khoản ngoại giao, phần lớn trong số đó là tài khoản đại sứ quán và lãnh sự quán chính thức. Facebook cũng đã gắn nhãn 41 hãng truyền thông nhà nước của Trung Quốc, nâng tổng số tài khoản được gắn nhãn từ dưới một nửa lên gần 90%.

 

 

Phản đòn của Trung Quốc

Đầu tháng 2-2021, Tân Hoa Xã công bố một “kiểm chứng thực tế” gồm 24 “dối trá” mà họ cho rằng các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây đã lan truyền về Tân Cương, nơi Trung Quốc bị buộc tội diệt chủng vì đàn áp tàn bạo người Duy Ngô Nhĩ. Theo Tân Hoa Xã, vấn đề thực sự ở Tân Cương chẳng ăn nhập gì đến nhân quyền, mà chỉ liên quan “chủ nghĩa khủng bố” của người Duy Ngô Nhĩ. Tân Hoa Xã cũng cho biết, Bắc Kinh đã mang lại sự ổn định và phát triển kinh tế cho khu vực… Bài báo trên của Tân Hoa Xã dĩ nhiên lập tức được chia sẻ ào ạt trên các phương tiện truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc, được Bộ Ngoại giao nước này nhắc lại trong một cuộc họp báo, và được giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ, Ấn Độ, Djibouti, Canada, Hungary, Áo, Tanzania, Kazakhstan, Jordan, Liberia, Grenada, Nigeria, Lebanon, Trinidad và Tobago, Qatar và Vương quốc Anh tung lên Twitter… Từ đó, nó được khuếch đại hơn nữa bởi những “chiến binh âm thầm” nhưng bí ẩn như gyagyagya10…

 

Tài khoản “Gyagyagya10”, vốn chỉ duy nhất có một người theo dõi (follower), là một phần của mạng lưới gồm 62 tài khoản được lập ra với mục đích thúc đẩy lan truyền những gì giới ngoại giao Trung Quốc ở Vương quốc Anh phát biểu. Gyagyagya10 ra đời vào giữa tháng 8-2020 cùng lúc với hơn một chục tài khoản khác. Sau khi Lưu Hiểu Minh rời ghế đại sứ cuối tháng 1-2021, đám Gyagyagya10 bỗng biến mất. Đây là bằng chứng cho thấy tất cả đều được “sinh ra” và “chết đi” với mục đích cụ thể, sau khi chúng hoàn thành phục vụ một chiến dịch cụ thể trong một sứ mạng cụ thể. Theo Viện Internet Oxford, 62 tài khoản của “hệ thống Gyagyagya10” đã tweet lại và trả lời các bài đăng của giới nhà ngoại giao Trung Quốc ở London gần 30.000 lần, trong khoảng thời gian từ tháng 6-2020 đến cuối tháng 1-2021.

 

Chúng thường đăng những trả lời và tweet giống hệt nhau và liên tục sử dụng những cụm từ hệt nhau chẳng hạn “Tân Cương xinh đẹp” hoặc “tất cả vì tương lai chung cho nhân loại”. Chúng tỏ ra làm việc tận tâm, đôi khi phản hồi hơn 3/4 tổng số tweet của đại sứ Lưu. Ngày 1-3-2021, Twitter đã xóa hai tài khoản và đình chỉ 31 tài khoản ủng hộ Trung Quốc liên quan giới ngoại giao Trung Quốc tại Vương quốc Anh. 29 người còn lại – trong đó có gyagyagya10 – tiếp tục hoạt động, tạo ra hơn 10.000 lượt retweet và gần 6.000 lượt trả lời trước khi bị Twitter đình chỉ vĩnh viễn.

 

 

Một mặt trận với qui mô đầu tư ngoài sức tưởng tượng

Ở Trung Quốc, việc thao túng diễn ngôn trực tuyến đã được thể chế hóa một cách hiệu quả. Các trường đại học Trung Quốc công khai đăng thông báo về đội ngũ “bình luận viên trực tuyến” và “tình nguyện viên văn minh internet”, bao gồm những tân binh “yêu Tổ quốc” và tận tụy làm việc để hướng dẫn dư luận bằng cách “loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực” và “lan tỏa năng lượng tích cực” trên không gian mạng.

 

Quy mô của hoạt động là rất lớn. Ryan Fedasiuk, nhà phân tích nghiên cứu thuộc Trung tâm An ninh và Công nghệ của Đại học Georgetown, đã xem xét hàng chục tài liệu liên quan ngân sách của chính phủ Trung Quốc, những thông báo của trường đại học và báo cáo truyền thông.

 

Ryan Fedasiuk phát hiện rằng, năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc có khoảng 20 triệu tình nguyện viên bán thời gian, nhiều người trong số đó là sinh viên; và hai triệu tài khoản khác chuyên đi “còm dạo” (bình luận) được trả phí, nhằm định hướng dư luận. Nhiều công ty vì lợi nhuận cũng ký hợp đồng với các cơ quan chính phủ để điều hành mạng lưới phối hợp các tài khoản mạng xã hội, vừa sử dụng con người vừa dùng kỹ thuật tự động, để giúp “hướng dẫn ý kiến ​​công chúng theo Mareike Ohlberg, thành viên cấp cao tại Chương trình Châu Á thuộc Quỹ German Marshall, và Jessica Batke, biên tập viên cấp cao tại ChinaFile, một tạp chí trực tuyến được xuất bản bởi Asia Society.

 

Mareike  Ohlberg nói với AP rằng kể từ năm 2017, trong khi đa số “chiến binh mạng” tại Trung Quốc kiểm soát việc định hướng dư luận “tác nghiệp” trong nước thì một số lượng ngày càng tăng cũng được hình thành, nhắm mục tiêu đến Twitter, Facebook và YouTube. Một văn phòng an ninh công cộng ở một thành phố tương đối nhỏ tại Đông Bắc Trung Quốc thậm chí muốn mua một “hệ thống bình luận trên Internet thông minh” giúp tạo ra những bình luận trên Twitter, Facebook và YouTube từ hàng nghìn tài khoản và địa chỉ IP khác nhau.

 

Tất cả cho thấy Trung Quốc đang làm rất mạnh cuộc chiến tuyên truyền trên không gian mạng và hậu quả cực kỳ nghiêm trọng của việc này là ảnh hưởng sâu sắc của nó đối với nền dân chủ phương Tây nói riêng và dân chủ thế giới nói chung. Nếu các hệ thống như Twitter, Facebook, YouTube… còn nhẹ tay hoặc không có sách lược đối phó cụ thể thì nền dân chủ thế giới ngày càng đối mặt một hiểm họa khó lường.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats