130
NĂM TRƯỚC, NGƯỜI SÀI GÒN PHÒNG CHỐNG DỊCH RA SAO?
Trần
Nhật Vy
Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021
http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/03/130-nam-truoc-nguoi-sai-gon-phong-chong.html
Một đám tang thời xưa. Ảnh: Tư liệu.
TTO - Nói chung, cách đây 130 năm, người xưa trị và
phòng dịch cũng khá đơn giản. Có lẽ khi đó người ta chưa biết nhiều về vi khuẩn.
Ngày 11-3 và 18-3-1890, Gia Định Báo đã đăng liên tiếp "hai lần một
bài" báo nói về việc phòng bệnh dịch mang tên Nói về dịch khí. Đây là tiền
lệ ít có trong nghề báo.
Bài báo không ghi tên tác giả, có thể do ông Trương Minh Ký dịch hoặc ghi lại
theo một bác sĩ Pháp, bởi khi ấy ông là chủ bút tờ báo này.
Việc một bài báo được đăng liên tiếp hai số báo cho thấy xã hội khi ấy đang có
bệnh dịch, và theo mô tả trong bài viết này thì có thể đây là dịch tả. Việc phòng dịch ấy như thế nào? Xin giới
thiệu với bạn một bài báo xưa và cách chữa trị của người xưa để tham khảo.
"Muốn làm cho dịch khỏi lây ra cùng không có dịch, dầu có người mắc bịnh tả
lợi [chứng kiết lỵ] mà thôi cũng phải lo hết sức mà cứu chữa. Hễ có nghi ai
mang lấy bịnh ấy, thì phải để ở riêng ra cho kíp. Phải dùng thuốc nước mà trừ
cho hết khí độc...".
Trước tiên là phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là "cách ly".
Phòng người bệnh nằm phải dọn trống, vách phên phải kéo nước vôi, phải dùng một
thứ thuốc nước trừ khí độc mà rửa cùng rưới cho khắp, lại phải quét cho kỹ.
Kế đến là ngăn dịch bằng cách loại bỏ các tác nhân có thể lây lan. "Phải
làm cho áo quần nó khỏi khí độc là dầm trong thứ nước vôi đã nói trước nầy. Những
đồ người mắc bịnh ấy đã dùng đến đều phải thiu [thiêu] đốt, không phải dùng các
thứ nước ấy mà tẩy trừ khí độc, cũng chẳng phải đốt lưu hoàng mà xông hơi
nó".
Và cách cuối cùng là "ngăn chặn giao thông" để tránh sự lây lan rộng
hơn trong dân chúng: "Hễ làng nào ghe thuyền mắc lấy bịnh ấy thì phải cấm
đừng cho giao thông, bằng không có thể cấm lâu, thì phải tùy theo sự cần kíp mà
cấm".
Việc loại bỏ các tác nhân lây lan, người xưa dùng lưu hoàng [lưu huỳnh] - một
chất phi kim loại được sử dụng rộng rãi trong việc bào chế thuốc súng, thuốc trừ
sâu và thuốc diệt nấm. "Phải dùng bình sành bề sâu chừng năm phân để rải
ra dưới đất, phải dùng nửa cân lưu hoàng đập ra miếng nhỏ mà bỏ trong các bình ấy.
Lưu hoàng ấy nhà nước sẽ phát cho các chức làng. Số bình ấy không định là mấy
cái, cứ mỗi thước vuông vức phải đốt lưu hoàng chừng 20 gr. [...] Trước khi đốt
lưu hoàng phải đóng các cửa lại cho kín, vách tường có lỗ có hang cùng các chỗ
hở phải lấy đồ bổi [vật nhẹ, rẻ tiền] hay là giấy mà nhét mà dán cho kín, hoặc
giăng mền mà ngăn. Sau khi xông bằng khí lưu huỳnh 36 giờ sau các vật dụng ấy
phải đem ra rửa, giặt sạch rồi phơi ba ngày sau mới sử dụng lại được".
Bài báo cũng chỉ ra phải làm ấm cơ thể người bệnh bằng cách "chà xát hay
dán miếng nĩ nhúng nước sôi vào chớn thủy và sau ót".
Nói chung, cách đây 130 năm, người xưa trị và phòng dịch cũng khá đơn giản. Có
lẽ khi đó người ta chưa biết nhiều về vi khuẩn. Vì phải đến giữa thế kỷ 20 thì
vi khuẩn mới được giới khoa học biết đến nhiều hơn và nghiên cứu cách ngăn chặn
và điều trị.
Trần Nhật Vy
08/03/2020 06:30 GMT+7
No comments:
Post a Comment