Wednesday, 12 May 2021

100 NGÀY SAU ĐẢO CHÍNH QUÂN SỰ, MIẾN ĐIỆN TRONG HỖN LOẠN TIẾN GẦN ĐẾN NỘI CHIẾN (Anh Vũ - RFI)

 



100 ngày sau đảo chính quân sự, Miến Điện trong hỗn loạn tiến gần đến nội chiến

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 11/05/2021 - 15:08

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210511-100-ngay-dao-chinh-quan-su-mien-dien

 

Sáng sớm ngày 01/02/2021, các tướng lĩnh Miến Điện làm đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi, chấm dứt 10 năm tồn tại của nền dân chủ mong manh.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6d2ae4c8-b24d-11eb-9246-005056bf87d6/w:900/p:16x9/AP21130303354113.webp

Người biểu tình Miến Điện bên ngoài Trung tâm Hledan, Rangoon, mang ảnh nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi bị tập đoàn quân sự giam tại gia từ khi đảo chính 01/02/2020. AP

 

Ngày hôm nay, 11/05/2021, đánh dấu đúng 100 ngày quốc gia Đông Nam Á này lại nằm trong tay giới độc tài quân sự, với các cuộc đàn áp đẫm máu phong trào nổi dậy chống đảo chính trên khắp cả nước, nền kinh tế bị tê liệt vì tổng đình công chưa từng có, cuộc nội chiến sắc tộc lại bùng lên. Miến Điện chìm trong hỗn loạn bạo lực không lối thoát, trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế.

 

Khi tiến hành cuộc đảo chính hồi đầu tháng Hai, giới tướng lĩnh Miến Điện nghĩ rằng họ đã giành được quyền lực một cách êm đẹp và sự phản kháng của dân chúng sẽ qua đi trong một thời gian ngắn khi mập mờ hứa hẹn sẽ cho tổng tuyển cử để đất nước trở lại thể chế dân sự vào năm 2022. Họ tuyệt nhiên không ngờ rằng sự kháng cự của dân chúng lại quyết liệt và bền bỉ đến như vậy. Để dẹp yên phong trào phản kháng, chính quyền quân sự chọn cách đàn áp bằng sức mạnh duy nhất họ có trong tay là quân đội.

 

Trong vòng hơn ba tháng qua, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị tại Miến Điện, đã có 780 người tham gia phong trào chống đảo chính bị giết hại vì đã xuống đường đòi dân chủ. Hàng nghìn người, gồm các nhà trí thức, nhà báo, nhà hoạt động chính trị bị bắt giữ vì công khai lên án cuộc đảo chính.

 

Bất chấp bị đàn áp bạo lực đẫm máu, các cuộc bố ráp liên miên lùng bắt người biểu tình reo rắc hoang mang lo sợ khắp nơi, phong trào chống đảo chính trong cả nước chưa một ngày ngừng lại từ sau cuộc đảo chính. Hoạt động kinh tế đất nước từ hải cảng, ngân hàng hay bệnh việt bị tê liệt vì cuộc tổng đình công.

 

Phe đối lập tìm cách hình thành cơ cấu chính trị. Giữa tháng Tư vừa qua, đối lập đã lập được một chính phủ đoàn kết dân tộc, tập hợp các đại diện của nhiều sắc tộc thiểu số và hoạt động trong vùng đông và bắc đất nước, nơi do các lực lượng nổi dậy kiểm soát. Tuy nhiên mới đây chính quyền quân sự đã liệt chính phủ đối kháng này vào trong danh sách các tổ chức khủng bố. Vì quyền lợi sống còn và đã ở thế cưỡi trên lưng hổ, theo các nhà quan sát, giới quân sự ở Miến Điện sẽ không bao giờ chịu lùi bước, chấp nhận đối thoại với phong trào phản kháng. 

 

Nhưng cũng còn vì một lý do khác là vì giới tướng lĩnh đã nhìn thấy giới hạn của áp lực quốc tế. Từ đầu cuộc đảo chính quân sự đến giờ, cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ quan tâm đặc biệt muốn giúp Miến Điện thoát khỏi khủng hoảng trở lại với thể chế dân chủ. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu rồi Anh Quốc cũng đã lên án đảo chính và trừng phạt kinh tế nhằm vào giới tướng lãnh Miến Điện, nhưng vẫn chưa đủ để làm chùn bàn tay bạo lực của chính quyền sự.

 

Ngay các lãnh đạo ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc gia Đông Nam Á) đã cố gắng vượt qua những chia rẽ giữa các nước thành viên, để mời tướng Min Aung Hlaing họp và ra tuyên bố kêu gọi đối thoại, chấm dứt bạo lực và đề xuất cử một đặc phái viên đến Miến Điện. Thế nhưng chỉ ít ngày sau, tập đoàn quân sự đã dội gáo nước lạnh lên Hiệp Hội mà Miến Điện là thành viên, với thông báo rằng họ chỉ tiếp đại diện cũng như xem xét các đề xuất của ASEAN một khi « tình hình trong nước ổn định ».

 

Đến lúc này, khó có thể nhìn thấy được một lối thoát chính trị nào khả dĩ cho cuộc khủng hoảng ở Miến Điện, khi mà sức ép của cộng đồng quốc tế vẫn chỉ hạn chế ở mức độ lên án chung chung và nếu có đề xuất nào cứng rắn hơn đối với tập đoàn quân sự Miến Điện ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thì lại sẽ bị Nga và Trung Quốc chặn lại, vì những tính toán lợi ích riêng của họ.

 

Ông Mike Farmaner, lãnh đạo tổ chức phi chính phủ Burma Campaign UK đóng trụ sở tại Luân Đôn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình France 24 nhận định : « Chỉ  trừng phạt kinh tế  với tập đoàn quân sự Miến Điện không thôi thì sẽ không đủ. Ảnh hưởng của các nước phương Tây đối với nền kinh tế Miến Điện còn quá hạn chế » trong khi Trung Quốc mới là đối tác hàng đầu của tập đoàn quân sự. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt kinh tế với Miến Điện dù sao cũng có tác động về tâm lý cho phong trào phản kháng trong nước. Mỗi quyết định trừng phạt của quốc tế nhằm vào chính quyền quân sự Miến Điện đều được coi như là một thắng lợi đối với phong trào chống đảo chính, khích lệ họ tiếp cuộc đấu tranh lâu dài. 

 

Tuy nhiên, theo chuyên gia, Alexandre Pelletier, nhà nghiên cứu tại Đại học Cornelle, Hoa Kỳ, nhận định trên đài RFI Pháp ngữ, thì lối thoát của cuộc khủng hoảng phải được mở từ bên trong Miến Điện, « giải pháp hiển nhiên là thừa nhận lại cuộc bầu cử năm 2020, nhưng thời gian qua đi thì càng khó có hy vọng kịch bản này sẽ xảy ra. Giới quân nhân cuối cùng vẫn bám giữ mục tiêu. Họ muốn đối lập dân chủ bị đè bẹp và muốn hệ thống chính trị Miến Điện phải bảo đảm cho sự thống trị của họ rồi mới trở lại bầu cử một năm sau đó ». 

 

Nhưng tình hình đã không theo sự tính toán của giới quân đội. Giới quan sát đều nhận thấy Miến Điện đang ngày thêm tiến gần đến một cuộc nội chiến khi mà những nhà hoạt động ly khai gia nhập các nhóm vũ trang nổi dậy đã tồn tại từ trước, phong trào phản kháng cũng tự trang bị vũ khí để tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài.

 

                                                    ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Miến Điện: Tập đoàn quân sự liệt “Chính Phủ” đối lập vào diện tổ chức khủng bố

 

Miến Điện: Người biểu tình phát động phong trào “đánh động thế giới”

 

Miến Điện: Quân đội từ chối tiếp đại diện ASEAN khi chưa ổn định tình hình

.

==============================================

.

Miến Điện: EU dọa trừng phạt mạnh nếu giới quân sự không có “giải pháp hòa bình” 

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats