Sunday, 16 May 2021

VIỆT NAM BAO GIỜ THÌ TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG? (Trần Nguyễn Lê Minh)

 



Việt Nam bao giờ thì trở lại bình thường?

Trần Nguyễn Lê Minh
2021-05-15

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/when-will-vn-return-to-normalcy-05152021205711.html

 

Không phải “Bao giờ hết dịch?” nữa, câu hỏi lớn nhất của tất cả mọi người bây giờ là “Bao giờ xã hội hoạt động trở lại gần như trước?”

 

Giờ tôi đóng vai Chính phủ Việt Nam, xin trả lời câu hỏi của quý vị như sau:

 

-Bao giờ an toàn thì hoạt động trở lại.

 

Quý vị hỏi tiếp:

-Bao giờ thì an toàn? Như thế nào là an toàn?

 

Tôi đáp:
-Khi virus không còn lưu hành đủ nhiều và mạnh để lây lan và để gây bệnh. Khi số người được tiêm vaccine đủ nhiều để tạo thành miễn dịch cộng đồng (vì tiêm rồi thì nếu bệnh cũng sẽ nhẹ hơn).

 

Quý vị thấy đấy, với điều kiện kinh tế của Việt Nam, việc tiêm vaccine không thể so sánh với các cường quốc. Vaccine Việt Nam lựa chọn là vaccine AstraZeneca. Đây là loại vaccine gây nhiều tranh cãi kể từ khi nó được triển khai vào đầu năm nay, do một số người đã bị biến chứng đông máu sau khi tiêm, mà sau đó Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đã phải công nhận là “tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine”. Việt Nam không đủ tiền cũng không đủ nhân lực để mua các loại vaccine tốt nhất và nhanh chóng tiêm chủng để đạt được ít nhất 70% số người. Do vậy, Việt Nam phải tập trung vào biện pháp thứ nhất, là làm mọi cách để chống lây lan.

 

Vì thế, các chuyên gia y tế lão làng trong ngành dịch tễ ở Việt Nam đề xuất nguyên tắc siết chặt các điểm nóng vốn tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm chéo, dễ bùng phát COVID như bệnh viện, cơ sở y tế, Khu công nghiệp, ký túc xá, các cơ sở dịch vụ tập trung đông người trong không gian kín như massage, karaoke, gym, bar, pub, vũ trường…. Quan trọng nhất: không phải chờ đến khi “bung, toang” thì mới dựng hàng rào cô lập, mà phải luôn xem đó là những điểm nguy hiểm nhất để ngay khi dịch dường như im ắng thì vẫn phải đề phòng cao nhất và dồn sức giữ sạch.

 

Thế nhưng từ nhiều tháng nay, vẫn luôn có khoảng cách lớn giữa các mệnh lệnh khẩn thiết từ phía các lãnh đạo Chính phủ, ngành y tế và thực tế thực hiện. Ví dụ các hãng hàng không đều yêu cầu hành khách khai báo y tế trước khi vào phòng chờ, nhưng đợt nghỉ 30/4-1/5 vừa qua, hầu như khách khai xong thì để đó chứ không nhân viên nào kịp đọc để kiểm tra sàng lọc. Khách đi từ vùng dịch về địa phương chẳng phải khai báo y tế gì. Ở các quán ăn, vẫn thấy người bán dùng tay trần, không đeo bao tay khi chuẩn bị thức ăn cho khách. Trong các công sở, tư sở, người ta vẫn ngồi ăn uống chung bất chấp lệnh cấm.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/000_99z863.jpg/@@images/b17f0fdd-8d26-4f9d-95a9-f7a5cfe1f4d1.jpeg

Hình minh hoạ: người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 15/3/2021

 

Sự cực đoan trong chống dịch có thể thấy rất rõ ở người dân và một số lãnh đạo địa phương: khi dịch bùng thì mặc dù mới chỉ vài ca cũng đã ngay lập tức đóng cửa, nhiều người dân la ó đòi phong tỏa, trên trang nhất các báo chỉ toàn thông tin về ca nhiễm, lịch trình, tàu xe ngừng chạy, dịch vụ đóng cửa… Nhưng dịch chỉ vừa ngơi ngơi thì ngay lập tức ăn nhậu, chơi bời, bar sàn… điên cuồng, mặc dù nguy cơ vẫn hiện diện như cũ và số người được chích vaccine vẫn gần như chưa đáng kể.

 

Lẽ ra, khi đã đủ thời gian để hiểu rõ hơn về bản chất virus này cũng như đã xác định việc chống dịch không thể kết thúc trong vòng một vài năm thì các cơ quan có trách nhiệm ở Việt Nam trước nhất cần lập ra bộ tiêu chí an toàn, để các doanh nghiệp, dịch vụ, trường học… chỉ cần căn theo đó thực hiện. Bộ tiêu chí an toàn có thể thay đổi thường xuyên để phù hợp thực tế kiến thức về virus và diễn biến tiêm vaccine, nhưng nó phải là bắt buộc và thường xuyên.


Như vậy sẽ tránh được các mệnh lệnh cực đoan đang khiến cho xã hội ngưng trệ một cách không cần thiết, và đẩy hàng loạt doanh nghiệp, tiểu thương vào tình trạng ngắc ngoải như hơn một năm nay.

 

Ví dụ, các mệnh lệnh phong tỏa địa phương ngay khi số ca bệnh còn rất ít ỏi và khu trú, mệnh lệnh ngừng chạy tàu xe đến các địa phương có dịch, mệnh lệnh đóng cửa bãi biển, công viên, mệnh lệnh các cơ sở ăn uống chỉ được phục vụ không quá 30 khách trong cùng thời điểm…


Với đặc điểm dễ chết ngay khi gặp nhiệt độ cao và môi trường thông thoáng, các công viên, bãi biển, nhà thi đấu thể thao ngoài trời, bãi trống… càng cần được mở cửa  cho người dân giải trí, tập luyện.

 

Tương tự, các nhà hàng lớn có sức chứa hàng trăm, thậm chí cả ngàn người chỉ cần bảo đảm yêu cầu giãn cách và sát khuẩn, thì tại sao phải đóng cửa?

 

Trong khi đó, các quán nhỏ hẹp ngày thường cũng chỉ ngồi được vài chục khách đã lèn chặt thì vẫn được buôn bán. Khách ngồi ăn san sát, không bảo đảm bất cứ yêu cầu giãn cách nào.

 

Nhà hàng quán sá vừa được cho mở cửa lại, rón rén gọi nhân viên về, chất thức ăn vào tủ lạnh, chưa được vài hôm đã đùng một phát đóng cửa trở lại. Doanh nghiệp sống trong hồi hộp phập phồng, on/off liên tục, không theo quy tắc gì, trong khi mặt bằng và lương nhân sự vẫn phải trả, thuế và bảo hiểm vẫn phải đóng, không đau tim mới lạ.

 

On/off liên tục thì cái công tắc cũng hỏng chứ nói gì người! Thóc trong bồ cũng gần cạn kiệt, không còn đâu để đổ ra xay mãi.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/000_99a2xk.jpg/@@images/a3a7ef5b-38de-439e-88be-bf2055101b14.jpeg

Hình minh hoạ. Một quán cafe ở Hà Nội hôm 4/5/2021. AFP

 

Không dồn sức cho dự phòng mà khi dịch bùng thì chạy theo dập khiến chi phí cho truy vết, thiệt hại do bị ngăn sông cấm chợ, phong tỏa cách ly là rất kinh khủng. Đợt phong tỏa Hải Dương vào cuối tháng 2/2021 chỉ trong ít ngày đã lên đến 300-400 tỷ đồng do đơn hàng xuất khẩu nông sản phải hủy.

 

Đến giai đoạn này, chiến lược chống dịch cần thay đổi, không thể “chống dịch như chống giặc ”được nữa. Giặc thì  có thể tiêu diệt, cả nước có thể bóp mồm bóp miệng trong một thời gian cho tiền tuyến, nhưng con virus đã xâm nhập vào loài người thì không thể tiêu diệt, và do đó con người không thể bóp mồm bóp miệng được mãi.

Ví dụ như đại dịch HIV thôi, cách đây hơn chục năm còn được gọi là đại dịch toàn cầu, cái chết không thể tránh khỏi với bất cứ ai mắc bệnh. Thế mà bây giờ nó chỉ còn là một căn bệnh mãn tính. Sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn virus này, nhưng với ứng xử đúng thì nó hạn chế gây chết người và lây lan mạnh.

 

COVID cũng vậy thôi! Hiểu đúng về virus và ứng xử đúng cách với nó thì đến thời điểm này, mặc dù con số người nhiễm COVID mới đã lên đến ba con số mỗi ngày ở Việt Nam, chúng ta vẫn có thể mạnh dạn nói “Ở đâu, thời điểm nào cũng là an toàn”.

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats