Thursday, 27 May 2021

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI THEO DÕI LIVESTREAM CỦA BÀ PHƯƠNG HẰNG, CHỦ KHU DU LỊCH ĐẠI NAM? (RFA)

 



Vì sao nhiều người theo dõi livestream của bà Phương Hằng, chủ Khu du lịch Đại Nam? 

RFA

26/05/2021

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-so-many-people-follow-phuong-hang-s-live-stream-05262021115024.html

 

Những ngày qua, các buổi livestream của bà Phương Hằng, CEO Công ty Cổ phần Khu du lịch Đại Nam thu hút hàng trăm ngàn người theo dõi dù nội dung chỉ là ‘tố cáo’ ông thầy lang Võ Hoàng Yên lừa đảo và một số nghệ sĩ Việt Nam có liên quan đến ông này.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-so-many-people-follow-phuong-hang-s-live-stream-05262021115024.html/@@images/f92fa20a-c5cb-4ecc-900e-74ce45135a8c.jpeg

Bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của ông Huỳnh Uy Dũng hay còn được biết đến là ông Dũng ‘lò vôi’, chủ Khu du lịch Đại Nam. trong một buổi livestream.  Sreen capture from video

 

Các buổi livestream của bà Hằng thường kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ, trong đó bà lên án, thậm chí chửi rủa nhiều nghệ sĩ trong showbiz Việt bằng lời lẽ bị cho là kém văn minh như: ‘dĩ vãng dơ dáy dễ gì giấu diếm’; ‘công ty trách nhiệm hữu hạn một mình tao’; ‘nó đụng là mình phải chạm, có cảm thì mình phải xúc, nó muốn sụp thì mình phải cho nó đổ luôn’... Khi nghệ sĩ chỉ im lặng không phản ứng lại thì bà Hằng nói: ‘im lặng là vàng, nói ra mới là kim cương’...

 

Tuy nhiên các buổi livestream của bà Hằng trên cả hai nền tảng Facebook, YouTube thường có đến hàng trăm ngàn người theo dõi. Đơn cử như buổi livestream hôm 25/5 có đến 300 ngàn lượt theo dõi trực tiếp. Trong khi livestream bà có nhắc đến tên các nghệ sĩ như Hoài Linh, Hồng Vân, MC Kỳ Duyên, Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh...

 

Vì sao nhiều người theo dõi livestream ‘cãi vã, tố nhau’ của bà chủ Khu du lịch Đại Nam? Trao đổi với RFA hôm 26/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM, nhận định:

 

“Hiện tượng này mang tính chất có thể nói là phổ quát, bất chấp. Xã hội với mô hình chính trị như kiểu Việt Nam hay mô hình khác biệt như ở Mỹ chẳng hạn, nó như nhau thôi. Tức là những người thuộc giới có tiếng có tăm, dù là anh làm chính trị hay một nghệ sĩ, khi xảy ra một scandal nào đó, đều thu hút một lượng đông đảo người hiếu kỳ vào theo dõi. Chỉ cần Google thôi cũng thấy những số hiện tượng của các nghệ sĩ, ở Mỹ chẳng hạn, số lượng người thu hút người tham gia vào theo dõi, thậm chí bình luận chắc chắn không kém đâu.”

 

Bà Nguyễn Phương Hằng gây sự chú ý kể từ đầu tháng 3 năm 2021, khi bà và ông Dũng ‘lò vôi’ (chồng bà Hằng) tố cáo ông Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt của họ hơn 200 tỷ đồng thông qua hoạt động cứu trợ người dân miền Trung trong đợt lũ lụt năm 2020. Sau đó, bà bắt đầu công kích nghệ sĩ Hoài Linh và một số nghệ sĩ khác khi cho rằng những nghệ sĩ này có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên mà không chịu lên tiếng tố cáo việc ông Yên lừa bịp chữa trị bệnh.

 

Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA từ Nha Trang hôm 26/5, nhận định:

 

“Thật ra tôi cũng không quan tâm lắm, tôi cho đó là cái gì đâu và không cần thiết đối với xã hội. Qua hiện tượng đó thì có nhiều người cho tôi biết có đến 400 trăm người theo dõi video của bà Hằng, nó lấn át tin tức bầu cử, COVID... Không biết đúng không, nhưng tôi biết rất nhiều người Việt Nam quan tâm cuộc đấu võ mồm giữa bà Phương Hằng với giới nghệ sĩ.”

 

Theo nhà báo Võ Văn Tạo, hiện tượng này cũng không phải là khó hiểu, không chỉ Việt Nam, ở các nước có nền dân chủ, tự do báo chí thì cũng có báo chính thống và báo lá cải... vì đó là sự quan tâm của xã hội. Ông nói tiếp:

 

“Nhưng mà ở Việt Nam còn có một cái nữa, đó là các thông tin đặc biệt quan trọng với mọi người, ví dụ như có cần thiết bầu cử như vừa rồi hay không? Vì bầu cử đó là thật hay giả? Nhưng hệ lụy là tốn tiền, rồi ổ dịch ở điểm bỏ phiếu tại Hà Nội... Nhưng nếu truyền thông mà đăng tin đó là phạm húy, là rắc rối với Nhà nước ngay. Ngay công dân nói cái đó mà gay gắt quá, nói thẳng quá cũng bị phiền phức với an ninh, với nhà nước. Chuyện quan trọng thì bị cho là nhạy cảm, cho nên người ta mới chuyển sự quan tâm của họ vào chuyện bà Phương Hằng đôi co với nghệ sĩ.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-so-many-people-follow-phuong-hang-s-live-stream-05262021115024.html/vo-hoang-yen-700.jpg/@@images/173a5783-c86e-4539-8129-7cf3ea83041c.jpeg

Báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải hình ảnh Ông Võ Hoàng Yên trước đây và mô tả là trong một lần chữa bệnh. Photo courtesy: plo.

 

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong các buổi livestream, bà Phương Hằng có nói lời thô tục, mang tính xúc phạm người khác nhiều lần, không chỉ nói những lời lẽ gay gắt với Nghệ sĩ Hoài Linh, Trịnh Kim Chi, Gia Bảo, Cát Phượng…, bà Phương Hằng còn tuyên bố kiện Nghệ sĩ Hồng Vân và đạo diễn Hoa Hạ và mới nhất là bà Hằng còn dùng những lời lẽ không hay nói về ca sĩ Vy Oanh.

 

Nhà xã hội học-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, hiện công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, khi nói với RFA hôm 26/5 từ Hà Nội, giải thích về hiện tượng này:

 

“Tôi thấy nó là một cái kiểu mà chúng ta thường nói là ‘tự xử’ khi có xung đột, xích mích gì trong xã hội. Nhưng một nhà nước có pháp luật thì có thể đưa ra tòa để xử, làm sao mọi người cứ tự xử như thế được. Điều này cho thấy người dân không có thói quen thưa ra tòa. Một phần nữa là do hiệu quả do các phiên tòa mang lại không như người ta mong muốn kỳ vọng nên không tin vào lắm. vào sự công minh của tòa. Nên người ta thấy ‘tự xử’ thì hả hê và hài lòng hơn. Đấy là một cái nghĩa cho thấy nền tư pháp của Việt Nam vẫn còn thấp kém.”

 

Mặt khác theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, thói quen của người Việt Nam là cứ không hài lòng là ra chửi thôi, như ngoài bắc hay gọi là ‘chửi mất gà’... Theo bà Hương, đó là ứng xử không văn hóa, ứng xử với nhau quá tồi tệ. Bà nói tiếp:

 

“Ngày xưa chửi thì chỉ có vài nhà nghe, bây giờ với công nghệ hiện đại thì có đến hàng bao nhiêu người nghe, khắp hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào người ta cũng có thể lên mạng coi. Nó không có gì đẹp đẽ mà cứ phơi bầy ra, mà bao nhiêu người hưởng ứng. Điều đấy có nghĩa là xã hội người ta hài lòng với ứng xử như thế, người ta không cho nó là xấu, là cái gì phản cảm, mà cho thế là hay, người ta thấy hả hê... Nhiều người cho đó là đạo đức, nhưng tôi nghĩ thế là hơi cao, đó chỉ là văn hóa... Người ta cứ xông vào chửi mà không nghĩ đó là đang xúc phạm người khác, không biết đó là điều không hay.”

 

Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng, xông vào chửi sẽ chẳng giải quyết được gì cả mà chỉ đem lại sự bực tức không cần thiết. Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, đây là điều đáng buồn cho xã hội Việt Nam hiện nay.

 

Tuy nhiên, Luật sư Lê Luân, khi trả lời RFA hôm 26/5 cho rằng, trong xã hội hổ lốn này, một người (doanh nhân) dám đương đầu với cả một giới được tự cho là “vùng cấm” (ảnh hưởng tới dư luận và cả quyền lực), như bà Hằng đang làm, thật rất hạn hữu. Ông cho biết tiếp:

 

“Đừng coi đó là vấn đề dân trí, đó là một sự kiện thực tế hiếm có. Hãy xem đó là điều cần thiết mà dừng lại việc đánh giá dân trí (thấp) đối với sự quan tâm của quần chúng.

Sự kiện có tính xã hội cao, và nó tạo nên một hiệu ứng về cách nhìn lại với các giá trị của giới có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội là một điều may mắn. Đừng nhìn nó hạn hẹp trong phạm vi một sự kiện đơn thuần.”

 

Luật sư Lê Luân cho rằng, chỉ có những người mất đất, mất nhà hoặc bị lừa nhưng kiện tụng hàng chục năm không tìm thấy công lý mới hiểu vì sao bà Hằng làm như thế và trở nên những ngôn từ (thiếu chừng mực một lúc nào đó) như thế. Ông nói tiếp:

 

“Nên nhớ cho, ta có thể không đồng ý điều họ nói, nhưng phải bảo vệ quyền được nói đến cùng của họ. Chỉ những người lâm vào cảnh một đối chọi một trăm, một ngàn (hoặc đông đảo hơn thế), mà chúng lại không chỉ giàu có mà còn có thế lực, có ủng hộ của truyền thông lẫn lượng người hâm mộ (hậu thuẫn), mới hiểu được bà Hằng đang làm gì và tại sao bà ấy nói như thế. Quan trọng là hành động của bà ta có đúng không chứ không phải mấy lời nói hoa mỹ.

Một người đang đứng ra đương đầu và tố cáo sự lừa dối có hệ thống kéo dài cả chục năm, cả “thần y” và đụng chạm tới giới kiêu căng ngạo mạn nhất xã hội, thì đương nhiên không phải ai cũng làm được việc đó. Và cũng đừng giở giọng văn hoá gì vào lúc này, khi đứng trước một cuộc chiến gần như không còn đường lui. Đừng đạo đức giả để chỉ dựa trên lời nói của bà ta.”

 

Theo Luật sư Lê Luân, không cần hoa mỹ, như bà Trưng, bà Triệu hay nữ tướng Lê Chân, cứ thế cưỡi voi hay cầm kiếm xông ra trận mạc. Đấy mới là khí chất cần có, đặc biệt vào bối cảnh xã hội mà đám có thế lực luôn bảnh bao lại đóng vai toàn những kẻ lưu manh, xảo trá.

 

Bà Nguyễn Phương Hằng, 50 tuổi, tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ của ông Huỳnh Uy Dũng hay còn được biết đến là ông Dũng ‘lò vôi’, chủ Khu du lịch Đại Nam. Ngoài ra, vợ chồng bà còn sở hữu Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu dân cư Dĩ An, Khu công nghiệp và dân cư Sóng Thần 3 ở tỉnh Bình Dương và Khu dân cư Bình Phước.

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats