Wednesday, 12 May 2021

TRUNG QUỐC : THẾ GIỚI CHỐNG LẠI SỰ TRỖI DẬY CỦA BẮC KINH LÀ VÔ ÍCH (The Economist)

 


Trung Quốc: Thế giới chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh là vô ích

The Economist

Khánh An (VNTB) dịch

12.05.2021 12:53

https://vietnamthoibao.org/vntb-trung-quoc-the-gioi-chong-lai-su-troi-day-cua-bac-kinh-la-vo-ich/

 

(VNTB) – Bắc Kinh nên lo lắng nhiều hơn về lý do tại sao họ lại bị nghi ngờ

Tác giả: Chaguan

 8 tháng 5 năm 2021

 

*

Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ có chung một nỗi ám ảnh: niềm tin rằng một liên minh đủ lớn của các nền dân chủ phương Tây có thể đủ mạnh để đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy bằng đường lối độc tài, tư bản nhà nước và ép nước này đi theo một quỹ đạo mới, một con đường ít gây thiệt hại hơn cho các chuẩn mực và các giá trị phổ quát đã thống trị thế giới giàu có kể từ năm 1945.

 

Trung Quốc lo ngại có thể bị một lực lượng từ liên minh lớn do Mỹ dẫn đầu kiềm chế. Cách đây không lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã chế nhạo Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, là “bọt biển”. Sau khi Hoa Kỳ tổ chức hội nghị thượng đỉnh bộ Tứ, Trung Quốc đã gọi nhóm này là một kế hoạch gây bất ổn nhằm xây dựng một NATO châu Á. Chính quyền Trump đã mở rộng vai trò của Ngũ Nhãn-Five Eyes, một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand. Nhóm này đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 11 năm 2020 về việc hủy bỏ các quyền tự do chính trị ở Hồng Kông. Nhưng Ngũ Nhãn nên cẩn thận để không bị “chọc vào mắt và bị mù”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hằn học. Úc và Canada đang bị trừng phạt thương mại và công dân của họ bị giam giữ để dạy họ cái giá phải trả khi giúp Hoa Kỳ trong các tranh chấp với Trung Quốc.

 

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, sự nhiệt tình của người Mỹ đối với việc xây dựng liên minh chỉ mới bắt đầu phát triển. Ngoại trưởng Antony Blinken gần đây đã giải thích với CBS News (một hãng truyền hình Hoa Kỳ) tại sao Washington tìm kiếm các đồng minh để đối đầu với chính phủ Trung Quốc liên quan đến tình trạng đàn áp trong nước và gây hấn ở nước ngoài, cũng như cách tiếp cận có tính đối kháng của họ về thương mại. Ông Blinken nói: “Chúng tôi hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn nhiều khi tập hợp các quốc gia có cùng chí hướng và cùng bị Bắc Kinh gây khó khăn để nói với Trung Quốc rằng: “Tình trạng này không thể đứng vững và sẽ không đứng vững”.

 

Trên thực tế, hai cường quốc kình địch này đang tự ám ảnh về một điều khó có thể xảy ra. Ví dụ, các đồng minh của Mỹ không có mấy ảo tưởng rằng bất kỳ một nhóm quốc gia bên ngoài nào, kể cả một nhóm do Washington đứng đầu, có thể nói với Trung Quốc ngày nay rằng điều gì sẽ đứng vững và điều gì sẽ không. Như một nhà ngoại giao phương Tây ở Bắc Kinh lưu ý một cách ảm đạm, các quốc gia như Anh, Pháp và Đức “gần như chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể tránh khỏi”, và do đó không phù hợp với đường lối của Mỹ.

 

Một ví dụ khác, rất nhiều nền dân chủ phương Tây có quá nhiều tranh cãi và nghi ngờ giữa các đảng phái, đặc biệt là sau bốn năm làm hỏng các mối quan hệ quốc tế của nội các Trump. Các nền dân chủ châu Âu và châu Á đều cảnh giác với việc tham gia với Mỹ trong bất kỳ hoạt động nào giống như một nỗ lực chiến tranh lạnh nhằm kiềm chế các hành vi gây hấn của Trung Quốc — đặc biệt nếu điều đó gây nguy hiểm cho các mối quan hệ thương mại có lợi của họ.

 

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, hồi đầu năm nay cho biết việc các cường quốc phương Tây “cùng nhau chống lại Trung Quốc” sẽ phản tác dụng. Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng đã lên tiếng phản đối việc “xây dựng các khối”. Trong các cuộc điện đàm gần đây với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, không có ghi nhận nào về việc bà phản ứng lại các lệnh trừng phạt sâu rộng do Trung Quốc áp đặt đối với các chính trị gia và nhà nghiên cứu châu Âu, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt các quan chức bị cáo buộc đàn áp tàn bạo người Hồi giáo vùng Tân Cương ở Tây Bắc.

 

Thay vào đó, các bài báo chính thức ghi lại việc bà Merkel nói về việc hợp tác và ca ngợi bản dự thảo hiệp ước thương mại đã đồng ý với Bắc Kinh vào năm ngoái, Hiệp định Toàn diện về Đầu tư, sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn cho một số công ty EU, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức. Trớ trêu thay, thỏa thuận này có thể bị hủy bỏ bởi các lệnh trừng phạt mà bà Merkel muốn lờ đi việc những người bị Trung Quốc trừng phạt là các thành viên của Nghị viện châu Âu. Ủy viên thương mại EU, Valdis Dombrovskis, cho biết vào ngày 4 tháng 5 rằng các nỗ lực hoàn tất thỏa thuận đang bị đình trệ.

 

Sự thống nhất của EU càng bị phá hoại bởi các thành viên có quan hệ đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc, chẳng hạn như Hy Lạp. Một thành viên không giấu giếm sự ngưỡng mộ của mình đối với đường lối chuyên quyền của Trung Quốc, một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh cáo buộc: “Có kẻ phản bội trong hàng ngũ EU: Hungary.” Trong Five Eyes cũng không có sự đồng thuận. Trong những tuần gần đây, chính phủ New Zealand tuyên bố họ không thoải mái với việc nhóm hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo này đưa ra các tuyên bố địa chính trị.

 

Trung Quốc thích thú trước tất cả các dấu hiệu mất đoàn kết như vậy, ca ngợi các quốc gia châu Âu đang tìm kiếm “quyền tự chủ chiến lược”, một cụm từ tiếng Pháp có nghĩa là không đồng hành với Mỹ. Tuy nhiên, trong tình trạng hoang tưởng của mình về việc các liên minh do Hoa Kỳ đứng đầu có ý kiềm chế họ, Bắc Kinh có nguy cơ bỏ lỡ một thay đổi đang thực sự diễn ra trong thế giới thực.

 

Ngay cả khi họ thừa nhận rằng thời gian để cố gắng thay đổi Trung Quốc đã kết thúc, các nền dân chủ giàu có trên thế giới đang từng bước bảo vệ nền kinh tế và xã hội của họ khỏi các tác hại do Bắc Kinh gây ra. Họ đang thiết lập luật sàng lọc đầu tư mới, điều tra xem liệu các cường quốc nước ngoài có đang can thiệp vào chính trị và các trường đại học trong nước của họ hay không, đồng thời soạn ra các quy tắc mua sắm công để chặn các nhà thầu gây lo ngại về an ninh quốc gia. EU đang đề xuất các biện pháp hạn chế mới đối với các công ty được nhà nước trợ cấp muốn cạnh tranh tại các thị trường châu Âu. Những chính sách như vậy không phải lúc nào cũng nói rõ là nhằm vào Trung Quốc, nhưng trên thực tế, Bắc Kinh là mục tiêu.

 

Đoàn Kết, đại loại là là như vậy

 

Bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia G7 — Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản — đã họp tại London từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 5. Thông cáo kết thúc của họ lên án sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm “sự tồn tại của một mạng lưới quy mô lớn các trại ‘cải tạo chính trị’, và các báo cáo về hệ thống lao động cưỡng bức và cưỡng bức triệt sản”. Các giải pháp được đưa ra hoàn toàn mang tính phòng thủ và không ra vẻ rằng G7 có thể thay đổi các chính sách của Bắc Kinh. Các bộ trưởng cho biết rủi ro nhập khẩu hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức sẽ phải được giải quyết thông qua “các phương tiện nội địa sẵn có của chúng ta”, bằng cách nâng cao nhận thức và tư vấn cho các doanh nghiệp.

 

Những lời nói như vậy không làm Trung Quốc sợ hãi. Tự tin vào sức mạnh của thị trường rộng lớn của mình, họ hy vọng rằng các chính phủ nước ngoài sẽ nhanh chóng nhận ra rằng việc kháng cự lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh là vô ích. Nếu sự kháng cự có nghĩa là hình thành các khối có mục đích kiềm chế Trung Quốc, thì các đồng minh của Mỹ đã đồng ý. Nhưng chính những nền dân chủ đó cũng truyền tình trạng mất lòng tin ngày càng tăng vào các biện pháp phòng thủ có tạo ra những xích mích mới trong quan hệ với Trung Quốc. Va chạm cũng là một dạng phản kháng.

 

 

Nguồn: 

China wants the world to know that resistance to its rise is futile  

Chaguan

May 8th 2021

The Economist

 


 

Tin bài liên quan:

 

VNTB – ĐCSTQ muốn xuất cảng tư tưởng Tập Cận Bình

 

VNTB – Làm thế nào để nổi dậy ở Trung Quốc: Say mê một cái gì đó hoặc cầu nguyện

 

VNTB – Hệ quả của vụ Hồng Kông- Làm thế nào để đối phó với Trung Quốc

 

VNTB – Mùa đông bất mãn – Các nước sẽ tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022?

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats