Trung Quốc dùng “chiến tranh pháp lý” để đối phó với Phương
Tây
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 12/05/2021 - 14:51
Trên trang thông tin Mỹ The Hill ngày 09/04/2021,
hai chuyên gia Mỹ về Trung Quốc Bradley A. Thayer và Lianchao Han đã nêu bật
tính chất nguy hiểm của cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Bắc Kinh đang triển khai,
và kêu gọi các chính quyền phương Tây đề cao cảnh giác.
Ảnh minh họa: Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường bỏ phiếu thông qua dự luật
an ninh quốc gia cho Hồng Kông tại Quốc Hội Trung Quốc ngày
28/05/2020. REUTERS - CARLOS GARCIA RAWLINS
Cuối tháng Tư vừa qua, ngày 29/4/2021, Quốc Hội
Trung Quốc đã thông qua Luật An Toàn Giao Thông Hàng Hải được sửa đổi, tăng
thêm quyền áp chế của các cơ quan hàng hải trên tàu thuyền ngoại quốc bị cho là
mối đe dọa đối với vùng biển thuộc Trung Quốc. Điểm thu hút sự chú ý của giới
quan sát là trong luật mới này, Bắc Kinh đã áp dụng khái niệm “vùng nước có quyền
tài phán” có phạm vi áp dụng rộng rãi hơn, thay cho “vùng nước ven biển”.
Theo nhiều nhà phân tích, đây là một trong những
ví dụ cụ thể về việc Trung Quốc đang tăng cường việc sử dụng công cụ luật pháp
để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền lãnh thổ bất chấp luật lệ quốc tế. Trong thời
gian gần đây, điều có thể gọi là sách lược “chiến tranh pháp lý” hay "pháp
lý chiến" đó ngày càng được Bắc Kinh áp dụng để đối phó với phương Tây nói
chung trên mọi lãnh vực.
Trên trang thông tin Mỹ The Hill ngày 09/04 vừa
qua, hai chuyên gia Mỹ về Trung Quốc Bradley A. Thayer và Lianchao Han đã nêu bật
tính chất nguy hiểm của cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Bắc Kinh đang triển khai,
và kêu gọi các chính quyền phương Tây đề cao cảnh giác.
Hai mục tiêu: Triệt
đối kháng nội bộ và thống trị thế giới
Trước hết, theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, loại
hình chiến tranh pháp lý này đã được chính lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa
lên thành lý luận với hai mục tiêu rõ rệt: Triệt hạ các thành phần chống lại chế
độ của đảng Cộng Sản và giúp Trung Quốc thống trị thế giới.
Vào tháng 3, Cầu Thị (Qiu Shi), tạp chí chính
thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã đăng một bài viết của lãnh đạo Trung Quốc
Tập Cận Bình, trong đó ông giải thích cách xây dựng hệ thống luật pháp xã hội
chủ nghĩa.
So với những người tiền nhiệm, các ý tưởng về
luật pháp của ông Tập thâm hiểm hơn vì dùng đến các thuật ngữ quen thuộc như
“pháp quyền”, “dựa trên luật lệ” và “công lý”. Trên thực tế, lãnh đạo Trung Quốc
ngày càng sử dụng luật pháp như là một vũ khí vừa để trấn áp giới bất đồng chính
kiến nhằm giữ vững chế độ, vừa
để đưa đảng Cộng Sản Trung Quốc lên làm bá chủ thế giới.
Theo hai tác giả trên The Hill, lý thuyết và
thực tiễn pháp lý của Trung Quốc bắt nguồn từ hệ thống luật lệ của Liên Xô, khẳng
định quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối với hệ thống tư pháp của Trung Quốc,
vốn là thành tố chính trong cuộc “chiến tranh pháp lý” mà ông Tập Cận Bình chủ
trương.
Che giấu "chiến
tranh pháp lý" dưới vỏ bọc "pháp quyền"
Nhân vật số một tại Bắc Kinh đồng thời hô hào
“pháp quyền” để che giấu hoạt động “chiến tranh pháp lý” của mình. Trong bài
phát biểu trước Đại Hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông đã 19 lần dùng đến
từ ngữ “pháp quyền”, nhưng đã bóp méo ý nghĩa thực thụ của cụm từ này khi cực lực
phản đối các hệ thống tư pháp độc lập có tác dụng hạn chế và kiểm soát quyền lực
của giới lãnh đạo chính trị.
Trung Quốc rõ ràng đã học được cách thức biến
luật pháp thành vũ khí để dùng vào việc chống lại phương Tây. Bắc Kinh đã hung
hăng dùng vũ khí pháp lý để đuổi bắt giới bất đồng chính kiến ở nước ngoài.
Một ví dụ là trường hợp của Henley Lee, một
công dân Belize kinh doanh ở Trung Quốc, bị an ninh Trung Quốc bí mật bắt giữ
năm 2019 ở Quảng Châu và bị buộc tội tài trợ cho các thế lực thù địch ở Mỹ và
giúp đỡ người biểu tình Hồng Kông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.
Cũng vào khoảng thời gian đó, Lý Mạnh Cư (Lee Meng Chu), một công dân Đài Loan,
cũng bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ với cáo buộc ăn cắp bí mật quốc gia sau khi
nhân vật này đến Hồng Kông để hỗ trợ người biểu tình.
Mở đường tấn công
vào nhân viên các tổ chức nhân quyền
Các trường hợp kể trên cho thấy là Trung Quốc
đã sử dụng luật an ninh quốc gia có thẩm quyền rộng khắp và luật hình sự của họ
để truy tố một công dân nước ngoài về những tội danh mà Bắc Kinh định ra và gây
ra bên ngoài đất nước. Tiền lệ này sẽ cho phép Trung Quốc tấn công vào nhân
viên của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch và Freedom House.
Trường hợp của hai công dân Canada Michael
Kovrig và Michael Spavor càng chứng tỏ Trung Quốc sử dụng chiến tranh pháp lý để
đạt được các mục tiêu chính trị. Kovrig, một nhà ngoại giao đang nghỉ phép và
Spavor, một doanh nhân, đã bị bắt với cáo buộc làm gián điệp ở Trung Quốc vài
ngày sau khi bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi bị bắt giữ tại
Vancouver vào năm 2018 vì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.
Sách lược dùng “luật để bắt con tin” này được
thiết kế để buộc Hoa Kỳ từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với bà Mạnh và để cho bà được
tự do. Vào tháng 3, Trung Quốc đã đưa Kovrig và Spavor ra xét xử trong hai
phiên tòa riêng biệt mà không đưa ra phán quyết - một kiểu chiến tranh pháp lý
điển hình nhằm làm suy giảm ý chí chiến đấu của kẻ thù.
Tung chiến dịch
Săn Cáo cả trên đất Mỹ
Nổi tiếng nhất là chiến dịch “Săn Cáo - Fox
Hunt”, một ví dụ khác của "pháp lý chiến" mà Trung Quốc áp dụng. Khi
ông Tập lên nắm quyền, chính quyền Trung Quốc đã phát động chiến dịch này được
tuyên bố là nhằm truy bắt các quan chức tham nhũng đã trốn khỏi Trung Quốc và
ra sống ở nước ngoài. Nhưng hoạt động bí mật phía sau là mục tiêu thanh trừng
những người bất đồng chính kiến.
Trung Quốc đã cử hàng trăm nhân viên thực thi
pháp luật ra khắp thế giới, kể cả qua Hoa Kỳ để theo dõi, sách nhiễu, đe dọa và
bắt giữ các đối tượng mà họ truy tầm. Bắc Kinh đã sử dụng Interpol để gắn nhãn
tội phạm vào các đối tượng bị truy nã và thậm chí còn bí mật bắt cóc một số người
để đưa về Trung Quốc. Theo FBI, hàng trăm nạn nhân của chiến dịch Săn Cáo là
công dân Mỹ hoặc người có thẻ xanh.
Trong chiến lược dùng “pháp lý chiến”, Trung
Quốc đã thông qua nhiều bộ luật và quy định để đạt được các mục tiêu chính trị
đề ra. Một ví dụ điển hình là Luật An Ninh Quốc Gia áp đặt trên Hồng Kông, đã
liệt vào diện tội hình sự các hoạt động ủng hộ độc lập và giao tiếp với các tổ
chức nước ngoài.
Ngay cả Nancy
Pelosi hay Marco Rubio cũng có thể bị truy tố!
Tệ hơn nữa, luật này có một điều khoản mở rộng
thẩm quyền, đặc biệt cho phép trừng phạt những công dân nước ngoài phạm “tội”
ghi trong luật dù hành động bên ngoài Hồng Kông. Điều đó có nghĩa là về mặt lý
thuyết, Trung Quốc có thể truy tố những người như chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy
Pelosi và thượng nghị sĩ Marco Rubio, những người đã ủng hộ người biểu tình Hồng
Kông.
Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang sử
dụng hoặc đe dọa sử dụng nguồn tài chính của mình để đệ trình các đơn kiện ở
phương Tây chống lại các quyết định hoặc chính sách của phương Tây đối với
Trung Quốc. Họ thậm chí còn nhắm vào những nhân vật phương Tây như Adrian Zenz,
một nhà nhân chủng học người Đức mà Trung Quốc gọi là “kẻ lừa đảo” vì công
trình nghiên cứu của ông về các trại giam Tân Cương và nạn diệt chủng người Duy
Ngô Nhĩ.
Bước kế tiếp: Lợi
dụng hệ thống pháp lý Âu-Mỹ để kiện phương Tây?
Trung Quốc có thể thuê các công ty luật lớn và
có uy thế ở phương Tây làm việc cho họ, kéo các chính phủ, công ty và cá nhân
vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài để loại bỏ những ai bị Bắc Kinh coi là kẻ
thù, hoặc là làm cho đối thủ mất tinh thần và phá sản. Để làm điều đó, ông Tập
đang tìm cách kiểm soát một nhóm gồm các tổ chức trọng tài và công ty luật đẳng
cấp thế giới để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
Ngoài ra, các bộ luật liên quan đến Tân Cương,
Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông đã được thông qua để trấn áp mọi ý định phản đối
và thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc. Tại vùng Tân Cương
dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc, nhiều luật lệ đã được đưa ra dưới chiêu
bài chống khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo, nhưng trên thực tế, chỉ nhằm
khủng bố người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi Giáo khác để củng cố quyền lực của
đảng Cộng Sản.
No comments:
Post a Comment