Wednesday, 5 May 2021

TÀI LIỆU của CHÍNH ỦY BÙI VĂN TÙNG gửi PHÓ CHÍNH ỦY BỘ TƯ LỆNH TĂNG THIẾT GIÁP từ NĂM 1990 (Le Dao)

 



Tài liệu của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp từ năm 1990 (Phần 1)

Le Dao

05/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/05/tai-lieu-cua-chinh-uy-bui-van-tung-gui-pho-chinh-uy-bo-tu-lenh-tang-thiet-giap-tu-nam-1990/

 

Treo lại bài viết về một tài liệu của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Phó chính uỷ BTLTTG từ năm 1990.

 

Lúc này chưa ai biết đến cuốn sách “THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – GIỜ KHẮC SỐ KHÔNG “của nhà báo Tây Đức. 17 năm sau (năm 2007), cuốn sách này mới được biết đến và báo Tuổi trẻ dịch đăng năm 2007 (nhân chứng thứ ba), chính thức có giấy phép xuất bản và phát hành năm 2010.

 

Tư liệu này được đăng lên Facebook ngày 30/4/2020.

 

Do có thắc mác bản đánh máy (tư liệu trong bài viết này) chắc chắn không phải là người đánh máy chuyên nghiệp, có thể do tự tay Chính uỷ đánh máy (vì tính chất quan trọng của nó, và như ông có ghi nhận khi gửi cho Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh TTG là chỉ có hai bản, trong đó có một bản gửi VLS Quân Sự), nên sau đó có hỏi lại gia đình Chính uỷ Bùi Văn Tùng thì được biết: khi chính uỷ về hưu tại TPHCM có tham gia cựu chiến binh phường… Khi đó ông mua về một cái máy chữ và hay tự tay ngồi gõ các báo cáo…

 

Chỉ một chi tiết này thôi cũng nhìn thấy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ của Chính uỷ Bùi Văn Tùng. Ông đã chọn cách im lặng về sự thật của mình (tự tay đánh máy để một bản gửi báo cáo đến viện Lịch sử quân sự, một bản báo cáo gửi thủ trưởng cũ, trực tiếp của mình), ông không khoe khoang, làm ồn ào trên dư luận.

 

Chỉ có một điều thắc mắc: Bản báo cáo này Chính Uỷ Bùi Văn Tùng gửi báo cáo đến Viện LS Quân sự từ năm 1990 còn được lưu giữ không?

 

Tư liệu và bài viết năm 2020 như dưới đây và xin treo lại:

 

 

MỘT VĂN BẢN ĐƯỢC LƯU GIỮ 30 NĂM

 

Phát hiện trong thư viện gia đình của Ông ĐÀO VĂN XUÂN (nguyên phó Chính uỷ BTL TTG có một bản báo cáo của Chính uỷ BÙI VĂN TÙNG đề ngày 30/5/1990. Văn bản này được đánh máy chữ gồm 08 trang giấy poluya (loại giấy sử dụng cho đánh máy chữ, dùng giấy than vào thời điểm 1990).

 

Qua nội dung thư tay của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Ông Đào Văn Xuân (kèm theo văn bản) thì được biết văn bản này là của Chính uỷ Bùi Văn Tùng và chỉ có 02 bản. 01 bản gửi Viện Lịch sử quân sự thuộc Bộ Quốc Phòng và 01 bản gửi ông Đào Văn Xuân có tính chất thông báo, xin ý kiến và để ông Đào Văn Xuân lưu giữ.

 

Đây chính là văn bản mà ông Đào Văn Xuân đã nhắc đến trong thư gửi ban Biên tập báo “XƯA VÀ NAY” năm 2006.

 

Văn bản có tính chất báo cáo tường thuật sự việc này (năm 1990) có trước rất lâu (trước 17 năm), trước khi cuốn sách “THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – GIỜ KHẮC SỐ KHÔNG của nhà báo Tây Đức được đạo diễn Phạm Việt Tùng phát hiện, được báo Tuổi trẻ dịch đăng năm 2007 (nhân chứng thứ ba) và chính thức có giấy phép xuất bản và phát hành năm 2010.

 

Lý do, nguyên nhân tại sao có văn bản này (một dạng báo cáo) từ năm 1990 (Chính uỷ Bùi Văn Tùng nghỉ hưu năm 1984) thì qua bản thư tay của Chính uỷ Bùi Văn Tùng không nhắc đến, và đến nay một người đã trên 90 tuổi, lại bị tai biến nhiều lần, một người thì đã về với tổ tiên nên không tìm hiểu được.

 

Thôi thì bất ngờ thấy tài liệu này thì cứ đưa lên để cùng đọc và cùng đi tìm đến sự thật một cách trung thực, khách quan và không làm tổn thương, xúc phạm đến bất cứ ai – những người trong cuộc.

 

Vì văn bản dài, gần như tường thuật về sự kiện, nên dẫn lại sẽ chia làm hai phần cho dễ đọc.

 

P/s vì đây là tài liệu cá nhân nên đã xin phép gia đình Chính ủy Bùi Văn Tùng và gia đình cho biết gia đình không có tài liệu này, và xác nhận bút tích thư tay chính là của Chính uỷ Bùi Văn Tùng. Vì tài liệu gửi cho Ông Đào Văn Xuân nên toàn quyền sử dụng tài liệu là do ông Đào Văn Xuân (nay là gia đình) quyết định.

 

(Dưới đây là Nội dung văn bản)

 

                                                             ***

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP TỰ DO HẠNH PHÚC

 

Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 30 tháng 5 năm 1990

 

KÍNH THƯA

 

Về sự kiện trưa ngày 30/4/1975 tại phủ tổng thống ngụy quyền Sài Gòn và tại đài phát thanh Sài Gòn (cũ), với tôi đó là trách nhiệm chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh về chính trị bộ tư lệnh Quân đoàn giao cho và với lương tâm của mình bắt Dương Văn Minh đầu hàng càng sớm càng đỡ tốn xương máu.

 

Để đánh chiếm một trong năm mục tiêu quan trọng bậc nhất, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định lấy Lữ đoàn xe tăng 203 tổ chức thành Lữ đoàn cơ giới đặc nhiệm được phối thuộc thêm I tiểu đoàn bộ binh, I tiểu đoàn pháo binh, I tiểu đoàn pháo cao xạ, I tiểu đoàn công binh dưới sự chỉ huy trực tiếp của bộ chỉ huy lữ doàn với nhiệm vụ: sau khi bộ binh ở Nước Trong mở xong cửa mở, lữ đoàn có nhiệm vụ tấn công trong hành tiến đánh lướt nhanh qua các mục tiêu trên đường tiến công tiến thẳng vào đánh chiếm phủ tổng thống ngụy là nhiệm vụ trước mắt. Nhiệm vụ tiếp sau theo trục lộ 4 cùng các đơn vị bạn tham gia tấn công giải phóng Cần Thơ nếu kẻ thù ngoan cố chạy về phía tây.

 

Theo lệnh, quân đoàn chúng tôi phối thuộc cho 3 sư đoàn bộ binh, mỗi sư I đại đội xe tăng để dánh chiếm vòng ngoài từ Nước Trong – Long Thành, Cát Lái – Bà Rịa, Vũng Tàu với chiều dài gần 80 cây số để mở của cho pháo 130 ly vào chiếm trận địa tại Nhơn Trạch và cho lữ đoàn chúng tôi thọc sâu vào Sài gòn theo nhiệm vụ đã quy định. Trưa 29/4 sư đoàn bạn mới mở xong cửa ở Nước Trong nhưng vì không tổ chức truy kích, nên chúng tôi hành tiến đến sông Buông thì cầu đã bị địch phá sập. Lập tức công binh quân đoàn tiến lên sửa chữa cầu. Tại đông cầu sông Buông tối 29/4, đồng chí thiếu tướng tư lệnh Nguyễn Hữu An và đồng chí Đại tá Công Trang phó chính ủy quân đoàn còn tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ cho tôi và đồng chí Nguyễn Tất Tài về công việc đánh chiếm dinh Độc Lập (bài đồng chí Công Trang kể, Hồng Lân ghi, báo QĐND số 5389 ngày 30/4/1976) và liên tiếp có mệnh lệnh trên điện đài và bằng giấy (có bản sao chụp kèm theo) theo dõi cuộc tấn công trong hành tiến của chúng tôi mà nhiệm vụ được giao từ đầu.

 

Khi tiến qua cầu sông Đồng Nai chúng tôi gặp đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy đặc công miền (B2) đang chiếm giữ các cầu trên xa lộ, đề nghị đồng chí Tài cho đặc công lên xe tăng cùng tham gia chiến đấu vì các đồng chí rất thạo đường sá ở Sài Gòn. Chúng tôi đồng ý. Chúng tôi là quân cơ động của Bộ hoạt động ở chiến trường Quảng Trị, nay tấn công vào một thành phố lớn trong tay của lữ đoàn trưởng chỉ có một bản đồ cũ do quân đoàn phát cho, đường sá thay đổi nhiều, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa không có trong bản đồ. Khi lữ đoàn chúng tôi tham gia giải phóng Đà nẵng, tôi có xin được bản đồ lộ trình xe buýt Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định, nên trong mệnh lệnh tấn công vào Sài Gòn tất cả cán bộ chiến sỹ trong lữ đoàn đều hiểu rõ: ‘Đến ngã tư Hàng Xanh quẹo trái theo đường Hồng Thập Tự (Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày nay) đánh chiếm 7 ngã tư quẹo trái là dinh Độc Lập.

Trên đường hành tiến chúng tôi bị đánh chặn tại Long Bình, ngã ba Vũng Tàu. Chúng lại dùng pháo bắn chặn dọc đường. Chúng tôi phải cho xe tăng vào đánh chiếm trường Thủ Đức (Trường Cây Mai). Tại đó bộ đội xe tăng đánh rất dũng cảm chiếm được khu vực trường và xe tăng 707 đã đánh địch đến viên đạn cuối cùng và hy sinh đến người chiến sỹ xe tăng cuối cùng. Nhân dân khu vực này đã chôn cất và lập đền thờ anh em (Xã Tăng Nhơn Phú anh hùng).

 

Trận chiến đấu ác liệt nhất là trận đánh chiếm và vượt cầu Sài Gòn. Chúng tôi nhận lệnh của tư lệnh quân đoàn là phải nhanh chóng chiếm và vượt cầu với bất cứ giá nào, không để địch đánh sập cầu. Tiểu đoàn I xe tăng dẫn đầu đội hình ra lệnh hai xe tăng T54 đi đầu tăng tốc độ vượt cầu. Cả hai xe tăng của ta đều bị chiếc xe tăng M 48 của địch đứng bên tây vòm cầu bắn cháy (cầu Sài Gòn cong nên phía đông cầu chỉ nhìn thấy tháp pháo nhỏ của xe tăng địch). Chúng tôi ra lệnh cho tiểu đoàn I triển khai đội hình để bắn địch bên kia cầu và tàu chiến của chúng trên sông Sài Gòn. Bộ binh phối thuộc cho lữ đoàn cũng cùng tham gia chiến đấu. Đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn I Ngô Văn Nhỡ mở cửa nắp xe đứng thẳng người dùng điện đài và cả ký hiệu bằng tay chỉ huy bắn chi viện và vượt cầu.

 

Một loạt đạn bên kia cầu bắn qua trúng đồng chí và đồng chí ngã gục hy sinh trên tháp pháo xe tăng. Đồng chí Trần Minh Công, lữ đoàn phó kiêm tham mưu trưởng lên chỉ huy vượt cầu. Khi xe thiết giáp của tôi tiến cách cầu 2, 3 trăm mét, tôi nhìn về phía sau thấy đồng chí Hoàng Đan phó tư lệnh quân đoàn và đồng chí Nam Long phái viên của Bộ ngồi phía sau xe của tôi. Các đồng chí bỏ xe con và leo lên xe thiết giáp chỉ huy của tôi ở Thủ Đức hay ở cầu Rạch Chiếc nhưng tôi không biết. Đơn vị chúng tôi vừa có một xe thiết giáp chỉ huy do lữ đoàn phó Trần Minh Công chỉ huy vừa bị trúng đạn của địch ở cầu nhưng nhẹ còn chiến đấu được, một cán bộ công binh của quân đoàn hy sinh, số anh em phụ trách điện đài vừa hy sinh vừa bị thương.

 

Tôi biết anh Hoàng Đan và Nam Long đi không đúng vị trí chỉ huy, nếu các anh có việc gì tôi phải chịu trách nhiệm, nên tôi mời các anh xuống xe lập sở chỉ huy ở đó. Tại cầu Sài Gòn sau một đợt chiến đấu ta đã bắn cháy chiếc xe M 48 ở tây vòm cầu. Lửa khói và đạn cháy nổ trong xe bao phủ cả một đoạn cầu nơi chiếc xe đang cháy. Do cầu rộng, đồng chí Công đã khéo léo cho đại đội xe tăng của đại đội trưởng Bùi Quang Thận vừa chiến đấu vừa vượt qua khói lửa và đạn đang nổ để chiếm cầu, vì lửa và đạn nổ trong xe không ảnh hưởng gì đối với xe tăng T 54 của chúng ta. Sau đó đội hình cả lữ đoàn của chúng tôi vượt qua cầu. Địch một số rút chạy về ngã tư Hàng Xanh bắn chặn ta. Tại đây ta bắn cháy một xe tăng của địch. Địch lại chặn ta tại cầu Thị Nghè và cũng tại đây ta bắn cháy một xe tăng M 41và một xe M 113 của địch.

 

Tuy mệnh lệch đã chỉ rõ đường vào dinh tổng thống ngụy quyền, nhưng trên xe có đặc công và biệt động chỉ đường nên chúng tôi tiến đánh dinh Độc Lập bằng hai hướng: theo đường Thống Nhất (đường Lê Duẩn ngày nay) và đường Hồng Thập Tự. Dẫn đầu là hai xe tăng, xe 843 do trưởng xe Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và xe 390 do trưởng xe chính trị viên đại đội Phạm Đăng Toàn. Đến cách dinh Độc Lập độ ba, bốn trăm mét, pháo thủ số I xe 843 Thái Bá Minh thấy cờ vàng ba sọc đỏ vẫn đang bay trên nóc dinh Độc Lập chưa có dấu hiệu gì đầu hàng nên đề nghị trưởng xe cho bắn pháo.

 

Khi phổ biến mệnh lệnh ở nhà chúng tôi đã nói rõ với đơn vị là theo chỉ thị của cấp trên đánh vào Sài gòn cố gắng với sự tổn thất nhỏ nhất, nên Bùi Quang Thận đã bình tĩnh hô tạm ngừng và ra lệnh lái xe Lữ Văn Hòa tăng tốc độ đã cùng với xe 390 húc đổ cánh cổng sắt trước dinh tiến thẳng sát thềm nhà. Đoàn xe tăng tiến thêm mấy chiếc nữa váo dinh còn chạy theo các đường bao quanh phủ tổng thống ngụy. Thận và một số chiến sỹ nhẩy xuống xe, Thận cầm theo lá cờ cắm trên xe lao nhanh lên cầu thang, không mở được cờ ngụy nên đã xé rách diềm cờ và kéo cờ của chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt nam lên. Lá cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh mà chúng tôi đã phát cho từng chiếc xe tăng làm ký hiệu và sẽ cắm nơi mục tiêu mình chiếm lĩnh.

 

Lúc này người chỉ huy có cấp hàm và chức vụ cao nhất của quân đội ta tại dinh độc lập là đồng chí trung tá Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng và trung tá Bùi Văn Tùng chính ủy lữ đoàn (chế độ hai thủ trưởng). Nên mọi việc tại dinh phải trật tự nhất nhất theo kỷ luật quân đội, kỷ luật chiến trường, các cấp dưới thuộc quyền và phối thuộc đều phải chấp hành theo mệnh lệnh của chúng tôi, mặt khác để quân ngụy thấy rõ kỷ luật của quân đội cách mạng. Đồng chí Phạm Duy Đô quyền đại đội trưởng đặc công theo các xe tăng dẫn đầu vào trước, thấy chúng tôi vào ra báo cáo “Chính phủ ngụy và cả Dương Văn Minh đều ở trong dinh, mời các thủ trưởng vào giải quyết”. Thấy chúng tôi vào Dương Văn Minh nói ngay “chúng tôi chờ các ông vào để bàn giao”. Tôi bực mình nói ngay: “Các ông chẳng còn gì để mà giao, chỉ có một việc là đầu hàng không điều kiện”.

 

Lúc này đồng chí Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng, Trần Minh Công, Dương Xuân Tụ lữ đoàn phó lo việc điều chỉnh đội hình quanh dinh để phòng địch phản kích, phái một bộ phận ra giải phóng cảng Sài gòn. Đồng chí Lê Minh, chủ nhiệm chính trị lữ đoàn lo việc trong dinh và chờ cấp trên vào báo cáo. Tôi thường xuyên được thông báo cấp trên nên biết rằng, năm cánh quân đang tiến vào Sài Gòn vì đâu đâu cũng nghe tiếng súng nổ gần, miền Tây Nam Bộ và các đảo chưa giải phóng, nên việc đầu tiên là phải đưa tổng thống ngụy đi đầu hàng không điều kiện càng đỡ tốn xương máu.

 

Tôi hỏi một người đứng cạnh Minh (sau tôi mới biết đó là Nguyễn Hữu Hạnh): “Đường dây ra đài phát thanh còn dùng được không?”. Người ấy nói: “Thưa ông hư rồi”. (Thật ra sau này tôi mới biết là bên đài phát thanh họ chạy hết). Tôi nói với Dương Văn Minh: “Anh phải ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng không điều kiện”. Người ấy nói: “Thưa ông, đại tướng ra ngoài sợ phe đối lập ám hại”. Tôi nói thẳng: “Cả thành phố Sài Gòn quân giải phóng đã tràn ngập, Dương Văn Minh đi là đi với chúng tôi”.

 

Dương Văn Minh ưng thuận. Tôi định đi bằng hai xe thiết giáp, nhưng như các đồng chí đều biết, xe chiến đấu của chúng ta đồng thời cũng làm nhiệm vụ hậu cần xoong nồi lủng củng, chậu và ra đường lúc này không tiện. Có một cán bộ rất trẻ đề nghị (I): hay là ta đi bằng hai xe jeep. Tôi đồng ý. Đồng chí cán bộ trẻ và một hai bộ đội ta cùng với Minh Mẫu lên xe đầu. Tôi cùng hai chiến sỹ lên xe sau.

 

Thấy xe rộng một người thấp, đầu hình như búi tó, nói tiếng Việt rất sõi xin đi, tôi cho lên xe, tôi tưởng là phóng viên người Nhật (sau này anh Thành Tín – Bùi Tín cho tôi biết đó là Hà Huy Đỉnh nhà báo ở Sài Gòn). Một người Âu nói tiếng Pháp, hỏi tôi, biết tiếng Pháp không. tôi nói tôi biết. Người ấy tự xưng là người Tây Đức sẽ nói tốt cho quân cho quân giải phóng xin đi, tôi cho lên xe và bu theo một vài nhà báo phương Tây nữa.

 

Đến đài phát thanh không một bóng người, tôi đang lo sợ không hoàn thành được việc. May sao có mấy sinh viên, thanh niên (sau này người ta gọi là thanh niên sinh viên 30 tháng 4) thấy có Dương Văn Minh họ chạy lại. Tôi hỏi: “Các anh có biết nhân viên đài phát thanh họ chạy nấp ở đâu không?” Một anh trả lời: “Họ còn làm việc hồi chín giờ, nghe xe tăng quân giải phóng vào họ chạy nấp gần đây thôi, chú giải phóng yên tâm, chúng em sẽ tìm họ được ngay”. Tôi nói tiếp: “Các em cố gắng tìm họ về ngay …” (Đoạn này bị mờ không rõ chữ).

 

(Còn nữa)

 

*

 

Phóng ảnh nguyên bản :

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/0-28.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-20.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-5.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/3-3.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/4-3.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/5-1.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/5-1.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/0-29.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-21.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-6.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/3-4.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/4-4.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/5-2.jpg

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/6-1.jpg

 

 

                                                   ***

 

 

Tài liệu của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh Tăng Thiết giáp từ năm 1990 (Phần 2)

Le Dao

05/05/2021

https://baotiengdan.com/2021/05/05/tai-lieu-cua-chinh-uy-bui-van-tung-gui-pho-chinh-uy-bo-tu-lenh-tang-thiet-giap-tu-nam-1990-phan-2/

 

Tôi, Minh, Mẫn, anh em bộ đội đi kèm theo Minh và các nhà báo vào một căn phòng hơi hẹp ở đài phát thanh. Tôi và Minh ngồi trên trên một chiếc ghế đệm dài. Sau nhiều đêm mất ngủ, người thấm mệt, tôi bừng tỉnh người toát đầy mồ hôi, nghĩ: “Chết mẹ, nếu Minh nói trên đài không đúng ý đồ của mình thì nguy to vì mình phải chịu trách nhiệm”.

 

Tôi liền quay sang Minh nói: “Anh tuyên bố đầu hàng không điều kiện là phải theo những điều kiện của chúng tôi”. Minh nói: “Thưa ông, ông muốn những điều kiện như thế nào xin ghi cho”. Tôi lại phải vắt óc suy nghĩ, cách mạng sống chết chỉ có hai vấn đề cơ bản là quân đội và chính quyền, lúc này không được dài dòng. Sẵn tập pơ-luya xanh nhạt trên bàn, tôi lấy một tờ thảo chữ viết bằng bút máy bi to và rõ.

 

Thảo xong (2) tôi đưa cho Minh. Minh xem xong và nói: “Thưa ông, đề nghị ông bỏ hai chữ tổng thống”. Tôi hỏi lại: “Anh lấy cương vị gì để ra lệnh cho sỹ quan và binh sỹ anh hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện và anh đứng cương vị nào để giải tán được chính quyền của anh từ trung ương đến địa phương, phải là người cầm đầu của chính quyền này chứ, mà theo tôi biết người cầm đầu của chính quyền này là tổng thống?”

 

Minh nói: “đúng, đúng, ông nói đúng, nhưng thưa ông, tôi không thích cái tổng thống này, dân chúng và binh sỹ họ cũng không thích tổng thống này, chỉ cần để đại tướng là họ sẽ nghe theo tôi”. Tôi bực mình và nghiêm sắc mặt nói với Minh: “anh chỉ có sỹ quan và binh sỹ của anh thôi. Anh nói anh không thích tổng thống này là không đúng. Chính anh đã nhận tổng thống từ tay Trần Văn Hương và anh đã làm tổng thống ba ngày rồi, tại sao anh nói anh không thích?”. Đuối lý, Minh chịu.

 

Tôi lại bảo: “Đây là những điều kiện của chúng tôi, còn lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của anh thì anh phải ghi lại”. Trong khi Minh đang chép lại lời đầu hàng, tôi lại nghĩ có kẻ đầu hàng thì phải có người chấp nhận đầu hàng, nếu không dân chúng tưởng do lòng tốt của Minh và tự Minh đơn phương đầu hàng, chứ không phải do ta đánh tận vào sào huyệt và bắt chúng phải đầu hàng. Nên tôi lấy giấy thảo tiếp.

 

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một chiến dịch rất lớn, nhiều quân đoàn tham gia và rất nhiều cấp tướng chỉ huy. Còn tôi chỉ là trung tá chính ủy cấp lữ đoàn nên tôi chỉ ghi: “Tôi thay mặt quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập, long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng của tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn (3)”.

 

Cơ quan chính trị của chúng tôi cũng có máy ghi âm nhưng không vào kịp, phải mượn máy ghi âm của nhà báo Tây Đức. Pin yếu, tìm pin mới trong đài phát thanh để thay. Minh lúc đầu nói chưa gãy gọn, xóa ghi lại. Khi hai lời phát của Minh và tôi máy đã ghi âm xong thì nhân viên đài phát thanh đều chạy về và họ vui vẻ làm việc.

 

Tôi hỏi máy móc có hư hỏng gì không. Anh chị em trả lời máy phát tốt nguồn điện được. họ đưa chúng tôi xuống phòng bá âm có kính ngăn đôi. Kỹ thuật viên ra lệnh im lặng, chúng tôi chứng kiến máy phát đi lời đầu hàng không điều kiện của tổng thống ngụy quyền và lời chấp nhận đầu hàng của tôi đại diện quân giải phóng đánh chiếm dinh Độc Lập.

 

Sau đó Vũ Văn Mẫu xin có mấy lời để đồng bào Sài Gòn yên tâm. Anh chị em trong đài bảo tôi: “Đề nghị chú giải phóng cho cuộn băng có bài hát giải phóng nào để phát kèm theo bản tin này cho rôm rả”. Chúng tôi là người lính chiến, làm gì có mang theo băng nhạc, nên tôi nói luôn: “Từ nay đến chiều tối anh chị em ở đài phải phát bản tin này đi lại nhiều lần trên các làn sóng và chiều tối nay đài phát thanh chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa Miền nam Việt Nam sẽ vào, anh chị em muốn gì sẽ có tất cả”. Xong việc anh em bộ đội đi kèm Dương Văn Minh từ dinh Độc Lập ra nay lại đi kèm đưa trả về dinh Độc Lập.

 

Tôi về đến dinh thì các đồng chí chỉ huy cấp quân đoàn đã vào và đang thảo các mệnh lệnh kế tiếp. Tôi không nghe ai phê phán việc tôi đã làm, chỉ nghe anh em kể lại là anh Công Trang phó chính ủy quân đoàn hỏi: “Ai đưa Dương Văn Minh đi đâu?” Anh em bộ đội xe tăng trả lời: “Thủ trưởng Tùng đưa Minh ra đài phát thanh buộc tuyên bố đầu hàng không điều kiện”.

 

Ngay chiều hôm đó cục chính trị quân đoàn đến hỏi tôi lấy hai bản thảo. Tôi lục mãi trong túi dết mang tài liệu vẫn không thấy, chắc là mình vứt bỏ sọt rác ở đài phát thanh. May sao tôi thò vào túi quần thì lấy ra hai bản thảo đã vò nhưng chưa nát. Sau đó đồng chí Trần Văn Trà, chủ tịch quân quản có hỏi về tôi hai bản thảo, tôi nói đã giao cho cục chính trị quân đoàn 2 rồi.

 

Đến năm giờ chiều cùng ngày, chúng tôi được lệnh của quân đoàn giao toàn bộ dinh Độc Lập lại cho quân đoàn 4. Đồng chí Lê Minh chỉ giao lại toàn bộ chùm chìa khóa vừa to lại vừa rất nặng. Toàn bộ xe tăng chúng tôi đều rút ra ở trước các vườn cây trước dinh, án binh bất động vì nhân dân Sài gòn đủ các hạng người cứ bao quanh lấy các xe của chúng tôi.

 

Tối hôm ấy anh em phải ăn lương khô, không thể nổi lửa nấu cơm được. Cả ngày 1/5/1975 cũng vậy, người đến trước dinh ngày càng đông. May sao các má ở Sài gòn đã chở lên rất nhiều cơm và thức ăn và dưa cải muối kho với thịt và tôm, tất cả đều cho vào túi nilon trên các chiếc xe lam và cả ngày hôm ấy chúng tôi khỏi phải nổi lửa giữa rừng người trước dinh tổng thống ngụy quyền.

 

Tối 1/5/1975 chúng tôi hành quân về Long Bình theo mệnh lệnh của quân đoàn. Tôi về Long Bình vừa mệt vừa đau bụng, quân y cho thuốc kháng sinh thì khỏi (Tháng 10/1975 ra Bắc bác sỹ bệnh viện 108 thấy nguy kịch vì tôi bị viêm ruột thừa mãn tính đã từ lâu, nhiều lần uống kháng sinh nên đã chuyển thành cấp tính phải mổ ngay), tôi đã phải tiếp nhiều nhà báo, nhà văn như anh Thành Tín, Nguyên Ngọc, Duy Kháng, Phạm Thiều, Thanh Tịnh, Tô Minh Nguyệt v.v.., nhưng tôi không nói gì nhiều, các anh hỏi gì tôi nói nấy.

 

Ba bốn ngày sau đó tại sở chỉ huy quân đoàn đóng ở Thủ Đức (trường Cây Mai) có cuộc họp quân chính gồm các thủ trưởng, sư, lữ toàn quân đoàn. Trước khi họp, đồng chí Nguyễn Hữu An thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn nói vui: “Hôm nay giải oan cho đồng chí Tùng”, rồi đồng chí ấy nói tiếp: “Hôm qua tôi đi họp tại Bộ chỉ huy chiến dịch, các đồng chí thủ trưởng ở bộ chỉ huy rất khen đồng chí Tùng giải quyết rất tốt công việc ở dinh Độc Lập. Để thảo chính xác bản đầu hàng cho Dương Văn Minh và dõng dạc đọc lời chấp nhận đầu hàng của người chiến thắng. Các đồng chí trên gửi lời về biểu dương đồng chí Tùng. Cả cuộc họp vỗ tay hoan nghênh lời biểu dương của cấp trên”.

 

Bác Tôn vào thăm nhân dân Miền Nam, ngày 17/5/1975 tại hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập cũ). Bác thăm quân đội mà đại biểu là các tướng lĩnh của năm cánh quân. Tôi được đồng chí Lê Linh, chính ủy quân đoàn cho phép được đi dự và bảo tôi chuẩn bị kể chuyện bắt Dương Văn Minh đầu hàng cho Bác Tôn nghe thời gian từ 5-7 phút, không được nói dài vì hội nghị còn nhiều người phát biểu.

 

Hội nghị gồm các đồng chí ủy viên Bộ Chính Trị và các đồng chí chỉ huy cao cấp của quân đội. Tôi biết thân phận mình là cán bộ có quân hàm thấp nhất nên tìm một góc tối để ngồi. Sau khi Bác Tôn đọc lời khen quân đội, đến đồng chí Nguyễn Bá Phát nói về hải quân đánh chiếm các đảo, đồng chí Lê Văn Tri nói về hoạt động của không quân trong chiến dịch, đồng chí Hoàng Minh Thi đọc lời hứa hẹn của quân đội với Bác Tôn.

 

Tôi cứ tưởng mình nói sau cùng. Thật không ngờ sau khi Bác Tôn đọc lời khen quân đội, đại tướng Văn Tiến Dũng đứng lên hỏi: “Đồng chí Tùng ngồi đâu lên kể chuyện bắt Dương Văn Minh đầu hàng cho Bác Tôn nghe”. Tôi bị động, đỏ mặt lúng túng, đứng tại chỗ. Đồng chí Đại tướng lại nhắc: “không được, đồng chí ra giữa này”. Với bẩy phút tôi kể vắn tắt như trong bài viết này.

 

Sau đó, Đại tướng lại bảo tôi: “Đồng chí Tùng đại diện quân đội đến để Bác Tôn hôn quân đội”. Bác thì thấp, tôi thì cao, tôi ôm Bác, Bác ôm chặt tôi hôn tôi và nước mắt tôi chảy ròng. Tôi nghĩ rằng công lao to lớn này thuộc về các anh hùng liệt sỹ người người lớp lớp đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại này. Sau đó đồng chí Lê Đức Thọ mang đến cho tôi một … to (chữ bị nhòe, mất) đồng chí ôm hôn và khen tôi. Tôi giữ quả măng cụt ấy mang về tặng đồng chí Nguyễn Tất Tài, lữ đoàn trưởng của tôi.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/0-30.jpg

Chính ủy Bùi Văn Tùng (phải) cùng bạn chiến đấu Lữ trưởng lữ thiết giáp 203 Nguyễn Tất Tài, Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Nguồn: BBC

 

Tại Long Bình, Đảng ủy lữ đoàn họp xét khen thưởng cho cán bộ và chiến sỹ trong toàn lữ đoàn. Các đồng chí nhất trí đề nghị lên trên tặng đồng chí Tài và tôi huân chương quân công hạng 3 trong chiến dịch này. Tôi đề nghị huân chương quân công chỉ nên đề nghị tặng thưởng cho đồng chí Tài, lữ đoàn trưởng, còn những việc làm của tôi đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của một cán bộ chính trị, nếu các đồng chí có đề nghị tôi chỉ xin nhận đề nghị huân chương chiến công mà thôi. Vài tháng sau đó tôi được Nhà nước tặng thưởng huân chương giải phóng hạng nhất.

 

Sự việc trên đây tôi chưa kể cho ai, ngoài các nhà báo, nhà văn chủ động đến hỏi tôi vì tôi cho việc làm của mình là do trách nhiệm lương tâm và đó cũng là việc bình thường của người Đảng viên, người cán bộ cách mạng.

 

Nay các đồng chí muốn biết cuộc chiến đấu của lữ đoàn xe tăng 203 trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 và phần việc nhỏ của tôi làm vào thời điểm trưa hôm ấy, tôi xin kể lại để các đồng chí rõ.

 

Người viết

Bùi Văn Tùng

 

(1) Đồng chí cán bộ rất trẻ đó sau này về đơn vị tôi mới biết đó là Đại úy Phạm Xuân Thệ. Mặt tốt của đồng chí và một số anh em bộ đội ta là lúc nào cũng đi kèm sát Dương Văn Minh từ dinh Độc lập ra đài phát thanh và ngược lại, nên tôi đỡ lo vì có việc gì xẩy ra với Minh đã có anh em mình kèm chặt.

 

(2) (3) Hai bản thảo gốc này nhà bảo tàng quân đoàn 2 cất giữ trong kho. Khi anh Trọng ở viện bảo tàng quân đội đến tôi lấy tài liệu, tôi đề nghị anh Trọng lên quân đoàn 2 lấy hai bản thảo gốc đó. Những bản trưng bày tại viện bảo tàng quân đội, Viện bảo tàng cách mạng TP Hồ Chí Minh và những nhà bảo tàng khác là những bản sao chụp… (mất chữ)…

 

*

Phóng ảnh nguyên bản :

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/0-28.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-20.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-5.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/3-3.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/4-3.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/5-1.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/0-29.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/1-21.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/2-6.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/3-4.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/4-4.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/5-2.jpg

.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2021/05/6-1.jpg

.

 

=============================================

.

Le Dao

2 tháng 5, 2021 lúc 22:08 

https://www.facebook.com/groups/Xetang2016/permalink/2061377664002117

 

Treo lại bài viết về một tài liệu của Chính uỷ Bùi Văn Tùng gửi Phó chính uỷ BTLTTG từ năm 1990.

 

Lúc này chưa ai biết đến cuốn sách " THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - GIỜ KHẮC SỐ KHÔNG "của nhà báo Tây Đức .17 năm sau ( năm 2007) ,cuốn sách này mới được biết đến và Báo Tuổi trẻ dịch đăng năm 2007 ( nhân chứng thứ ba ), chính thức có giấy phép xuất bản và phát hành năm 2010.

 

Tư liệu này được đăng lên fb 30/4/2020 .

 

XEM TIẾP >>>>>  

 

163 BÌNH LUẬN

 

 

 

No comments:

Post a Comment

View My Stats