https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=944380479729345&id=100024722048900
Như dự báo từ rất sớm (thậm chí từ giữa tháng
1), hồi đầu tháng 4 bộ máy lãnh đạo chế độ đương thời được thay đổi đúng y xì
các hãng thông tấn vỉa hè cơ cấu sắp xếp. Nói chính xác thì quốc hội chỉ làm
cho đủ thủ tục nhiêu khê, chứ chả nhẽ lại không làm gì. Ngôi vị thủ tướng đã được
bàn giao từ ông Nguyễn Xuân Phúc sang ông Phạm Minh Chính, từ một ông hay trích
dẫn văn thơ sang một ông khi nói hàm răng cứ xin xít xin xít. Mà quái lạ, báo mậu
dịch hôm nay 27.4 đưa tin, tháng 7 tới, quốc hội khóa mới lại bầu nữa, cũng vẫn
những ông bà ấy. Chỉ có thể nói: Quá rảnh.
Tôi chỉ quan tâm tới chức thủ tướng, bởi đó là
người đứng đầu cơ quan hành pháp. Hành nghĩa là làm. Có làm thì mới có ăn. Chứ
những chức khác, nhất là chuyên nghề chỉ tay 5 ngón, lý luận lý liếc, chả ai rỗi
hơi để ý.
Mà sao xứ ta lắm chức tước thế, lắm ông to bà
nhớn thế. Cơm không ngon, nhà đông con cũng hết. Nuôi chừng ấy ông bà lãnh đạo,
gạo tám thơm ST25 lấy đâu cho đủ. Chả nước nào lắm phó thủ tướng như nước ta.
Chả nơi nào đặt ra chức phó chủ tịch nước chủ yếu chỉ để làm long trọng viên,
siêu lễ tân, đi trao bằng khen huân chương mệt nghỉ. Chả nơi nào chồng chéo bộ
máy song trùng, tam trùng tứ trùng, đã có bộ trưởng thứ trưởng đủ mọi bề lại vẫn
bắt dân cõng thêm trưởng ban phó ban vẫn làm cùng công việc ấy… Nói túm lại,
quan nhiều hơn dân, lãnh đạo nhiều hơn đám lưng còng.
Tôi cứ giả dụ, bỏ quách chức phó chủ tịch nước,
dẹp bớt mấy ông bà trưởng phó ban, thử hỏi xứ này được gì mất gì. Mất thì chưa
biết, nhưng được là cái chắc. Bỏ cái bộ máy song trùng kia, cho nó nhất thể hóa
gọn nhẹ, chẳng những đỡ tốn bao nhiêu tiền ngân sách nuôi các ông bà đoàn thể
râu ria, mà còn thu lại cho quốc gia không biết bao nhiêu nhà cửa, công sở, đất
đai, những toà nhà của ủy này ủy nọ. Nói thế thôi, chứ đời nào các ông bà ấy chịu
nhả. Ăn trên ngồi trốc không mất tiền quen rồi.
Lâu nay có cái lệ, như một thứ hủ tục: cứ ông
bà mới nào được đẩy lên, ngồi vào ghế nóng, là cả bộ máy hệ thống chính trị,
truyền thông báo chí ca tụng ngất trời, đặt vào cả tỉ tỉ hy vọng, khen đẹp thứ
này, khen tốt thứ kia. Lại còn lôi cả thời thò lò mũi ra khen, nào chăm chỉ, có
hiếu, thầy yêu bạn mến, vượt lên chính mình, bắt đom đóm lấy ánh sáng học bài
(còn quá cả cụ Đặng Trần Côn khi xưa) để bồi đắp cho hình tượng con người mới.
Có cảm giác xã hội vừa xuất hiện thánh chứ không phải người. Thế rồi ngày lại
ngày, tháng qua tháng, năm lại năm, hết nhiệm kỳ, nhiều thánh chả khác gì bụt đất,
gặp cơn nước lớn rã hết. Nhiều thánh để lại cho dân cho nước bao nhiêu là hậu
quả khốn nạn. Cứ coi cuộc chống tham nhũng dai dẳng thì đủ biết, tinh dững
thánh ra vành móng ngựa, nghỉ mát trong đề lao. Có những thánh ngồi hết ghế trọng
này tới ghế trọng khác, mà các vị ấy gọi là “luân chuyển cán bộ”, cuối cùng chỉ
gặt được sự bỉ bôi chê cười của người đời. Người xưa dạy “không thành công cũng
thành nhân”, các thánh bi giờ, công chẳng ra gì, còn nhân như bóng ma vật vờ.
Các thánh qua những nhiệm kỳ của mình còn nợ
dân nhiều lắm. Thánh bự nợ lớn, thánh to nợ to, thánh vừa nợ vừa, cứ đùn đẩy
cho kẻ kế tiếp trả. Để từ từ nhà cháu kể cho mà nghe. (còn tiếp)
Ảnh chống trôi (của ai, nhà cháu không nói
đâu)
https://www.facebook.com/photo?fbid=944379949729398&set=a.133382914162443
***
NỢ
XẤU, KHI NÀO MỚI XÓA? (KỲ 2)
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=950026145831445&id=100024722048900
Hôm 24.4 rồi, ông chủ tịch chính quyền TP.HCM
Nguyễn Thành Phong cùng văn võ bá quan tham mưu cố vấn của ủy ban tổ chức một
cuộc rà soát kiểm tra mini vài dự án trên đô thị lớn nhất nước này. Có mấy tờ
báo cử phóng viên bám theo để lấy thông tin, ra vẻ ta đây lắm chữ, gọi đó là cuộc
vi hành. Gớm cho các nhà báo thời nay, cứ làm như ông Phong là vua không bằng.
Mà đám chữ nghĩa ấy chả hiểu gì về vi hành. Vi là từ chỉ sự giấu diếm, kín đáo,
lén lút, ẩn giấu. Hành là đi, hành phương nam nghĩa là đi về phương nam. Vi
hành là đi ra ngoài một cách bí mật, kín đáo lặng lẽ, không cho ai biết. Đi
công khai ban ngày ban mặt, tiền hô hậu ủng, kéo đàn kéo lũ, thậm chí còn thông
báo trước cho nơi mình sẽ tới để được đón tiếp thì vi với hành nỗi gì. Thôi kệ,
chả bàn với các đại nhà báo.
Trong số dự án treo mà ông Phong muốn mắt thấy
tai nghe mũi ngửi, có rạch Xuyên Tâm. Đi, lúc xe trên bờ, lúc xuồng dưới rạch,
một thôi một hồi ngắm nghía hít ngửi chán chê, ông Phong không nén được cảm nhận
thực tế, buông một câu ngắn gọn: “Kinh khủng”. Báo Zing rút tít thẳng như vậy.
Những ai không biết đầu đuôi vụ việc có khi còn tấm tắc, lãnh đạo thế mới là
lãnh đạo, sâu sát cuộc sống đáy xã hội còn hơn vua ngày xưa.
Con rạch có tên Xuyên Tâm bởi đơn giản nó là
kênh dẫn nước khá dài chảy giữa thành phố. Sài Gòn có nhiều kênh rạch, có kênh
to như kênh Đôi (là nhánh song song với kênh Tàu Hủ nên gọi là Đôi). Cả hai
kênh đều lớn, dài. Kênh Tàu Hủ rộng như con sông, khá sâu, ngày xưa tàu to từ
miền Tây Nam Bộ bơi theo dòng này tuốt tới sông Sài Gòn, lâu lâu tàu lại hủ còi
nên cung cấp cho kênh cái tên Tàu Hủ. Ở miền Nam, dấu hỏi và dấu ngã hay bị nhầm
lẫn, chẳng hạn nhiều tiệm sửa xe đề biển “Sữa Honda” khiến không ít anh bên thắng
cuộc mới vào cứ tưởng có loại sữa tên đó. Tàu Hủ bị không ít người, kể cả các
nhà báo biên nhầm ghi nhầm thành Tàu Hũ, tên một thứ đậu phụ.
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng là con kênh nổi
tiếng, và đáng nói nhất là nó đã được chính quyền mới bỏ ra khá nhiều tiền bạc,
thời gian, công sức cải tạo lại sau khi đã hủy hoại nó không thương tiếc. Con
kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè khá đẹp sạch bây giờ là thứ thành quả đáng ghi nhận nhất
của chính quyền mới sau gần nửa thế kỷ.
Ông Phong bịt mũi và buông câu “Kinh khủng”
khi nói về rạch Xuyên Tâm, ấy là ông đã chỉ ra thực chất điều mắt thấy tai
nghe. Tuy nhiên, ông không biết trước kia nó từng như thế nào, hoặc có được
nghe báo cáo nhưng phải lờ đi. Tôi có quen mấy cô bác ở quận Bình Thạnh, nhà gần
rạch Xuyên Tâm, các cụ kể hồi trước năm 1975 còn sắm cần câu ra rạch câu cá,
chính quyền thời ấy cấm tiệt việc lấn chiếm dòng chảy, ai đổ rác bị bắt quả
tang bị phạt rất nặng. Sau “giải phóng”, rạch Xuyên Tâm dần biến thành cái hố
rác, nhà xí khổng lồ, thành nơi ô nhiễm bậc nhất của thành phố. Suốt 46 năm, cứ
tới ngày “lễ 30.4”, người ta lại tung hô ca ngợi bao nhiêu thứ thành quả, và
không bao giờ nhắc tới “thành quả” rạch Xuyên Tâm. Hàng vạn con người sống ven
dòng nước xuyên tâm đô thị hoa lệ từng giây từng phút phải chịu cuộc tra tấn
không biết đến khi nào mới chấm dứt. 30 năm, 40 năm, rồi 46 năm, đã chịu được
thì ráng chờ, chỉ có điều đời người không thọ được vài ba trăm năm để đợi.
Tôi có ông bạn đồng môn, anh Hồng, dạy ở Trường
đại học Tổng hợp, nhà ven rạch Xuyên Tâm, phường 24 quận Bình Thạnh. Về đó cư
ngụ từ năm 1999, tới năm 2000 nghe nói chính quyền sẽ nạo vét chỉnh trang rạch,
cả nhà mừng lắm. Năm lại năm, bao nhiêu nước thối không chịu trôi qua rạch, cứ
bịt mũi chịu. Lâu không ghé thăm nhau, điện thoại buôn dưa lê, sau câu chuyện
cà kê, thể nào tôi cũng thì thào hỏi dự án thơm hóa con sông trước cửa nhà bác
tới đâu rồi. Lão bảo đéo tới đâu cả. Tới bây giờ đã hơn 20 năm văng từ đéo,
nghe riết phát chán, tự cảm thấy như vậy còn khá lịch sự, văn hóa lắm lắm. Nhẽ
ra phải, phải…
Nhưng bác cả Hồng giảng sư ấy cũng còn đỡ khổ.
Mấy anh chị cùng cơ quan cũ của tôi, người ngụ khu Bình Quới quận Bình Thạnh,
người khu Thủ Thiêm quận 2, nơi thì vướng quy hoạch treo gần 4 chục năm, không
thể mua bán chuyển nhượng, không được xây cất, cứ sống tạm bợ thế hệ này qua thế
hệ khác, chỉ còn biết kêu trời; nơi thì bị dự án nhà giàu cướp đất, đền bù giải
tỏa với giá rẻ mạt, kêu trời chả thấu. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết bi
kịch của sự “kinh khủng”.
Ông Phong chắc không lạ gì mấy chuyện đó, bởi
ông từng làm bí thư quận 2, và hơn nửa thập niên ngồi ghế chủ tịch thành phố.
Bây giờ mới phát hiện ra sự “kinh khủng” quả thật quá muộn, chả hiểu những năm
qua ông quan tâm đến điều gì mà không hề biết món nợ dân ngày càng chất chồng
theo năm tháng. (còn tiếp)
Kỳ 1: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=944380479729345&id=100024722048900
Ảnh: Rạch Xuyên Tâm và cuộc sống trên rạch,
ven rạch (ảnh của VnExpress)
https://www.facebook.com/photo/?fbid=950026109164782&set=a.133382914162443
No comments:
Post a Comment