LÀM
THẾ NÀO ĐỂ CÓ “NHÂN TÀI THẬT”?
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=995850257890829&id=100023975920044
Chính phủ đã ra nghị định 116, từ năm học
2021-2022 hỗ trợ sinh viên sư phạm mỗi tháng 3.6 triệu đồng học phí và sinh hoạt.
Đây là một việc tốt, nhưng chưa hẳn đã tích cực hoàn toàn.
Học bổng là một chuyện khác, còn “hỗ trợ” theo
kiểu “hộ nghèo” lại là một chuyện khác. Học bổng mang lại niềm tự hào và hãnh
diễn, “hỗ trợ” dễ gây ra mặc cảm và tự ti. Có lẽ, cần một cách làm khác, linh
hoạt và “kích thích” hơn như hỗ trợ và học bổng dựa trên những tiêu chí cụ thể
cho từng loại đối tượng.
Nhưng dù có hỗ trợ 3.6 hay 36 triệu thì vẫn chỉ
là một “giải pháp tình thế” và không căn cơ, không đảm bảo cho một sự phát triển
lâu dài bền vững. Một con dê nuôi thả sẽ không bao giờ đi mất nếu nó được cho
ăn muối ở nhà. Phải có một cái gì đó hấp dẫn ở cuối con đường, như người ta đã
từng sẵn sàng dấn mình vào con đường tơ lụa đầy gian nan và hiểm nguy vậy.
Cần một “đầu ra” rõ ràng, sáng sủa, hứa hẹn một
tương lai tốt lành cho những người tốt nghiệp. Chắc chúng ta còn nhớ những “làn
sóng” nào là xây dựng, là ngân hàng, là bưu điện v.v… khi học sinh quyết sống
mái để thi vào. Vì sao thế, vì lương cao, dễ xin việc, đãi ngộ tốt.
Với tinh thần ấy, việc kiến thiết xã hội theo
nghĩa tạo ra những nhu cầu công việc một cách tự nhiên theo đòi hỏi của một mô
hình lành mạnh và thịnh vượng là điều quan trọng nhất.
Cải tạo chính sách tiền lương cho giáo viên là
việc đầu tiên phải làm một cách mạnh mẽ. Ra trường, lương 3 triệu đồng thì ai
mà còn muốn vô sư phạm nữa, nó chỉ vừa đủ tiền ăn sáng và cafe mỗi ngày! Đã thế,
cầm bộ hồ sơ trên tay lại phải nhét bên trong nó vài trăm triệu rồi khúm núm đến
trước các quan thầy để “đội ơn” thì lại càng nản gấp trăm lần. Tôi dám chắc, chỉ
cần quy định lương khởi điểm của giáo viên 15 triệu/tháng thì nhân tài sẽ túa
vào ngành giáo dục ngay mà không cần bất cứ một sự tuyên truyền hay cao giọng đạo
đức cống hiến chi hết.
Hãy làm sạch xã hội bằng cách xóa bỏ cái môi
trường chuyên chế trong các nhà trường; biến trường học thành một nơi lao động
thật sự của những con người tự do và sáng tạo. Trả lại sự tôn nghiêm cho người
thầy, hãy thôi biến họ thành tôi đòi cho hiệu trưởng, hãy ngừng việc khiến giáo
viên bất đắc dĩ trở thành thợ dạy; hãy hủy bỏ các kỳ thi theo đuổi thành tích một
cách rồ dại…
Làm được một cái “đầu ra” như thế thì điểm đầu
vào ngành sư phạm sẽ lập tức cao chót vót, con nhà giàu cũng đổ xô vào học, nhà
nước khỏi cần phải “nuôi”. Làm được như thế, đối với mọi ngành nghề, thì học
sinh tự khắc sẽ giỏi lên, đất nước sẽ giàu nên, tài nguyên chất xám không những
không bị chảy mất, mà ngược lại, còn chảy về. Làm được như thế, mỗi người dân sẽ
đều hạnh phúc cả khi đi học hay đi làm; xã hội sẽ an định; quốc gia được kính
trọng.
Nếu không làm được như thế mà chỉ có những “hỗ
trợ” thì cũng tuồng như việc thuê con cái nhổ tóc sâu. Nó không tạo ra một
nguyên động lực tích cực nào cả, nếu không muốn nói là thậm chí còn tạo nên nhiều
tính xấu: lười biếng, vụ lợi, đối phó.
“Tấm lòng” của nhà nước thì đáng quý rồi,
nhưng cần tính đến những giải pháp có tính chấn hưng từ bên trong, trong con
người và trong thể chế. Đó cũng có thể được coi là một tinh thần tổng quát cho
mọi vấn nạn của xã hội.
Đọc M. Weber chúng ta thấy, “chủ nghĩa tư bản”
không khuyến khích việc bố thí. Mà họ tạo nên động lực, một thứ “động lực sạch”.
No comments:
Post a Comment