Kết
thúc một cuộc bầu cử thật sự ý nghĩa…
https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/10159424128384532
(bài dài, cảm ơn bạn vì đã chọn đọc và đọc hết)
Có hai thời điểm mình cảm thấy là chỉ dấu cho
rất nhiều hy vọng trong suốt quá trình vận động cho cuộc bầu cử năm 2021 vừa rồi
mà mình muốn chia sẻ, đặc biệt là với những cử tri lần đầu đi bầu, hoặc lần đầu
thật sự quan tâm đến bầu cử:
• Đầu tiên là một tin nhắn rớt vào hộp thư filter của
mình của X. X tự nhận là một cán bộ đoàn ở một huyện nơi
có ứng cử viên độc lập tranh cử. Khi ứng cử viên này công bố việc tự ứng cử của
mình, X và những bạn đồng nghiệp cảm thấy rất hoang mang, nhất là khi họ tin rằng
ứng cử viên trên có tư cách không ổn, quan điểm chính trị nhiều vấn đề, và kết
nối với những “thế lực thù địch”. Ngay lập tức (không rõ là tự phát hay có tính
toán), một loạt những chỉ trích được đưa ra, có hưởng ứng bởi những hình ảnh giựt
gân và những bài viết với ngôn từ mạnh chống lại ứng cử viên này. Một cuộc
tranh cãi ở mức độ vừa xuất hiện trên mạng xã hội giữa những người ủng hộ và những
người không thích ứng cử viên kể trên, kéo dài cho đến ngày bầu cử. X là một cá
nhân tham gia trong tiến trình đó.
Vậy điều gì đặc biệt khiến X phải viết thư? Một
cách bất ngờ, X cảm ơn mình và một vài cử tri khác ủng hộ ứng cử viên kể trên.
X cảm ơn vì những trao đổi lịch sự, nhã nhặn mà bạn đã có trong quá trình tranh
luận về ứng cử viên đó. X nói rằng chính bạn cũng bất ngờ, và đã phải đặt lại
câu hỏi, là từ bao giờ mà những trao đổi trên mạng trong không gian của bạn về
một chủ đề “nhạy cảm” nào đó lại rất dễ tràn ngập những ngôn từ khiếm nhã, những
hình ảnh giựt gân, những cú troll, những lời mỉa mai, xỉa xói mà đôi lúc trở
nên rất tục, rất xấu xí. Bạn nói rằng đó không phải là điều bạn được giáo dục,
và cảm thấy nó độc hại. X không đồng ý hết với tất cả những gì ứng cử viên kể
trên nói, cũng như không hiểu và đồng ý hết với những gì mình và các cử tri ủng
hộ ứng cử viên đó trình bày, nhưng bạn cảm ơn vì sự văn minh trong cuộc đối thoại,
cuộc tranh luận. Điều đó ít nhất khiến X nhìn lại rằng vẫn có thể tranh luận với
nhau một cách lịch sự về những chủ đề chính trị khác biệt mà không cần thiết phải
lên gân, phải thù địch, và như X nói, phải “trẻ trâu”.
Tin nhắn của X làm mình rất suy ngẫm. Từ rất
lâu, mình để ý thấy không gian mạng khiến cho rất nhiều người sẵn sàng nói ra
những ngôn từ mà tin chắc nếu họ phải ở một không gian công cộng ngoài đời thực,
họ sẽ không dám sử dụng. Điều mình càng lo ngại hơn là cách thảo luận với ngôn
từ tục tĩu, thái độ giang hồ, trolling… lại xuất hiện nhiều trong những cộng đồng
trẻ, thậm chí là trong những cộng đồng sinh viên. Đối với mình, đó là điều đáng
lo ngại vì không cần biết niềm tin của bạn có đúng đắn đến mức độ nào, và bạn
xác quyết về nó đến bao nhiêu, cách bạn nói, bạn trình bày về quan điểm đó, hay
thậm chí là về một con người (cho dù bạn gắn cho con người đó những cái mũ xấu
xa), nói lên rất nhiều điều về tư cách của bạn. Sự lên đồng chửi bới có thể khiến
bạn cảm thấy vui, và ngầu, nhưng xét theo góc độ nào nó cũng là tiêu cực. Mình
không rõ từ đâu mà thành ra như vậy, hoặc ai đã tạo ra cái “văn hoá” đó, nhưng
sẽ rất khó thuyết phục thanh niên không thần tượng những Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng…
nếu bạn cảm thấy ổn với cách trao đổi giang hồ này. Đứng trước điều đó, mình đã
chọn một thái độ luôn nhã nhặn, lịch sự (dù đôi lúc không thành công) khi tham
gia các cuộc tranh luận cho dù là với chủ đề gai góc nhất nào. Mình tin rằng
khi cuộc trò chuyện đủ nhã nhặn, đủ lịch sự, và đủ kiên nhẫn, thì phần con người
trong hai bên sẽ giúp cuộc trò chuyện diễn ra không xấu xí, và người trò chuyện
dễ lắng nghe hơn. Đó là một công việc đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, và những tin
nhắn như của X chính là nguồn động viên.
• Thứ hai là một tin nhắn của Y. Y là cử tri trẻ tuổi, lần đầu tiên đi bầu, và ủng hộ ứng cử viên độc lập
kể trên. Y khóc với mình khi bạn nói rằng… bạn của bạn bảo rằng ở một địa điểm
bầu cử nào đó, có người đang không công bằng với ứng cử viên mà bạn ủng hộ. Y
càng tức giận hơn bởi vì suốt mấy ngày trước đó, gia đình bạn xuất hiện nhiều
tranh cãi khi ba của bạn thì dứt khoát không muốn mấy đứa con bầu cho ứng cử
viên kể trên vì “trên họ dặn như vậy”, mẹ của bạn thì thích ứng cử viên đó như
ngại làm phật ý ba, còn hai đứa con thì dứt khoát ủng hộ cho ứng cử viên này vì
cảm thấy gần gũi. Cuối cùng, theo lời Y nói, lần đầu tiên trong nhiều kì bầu cử,
bốn người trong gia đình bạn tự đi ra thùng phiếu bầu và tự bỏ lá phiếu của
mình.
Mình dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về tin
nhắn này và những cảm xúc mà Y trải qua. Rất dễ để tức giận, và thậm chí trở
nên suy sụp, mất lòng tin, nếu ứng cử viên mình thất bại và mình tin rằng lý do
xuất phát từ sự không công bằng. Tuy nhiên, dù trần trụi nhưng phải nói rằng, với
quá nhiều thông tin giả thật lẫn lộn đan xen, thứ mình tin, hoặc mình biết rằng
nó tồn tại không mang tính quyết định bằng thứ mình có thể chứng minh được.
Mình nói như vậy với Y và khuyên em ấy rằng không phải là mình làm ngơ trước những
bất công nếu có, nhưng để cho người khác tin mình thì sự xác quyết không là
chưa đủ, mà còn cần phải có bằng chứng và sự can đảm để theo đuổi. Một xã hội
như vậy là không lý tưởng, nhưng là xã hội thực tế, và nó đòi hỏi những người
muốn nó tốt hơn phải động não, chuẩn bị, kiên nhẫn, thậm chí dấn thân rất nhiều.
Tuy nhiên, trong cái không khí căng thẳng mà Y
đã trải qua, mình muốn chỉ cho Y một điểm tích cực và mình cho rằng đó chính là
điểm đẹp nhất của cuộc bầu cử. Đó chính là nằm ở hai từ “sáng suốt” mà cử tri
nào trong những ngày qua đều thấy. Nhưng “sáng suốt” hoàn toàn có thể hiểu một
cách rõ ràng, không tuyên truyền nhất, đó là sự độc lập và chủ động của cử tri
đối với phiếu bầu của mình. Nếu bạn là một người cầm lá phiếu trên tay, kiên
quyết đối với sự ủng hộ của mình cho một ứng cử viên, thì liệu có thế lực nào
có thể rỉ tai bạn và khiến bạn thay đổi quyết định hay không? Chắc chắn là
không, và trên thực tế là không. Y vẫn đã chọn ứng cử viên mình ủng hộ, bất chấp
ba bạn ấy phản đối, và bất chấp những sức ép khác mà bạn cảm nhận được. Đó là
khi Y “sáng suốt” nhất trong việc thực hiện quyền bầu cử của mình. Y có thể
sai, có thể niềm tin của Y đặt nhầm chỗ, và có thể ứng cử viên đó không phải là
người tốt như Y tưởng… nhưng sự sáng suốt thật sự không phải là khi cử tri luôn
luôn chọn đúng, mà là cử tri chọn bằng sự độc lập và tin tưởng thật sự của mình
dành cho lựa chọn đó. Nghĩ như vậy, Y đã “sáng suốt” hơn rất nhiều người.
Nhưng tại sao lại có người để những lời rỉ tai
đó làm lung lây, làm thay đổi quyết định bầu cử của mình? Câu trả lời rất đơn
giản đó là vì họ không thực sự coi trọng lá phiếu của mình, họ thực hiện quyền
của mình vì họ nghĩ đó là nghĩa vụ, họ sợ hãi cường quyền và họ cho rằng một phiếu
gạch ẩu cũng không sao cả. Đối với những cử tri đó, nếu không có gì làm họ lung
lây thì khả năng họ bầu cho một ứng cử viên độc lập cũng là rất ngẫu nhiên.
Một ứng cử viên chạy chương trình vận động với
hy vọng gieo làn gió mới vào cuộc bầu cử thì nếu đủ nghiêm túc, người đó đã ý
thức được rằng anh ấy/ cô ấy phải làm nhiều hơn phần còn lại, cốt để thay đổi
những thứ đã trở thành lề thói, trong đó có cả việc có những cử tri không coi
trọng lá phiếu trên tay và những tác nhân dùng ảnh hưởng của mình để người khác
lựa chọn theo ý của mình. Nếu ứng cử viên không nhận được lá phiếu bầu vì sự
không công bằng đó (nếu có), thì tất nhiên là không lý tưởng và thoả đáng,
nhưng nó cũng là chỉ dấu cho thấy ứng cử viên đó còn nhiều việc phải làm. Thay
đổi không thể đến chỉ từ việc bản thân nói về thay đổi, mà còn phải chấp nhận
những thử thách và tình trạng hiện tai đem lại. Những người muốn thay đổi sẵn
sàng chấp nhận làm nhiều hơn gấp nhiều lần, kể cả làm những việc mà đáng lẽ ra
không phải là việc của mình trong một xã hội dân chủ trưởng thành hơn, đó là đi
thuyết phục các cử tri vô tâm kia. Nghĩ như vậy không có nghĩa là ta chấp nhận
cái bất công, cái sai phạm tồn tại như lẽ dĩ nhiên, mà chính là thái độ trực diện
và thực tế nhất để xử lý cái bất công, sai phạm đó.
Nếu xét theo khía cạnh kể trên thì cuộc bầu cử
năm nay có rất nhiều thứ để hy vọng, và nó cũng đã vừa xuất hiện ngay chính
trên bàn ăn của Y. Vẫn có cử tri vô tâm và đó là điều mọi ứng cử viên, mọi cá
nhân quan tâm đến một cuộc bầu cử thực chất cho dù cương vị nào cũng phải
nghiêm túc nhìn nhận và tìm cách thay đổi, vận động. Nhưng khi mình biết rằng
câu chuyện bầu cử cho ai, vì điều gì, đã trở thành một “món ăn” cho dù là không
dễ nuốt trôi lắm trong bữa tối của một gia đình bình thường, thì đó là điều đáng
mừng. Bởi sự tranh cãi đó, sự bực dọc đó, sự bất hoà tạm thời đó… có thể được gọi
bằng một giá trị khác đáng quý hơn: nền dân chủ. Nền dân chủ phương Tây vốn xuất
hiện ở các quảng trường, còn nền dân chủ phương Đông hình thành từ những bữa ăn
tối như vậy. Và đó là điều đáng mừng cho một cuộc bầu cử.
Cuối cùng, mình khuyên Y không nên quá tức giận
và tiết kiệm những giọt nước mắt của mình. Điều mình học được trong thời gian
qua đó là nước mắt của một con người rất quý giá, và nên dành cho những cảm xúc
gia đình, cá nhân khác. Ứng cử viên Y ủng hộ hoàn toàn có thể thua, và thua rất
đậm chứ, và đó là chuyện rất bình thường đối với một ứng cử viên trẻ tuổi, lần
đầu tham gia chính trường, và tự nhận bản thân đại diện cho những điều mới,
ngay cả tại những nền dân chủ trưởng thành nhất. Chính vì vậy, ứng cử viên đó sẽ
không quá buồn và tiếp tục hành trình của mình, nếu niềm tin của anh ta đủ xác
quyết, để có thể ở bất kỳ cương vị nào cũng có thể làm tốt việc của mình. Và
anh ấy cần sự ủng hộ của Y ngay cả khi không còn có cuộc bầu cử nào.
Chính vì lẽ đó, mình khuyên Y đừng để chuyện
thắng, thua của một ứng cử viên chi phối cảm xúc của mình. Những người hả hê
khi ứng cử viên họ ghét thất bại, thậm chí sẵn sàng dùng lời nói xúc xiểm và
thô tục để mô tả một con người… là những người thiếu “sáng suốt” nhất. Họ bị một
thứ cảm xúc chi phối, đó là cảm xúc thể thao, khi mình thấy đội nhà thua cuộc.
Một người sáng suốt, do đó, sẽ biết cách vượt lên trên cảm xúc thể thao đó và
nhìn vào những điều đã đạt được, đôi khi còn quý giá hơn là một vị trí trong
nghị trường.
Hai tin nhắn đó, kết thúc một cuộc bầu cử thật
sự ý nghĩa với mình.
No comments:
Post a Comment