Vi
Nguyễn và Quang Dương
Apr 29, 2021
https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/cau-hoi-cho-ngay-30-thang-tu/
Đối với đại đa số 1.3 triệu người Mỹ gốc Việt
hiện đang sống trên khắp nước Mỹ, 30 Tháng Tư, 1975 là ngày mà nhiều người lớn
tuổi trong cộng đồng phải đối mặt với nỗi đau mất nước, mất gia đình, mất tất cả
những gì họ từng biết. Tính tới thời điểm đó, 125,000 người Việt Nam phải di tản
bằng đường hàng không, khi những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Sài Gòn. Những
người tị nạn chiến tranh này chỉ mang theo được những gì họ có thể cầm trên
tay. Nhiều người phải bỏ lại cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em. Thêm nhiều
người nữa rời khỏi Việt Nam từ năm 1975 đến 1995. Họ “chọn” cuộc hành trình
gian khổ vượt biên, hy vọng đến các trại tị nạn ở Malaysia, Indonesia, và
Philippines,… để đến được một vùng đất tự do hơn. Hơn 800,000 người đã đến được
trại tị nạn. Khoảng 200,000 đến 400,000 người tử vong trên đường vượt biên tìm
tự do.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/04/DD-Cau-Hoi-Thang-Tu.jpg
Người Việt Nam tuyệt
thực tại một trại tị nạn ở Singapore hôm 22 Tháng Mười Một, 1992, phản đối trục
xuất về nước. (Hình: Rosln Rahman/AFP via Getty Images)
Ngày 30 Tháng Tư là thời khắc lịch sử sang
trang đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, một cột mốc nhiều người Mỹ nhập cư
trước và sau chúng ta chắc sẽ cảm thấy quen thuộc: Khi chúng ta hoặc tổ tiên
chúng ta phải rời khỏi quê hương, “chọn” đặt hết mong ước và hy vọng vào những
mảnh đất mình chưa từng đến bao giờ và vào những người mình chưa từng gặp.
Đối với người Mỹ gốc Việt, kỳ vọng của chúng
ta đã thành hiện thực phần lớn là do người Mỹ chấp nhận và hỗ trợ chúng ta
trong việc xây dựng lại cuộc sống. Ngày nay, sau gần nửa thế kỷ, người Mỹ gốc
Việt có nhiều thành công hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ chăm
sóc khách hàng, tài chính, nghệ thuật, luật, y khoa, và nhiều lĩnh vực khác.
Lấy dịch vụ làm “nail” ở Mỹ làm ví dụ. Người Mỹ
gốc Việt đã giúp bình đẳng hóa dịch vụ này, và sự phát triển của ngành “nail”
trở thành một ví dụ điển hình hoàn chỉnh về sự sáng tạo, kiên trì, năng động xã
hội, và tinh thần kinh doanh của người Mỹ. Như bộ phim tài liệu “Nailed It” của
Adele Free Phạm đã miêu tả một cách sống động, người tị nạn Việt Nam thời kỳ đầu
với sự bảo trợ của nữ diễn viên và nhà nhân đạo Tippi Hedren đã sát cánh và học
hỏi từ những người thợ làm “nail” da đen. Sau một thời gian, họ tự lực mở các
tiệm chăm sóc sắc đẹp của riêng mình, mang một dịch vụ trước đây chỉ dành cho tầng
lớp thượng lưu đến cho nhiều người Mỹ trung lưu, và tạo ra một ngành công nghiệp
có doanh thu $8 tỷ.
Sự đóng góp của người Mỹ gốc Việt cho ngành
làm “nail” là minh chứng cho việc chúng ta, cũng như nhiều người nhập cư đi trước,
góp phần cho nước Mỹ phồn thịnh như ngày hôm nay. Người Mỹ da đen là trụ cột của
sự trỗi dậy kinh tế của Mỹ. Người Mỹ gốc Hoa và người Mỹ gốc Ireland bỏ xương
máu xây dựng đường xe lửa xuyên lục địa. Các công nhân nông nghiệp của Mỹ, xuất
xứ từ Philippines, Mexico, và những nước Mỹ Latinh khá, đã nuôi sống người dân
Hoa Kỳ.
Khi suy ngẫm về ngày 30 Tháng Tư – nhớ lại tất
cả những gì mà cộng đồng mất, đạt được, và xây dựng lại – chúng ta nhìn thấy những
điểm tương đồng từ Biển Ả Rập ở Afghanistan, khi quân đội Hoa Kỳ cũng sẽ rút
lui sau 20 năm đóng quân ở đây. Chúng ta nhìn thấy chính mình trong những người
tị nạn khi thuyền của họ bị chìm trên biển Địa Trung Hải. Chúng ta cảm thương
cho những gia đình bị chia cắt vì chính sách di trú của nước Mỹ, khi họ tìm tới
dọc biên giới phía Nam để xin tị nạn. Người Mỹ gốc Việt biết quá rõ sự mất mát
lịch sử, hoài niệm và giá trị nhận thức về bản thân khi phải cách xa gia đình.
Chúng ta liệu có thể đóng vai trò giúp đỡ những
người nhập cư và tị nạn trong tương lai như người Mỹ từng làm cho chúng ta
không? Theo lời của Emma Lazarus, liệu chúng ta có nâng “…ngọn đèn bên cạnh
cánh cửa vàng” cho “…kẻ bão táp, người vô gia cư… người mệt mỏi, người nghèo khổ”
không? Đối với chúng tôi, trong ngày 30 Tháng Tư này, không có câu hỏi nào có ý
nghĩa và quan trọng hơn câu hỏi này. (Đ.D.)
-------------------
Vi
Nguyễn, hiện đang sinh sống ở Des Moines, Iowa, là người đồng
sáng lập nhóm ViệtAdvocacy Iowa, và là giám đốc khoa học dữ liệu và phân tích tại
QuestBridge. Cô tốt nghiệp ngành kinh tế đại học Yale University, và có bằng thạc
sĩ ngành khoa học máy tính và chính sách công đại học University of Chicago.
Quang
Dương, hiện đang sinh sống ở San Francisco, California,
là trưởng quản lý kỹ thuật trong bộ phận sản xuất phần mềm y tế của Google, và
là thành viên hội đồng quản lý VietHope Inc. Anh tốt nghiệp tiến sĩ ngành công
nghệ thông tin trí tuệ nhân tạo đại học University of Michigan, và có bằng cử
nhân đại học Harvard University.quan điểm cá nhân.
No comments:
Post a Comment