Lê Mạnh
Hùng
December 9, 2020
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nuoc-my-di-ve-dau/
“Something is rotten in
the state of Denmark,” Shakespeare – Hamlet. Đó có vẻ như là cảm giác căn bản
mà người dân Châu Âu theo dõi báo chí Châu Âu tường thuật về cuộc bầu cử tổng
thống vừa qua tại Mỹ, một cuộc bầu cử mà người ta chờ đợi và theo dõi trong suốt
bốn năm qua với một tinh thần vừa chờ đợi vừa e sợ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/12/A1-Nuoc-My-di-ve-dau-1536x1024.jpg
Kết quả cuộc bầu cử
tuy rằng làm cho người ta thở phào nhẹ nhõm, nhưng dù sao cũng là một thất vọng
lớn: ông Trump đã nhận được còn nhiều phiếu bầu hơn là năm 2016. (Hình: Samuel
Corum/Getty Images)
Nói một cách khác, làm
sao mà ông Donald Trump không bị thiệt hại một cách đáng kể bởi vì tất cả những
lời nói dối, vi phạm đạo đức, khuyến khích hầu như công khai tinh thần kỳ thị
chủng tộc cũng như quản lý tồi tệ việc chống căn dịch bệnh COVID-19 đã khiến
cho trên một phần tư triệu người Mỹ bỏ mình.
Kết quả cuộc bầu cử tuy rằng
làm cho người ta thở phào nhẹ nhõm, nhưng dù sao cũng là một thất vọng lớn, nhất
là đối với những người có một ý thức tốt đẹp về nước Mỹ. Nhiều người Dân Chủ hy
vọng có một chiến thắng áp đảo cho ông Joe Biden và một thất bại thê thảm cho đảng
Cộng Hòa và tổng thống của họ. Họ hy vọng có một kết quả rõ ràng như vậy mới
cho thấy chiến thắng của ông Trump năm 2016 là một ngoại lệ lịch sử và tẩy sạch
vết nhơ Trump ra khỏi các cuốn sách lịch sử Mỹ về sau. Nhưng thay vào đó, ông
Trump đã nhận được còn nhiều phiếu bầu hơn là năm 2016.
Nước Mỹ biết là mình bị bệnh.
Cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đều đồng ý, chỉ khác nhau là mỗi phe đổ cho phe
bên kia là đã phản bội lý tưởng Mỹ mà thôi. Người ta hồ nghi về sự chính đáng
(legitimacy) của cuộc bầu cử và niềm tin vào những định chế chính trị đã sụp đổ.
Một phần quan trọng các
phương tiện truyền thông đã từ bỏ hay mất đi vai trò như là những người nhân chứng
khách quan. Các toán dân quân vũ trang đi tuần các đường phố; và hầu như bất kỳ
một ý kiến nào đưa ra mà không bị tràn ngập những lời phê bình đầy hận thù trên
các phương tiện truyền thông xã hội.
Và trùm lên tất cả là một
ông tổng thống không chịu chấp nhận thất cử, tìm đủ cách để lật lại kết quả và
một bệnh dịch lan tràn mà chỉ có thể kiềm chế được bằng một sự đoàn kết xã hội.
Tất cả những vấn đề đó sẽ vẫn còn với nước Mỹ ngay cả sau khi ông Donald Trump
ra đi.
Bình luận gia David
Brooks, một nhà bình luận bảo thủ của nhật báo New York Times, trong một bài viết
cho tạp chí The Atlantic đặt câu hỏi rằng liệu những triệu chứng của căn bệnh
này có phải là báo hiệu sự kết thúc của một giai đoạn lịch sử. Trong bài tiểu
luận, ông Brooks dẫn lời ông Samuel P. Huntington, một trong những nhà tư tưởng
lớn của thế kỷ thứ 20, trong đó ông Huntington kết luận rằng nước Mỹ cứ khoảng
60 năm lại trải qua một tình trạng “động kinh đạo đức” (moral convulsions).
Theo ông Huntington, những triệu chứng bao gồm, một sự mất niềm tin vào các định
chế, phẫn nộ đạo đức phổ biến, một sự bất tín nhiệm và khinh thị tầng lớp
“elite” lãnh đạo, một thế hệ trẻ mới lớn với các phương tiện truyền thông mới
chi phối cuộc tranh luận và những nhóm ở biên duyên nổi lên giành lấy quyền kiểm
soát.
Ông Huntington viết những
lời này vào cuối thế kỷ trước, nhưng đọc nghe như mô tả tình trạng nước Mỹ hiện
nay. Nhưng cái gì kích động tình trạng suy thoái này? Ông Brooks quy trách nhiệm
cho tình trạng mất niềm tin nói chung vào xã hội (social trust) mà theo ông
Brooks “là một thước đo phẩm chất đạo đức của một xã hội – liệu dân chúng và những
định chế của họ có xứng đáng, liệu họ có giữ lời hứa và đóng góp vào cho lợi
ích chung. Khi những con tin của một tôn giáo mất niềm tin vào vị chủ tể của họ
thì tôn giáo đó sụp đổ. Khi người dân của một xã hội mất niềm tin vào nhau và
vào những định chế chung thì xã hội đó sụp đổ.”
Nhưng cái gì kích động cuộc
khủng hoảng niềm tin này? Vì sao xã hội chính trị và văn hóa Mỹ đi vào một con
đường lệch lạc đến nỗi cuối cùng nó dẫn đến Trump, 20,000 lời nói dối và đánh bắn
nhau ngoài đường phố?
Lần đầu tiên tôi đến nước
Mỹ, John F.Kennedy làm tổng thống, cả nước Mỹ tràn trề hy vọng. Cuộc cách mạng
giải phóng cá nhân lúc đó bắt đầu và nó dẫn đến một loạt những thay đổi đưa đến
một nước Mỹ công bình hơn, bình đẳng hơn. Nó cũng là giai đoạn trưởng thành của
thế hệ “baby boomer.”
Lần thứ hai tôi tới nước
Mỹ, Bill Clinton, một thành viên của thế hệ “baby boomer” làm tổng thống, đại
biểu tiêu biểu nhất của thế hệ này – đàn ông da trắng bị ảnh hưởng chính trị và
văn hóa của phong trào giải phóng thời Kennedy-Johnson. Thăng tiến xã hội là một
hiện thực đối với họ. Mọi chuyện có vẻ đều trong tầm tay; sự phồn thịnh được
coi như là một chuyện dĩ nhiên cũng như niềm tin rằng con cái họ sẽ có một cuộc
sống còn tốt hơn là họ.
Sự lạc quan hầu như vô
cùng của họ nhìn lại thấy có vẻ như là ngây thơ. Khẩu hiệu tranh cử của ông
Clinton năm 1992 “It’s the economy, stupid,” có nghĩa là nếu nền kinh tế cứ tiếp
tục tăng trưởng, mọi chuyện sẽ tiếp tục trở nên tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Donald Trump cũng là một
người thuộc thế hệ “baby boomer.” Và tuy rằng không giống Bill Clinton, Trump
cũng bị bầu không khí của những năm 1960 uốn nắn. Nó không phải chỉ có tự do
kinh tế mà cả đạo đức xã hội. Nó dựa trên một niềm tin rằng nếu để mọi người tự
do tìm sự thỏa mãn cá nhân cho mình thì kết quả sẽ là một xã hội hạnh phúc.
Nhưng thực tế không bao
giờ giống như ước vọng. Và giải phóng cũng có những hậu quả xấu của nó. Dấu hiệu
đầu tiên về một sự băng hoại trong xã hội Mỹ đến vào năm 2002 khi kênh TV HBO
phát hình một bộ phim tập phóng sự về thành phố Baltimore tên là “The Wire,”
trong đó cho thấy làm sao một thành phố như là Baltimore có thể rơi xuống tình
trạng một “failed state” với ma túy hoành hành công khai, với những đường phố đầy
những căn nhà đóng cửa kín và bị những băng đảng tội phạm kiểm soát; với bến cảng
vắng tàu và công nhân phần lớn thất nghiệp. Ngay cả đến cảnh sát cũng chán nản
và các chính trị gia thì hủ hóa. Nói chung, tất cả những gì ông Brooks viết về
niềm tin đều đã bị tát cạn. Theo ông David Simon, người thực hiện chương trình
này thì “Người ta không tin rằng có thể làm được một cái gì cho khác được.”
“The Wire” rọi sáng vấn đề
hiện hữu của một nhóm “lumpenproletariat” da đen tại các thành phố mà đã trở
thành bị bỏ rơi và cô lập. Nhưng tại các vùng quê và các tiểu bang phi kỹ nghệ
hóa, các tiểu bang như Ohio và West Virginia, một giai cấp “lumpenproletariat”
da trắng khác cũng xuất hiện. Tuy rằng đầu tiên không có mấy ai để ý nhưng họ
cũng cảm thấy bị cô lập và bỏ rơi không kém gì các người da đen tại các trung
tâm thành thị lớn.
Năm 2012, ba năm trước
khi ông Trump chính thức nhảy vào chính trị, nhà chính trị học Charles Murray
là người đầu tiên viết về giai cấp da trắng mới này. Điều đáng chú ý là đặc
trưng của họ không phải chỉ thuần túy kinh tế mà có liên quan đến tâm lý, đạo đức
và thói quen.
Trong cuốn sách “Coming
Apart,” ông Murray mô tả một địa danh giả tưởng Fishtown, một thành phố hậu
công nghiệp, nơi mà đạo đức đi xuống và thất nghiệp đi lên. Fishtown được ông
Murrya dựng lên từ các con số thống kê và các cuộc thăm dò để vẽ ra một bức
tranh đầy ấn tượng. Càng ngày người dân tại Fishtown đều cảm thấy họ không có
khả năng làm việc trong lúc chỉ có từ một phần tư đến một phần ba trẻ em sống
trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ. Người ta cũng không còn đi lễ nhà thờ, nơi
mà trước vẫn đóng một vai trò ổn định cho cộng đồng.
Fishtown là một nơi giả
tưởng, nhưng có hàng ngàn những Fishtown tương tự tại West Virginai, Ohio,
Kentucky và nhiều tiểu bang khác. Những thị trấn này bị từ từ tiêu hủy kể từ những
năm 2000 bởi vì “opioids,” những thuốc giảm đau có tính cách làm người ta nghiện
ngập như heroin. Có những phòng mạch bác sĩ tại các thị trấn nhỏ mà mô hình làm
ăn căn bản là bán đơn thuốc mua Oxycontin, loại opioid thông dụng nhất với giá
$250 một đơn cho hàng triệu dân nghiện da trắng mới.
Trong lúc “crack” và
“heroin” vẫn là ma túy chính cho dân da đen tại các thành thị thì “Oxy” đã trở
thành ma túy cho dân da trắng tại các vùng khác. Và với thời gian dần dà giữa
những người này và những người khác càng ngày càng khác biệt. Và họ tin rằng cả
thế giới đều chống lại họ; và rằng có những ai đó đang tìm cách đánh lừa họ. Về
căn bản nó là cái tình cảm mà tổng thống của họ khuyến khích. Ông Trump vẫn
nhấn mạnh là người ta cướp đi sự thắng cử của ông.
Hơn một tháng sau cuộc bầu
cử ông Trump vẫn còn chưa chấp nhận là mình thua và tiếp tục tìm cách đảo ngược
kết quả. Một phần lớn đảng Cộng Hòa, một định chế trên 150 tuổi và là một trong
những cột trụ của xã hội Mỹ ủng hộ ông trong cố gắng xói mòn chế độ dân chủ. Và
trên 71 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho Trump. Đa số họ còn tin vào những lời nói dối
của Trump về gian lận bầu cử.
Whither America? [qd]
No comments:
Post a Comment