Năm
2020, Việt Nam tăng cường kiểm duyệt nội dung, bóp nghẹt tiếng nói trên không
gian mạng
Cao
Nguyễn
26/12/2020
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20_vn_face_silence-12262020092821.html
Trong năm 2020, đảng và
chính phủ Việt Nam tiếp tục gia tăng thúc ép các công ty có nền tảng mạng xã hội
như Facebook và Youtube phải tăng cường kiểm duyệt, gỡ bài viết, video bị dán
nhãn là “chống phá” nhà nước.
Nhiều người dùng mạng
xã hội ở Việt Nam cho biết Facebook hoặc Youtube thường xoá bài viết hay thậm
chí là khoá luôn tài khoản vì họ đưa những thông tin liên quan đế tình hình
chính trị, xã hội ở Việt Nam. Đặc biệt là các sự kiện chính trị quan trọng mà
nhà nước không muốn thông tin lan toả đến người dân.
Có ít nhất 4 người
mà RFA phỏng vấn nói rằng tài khoản của họ nhiều lần bị hạn chế, xoá bài với những
lí do không rõ ràng, không thuyết phục.
Nhiều người
dùng bị gỡ bỏ nội dung trên mạng xã hội
Ông Lê Trung
Khoa, chủ bút mạng báo Thời Báo ở Đức cho hay ông thường xuyên bị Youtube hạn
chế lan truyền các video tin tức thời sự, chính trị ở Việt Nam:
“Nhiều lần chứ. Việc
này mình đã gửi toàn bộ báo cáo cho tổ chức Phóng viên không biên giới tại Đức.
Thường là nhắm vào các video về vấn đề xảy ra,
các vụ việc lớn. Ví dụ như vụ việc ở Đồng Tâm, các vụ việc bắt bớ mà mình có
làm tin, hoặc là vụ việc liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh… Các tin
tức đó thì thường bị phía Việt Nam yêu cầu ngưng phát tán ở Việt Nam.
Tất cả những thông tin đó mình đều cập nhật lại
toàn bộ, rồi cùng với tổ chức Phóng viên không biên giới phản đối lại việc
YouTube đã làm theo ý muốn của nhà cầm quyền đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ông Nguyễn Lân
Thắng, một người hoạt động xã hội được nhiều người theo dõi trên Facebook
nói việc bị hạn chế hoặc tự động xoá bài viết xảy ra khá thường xuyên:
“Có một số bài viết
tôi bị hạn chế hiển thị nội dung ở Việt Nam. Những bài viết cũng có ảnh hưởng
dư luận, tác động đến tâm tư tình cảm của rất nhiều người, có lượt like và chia
sẻ rất lớn. Điển hình như là một bài có đến 6 ngàn lượt chia sẻ.
Ngoài ra, còn có một hiện tượng nữa là rất nhiều
người họ không nhìn thấy tin tức của tôi nổi trên newfeed của họ nữa. Mặc
dù họ cài đặt tài khoản của tôi ở chế độ “See first” tức là xem trước,
nhưng mà họ phải vào tận nơi thì mới nhìn thấy nội dung trên tường nhà tôi.”
Ông Quang, hiện
đang là admin của một trang fanpage chuyên cung cấp, đăng tải các thông
tin, kiến thức về quyền và luật pháp cho người dân, cũng than phiền rằng lượng
tương tác bị hạn chế, xuống thấp kỷ lục trong năm 2020. Facebook có đôi lần
thông báo với ông Quang rằng những video bị hạn chế là do “vi phạm luật pháp địa
phương”.
Việt Nam
tăng cường kiểm duyệt, yêu cầu gỡ bỏ nội dung “phản động”
Ông Nguyễn Trường Sơn, người thực hiện báo cáo “Kiểm duyệt và hình
sự hoá Tự do biểu đạt tại Việt Nam”, do tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hồi đầu
tháng 12 cho biết:
Trong vấn đề yêu cầu xoá nội dung trên các nền
tảng mạng xã hội, cơ chế làm việc giữa chính phủ Việt Nam và các công ty công
nghệ như Facebook, YouTube đã được ông Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói rất
rõ trong một cuộc họp Quốc hội. Đó là hiện nay, Bộ TT-TT đã thành lập hẳn một
nhóm làm việc chuyên biệt, giao tiếp với Facebook và YouTube hàng ngày để gửi
cho các công ty này danh sách các nội dung cần phải được gỡ bỏ.
Cho nên, giữa nhà nước Việt Nam với các công
ty công nghệ hiện giờ có tần suất làm việc hàng ngày. chứ không giống như trước
đây là đợi đến khi có một sự kiện nào đó xảy ra thì họ mới yêu cầu Facebook và
YouTube tăng cường kiểm duyệt nội dung.
Đặc biệt là trong năm 2020 này, họ đã tăng cường
việc giám sát các nội dung ở trên mạng xã hội và tăng cường việc yêu cầu các
công ty công nghệ này phải kiểm nghiệm nội dung trong mỗi ngày.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT)
Nguyễn Mạnh hùng giải trình trước Quốc hội vào tháng 11/2020 vừa qua cho biết Bộ
TT-TT đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, phối hợp đưa ra nhiều giải
phát quyết liệt để ngăn chăn tình trạng các tài khoản mạng xã hội như Facebook
và Youtube đăng tải các thông tin mà ông hùng gắn nhãn là “kích động, chống phá
nhà nước Việt Nam”.
Theo ông Hùng, từ
năm 2018 đến hết tháng 8/2020, “Tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin bị cho ‘xấu, độc’
của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của YouTube tăng từ 50% lên 90%. Số
lượng gỡ bỏ dạng thông tin này của Facebook năm 2020 là tăng lên 30 lần so với
năm 2017 và số lượng gỡ bỏ trên YouTube năm 2020 tăng 8 lần so với 2017. Số
trang bị cho ‘giả mạo’ phải gỡ bỏ cũng tăng 8 lần so với 2017”.
Cũng theo lời ông
Nguyễn Mạnh Hùng, tính riêng trong 8 tháng đầu năm nay, Facebook đã gỡ gần
1.100 bài viết, 154 fanpage đăng thông tin ‘sai sự thật, tuyên truyền chống
pháp đảng và nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức,
doanh nghiệp, cá nhân.’
Đối với Google, cụ
thể là trên YouTube, Bộ này đã yêu cầu ngăn chặn và gỡ bỏ 15.115 video bị coi
là vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh YouTube ‘phản động’, thường xuyên đăng tải nội dung
“chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước”. Mỗi kênh có khoảng 1.000 video.
Kiểm duyệt nội dung vì tuân theo luật pháp Việt Nam
Những người mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn nói rằng khi bị xoá bỏ hoặc hạn
chế tương tác đối với các bài viết hoặc video, Youtube và Facebook thường thông
báo rằng họ dựa trên pháp luật của nước sở tại, theo yêu cầu của chính phủ Việt
Nam. Thậm chí có nhiều bài viết bị xoá một cách âm thầm mà không cần thông báo.
“Có nhiều video
mà họ không muốn được lan tỏa ở Việt Nam thì chính phủ Việt Nam yêu cầu YouTube
là phải khóa video ấy ở Việt Nam, thì mình sẽ nhận được cái email là vì
lý do luật pháp ở địa phương, theo yêu cầu của chính phủ, chúng tôi bắt
buộc phải khóa video này tại Việt Nam.” - Ông Lê Trung Khoa
nói
“Họ đưa ra
lý do đại loại là liên quan đến các luật lệ của địa phương, mà cũng
không có một cái cơ chế nào để phản hồi lại. họ chỉ thông báo như vậy thôi.”
- Ông Nguyễn Lân Thắng nói.
Theo ông Nguyễn
Trường Sơn, chính phủ Việt Nam viện dẫn nghị định 72, ban hành năm 2013 để
yêu cầu các công ty công nghệ phải gỡ bỏ nội dung theo “đúng luật Việt Nam”:
“Đối với các công ty công nghệ thì họ thường
chỉ đáp ứng các yêu cầu kiểm duyệt lên các bài đăng cụ thể chứ hiếm khi họ
kiểm duyệt toàn bộ tài khoản đó.
Bên phía nhà nước thì hiện nay, một khi đã yêu
cầu các công ty công nghệ kiểm duyệt nội dung thì họ thường dựa vào các nghị định,
mà một trong những nghị định rất nổi tiếng bây giờ đó là Nghị định 72, để yêu cầu
các công ty này phải bằng cách nào đó khiến cho các nội dung này, hoặc là bị gỡ
bỏ, hoặc là không xuất hiện với các người dùng ở Việt Nam.”
Nghị định 72 về “Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông
tin trên mạng”, điều 5 nghiêm cấm “Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại
khối đại đoàn kết dân tộc…”
Điều 22, khoản 1
quy định “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin
công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt
Nam cần tuân thủ các quy định của pháp Luật liên quan của Việt Nam.”
Điều 25 của nghị định
này yêu cầu đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người dùng mạng
xã hội theo quy định của Bộ TT-TT. Bảo đảm chỉ những người đã cung cấp đầy đủ,
chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được thiết lập trang cá nhân.
Trong bản báo cáo
“Kiểm duyệt và hình sự hoá Tự do biểu đạt tại Việt Nam”, tổ chức Ân xá Quốc tế
có yêu cầu các các công ty công nghệ giải trình về tình trạng xoá bài viết,
video, hạn chế hoặc khoá các tài khoản có đăng những thông tin có nội dung về
chính trị, xã hội, nhân quyền ở Việt Nam.
Facebook phản hồi rằng
trong Báo cáo Minh bạch mới nhất của của Facebook đã thể hiện rõ ràng cam kết
trong việc bảo vệ tiếng nói của người Việt Nam trong một môi trường nhân quyền
đầy thách thức.
Facebook cho biết
chỉ “hạn chế quyền truy cập vào tổng số 834 bài tại Việt Nam trên cơ sở các yêu
cầu pháp lý địa phương, một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu bài được đăng
ra trong cùng lúc. Điều này xảy ra bất chấp một thực tế là cũng trong thời gian
đó việc cung cấp các dịch vụ của Facebook phải chịu áp lực chưa từng có từ giới
chức Việt Nam.”
Cũng trả lời các
câu hỏi của Ân xá Quốc tế, Google cho biết họ đánh giá các yêu cầu xoá bỏ nội
dung của chính phủ, đối chiếu với các tiêu chuẩn nhân quyền, và thực hiện một số
biện pháp để thu hẹp các yêu cầu này.
Theo Google, “Khi
xóa bỏ nội dung, chúng tôi thực hiện cách tiếp cận ít hạn chế nhất để xóa bỏ, bằng
cách chặn nội dung đó ở khu vực pháp lý liên quan, trong khi vẫn để hiển thị nội
dung đó ở các khu vực pháp lý khác trên toàn cầu.
Đối với những yêu cầu
xóa không đủ cụ thể hoặc thiếu bằng chứng hỗ trợ, chúng tôi yêu cầu gửi thêm
thông tin trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào… Google đã lập một nhóm những
người nói tiếng Việt được thuê đánh giá nội dung để ứng phó trước một lượng lớn
các yêu cầu từ chính phủ Việt Nam.”
Vi phạm nghiêm trọng Quyền tự do ngôn luận
Ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định dù các công ty công nghệ có viện
lí do rằng buộc phải tuân theo luật pháp nước sở tại, thì cũng không thể chối
cãi được rằng họ cùng với chính quyền Việt Nam đang bóp nghẹt tiếng nói người
dân trên không gian mạng:
“Cho
dù phía nhà nước có cho rằng đó là những nội dung chống phá hoặc là bên
phía các công ty công nghệ có bao biện rằng đây là các nội dung vi phạm luật
pháp sở tại thì cũng không thể nào chối cải được rằng họ đã lạm dụng các công cụ
pháp lý, cũng như những quyền lực mà mình có để bóp nghẹt quyền tự do
biểu đạt của người dân trên không gian mạng của người dùng. Theo tiêu chuẩn
nhân quyền quốc tế thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng.”
Ông Quang nói rằng việc Facebook hạn
chế tương tác các video trên fanpage của ông là đã ngăn cản quyền Tự do tiếp cận
thông tin của người dân:
“Đây rõ ràng là
một điều sai trái. Bởi vì tụi mình đang làm những video về quyền hoặc luật
pháp, chỉ đơn thuần là đưa kiến thức đến cho người dân. Tuy nhiên, việc bị
Facebook hạn chế nội dung làm cho người dân không có quyền để tiếp xúc với chiều
hướng thông tin độc lập và các thông tin về kiến thức.”
Theo quan điểm của ông Lê Trung Khoa, khi Việt Nam đã ký hiệp định
Thương mại Tự do với Châu Âu thì Việt Nam phải có nghĩa vụ hành xử công bằng với
các công ty của Châu Âu. Nghĩa là, nước Đức không bao giờ chặn bất kì một thông
tin hay video nào từ Việt Nam, thì Việt Nam cũng phải làm điều tương tự như vậy
đối với các công ty truyền thông từ Đức.
Hành động trong thời gian tới
Những người hoạt động, tổ chức nhân quyền cho hay họ sẽ có những hành động
trong tương lai, bằng nhiều cách khác nhau nhằm buộc chính quyền Việt Nam và cả
các công ty có dịch vụ nền tảng mạng xã hội phải tôn trọng quyền tự do lên tiếng
của người dân trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Lân
Thắng mong rằng các quốc gia tiến bộ sẽ có các cơ chế giám sát và chế tài
những công ty vào vì lợi ích kinh tế mà gạt bỏ các quyền tự do căn bản:
“Facebook đã
có một sự thỏa hiệp với các chính quyền độc tài trong việc bóp nghẹt quyền tự
do ngôn luận để phục vụ cho lợi ích kinh tế của họ. Đây là một điều rất đáng
lên án. Mong muốn là cộng đồng quốc tế, các quốc gia tiến bộ sẽ có các chế tài
hoặc có các biện pháp pháp lý để thúc đẩy Facebook phải tuân thủ các giá trị của
xã hội văn minh.”
Ông Lê Trung
Khoa cho biết trong thời gian tới sẽ cùng với tổ chức Phóng viên không biên
giới lên tiếng, tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải chấp nhận tự do thông
tin và hành xử công bằng với các doanh nghiệp truyền thông Châu Âu:
“Trong thời gian
tới mình sẽ cùng với tổ chức Phóng viên không biên giới và nhiều tổ chức khác
yêu cầu Google phải có biện pháp làm việc và nói chuyện với Việt Nam, để nhà cầm
quyền Việt Nam hiểu và chấp nhận những thông tin tự do, như là phía Việt Nam được
tự do đưa thông tin ra nước ngoài.
Ngoài ra, mình cũng có làm việc với Quốc hội Đức
để họ cũng có sức ép, yêu cầu Việt Nam phải không tôn trọng nhiều nhất có
thể tự do báo chí của các nước châu Âu và công bằng đối với các doanh nghiệp
truyền thông.”
Đối với tổ chức Ân
xá Quốc tế, ông Sơn nói trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những
diễn biến ở Việt Nam, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội Facebook và
YouTube để đánh giá tình hình, chiều hướng kiểm duyệt nội dung trong tương lai
là như thế nào. Ân xá Quốc tế cũng sẽ tiếp tục làm việc với các công ty công
nghệ và cả chính quyền Việt Nam để đòi hỏi các bên phải tôn trọng quyền tự do
biểu đạt của người dân Việt Nam:
“Về phía những
người dùng mạng xã hội thì sắp tới Ân xá Quốc tế cũng sẽ đưa ra các chương
trình giáo dục trên không gian mạng, làm thế nào để bảo vệ quyền riêng tư của
mình khi dùng mạng xã hội, để biểu đạt những chính kiến của mình trong lĩnh vực
chính trị xã hội.
Và rất có thể chúng tôi cũng sẽ làm việc với
các chính quyền liên quan, như chính phủ Hoa Kỳ, để thúc giục chính phủ này có
những động thái cụ thể yêu cầu các công ty công nghệ như Google và Facebook phải
tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận của người dùng khắp nơi
trên toàn thế giới và người dùng ở Việt Nam.”
Trong năm 2021 sắp
tới, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ yêu cầu định danh người sử dụng
mạng xã hội để ngăn chặn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thông tin 'sai
lệch về tình hình đất nước, bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt về cá nhân, đưa thông
tin giả mạo làm hoang mang trong nhân dân.'
Ông nói yêu cầu định
danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên mạng
xã hội là 'vô danh, vì thế mà vô trách nhiệm.'
No comments:
Post a Comment