Sunday, 27 December 2020

LÀM SAO CÓ THỂ CHỐNG LỢI ÍCH NHÓM TRONG XÂY DỰNG CHINH SÁCH? (J.B Nguyễn Hữu Vinh)

 


Làm sao có thể chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách?

Nguyễn Hữu Vinh

Thứ Tư, 12/23/2020 - 05:39 — nguyenhuuvinh

https://www.rfavietnam.com/node/6625

 

Mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ Việt Nam chủ trì Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

 

Khi phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại”, trong đó tác giả James A. Robinson nói, “thể chế, thể chế và thể chế”, ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một quốc gia thành công hay không thì khâu đột phá đầu tiên là thể chế, pháp luật. Chúng ta thường hay lo các vấn đề mang tính sự vụ, dự án này, dự án kia mà chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng thể chế.

 

Ông Phú nói: “Chức năng quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp, nhưng 90% các dự án luật là do Chính phủ đề xuất”. Và ông đề nghị: “Phải chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. “Người ta nói, chống tham nhũng nói chung là rất quan trọng, cần thiết nhưng mà chống tham nhũng trong làm chính sách pháp luật càng quan trọng”.

 

Ông Thủ tướng lưu ý, cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật.

 

Những điều ông Nguyễn Xuân Phúc nói, đã thể hiện một sự thật về hệ thống pháp luật và thi hành luật pháp được thực hiện ở Việt Nam ra sao. Với thực tế đó, những yêu cầu của ông Phúc đặt ra là chống cho được lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật có thể thực hiện được không?

 

Xây dựng luật pháp như thế nào?

 

Nói đến luật pháp, trước hết, phải nói đến mục đích của việc xây dựng luật pháp nhằm để làm gì?

 

Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, khu vực, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.

 

Tại các quốc gia dân chủ, việc xây dựng luật pháp được xác định là để phục vụ cho toàn xã hội, các tầng lớp khác nhau trong xã hội, để có sự hài hòa cần thiết, bảo vệ mọi tầng lớp người dân và môi trường sống, làm việc bình đẳng và cùng hợp tác, xây dựng quốc gia.

 

Tại Hoa Kỳ, một văn bản dự án luật để thành một đạo luật, phải trải qua 6 bước chặt chẽ. Ban đầu từ ý tưởng, đến soạn thảo rồi giới thiệu dự luật. Sau đó, các ủy ban và tiểu ủy ban của Hạ viện tham gia phản biện, xem xét cùng với các ban, ngành và ý kiến người dân được cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt cũng như sửa chữa hoặc thêm, bớt các điều khoản cho phù hợp nếu đưa áp dụng ra toàn xã hội.

 

Sau khi văn bản luật được chỉnh sửa và được thông qua bởi các Ủy ban, họ sẽ trình ra Hạ viện. Tại đây, Hạ viện sẽ có những phiên họp, các buổi bàn bạc, cân nhắc cho đến khi bỏ phiếu thống nhất mới chuyển đến Thượng viện.  

 

Tại Thượng viện, các văn bản được mổ xẻ, được bàn bạc bởi các ủy ban và tiểu ủy ban của Thượng viện, cho đến khi văn bản được sự đồng thuận. Sau đó sẽ thành lập thành lập một Ủy ban liên hợp mang tính lâm thời để cân nhắc sự khác biệt, tìm cách đồng thuận hóa nội dung của dự án luật. Ủy ban này sẽ do Chủ tịch Hạ viện và người chủ tọa Thượng viện thống nhất thành lập, chọn lựa thành viên từ cả hạ viện và thượng viện.

 

Cho tới khi, dự luật được đồng thuận của cả Hạ viện và Thượng viện dưới hình thức tuyệt đối giống nhau, dự luật mới được chuyển cho Tổng thống xem xét, quyết định phủ quyết hay ký ban hành.

 

Vì vậy, khi một văn bản ra đời, có nghĩa là nó đã được mổ xẻ, góp ý kiến từ rất nhiều thành phần khác nhau thuộc mọi tầng lớp, đảng phái trong xã hội, phản ánh được những nét chung, những quy định bình đẳng và lợi ích chung mà cộng đồng chấp nhận khi thực thi.

 

Điều đó dẫn đến không mấy ai có thể lũng đoạn quá trình cho ra một văn bản luật chỉ nhằm phục vụ một nhóm nhỏ công chúng hoặc đi ngược lại lợi ích của cộng đồng hay gây tổn hại đến một thành phần nào đó trong xã hội một cách bất chính.

 

Tại Việt Nam, việc xây dựng các văn bản luật pháp được giao cho các cơ quan thuộc chính phủ, tức là các cơ quan hành pháp xây dựng, sau đó trình ra Quốc hội để phê duyệt thành luật, thành nghị định, các cơ quan hành pháp như các bộ, các ngành lại ra các văn bản, thông tư hướng dẫn thi hành các luật được Quốc hội thông qua để thực hiện.

 

Điều đó dẫn đến việc, bất cứ cơ quan, ngành nghề nào cũng đều có thể “cài cắm” lợi ích của ngành, của phe nhóm, hội đoàn vào các văn bản luật trình ra Quốc hội để biến thành luật đem ra xã hội thực thi.

 

Việc bàn bạc, thảo luận ở Quốc hội, chỉ là những việc thuộc thủ tục, hầu như chẳng có mấy tác dụng và các cơ quan, các ngành, các bộ dễ dàng thông qua tại đây.

 

Trước hết, vì Quốc hội Việt Nam là một tổ hợp các cá nhân được cấu tạo không có chức năng, tư duy về luật, về việc soạn thảo, xác định tính luật pháp, tính thực tiễn của các văn bản luật. Việc bàn thảo, tranh luận tại Quốc hội về các văn bản luật không thể thoát khỏi sự chỉ đạo có chủ ý của lãnh đạo Quốc hội hoặc các nhóm lợi ích có thế lực chi phối.

 

Đặc biệt, các dự án luật lệ liên quan đến thể chế chính trị, hoặc “Chủ trương lớn của Đảng” thì điều đó càng dễ dàng được thông qua, bởi đơn giản là rất hiếm các “đại biểu quốc hội” dám bác bỏ, nêu ý kiến cá nhân dù thấy sai, dù không thấy hợp lý. Chỉ vì họ không muốn trở thành “thế lực thù địch” của đảng.

 

Điều quan trọng nhất, chỉ là vì Quốc hội, được mệnh danh là cơ quan quyền lực cao nhất nước, nhưng lại không thể có tác dụng chế tài, không nghe lời, không theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chúng ta đã từng nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng: “Bộ Chính trị đã quyết, nhất định phải ra cho được luật đặc khu”. Hoặc Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng, chỉ sau Nghị quyết của Đảng”.

 

Điều này đã nói lên bản chất của Quốc hội, cũng chỉ là cánh tay của Đảng Cộng sản.

Chính vì vậy, mà tuyệt đại đa số những người vào Quốc hội phải là đảng viên cộng sản.

Đến những kỳ bầu cửa Quốc hội, người ta bàn tán về tỷ lên ngoài đảng vào tham gia quốc hội là 5% hay mấy % đã được đảng khống chế tuyệt đối. Hiện nay, số đại biểu quốc hội ngoài đảng CSVN chỉ là 3,93% trên tổng số gần 500 đại biểu Quốc hội. Do vậy, thực chất, Quốc hội là một tổ chức của Đảng CSVN.

 

Những thành phần ngoài đảng như các nhà sư, các linh mục hoặc những thành phần khác, chỉ là con rối, là lá hoa trang trí cho bức tranh Quốc hội thêm xôm trò mà chẳng có tác dụng gì ngoài việc tiêu phá tiền dân. Họ không có bất cứ tiếng nói nào cho ngay cả những tôn giáo, những thành phần mà họ được coi là “đại diện”, càng không có tác dụng trong việc xây dựng luật pháp.

 

Trong khi đó, dân chúng, những người có chuyên môn, có khả năng nghiên cứu, soạn thảo hoặc phản biện các chính sách, văn bản lại không được có ý kiến trong quá trình hình thành và xây dựng các luật, các bộ luật cũng như các chính sách để thực hiện rộng rãi trong xã hội. Bởi điều này không cần thiết trong việc ra các văn bản luật tại Việt Nam.

 

Bởi đơn giản một điều, tại Việt Nam, luật pháp được định nghĩa chỉ là công cụ của giai cấp cầm quyền nhằm cai trị dân chúng. Điều này được quy định rõ ràng trong hệ thống tư tưởng Mác – Lenin mà Đảng CSVN đang lấy làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.

 

Do vậy, việc tham gia, góp ý hoặc đưa ra các văn bản luật không nhất thiết phải để phục vụ dân chúng, cộng đồng, xã hội. Mục đích trên hết là để phục vụ sự cai trị của đảng, của hệ thống chính quyền được đảng tạo ra mà thôi, lợi ích của người dân, của xã hội đứng ở hàng thứ yếu.

 

 

Đảng là gì? Là tổ chức ngoài vòng pháp luật chi phối đất nước

 

Trong cái gọi là Hiến pháp Việt Nam, Đảng CSVN được ghi như sau:

 

Điều 4: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

 

Nếu như trước đây, Hiến pháp không cần ghi rườm rà, chỉ cần điểm 1, thì nay có thêm các điểm 2 và 3. Tuy nhiên, việc ghi thêm rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” là điều không thực tế. Bởi hầu hết, nhiều vấn đề cơ bản của đất nước như lãnh thổ, như quyền lợi của người dân, chính sách đất đai, tài sản và nhiều vấn đề sinh kế của người dân từ môi trường, xã hội, quyền con người… đảng đều đi ngược lại với người dân. Cũng trong thực tế, đảng không chịu bất cứ trách nhiệm nào trước những thất bại, những sai lầm của mình.

 

Với điểm 3 của điều này, rằng “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” thì cho đến nay, đảng vẫn là một tổ chức đứng ngoài vòng pháp luật. Bởi đã mấy chục năm qua, đảng không dám đưa ra Luật về Đảng và luật về Hội. Họ vẫn cứ ngang nhiên cướp đoạt quyền lập Hội, lập Đảng của người dân Việt Nam.

 

Và ngay tại điểm 1, khi đảng tự phong cho mình là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc” và tự nhận lấy vai trò “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thì đảng đã cài cắm lợi ích nhóm của mình vào trong văn bản này.

 

 

Có thể chống lại lợi ích nhóm trong xây dưng luật pháp, văn bản, chính sách hay không?

 

Xin thưa là không, không thể.

 

Bởi bất cứ ai, bất cứ nhà nước, tổ chức có quyền lực nào, nếu không có sự giám sát, phản biện thì đều có xu hướng độc quyền, thao túng theo lợi ích của mình.

 

Tại Việt Nam, với chế độ độc tài, việc xây dựng các văn bản luật pháp không theo một quy trình khách quan, không với mục đích phục vụ chung của cộng đồng, xã hội hay người dân, mà chỉ nhằm phục vụ mục đích sự cai trị của đảng, thì điều đó đã là sự lũng đoạn chính sách, luật pháp thông thường.

 

Việc các ngành, các cấp hành pháp lại đề ra văn bản dự án luật pháp để đem ra một cái gọi là Quốc hội, thực chất là một nhóm bù nhìn được đảng dựng lên phục vụ đảng, thì không thể có sự khách quan hoặc sự công bằng cho xã hội.

 

Chính vì vậy, Bộ công an được giao dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm tạo cho mình một đế chế riêng bao trùm xã hội.

 

Chính vì vậy, Bộ Công an được giao dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dù đã có Luật Giao thông Đường bộ, , đưa việc cấp giấy phép lái xe ô tô về Công an quản lý,  nhằm tách riêng mảng dễ kiếm ăn nhất trong hoạt động xã hội.

 

Có lẽ nếu đọc cuốn sách “Vì sao các quốc gia thất bại”, trong đó tác giả James A. Robinson nói, “thể chế, thể chế và thể chế”, ông Nguyễn Xuân Phúc nếu hiểu vấn đề, sẽ thấy rằng chẳng bao giờ có thể chống lại quy luật xã hội, sẽ chẳng bao giờ chống lại thành công các lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, luật pháp ở Việt Nam nếu thể chế cộng sản, thế chế độc tài vẫn còn tồn tại.

 

Hẳn nhiên, Việt Nam đã, và nếu không có sự cải thiện, thì Việt Nam sẽ nhanh chóng là ví dụ điển hình về “Một quốc gia thất bại”.

 

Ngày 22/12/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh

 

nguyenhuuvinh's blog

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats