2020
là một năm cám cảnh của báo chí Việt Nam
Nguyên
Sa -
Luật Khoa
27/12/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/12/2020-la-mot-nam-cam-canh-cua-bao-chi-viet-nam/
Một năm báo chí buồn. Năm sau sợ là
còn buồn hơn nữa.
Công bằng mà nói, chừng
nào còn có Ban Tuyên giáo ở đó đòi chỉ đạo đường lối của mọi tờ báo trên khắp đất
nước, báo chí Việt Nam khó mà có một ngày vui. Nhưng ngay cả khi xét trong bối
cảnh chật hẹp đó, 2020 vẫn là một năm đặc biệt u ám.
Tôi nghĩ chữ cám
cảnh chắc là phù hợp để mô tả hiện trạng này.
Cám cảnh, theo từ điển tiếng
Việt thông dụng, có nghĩa là “chán ngán vì cảnh ngộ buồn thảm”. Từ này cũng được
dùng khi nói về tình cảnh gì đó khiến ta động lòng thương xót. Chữ này xuất hiện
trong thơ ca, chẳng hạn “Cám cảnh khói mây mờ mặt biển” (Tản Đà) hay “Vân Tiên
cám cảnh lòng thương” (Nguyễn Đình Chiểu).
Vậy, khi tôi nói rằng báo
chí nước ta năm qua thật là cám cảnh, ý tôi là cảnh ngộ báo chí Việt Nam năm
2020 chán ngán một cách đáng thương.
Chuyện đáng thương thứ nhất là về mặt chính sách. 2020 là “deadline”
đầu tiên của Quy hoạch Phát triển và Quản lý Báo chí Toàn quốc đến năm 2025.
Theo đó, đến hết năm 2020, mỗi tỉnh/ thành, mỗi bộ ngành, làm sao thì làm, chỉ
còn được phép có tối đa một cơ quan báo và một cơ
quan tạp chí (trừ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được cho nhiều thời gian hơn). Các
tổ chức xã hội – đại diện cho khu vực xã hội dân sự – thì không được làm báo nữa,
mà chỉ được làm
(tạp) chí.
Điều này có nghĩa là hàng
trăm cơ quan báo chí đang tồn tại sẽ bị bức tử. Điều đáng nói là quyết định này
dựa trên lệnh áp từ trên xuống, theo kiểu “quân xử thần tử” chứ không phải dựa
trên chất lượng hoạt động của cơ quan báo chí đó.
Bộ trưởng Bộ Thông tin –
Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát
biểu trước Quốc hội là sẽ “hoàn thành 100% quy hoạch” trong năm 2020.
Các tờ báo của nhà nước đưa tin rằng các cơ quan báo chí không chỉ nghiêm túc tự
giác dừng hoạt động mà còn xem đó là một sự kiện “có
ý nghĩa”.
Cám cảnh đến thế có vẻ vẫn
chưa đủ. Đầu tháng 12, chính phủ ban hành Nghị định 119/2020/NĐ-CP thay cho Nghị
định 159/2013/NĐ-CP, tăng mức xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí lên gấp
nhiều lần. Hành vi “hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích ghi trong giấy
phép” trước kia chỉ bị phạt tối đa 20 triệu đồng, giờ có thể bị phạt lên đến 70
triệu đồng nếu như gây ảnh hưởng “nghiêm trọng”. Hành vi đưa tin sai sự thật gây
ảnh hưởng “nghiêm trọng” trước đây có mức phạt tối thiểu là năm triệu đồng, giờ
theo nghị định mới là 50 triệu đồng, tăng hẳn 10 lần. Hành vi đưa tin sai sự thật
gây ảnh hưởng “rất nghiêm trọng” trước kia có mức phạt tối đa là 30 triệu đồng,
giờ theo nghị định mới đã thành 100 triệu.
Điều đáng nói là định
nghĩa thế nào là “sai tôn chỉ” hay “sai sự thật”, đánh giá thế nào là “nghiêm
trọng” hay “rất nghiêm trọng”, lại tùy cơ quan thực thi quyết định. Thử đặt
mình vào vị thế một tòa báo trong nước, trước tình cảnh đó, không khó để tưởng
tượng lựa chọn khôn ngoan của họ là phải bớt nói lại.
Chuyện đáng thương thứ hai là về sự đàn áp có chiều hướng gia tăng
của chính quyền đối với các nhà báo độc lập nói riêng và những người bất đồng
chính kiến nói chung.
Liên tục vào tháng Năm và
tháng Sáu năm nay, hai thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN)
là Nguyễn
Tường Thuỵ và Lê
Hữu Minh Tuấn bị bắt, sau khi chính quyền bắt giữ ông Phạm
Chí Dũng, chủ tịch của hội này vào cuối năm ngoái. Đến đầu tháng Mười,
chính quyền bắt Phạm
Đoan Trang, một trong những nhà báo độc lập có ảnh hưởng nhất Việt Nam, đồng
sáng lập viên và biên tập viên của Luật Khoa tạp chí. Và chỉ mới cách đây hơn một
tuần, Trương
Châu Hữu Danh, thành viên của Báo Sạch – một dự án báo chí độc lập nổi bật
trong thời gian gần đây, cũng bị công an xét nhà, tịch thu tư liệu, và bắt tạm
giam. Tất cả họ sẽ sớm bị xét xử vì đã dám nói những điều mà nhà nước “không
cho phép”.
Thử đặt mình vào vị thế của
một sinh viên báo chí sắp ra trường, trước tình cảnh đó, không khó để tưởng tượng
lựa chọn khôn ngoan của sinh viên ấy phải là “chạy ngay đi”.
Chuyện đáng thương thứ ba, thật ra là đáng giận nhiều hơn, là cái cách
mà báo chí trong nước đưa tin về những vụ án quan trọng trong năm 2020. Tôi
không nói đến VTV hay báo Công an Nhân dân; họ là cái miệng của chính quyền,
tôi không xem họ là báo chí. Tôi muốn nói đến những tờ báo đã từng là niềm hy vọng
về một nền báo chí chuyên nghiệp.
Niềm hy vọng ở họ, nơi
tôi, giảm sút đi nhiều khi nhìn vào cách họ đưa tin về vụ đụng độ giữa chính
quyền và người dân ở Đồng Tâm. Họ đưa những bản tin giống hệt nhau theo chỉ đạo
là một chuyện. Chuyện này khó tránh trong một vụ việc bị chỉ đạo quyết liệt, nếu
như các tờ báo muốn tiếp tục tồn tại. Chuyện đáng xấu hổ hơn là họ dường như đã
quên hết các quy tắc đạo đức và nghiệp vụ khi đưa tin vụ án.
Giữa lúc phiên tòa Đồng
Tâm còn đang diễn ra, họ mau mắn kết tội các bị can là “cop
killers” (kẻ giết cảnh sát), là “chủ
mưu vụ án”. Họ gọi vụ án không phải là cuộc đụng độ giữa hai phía, mà là “vụ
tẩm xăng thiêu chết ba chiến sĩ công an”, tức là gián tiếp kết tội người
dân. Họ bỏ qua những mâu thuẫn hiển hiện trong cáo trạng. Họ không cho bất kỳ
thân nhân bị cáo nào cất tiếng nói.
Vòng vây kiểm duyệt sớm
hay muộn cũng sẽ làm xói mòn các chuẩn mực báo chí. Tôi thấy ở đây những bằng
chứng đáng buồn. Thử đặt mình vào vị thế một độc giả còn nặng lòng với báo chí
Việt Nam mà suy xét, trước tình cảnh đó, lựa chọn khôn ngoan của bạn đọc ấy chắc
sẽ là bỏ đọc báo, tắt tivi, thôi khỏi nói chuyện chính trị làm gì.
Chuyện đó chẳng phải là hết
sức cám cảnh cho đất nước hay sao?
***
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài
bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại
đây.
No comments:
Post a Comment