Hiện
Trạng Dân Trí, Quan Trí Và Dân Khí Của Người Việt
Trần
Văn Chánh - Viet Studies
27/12/2020
http://www.viet-studies.net/kinhte/TranVanChanh_HienTrangDanTri.html
Một ngày nọ, tôi có dịp
vào một hiệu sách nhỏ (chủ yếu bán theo phương thức online) ở quận Bình Thạnh
(TP. HCM), tình cờ gặp một em sinh viên đang học khoảng năm thứ III khoa Sử. Em
tìm mua quyển Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (bản dịch của
Ban Tu thư Đại học Huế trước 1975) đã được tái bản vài năm gần đây. Em cho biết
nhà đã có bản in cũ (trước 1975), giờ muốn mua thêm bản mới. Tôi ngạc nhiên hỏi
tại sao chịu tốn tiền vô ích vậy, thay vì dùng bản cũ thậm chí còn tốt hơn (vì
là ấn bản quý hiếm), thì được em cho biết, đại khái: Cháu đã có bản cũ nhưng
không dám dùng nó để trích dẫn trong các bài viết, vì sợ bị “đánh giá” đã dùng
cuốn sách liên quan tới chế độ cũ, trong khi lý lịch gia đình cháu không được tốt
(hiểu là cha chú có dính tới ngụy quân ngụy quyền sao đó). Tôi ngạc nhiên thở
dài nói với em đó: “Em là sinh viên thuộc lớp trẻ, đại diện cho tương lai của đất
nước, mà nhát vậy sao?”. Rồi thôi, không tiếp tục câu chuyện nữa, sợ em buồn,
hoặc nói thêm nữa có lẽ cũng không hiểu hết ý, vì em đã “định kiến” như vậy rồi.
Thật tội nghiệp!
Về nhà, tôi hỏi lại một bạn
trẻ khác đã từng dạy đại học khoa Sử, rằng câu chuyện về em sinh viên kể trên là
cá biệt hay có tính phổ biến, thì người bạn cho biết: Hiện tượng đó là có thật,
nhưng cũng có phần nào cá biệt.
Tôi ngẫm nghĩ: Tuy không
phổ biến, nhưng có thật, và phần nào cá biệt, như thế cũng đủ rầu lắm rồi. Sinh
viên là thành phần trí thức trẻ, mà nhếch nhác như vậy, thì còn trông mong gì! Và
dân khí (chí khí của dân) tệ hại, là do đâu? Em sinh viên kể trên, nhờ
thông qua bậc đại học, có thể phát triển tri thức khá, nhưng có tri thức mà chí
khí tầm thường nhếch nhác quá thì phỏng có thể đóng góp được gì cho xã hội? Khi
ra đời làm việc, em có dám phát biểu chính kiến thật của mình về một vấn đề gì
đó không? Hay cũng giống như mấy ông cán bộ CS có chức có quyền?
Giới trẻ Việt Nam càng
về sau càng được đi học nhiều (toàn quốc có 53.000 trường học, 24 triệu học
sinh, 1,4 triệu giáo viên), nhờ thủ đắc các loại kiến thức khoa học về tự nhiên
và xã hội nên dân trí nói chung đã có nhiều tiến bộ. Nhưng dân trí này lại bị đặt
trong một nền dân khí èo uột thì lợi ích đối với việc phát triển đất nước sẽ bị
kém đi. Một thực tế đau lòng là giới trẻ ngày nay trở nên thực dụng, ít lý tưởng,
ham mê của cải vật chất, bị ảnh hưởng xấu bởi tầng lớp lãnh đạo chính trị các cấp
đã thối nát đến cùng cực. Về tư tưởng, họ còn bị ép buộc phải học chủ nghĩa
Mác-Lênin và những thứ giáo điều khác thông qua nhà trường và các đoàn thể
thanh niên (như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ…) nên đầu
óc ngày càng tệ hại.
Lại nói về “quan trí”. Hai chữ này tra trong từ điển tiếng Hán và tiếng
Việt đều không có. Đây là một từ mới (có ý nghĩa hơi tếu) đặt ra gần đây để chỉ
trình độ tri thức, hay còn gọi cái tầm nhìn, của giới quan lại, tức các cán bộ
đảng viên CS giữ chức vụ từ tương đối cao đến rất cao trong bộ máy nhà nước.
Quan trí Việt Nam thật sự rất kém, vì phần lớn cán bộ đảng viên đều
chỉ tối ngày bận lo hội họp và báo cáo (Maiacopxki có bài thơ “Những người cộng
sản loạn họp”, năm 1920), họ không muốn, không ham hoặc không có thì giờ đọc
sách. Nếu có học thêm thì họ chỉ học nghị quyết chứa đầy rẫy các thứ giáo điều
cũ kỹ xa rời thực tế cuộc sống, nên thường chỉ học thụ động, vừa học vừa ngáp,
để trả nợ quỷ thần. “Quan khí” (dùng đúng chữ hơn, có thể gọi “quan
phong”) lại càng tệ hại hơn, vì phần lớn muốn thăng chức giữ ghế kiếm nhiều tiền
đều phải nói khác ý mình, sống kiểu hai mặt, đưa đón nịnh bợ, thậm chí phải hối
lộ cấp trên để chạy chức chạy quyền. Quan trí và quan khí kém sinh ra nạn
sử dụng bằng giả (dùng phôi bằng giả, đóng dấu giả) hoặc bằng thật nhưng “học
giả” (nhờ người học thuê, lo lót tiền bạc cho thầy, mua bằng …), mà người ta
cho rằng có thể chiếm đến 70-80% trong số những cán bộ lãnh đạo cấp cao. Sự kiện
Đại học Đông Đô bán bằng giả rộn lên trong những ngày gần đây là một thí dụ hết
sức hùng hồn. Không ít trường hợp học thật, có bằng thật luôn, nhưng lại được
đào tạo từ một vài nước xã hội chủ nghĩa mà kiến thức nếu không giáo điều thì
cũng lạc hậu. Cuốn sách có tên “Kinh tế chính trị học Mác-Lênin” chẳng hạn, vốn
được giảng dạy trong các trường thuộc bậc đại học (phổ thông hoặc chính trị),
phải nói thẳng là không còn xài được trong điều kiện nền kinh tế vận động theo
hướng thị trường…
Tôi có ông bạn nhà báo, kể
lại, anh ta gặp một ông đã nguyên là Thường trực Ban Bí thư trung ương. Trong
lúc hàn huyên, bạn tôi hỏi ông này có theo dõi thông tin trên các mạng xã hội
không, thì ông cho biết hằng ngày chỉ đọc báo Nhân Dân và xem
tivi thôi. Tôi nghe vậy kêu trời, luận rằng nếu ông ta nói thật thì có nghĩa
ông quá kém, trong thời đại bùng nổ thông tin mà ông kém năng động như vậy thì
làm sao đủ kiến thức để điều khiển các cấp dưới và quản lý điều hành xã hội (vốn
từng bước thay đổi, diễn biến rất nhanh); còn nếu như ông ta nói dối (có đọc
báo mạng mà giấu) thì lại là quá hèn! (cần gì phải nói dối?). Lúc đó, vừa xảy
ra vụ Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) chừng vài tuần, công an huy động đại quân
tấn công vào cánh đồng Sênh giết chết cụ Lê Đình Kình làm xôn xao dư luận, hỏi
ông có nhận định thế nào không thì ông giơ hai tay lên nói: “Cho tôi xin”. Có
nghĩa là ông “mũ ni che tay”, vô cảm và vô trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ theo
chủ nghĩa sống chết mặc bây, hay còn gọi là “mặc kệ nó” (mackeno). Ông là đại
thần trong triều, mà quan trí và quan khí của ông như vậy, thử hỏi những kẻ cấp
dưới làm việc xung quanh ông lúc ông còn đang cầm quyền là thế nào?
Một lần khác, có dịp trò
chuyện với một cô có bằng tiến sĩ, giữ chức Phó giám đốc một nhà xuất bản (hiện
đã lên Giám đốc), cô hỏi tôi đạo Cao Đài có khác với đạo Hòa Hảo không. Một anh
Tổng biên tập một nhà xuất bản khác, khi người ta đưa tập bản thảo có tên là “Đạo
uyển” tới để duyệt xin giấy phép xuất bản, anh ta hỏi một nhân viên cấp dưới “Đạo
uyển là đạo gì?”, vì tưởng “Uyển” là tên của một tôn giáo! (như đạo Khoai, đạo
Dừa…).
Tôi không có thói quen hoặc
lấy làm hứng khởi biếm nhẽ chỗ dốt của người khác, dù người đó là ai, trái lại
hết sức thông cảm với họ, vì cho rằng hiện trạng quan trí-quan khí kém cỏi như
vài thí dụ kể trên không phải do chính bản thân họ, mà chủ yếu do thể chế chính
trị độc tài toàn trị mang tính giáo điều và chính sách ngu dân tạo nên. Nó có gốc
tận từ bên Liên Xô (cũ) và nhất là bên Tàu, mà các nhà lãnh đạo chính trị Việt
Nam đã có thời kỳ cho du nhập vào để làm phương tiện trị dân theo đường
lối tập thể hóa trấn áp dân chủ và quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Như chúng ta đều biết,
trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, lời nói của Mao luôn được coi là
thiên kinh địa nghĩa. Trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa, ở Trung Quốc
lưu hành rộng rãi một cuốn sách nhỏ loại bỏ túi, gọi là Mao Chủ tịch ngữ
lục, mà cán bộ tuyên huấn hoặc các chính trị viên Việt Nam trong thời kỳ
chiến tranh cũng có người dùng làm sách cẩm nang, coi là khuôn vàng thước ngọc
phải noi theo.
Để hiểu thế nào là chủ
nghĩa giáo điều, tưởng cũng nên nhắc lại một định nghĩa lấy từ trong bộ từ điển
triết học cũ của Liên Xô (cũ), được biên soạn đồng thời với thời kỳ Mao Trạch
Đông làm cách mạng văn hóa, ở mục GIÁO ĐIỀU, CHỦ NGHĨA GIÁO ĐIỀU: “Giáo điều là
một nguyên lý mà người ta tiếp thu một cách mù quáng, bằng sự tín ngưỡng, không
có phê phán, không chú ý đến những điều kiện ứng dụng nó. Chủ nghĩa giáo điều
là đặc điểm của tất cả những hệ thống lý luận bảo vệ cái lỗi thời, cũ kỹ, phản
động và chống lại cái mới, cái tiến bộ…” (Từ điển triết học, NXB Sự Thật,
Hà Nội, 1960, tr. 312). Nếu hiểu theo nghĩa này, thì Việt Nam trong
suốt nhiều chục năm nay vẫn tiếp tục còn giáo điều lắm lắm, tuy mức độ có phần
nhạt bớt do thực tế sinh động của cuộc sống bắt buộc phải thay đổi.
Chí khí hèn kém của dân cộng
với chí khí bại hoại của quan, hợp chung lại thành “dân khí” Việt Nam trong
hiện tại. Còn dân trí thì là nói gộp chung cho cả dân lẫn quan, nhưng dân trí
nói chung khá hơn quan trí nhiều, vì dân học tập thật sự, ít cần sử dụng bằng
giả như các cán bộ đảng viên trong tầng lớp lãnh đạo; dân có thể đang bị tiêm
nhiễm nhiều thói xấu của giới lãnh đạo nhưng vẫn còn trong chừng mực có thể
ngăn chặn lại được nếu sớm cảnh báo và mau chóng sửa đổi ngay đường lối giáo dục.
Muốn thay đổi hiện trạng
dân trí và dân khí để xây dựng đất nước hiệu quả hơn, thiết nghĩ, cái công thức
“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (Mở mang dân trí, chấn hưng dân khí,
chú trọng dân sinh) do cụ Phan Châu Trinh phát biểu một thế kỷ trước đây vẫn
còn thích hợp để đem ra áp dụng.
Đại khái, cần bãi bỏ
chính sách ngu dân qua việc ép buộc phải học phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin trong
các trường đại học và trung học chuyên nghiệp (chỉ giữ lại bộ phận triết học
Mác-Lênin như một phần của bộ môn lịch sử triết học thế giới). Phê phán chủ
nghĩa giáo điều kiểu Liên Xô cũ và kiểu Mao Trạch Đông. Chống tệ sùng bái cá
nhân và “giải thiêng” một vài nhân vật chính trị thuộc thế hệ tiền bối.
Về đường lối xây dựng
chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, cần bãi bỏ phương pháp lãnh đạo-chỉ đạo bằng
các bản nghị quyết và các bản kế hoạch 5 năm đầy tính giáo điều, rập khuôn theo
kiểu Liên Xô, Trung Quốc, trên thực tế là chưa bao giờ được thực hành đúng, và
vì những thứ này trước nay đều làm cho sự vận hành của bộ máy hành chính trở
nên xơ cứng không đạt hiệu quả thiết thực. Thay vào đó, chỉ cần những chính
sách lớn cơ bản đúng là được, linh động thay đổi tùy theo tình hình thực tế của
mỗi lúc mỗi thời.
Bãi bỏ một số đoàn thể vô
dụng và có hại cho dân trí-dân khí như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… Thay vào đó
là những tổ chức có tính định hướng và giáo dục, tương tự như hiệu đoàn nhà trường
hoặc tổ chức Hướng đạo trước đây.
Thực hiện một cách thực
chất dân chủ hóa rộng rãi đời sống xã hội như những điều đã được ghi trong Hiến
pháp Việt Nam 2013, đặc biệt về các quyền tự do dân chủ, như tự do bầu cử ứng cử,
tự do báo chí, lập hội, biểu tình… Cho phép thành lập báo chí và nhà xuất bản
tư nhân hoạt động trong khuôn khổ của Luật Báo chí và Luật Xuất bản (có sửa đổi,
bổ sung theo hướng tiến bộ hơn). Khuyến khích xuất bản nhiều loại sách trong tủ
sách tinh hoa nhân loại về chính trị, văn hóa… (như phần nhiều các sách của nhà
xuất bản Tri Thức trong thời kỳ ông Chu Hảo làm giám đốc).
Với sự phân tích khách
quan về dân trí, quan trí và dân khí cùng vài gợi ý đề nghị sơ lược như trên,
các nhà đương cuộc có trách nhiệm hiện nay tất yếu đang phải đứng trước một trong
hai lựa chọn quyết định mang tính lịch sử: Hoặc quý vị cứ tiếp tục ngu dân và
làm thui chột dân khí bằng tất cả những gì cũ kỹ đã làm từ trước tới nay (như
trấn áp dân chủ…) để tiếp tục giữ được chính quyền nhưng dân tộc thì bị lụn bại;
hoặc quyết tâm chuyển hướng sang phương châm “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu
dân sinh”, mà trong tình hình hiện nay, “chấn dân khí” là vô cùng quan trọng, để
đất nước Việt Nam trở nên hùng cường có thể sánh vai cùng các bè bạn năm châu
trên thế giới.
26.12.2020
No comments:
Post a Comment