https://www.facebook.com/procontra.asia/posts/10224055636115489
Sau thất bại cay đắng
trong Thế chiến I, thay vì thừa nhận những sai lầm quân sự của mình, giới tướng
lĩnh chỉ huy quân đội Đức dựng nên một huyền thoại cho đến nay vẫn sống dai dẳng,
huyền thoại đâm sau lưng (Dolchstoßlegende), hình ảnh lấy từ sử thi
Nibelungenlied nổi tiếng, khi dũng sĩ Siegfried hồn nhiên cúi xuống vục nước uống
và bị đối thủ xảo quyệt Hagen phóng giáo giết sau lưng.
Huyền thoại này kể rằng
quân đội Đức kiêu hùng, như bao giờ cũng vậy, bất khả chiến bại trên chiến trường,
song đã bị đâm chí mạng ở hậu phương, ngay chính trong nước, bởi một đám dân
chúng vô tổ quốc, vô ơn, phản loạn, cầm đầu là Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả cấu
kết với bè lũ cộng sản bôn-sê-vích và mạng lưới Do Thái toàn thế giới. Chiến thắng
oanh liệt của quân đội Đức bị đánh cắp; nước Đức bị sỉ nhục, bị tròng vào cổ những
điều kiện nghiệt ngã của một hòa ước bất công; thể chế mới ở Đức – Cộng hòa
Weimar, nền dân chủ đầu tiên trên lãnh thổ Đức – là sản phẩm phi pháp của liên
minh ma quỷ cánh tả và Do Thái. Và cuộc kháng chiến quật cường của những người
Đức yêu nước chân chính để phục hồi một nước Đức vĩ đại bắt đầu, Deutschland
über Alles, nước Đức trên hết.
Trong một bài đăng trên The Boston Globe, giáo sư sử học Timothy
Snyder, Đại học Yale, lo ngại vì nhận thấy sự tương đồng rõ rệt giữa huyền thoại
đâm sau lưng của Đức tròn một thế kỷ trước và chiến thuật xảo trá sau bầu cử của
Trump những ngày này. Thường xuyên cung cấp ý
tưởng cho các nhóm âm mưu mọc lên như nấm trong bốn năm qua, vị tổng thống này
đang dùng hết cỡ loa phóng thanh để kể huyền thoại về Trump, một người hùng bất
khả chiến bại, song chiến thắng vô đối của ông đã bị đánh cắp, bởi một liên
minh ma quỷ giữa cánh tả trong nước, cộng sản quốc tế từ Trung Quốc đến
Venezuela, và, thật ngẫu nhiên, một người Do Thái, tỉ phú Soros. Tất cả những
lá phiếu không bầu cho ông ta đều bị mặc định là phi pháp, tức Joe Biden bị mặc
định là một tổng thống không chính danh. Và cuộc kháng chiến quật cường của những
người Mỹ yêu nước chân chính để phục hồi một nước Mỹ vĩ đại lại bắt đầu đầy hứng
khởi, America First, nước Mỹ trước hết.
Huyền thoại đâm sau lưng cũng từng được sử dụng ở Mỹ, chẳng hạn để giải
thích thất bại của nước này trong chiến tranh Việt Nam: lỗi là ở phong trào phản
chiến và giới văn nghệ sĩ, trí thức, truyền thông cánh tả. (Tất nhiên lại cánh
tả!) Nhưng với Trump và cỗ loa phóng thanh khổng lồ - Fox News hay RT hay
Breitbart hay một ngàn chi nhánh của Đại Kỷ nguyên - cùng với sự giả điếc đinh
tai của những người Cộng hòa, huyền thoại này có thể kiện toàn thành một thành
tố trung tâm trong chính trị Hoa Kỳ. Ở Đức, nó là một trong những nền móng của chủ nghĩa Nazi. Nó không thể
bóp chết nền dân chủ dù non trẻ ở Đức ngay lập tức, nhưng đã dọn đường trong
vòng chỉ trên dưới một thập niên tiếp theo để Hitler chiến thắng hoàn toàn hợp
pháp trong một cuộc bầu cử hoàn toàn dân chủ, ở một quốc gia không thể gọi là
tăm tối u mê.
Khác với lời khuyên của học
giả Michael Sandel rằng đừng quá chú mục vào những trò hề trong sô diễn cuối của
Trump mà tôi đã giới thiệu ở bài trước, giáo sư Timothy Snyder khuyên đừng đánh
giá thấp Trump. Tất cả sự cù nhầy những ngày này của Trump không đơn giản chỉ
là lố bịch mà thực ra hết sức nguy hiểm, ngay cả cho một nền dân chủ già dặn
như Hoa Kỳ. Đường đến độc tài ngắn hơn chúng ta tưởng và không cảnh báo nào có
thể là quá phóng đại.
Trump’s big election lie pushes America toward autocracy - The
Boston Globe
Clinging to power by claiming you are the
victim of internal enemies is a very dangerous tactic. Don’t underestimate
where this can go.
------------------------------------------
.
.
ĐỪNG KHUẾCH
ÂM CHO SÔ DIỄN CUỐI
https://www.facebook.com/procontra.asia/posts/10224039417790041
Trả lời phỏng vấn của tuần
báo Đức Die Zeit, giáo sư triết Michael Sandel thuộc Đại học Harvard, được đông
đảo công chúng Việt Nam biết đến qua loạt bài giảng về công lý cũng như hai tác
phẩm đã dịch sang tiếng Việt "Phải, trái, đúng, sai" và "Tiền
không mua được gì?", tin rằng rồi quyền lực cũng sẽ được chuyển giao cho
chính phủ mới, nhưng hiện thực đáng buồn là chúng ta phải đặt câu hỏi mà lẽ ra
không có gì cần bàn cãi rằng một tổng thống Hoa Kỳ có tôn trọng một cuộc bầu cử
dân chủ hay không. Việc Trump không chịu thừa nhận kết quả bầu cử chỉ là tiếp nối
tất cả những động thái kinh hoàng khác của ông ta trong bốn năm vừa rồi. Kết quả
bầu cử ấy là không thể đảo ngược, vậy có ba khả năng giải thích cách hành xử của
Trump:
Thứ nhất, nó mang tính chiến lược, tức ông ta hy vọng tìm ra cách để tiếp tục tại
nhiệm.
Thứ hai, mang tính bệnh tưởng, tức ông ta huyễn tưởng rằng mình thực sự thắng cử.
Hoặc thứ ba, đó là một màn trình diễn, tức ông ta chỉ quan tâm duy nhất đến việc
thu hút dư luận, chọc tức kẻ thù và kích động đội ngũ hâm mộ.
Trong ba cách giải thích
này, khả năng chiến lược chiếm 10%, khả năng bệnh tưởng 20% và khả năng trình
diễn 70%, nhưng ở Trump thì ranh giới giữa hoang tưởng và trình diễn không rõ
ràng. Vậy trước hết, đó là một màn trình diễn đượm màu huyễn tưởng chứ rất ít
phần là toan tính chiến lược. Cần phân biệt rõ như vậy để tìm ra cách phản ứng,
và cách tốt nhất cho Joe Biden là đừng chú mục vào diễn viên sắp rời khỏi ánh
đèn sân khấu này. Chúng ta càng lo sợ và phẫn nộ thì những bê bối mà Trump đều
đặn sản xuất càng phát huy tác dụng. Và cho đến nay, Joe Biden đã xử sự rất hay: trầm tĩnh, không sa vào
những trò hề của Trump. Đó là cách tốt nhất, cách duy nhất để đương đầu với
Trump trong tình huống này. Quá chú ý đến ông ta rồi tự biến mình thành một guồng
máy phẫn nộ như giới truyền thông bốn năm qua chỉ càng khuếch đại âm thanh cho
sô diễn chính trị của ông ta.
Michael Sandel: "Wir haben unser moralisches Urteil an die
Märkte delegiert"
No comments:
Post a Comment