Wednesday, 2 December 2020

BAN GIÁM SÁT FACEBOOK - MỘT "TỐI CAO PHÁP VIỆN" CHO NGƯỜI DÙNG? (Bùi Công Trực - Luật Khoa)

 


 

 

Ban Giám sát Facebook – một “Tối cao Pháp viện” cho người dùng?

Bùi Công Trực  -  Luật Khoa

02/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/ban-giam-sat-facebook-mot-toi-cao-phap-vien-cho-nguoi-dung/

 

.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/business-top_art-facebook_oversight-1074940406-1024x576.jpg

Người dùng có thể đặt niềm tin đến đâu vào "Tối cao Pháp viện" của Facebook? Minh họa: Casey Chin/Getty Images.

 

Ngày 1/12/2020, Ban Giám sát của Facebook (Oversight Board of Facebook – FOB) đã công bố sáu vụ khiếu nại đầu tiên về nội dung của người dùng được đưa ra phân xử. 

Vậy, Ban Giám sát này là ai, và cơ chế làm việc của họ ra sao?

 

 

Tại sao cần có Ban Giám sát?

 

Ban Giám sát Facebook là một trong những nỗ lực “độc lập hóa” quá trình kiểm soát và kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Việc này nhằm phản hồi lại các cáo buộc từ mọi phía trên toàn cầu, bất kể tả hay hữu, thân hay chống chính phủ, rằng đế chế công nghệ này đang sở hữu quá nhiều quyền lực trong việc định hướng thông tin, và từ đó định hướng dư luận.

 

Mọi búa rìu đều nhắm về Facebook: từ tính chính trực của cuộc tổng tuyển cử Hoa Kỳ hồi năm 2016, những lời kích động bạo lực được lan truyền rộng khắp, cho đến làn sóng tin vịt, v.v…

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/TELEMMGLPICT000180191339_trans_NvBQzQNjv4BqKkzUGe8q7_A35DWV6BPUcYCeVS7pgEPwpvy85C08PWY-1024x640.jpeg

CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đã liên tục phải trả lời chất vấn trong suốt một thời gian dài về sự chính trực của công ty này. Ảnh: Getty Images.

 

Facebook, từ một mạng xã hội dùng để chia sẻ hình ảnh cá nhân với người thân – bạn bè, nay đã trở thành một trong những đầu tàu của cuộc chiến thông tin chính trị toàn thế giới. Dưới sức ép quá lớn của trọng trách này, từ năm 2018, người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất hành tinh Mark Zuckerberg đã nghĩ đến việc tạo lập nên một “Tối cao Pháp viện” riêng của Facebook, độc lập khỏi “cơ quan hành chính” là bộ máy kinh doanh của Facebook.

 

Chính thức thành hình và tiếp nhận đơn vào ngày 24 tháng 10 năm 2020, FOB sẽ là nơi đưa ra các quyết định quan trọng cuối cùng liên quan đến nội dung nào được phép và không được phép xuất hiện trên nền tảng của Facebook.

 

 

Ai là thành viên? Ai có quyền chọn thành viên?

 

Trước tiên, Facebook vẫn là người đưa ra quyết định tuyển dụng đối với các thành viên của FOB.

 

Cho đến cuối cùng, Facebook vẫn là một doanh nghiệp kinh doanh để kiếm lời. Cho rằng Facebook cần phải giao quyền kiểm soát nội dung của họ cho một tổ chức hoàn toàn độc lập, nằm ngoài quyền kiểm soát của họ là vô cùng bất khả thi.

 

Tuy nhiên, 20 cái tên được Facebook chọn vào uỷ ban này là không hề tầm thường. Trong đó, bốn người giữ chức đồng chủ tịch của FOB gồm: cựu thẩm phán liên bang Hoa Kỳ và chuyên gia tự do tôn giáo Michael McConnell, chuyên gia luật hiến pháp Hoa Kỳ Jamal Greene, luật sư nhân quyền nổi tiếng người Colombia Catalina Botero-Marino cũng như cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/Banner-01-1-1024x576.jpg

20 gương mặt quyền lực trong Ban Giám sát của Facebook. Ảnh: Facebook Oversight Board.

 

Facebook khẳng định họ tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc đa dạng và bình đẳng sắc tộc – địa lý trong quá trình thành lập Ban Giám sát, với các chuyên gia đến từ 27 quốc gia và thông thạo ít nhất 29 thứ tiếng.

 

Với một nhóm có thành phần như vậy, danh tiếng của FOB không đơn thuần là vấn đề uy tín của Facebook với tư cách là một pháp nhân, mà còn là vấn đề danh dự cá nhân của từng thành viên bên trong Ban Giám sát. Chúng ta có lý do để kỳ vọng cơ quan này sẽ đáp ứng đúng với những gì người dùng trông chờ.

 

 

Ai được quyền khiếu nại lên Ban Giám sát?

 

Cho đến hiện nay, cần nhớ rằng toàn bộ việc điều phối, cấm, chỉnh sửa hay kiểm duyệt nội dung trên Facebook vẫn được vận hành nhờ vào bộ máy riêng của công ty này, gồm hơn 15.000 “xét duyệt viên” (moderator). Họ là những người đưa ra quyết định trực tiếp trong việc giữ lại hay gỡ bỏ hơn hai triệu bài đăng mỗi ngày với hơn 50 thứ tiếng khác nhau.

 

Trong khi đó, FOB chỉ có vỏn vẹn 20 thành viên (sau khi ổn định sẽ tăng lên 40 thành viên), và họ không thể túc trực can thiệp vào mọi khiếu nại, tranh chấp giữa người dùng và Facebook.

 

Trong bối cảnh đó, người viết chỉ tìm ra được hai cách để một vụ việc tranh chấp có thể đến tay FOB, vốn khá giống với cách Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tiếp nhận các vụ việc của mình: (1) Chính Facebook nhờ FOB can thiệp; (2) FOB quyết định chọn trong số các vụ việc tranh chấp, khiếu nại do người dùng gửi lên. Tùy vào tính chất vụ việc, toàn bộ FOB hoặc một số các thành viên của FOB sẽ nhóm lại thành những tiểu ban nhỏ để xem xét và giải quyết.

 

Như vậy, sẽ không có bất kỳ cơ chế thủ tục sơ thẩm – phúc thẩm nào bảo đảm các khiếu nại của người dùng chắc chắn đến tay FOB để lật ngược tình thế những quyết định trước đó của các xét duyệt viên.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/190125394-750e0040-a73c-4546-87d1-20012e688a2d.jpg

Hiện nay, việc xét duyệt nội dung trên Facebook vẫn phải dựa vào bộ máy gồm 15 nghìn người do Facebook quản lý. Ảnh: Irish Times.

 

Gần đây, khi được hỏi về tính chất vụ việc được chọn, Ban Giám sát nói rằng họ sẽ ưu tiên các vụ việc có khả năng gây nguy hại đến quyền tự do biểu đạt hoặc quyền con người. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa đưa ra thêm bình luận nào đến các vụ việc mà họ nhắm đến.

 

Với nguồn lực cả về thời gian lẫn không gian quá giới hạn, có thể kỳ vọng rằng FOB sẽ quan tâm nhiều hơn đến các bê bối chính trị nằm ở các quốc gia phát triển, các vụ việc được vận động hành lang mạnh mẽ và thu hút được sự chú ý của báo chí phương Tây. Theo người viết, Việt Nam hay những quốc gia cùng hoàn cảnh có rất ít cơ hội được những chuyên gia nằm trong FOB để tâm đến. Vì vậy, quyết định của những nhóm “xét duyệt viên” sẽ là quyết định cuối cùng.

 

 

Tương quan quyền lực của FOB với cấu trúc tổ chức của Facebook ra sao? 

 

Sau khi trải qua quá trình thành lập khởi động ban đầu, FOB được cho là hoạt động hoàn toàn độc lập với cơ cấu tổ chức của Facebook.

 

Một mặt, Ban Giám sát sẽ tự mình lựa chọn các thành viên thay thế trong tương lai. FOB được thành lập với tư cách pháp nhân riêng, trụ sở riêng và nhân viên riêng. FOB cũng tự vận hành một trang web riêng và tài khoản Twitter riêng. Facebook có trách nhiệm tuân thủ mọi quyết định cuối cùng FOB ngay cả khi công ty này không đồng ý với quyết định của Ban Giám sát. 

 

Nhưng còn tiền nong thì thế nào?

 

Ở điểm này thì khó có thể nói FOB nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Facebook, song chúng ta cùng chờ đợi sự vận hành trong tương lai. Hiện tại thì lương và chi phí hoạt động của FOB sẽ dựa vào khoản tiền khổng lồ 130 triệu Mỹ kim do Facebook chuyển giao cho một quỹ ủy thác để quản lý.

 

Về mặt công nghệ, Facebook đã xây dựng một hệ thống có tên gọi “công cụ quản lý vụ việc” cho phép các thành viên của Ban Giám sát theo dõi và tiếp nhận khiếu nại. FOB sẽ có 90 ngày để ra quyết định đối với một vụ việc họ lựa chọn. Trong các vụ việc có tính khẩn cấp, giới hạn đưa ra quyết định của Ban Giám sát là 30 ngày.

 

Việc Facebook làm chủ hệ thống công nghệ giải quyết tranh chấp cũng có thể khiến chúng ta nghi ngờ khả năng thao túng của công ty này đối với năng lực và năng suất hoạt động của FOB.

 

Điều gì xảy ra nếu quyết định của FOB xung đột với pháp luật quốc gia?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/amnesty-bao-cao-internet-2020-1024x538.png

Nghiên cứu “Hãy để chúng tôi thở” của Ân xá Quốc tế cho thấy Facebook hợp tác chặt chẽ với chính quyền Việt Nam để kiểm duyệt nội dung của người dùng. Đồ họa: Luật Khoa.

 

Đến đây, chúng ta phải bàn về khả năng xung đột giữa FOB và pháp luật quốc gia.

Hiển nhiên, FOB không có bất kỳ thẩm quyền nào để được xem là một cơ quan tài phán tư pháp. Đây chỉ là một cách để Facebook thoát khỏi búa rìu dư luận và đá quả bóng trách nhiệm cho một bên thứ ba.

 

Vậy nên khi Đồng Chủ tịch Helle Thorning-Schmidt nói rằng “Facebook phải thực thi các quyết định của chúng tôi, trừ khi việc thực thi đó có thể dẫn đến việc vi phạm pháp luật” – một người đủ nhạy cảm sẽ phải hỏi: Luật nào?

 

Hiện nay, Facebook luôn nhắc đến những tiêu chuẩn đẹp đẽ nhất để nói về quy chuẩn ngôn luận của mình: từ Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền cho đến các Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Song thực tiễn Việt Nam cũng cho thấy tổ chức này kết hợp rất chặt chẽ với chính quyền Việt Nam trong việc kiểm soát nội dung được lưu hành trên mạng xã hội Facebook, mà một báo cáo mới đây của tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ ra.

 

Giả sử một vụ việc liên quan đến Việt Nam có đến tay của Ban Giám sát, và cũng giả sử rằng người dùng thắng kiện, khả năng Facebook sử dụng lập luận “trái với pháp luật Việt Nam” để tiếp tục chặn – xóa những nội dung này theo yêu cầu từ chính phủ Việt Nam là có thể nhìn thấy trước.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats