Monday, 7 December 2020

GIAI TẦNG XÃ HỘI DỰA TRÊN THU NHẬP Ở VIỆT NAM, 1998-2018 (Phân Tích Kinh Tế)

 


GIAI TẦNG XÃ HỘI DỰA TRÊN THU NHẬP Ở VIỆT NAM, 1998-2018  

Phân Tích Kinh Tế

6.12.2020

http://www.phantichkinhte123.com/2020/12/giai-tang-xa-hoi-dua-tren-thu-nhap-o.html#more

 

 

Tóm tắt: Dựa trên số liệu khảo sát mức sống dân cư Tổng cục Thống kê thực hiện trong hai thập niên qua, bài viết phân tích cơ cấu giai tầng xã hội dựa trên thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 1998-2018. Hệ số chênh lệch thu nhập giữa các giai tầng xã hội ngày càng tăng trong giai đoạn này. Mức chênh lệch đặc biệt rõ ở tầng lớp trung lưu trên và giai tầng trên. Mức chênh lệch thay đổi chậm trong thập niên 2000, nhưng nhanh hơn trong thập niên 2010. Có tiến hóa đáng kể về hình dạng phân tầng hai thập niên qua. Năm 1998 cơ cấu giai tầng còn ở dạng tháp, nhưng 2018 trở nên dạng thoi. Cơ cấu giai tầng ở nông thôn tiến hóa chậm hơn khoảng mười năm, nhưng trong thập niên 2010 đã chuyển biến mang tính bước ngoặt.

 

Từ khóa: cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, giai tầng xã hội, giai cấp xã hội, Việt Nam, khảo sát mức sống dân cư.

 

1. Mở đầu

Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội là lĩnh vực nghiên cứu được quan tâm ở Việt Nam từ nhiều thập niên (Bùi Thế Cường, 2015c, 2016, 2019b). Trong hướng này, nhiều tác giả xây dựng sơ đồ phân loại giai cấp và/hoặc tầng lớp xã hội, để nhận diện bộ khung lõi của cơ cấu xã hội.

 

Bài viết đề xuất một khung phân loại giai tầng xã hội dựa trên thu nhập, dùng nó xử lý dữ liệu ba cuộc khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê, để nhận diện cơ cấu giai tầng xã hội ở Việt Nam giai đoạn 1998-2018. Bài viết là sản phẩm của Đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010-2020” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và tài trợ.

 

Bài viết năm phần. Sau mở đầu, phần hai thảo luận khái niệm, tình hình nghiên cứu và khung phân tích. Phần ba đề cập phương pháp và nguồn số liệu. Phần bốn trình bày kết quả phân tích. Phần cuối tóm tắt kết quả chính.

 

2. Tình hình nghiên cứu và khung phân tích

 

Giai cấp xã hội hay giai tầng xã hội, tầng xã hội hay phạm trù xã hội hay nhóm xã hội? Đây là truyền thuyết dài trong lịch sử xã hội học thế giới, Việt Nam không ngoại lệ. Tùy tác giả, quốc gia và thời đại, những thuật ngữ trên hoặc được coi có tính chất khác hẳn nhau hoặc ngược lại được chấp nhận thay thế nhau dễ dàng. Chẳng hạn, theo Heinz-Herbert Noll (1997:105): “Trong văn liệu Mỹ, khái niệm “giai cấp” [class] và “giai tầng” [strata] thường sử dụng như nhau. Trong khi ở Đức có khác biệt rõ ràng giữa “giai cấp” [Klassen] và “giai tầng” [Schichten] cả trong xã hội học lẫn đời thường. Nhìn chung, người ta cho rằng thuật ngữ “Schicht” có nghĩa trung tính hơn, thậm chí nghĩa khẳng định hơn, so với thuật ngữ “Klasse” liên hệ đến quan điểm có tính phê phán hơn, một quan điểm nhấn mạnh vào xung đột của xã hội. Trong đời thường cũng thế, ý tưởng của thuật ngữ “class” thường đi liền với xuất xứ và nghĩa mang tính Marxist”[1]. Tương tự, ở Anh thuật ngữ “giai cấp” [class] cũng dùng và hiểu đa nghĩa cả trong văn bản chính thức, học thuật lẫn đời thường. Một mặt, nhiều người dùng và hiểu theo nghĩa gần với quan điểm marxist hay quan điểm xung đột giai cấp. Mặt khác, cũng nhiều người dùng theo nghĩa không có gì khác nhau và do đó có thể thay thế nhau giữa các thuật ngữ “classes” (như là sự phân lớp, kết quả của hành động “classification”), “grades”, “gradings”, “socio-economic groups”.

 

Trong bài viết này, nhóm tác giả dùng “giai tầng xã hội” như một khái niệm làm việc để phân tích thống kê, tạm gác sang bên khía cạnh lý thuyết của vấn đề. “Giai tầng xã hội” tạm hiểu là một lối kết hợp ý nghĩa của “giai cấp” và “tầng lớp xã hội”.

 

Nói về nghiên cứu phân tầng xã hội dù chỉ ở Việt Nam đương đại thôi, cũng cần nhiều trang viết. Ở đây, chỉ đề cập sơ lược và tập trung hơn vào hướng phân loại giai tầng theo thu nhập hay chi tiêu, hướng mà bài viết sẽ đi theo trong khung phân tích của mình.

 

Ở Việt Nam sau 1975 đến nay liên tục xuất hiện cố gắng đưa ra những phân loại lý thuyết hay thực nghiệm đối với cơ cấu xã hội. Thập niên 1980, một số tác giả phân loại dựa trên tiếp cận marxist, dùng tiêu chí quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, như Hồng Giao, Thanh-Giang, Trần Hữu Quang, Lê Minh Ngọc, Đỗ Thái Đồng (một tổng quan về các tác giả này trong thập niên 1980, xem: Bùi Thế Cường, 2019b). Sang những thập niên sau, một số tác giả mở rộng khung phân tích, kết hợp quan hệ sở hữu và tiêu chí nghề (Đỗ Nguyên Phương, 1993, 1994; Tạ Ngọc Tấn, 2013).

 

XEM TIẾP : http://www.phantichkinhte123.com/2020/12/giai-tang-xa-hoi-dua-tren-thu-nhap-o.html

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats