Ba
quyển sách đáng chú ý về Việt Nam năm 2020
07/12/2020
https://www.luatkhoa.org/2020/12/ba-quyen-sach-dang-chu-y-ve-viet-nam-nam-2020/
Năm 2020 là một năm buồn,
cả về kinh tế, văn hóa, du lịch và nhiều khía cạnh khác trong xã hội. Song thị
trường viết lách và nghiên cứu thì lại có vẻ không hạ nhiệt.
Sau bài viết 4 nghiên cứu đáng chú ý về Việt Nam năm 2019 nhận
được sự quan tâm của đông đảo độc giả, năm nay, Luật Khoa tiếp tục tuyển chọn
và giới thiệu đến độc giả các công trình nghiên cứu về Việt Nam đáng chú ý
trong năm 2020.
Ba cuốn sách dưới đây có
một đặc tính chung, đó là chúng vượt ra ngoài những lối mòn suy nghĩ trong các
định hướng nghiên cứu xưa nay về Việt Nam. Luật Khoa hy vọng sẽ gợi được hứng
thú cho bạn đọc.
Nguồn ảnh: Amazon
***
Building
Ho’s Army: Chinese Military Assistance to North Vietnam
Tạm dịch: Gầy dựng
Hồ quân: Viện trợ quân sự của Trung Quốc dành cho Bắc Việt
Tác giả: Xiaobing
Li, University of Central Oklahoma
Nhà xuất bản: Kentucky
Scholarship – 2020
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/1-1.png
Ảnh : Amazon
“Gậy tầm vông đánh giặc”
vẫn tiếp tục là một trong những diễn ngôn phổ biến nhất trong hệ thống lịch sử
giáo khoa về chiến lược chiến tranh của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Điều này, hiển nhiên là hoàn toàn đi trái ngược với thực tiễn lịch sử.
Nguồn lực từ Bắc Kinh có
một vai trò khổng lồ trong sự sống còn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến
tranh chống lại Pháp và Hoa Kỳ. Tuy vậy, các bài viết công phu bằng tiếng Việt
về đề tài này là rất hiếm hoi. Luật Khoa từng có một bài viết về chủ đề này, trong đó cân nhắc đến góc
nhìn và bằng chứng lịch sử của các học giả Trung Quốc. Tuy nhiên, bấy nhiêu rõ
ràng là chưa đủ. “Gầy dựng Hồ quân”, trong bối cảnh đó, bổ sung một nguồn tư liệu
sơ cấp lẫn thứ cấp vô cùng đáng giá.
Quyển sách được chia ra
làm bảy chương, bắt đầu từ việc khai thác chi tiết sự liên hệ giữa Hồ Chí Minh
với Trung Quốc, đến các chương trình hỗ trợ – đào tạo quân đội Việt Nam của Bắc
Kinh, rồi đến cả những khoản viện trợ khí tài quân sự khổng lồ. Đặc biệt ở
chương I, tác giả đi sâu phân tích và lý giải sự kết nối chặt chẽ giữa Hồ Chí
Minh và phong trào cộng sản Trung Quốc. Từ tình bạn được xây dựng với các lãnh
đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc thời ông còn hoạt động ở Pháp và sau
đó là học ở Đại học Phương Đông – Xô Viết, cho đến nhiều năm hoạt động bên
trong Giải phóng quân Trung Hoa (dưới cái tên Hồ Quang thuộc Bát Lộ Quân), kinh
nghiệm và các mối quan hệ cá nhân của Hồ Chí Minh tại Trung Quốc được cho là đã
định hình đường lối cách mạng và chính sách quản lý của ông sau này.
Các chương khác làm rõ
hơn về sự hỗ trợ trọng yếu của Trung Quốc dành cho quân đội Việt Nam trong giai
đoạn đánh Pháp 1950 – 1954, và chiến tranh Việt Nam 1965 – 1970. Theo đó, tác
giả cho rằng chính Bắc Kinh đã hỗ trợ, viện trợ và đào tạo để biến các nhóm
quân du kích rời rạc của chính quyền Bắc Việt trở thành một lực lượng quân đội
chính quy, với sự có mặt thường xuyên của tướng lĩnh và quân nhân Trung Quốc
trong suốt các cuộc chiến.
Ví dụ, nghiên cứu nhấn mạnh
vai trò của tướng Trần Canh (Chen Geng) và hàng chục tướng lãnh cấp cao khác của
Trung Quốc trong hiện đại hóa và đào tạo căn bản cho quân đội Bắc Việt; từ kỹ
năng dùng súng máy, tư duy chiến thuật, khả năng dùng pháo cao xạ, cho đến mô
hình quản lý quân sự…
Thú vị hơn, tác giả cho rằng
chính nhờ Trần Canh kiên quyết phản đối kế hoạch tấn công trụ sở quân sự chính
của Pháp tại Cao Bằng của Võ Nguyên Giáp (với 3.000 quân và đồn trạm được
gia cố), thay vào đó tấn công Đồng Khê (với chỉ khoảng 500 quân) để kéo giãn
quân Pháp và diệt dần từng nhóm, quân đội Bắc Việt mới có thể giành thắng lợi
quân sự chính quy đầu tiên của mình qua Chiến dịch Biên giới (Border Campaign).
Sự can dự thường trực của Trần Canh cũng được cho là nền tảng cho chiến thắng
cuối cùng của toàn chiến dịch.
Với hàng chục ví dụ và
góc nhìn mới lạ khác, công trình nghiên cứu này khẳng định rằng sự ủng hộ cả về
khí tài lẫn trí óc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nền tảng tối quan trọng
cho mọi mục tiêu quân sự và chính trị của quân đội Bắc Việt.
***
India,
Vietnam and the Indo-Pacific: Expanding Horizons
Tạm dịch: Ấn Độ –
Việt Nam và Ấn Độ – Thái Bình Dương: Tầm nhìn rộng mở
Tác giả: Pankaj K
Jha và Vo Xuan Vinh
Nhà xuất bản: Routledge
– 2020
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/3-1.png
Ảnh: Amazon.
Nếu tác phẩm trước lý giải
và tìm hiểu quá khứ, thì quyển sách này hướng về tương lai. Hai tác giả đưa ra
những lý giải địa chính trị thú vị liên quan đến một khái niệm mới trong quan hệ
quốc tế, thay thế cho “Châu Á – Thái Bình Dương” (Asia-Pacific), đó là “Ấn Độ –
Thái Bình Dương” (Indo-Pacific).
Với sự kết hợp “chính chủ”
của tác giả người Ấn Pankaj K Jha và Vo Xuan Vinh từ Việt Nam, nghiên cứu xét lại
cách tiếp cận địa chính trị của Châu Á – Thái Bình Dương, vốn chịu ảnh hưởng của
chủ nghĩa “Dĩ Hoa vi trung”, tức lấy Trung Quốc làm trọng tâm của toàn bộ khu vực.
Cách tiếp cận này loại bỏ vai trò cực kỳ quan trọng của Ấn Độ với tư cách là một
cường quốc hạt nhân, với quân đội chính quy đông đảo và thiện chiến thứ tư
trên thế giới và một nền kinh tế luôn tăng trưởng trên mức 6% mỗi năm. Khái niệm
Indo-Pacific, trái lại, nhấn mạnh sự kết nối địa lý của Ấn Độ Dương và Thái
Bình Dương, đặc biệt thông qua biển Đông, từ đó tạo ra các học thuyết đánh chặn
chủ nghĩa bành trướng của Trung Hoa tại các vùng biển quốc tế, mà đặc biệt nhất
là biển Đông.
Với 11 chương sách, hai
tác giả bao quát các vấn đề từ lý giải triết lý khoa học của việc xây dựng khái
niệm Indo-Pacific, vai trò quan trọng của Việt Nam trong chính sách Hướng Đông
của Ấn Độ (Act East Policy), cách thức tăng cường hiểu biết chiến thuật và hợp
tác quốc phòng, bảo vệ an ninh biển tại biển Đông, cho đến các yếu tố Trung Quốc,
yếu tố Hoa Kỳ trong mối quan hệ Việt – Ấn.
Đặc biệt, trong chương
Sáu về biển Đông, các tác giả làm nổi bật mối quan hệ – hợp tác quan trọng giữa
Việt Nam và Ấn Độ từ suốt những năm 2000 cho đến nay, bao gồm sự ủng hộ lớn của
Ấn Độ dành cho Việt Nam về đào tạo quân sự và khí tài quốc phòng, quan điểm
chính thức liên quan đến biển Đông, các chuyến thăm hải quân thường xuyên và
các dự án khai thác dầu khí chung. Với tư cách là “cường quốc còn lại” ở châu
Á, sự hiện diện của Ấn Độ ở vùng nối Ấn Độ Dương – biển Đông và vai trò của họ
trong việc ủng hộ tự do hàng hải tại biển Đông là đặc biệt quan trọng, tạo nên
một nhân tố mới gần gũi hơn và ít nhạy cảm hơn cho vùng biển Việt Nam.
Với nhiều thông tin thú vị
và đa dạng ở hầu hết các chương, hai tác giả tranh biện cho một liên minh địa
chính trị mới: Ấn Độ – Thái Bình Dương, từ đó tạo cơ hội cho song tấu địa
phương Ấn Độ – Việt Nam xác lập vai trò mới trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung đang
và sẽ tiếp tục diễn ra.
***
The
unimagined community: Imperialism and culture in South Vietnam
Tạm dịch: Cộng đồng
ngoài tưởng tượng – Chủ nghĩa Đế quốc và Văn hóa tại miền Nam Việt Nam
Tác giả: Nguyễn
Duy Lạp
Nhà xuất bản: Manchester
University Press – 2020
https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/2-2.png
Ảnh: Amazon.
Nếu là một người thường
xuyên đọc sử về chiến tranh Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa bằng tiếng Anh, bạn sẽ
thấy rằng sự “Mỹ hóa” của lịch sử chiến tranh Việt Nam vẫn đang ở cực đỉnh. Hãy
thử tưởng tượng trong một ví dụ đơn giản như thế này.
Những chính trị gia Mỹ,
những nhà sử học Mỹ thường ghi nhận rằng Ngô Đình Diệm là một người có khả năng
nói luyên thuyên không ngừng. Nhưng họ chưa bao giờ nói rõ ra được là ông Diệm
và ông Nhu nói gì mà nhiều đến thế. Họ chưa từng lắng nghe. Và quả thật, chưa
ai nghiên cứu lịch sử Việt Nam, hiện tại hay quá khứ, phương Đông hay phương
Tây thật sự quan tâm Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu nghĩ gì, làm gì, với nền tảng
triết lý như thế nào.
Nguyễn Duy Lạp, ngược lại,
với sự thông tuệ về triết học đương đại, đã phá bỏ song đề cộng sản – tư bản thống
trị suốt Chiến tranh Lạnh, vốn bị ép trở thành cái khung giải thích cho mọi hiện
tượng kinh tế – chính trị – xã hội cùng giai đoạn. Theo ông, cái mà Diệm – Nhu
tin tưởng và theo đuổi là chủ nghĩa nhân vị (personalism), một chủ thuyết triết
học chính trị phản kháng lại cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản. Theo
đó, người truyền cảm hứng cho nền Đệ nhất Cộng Hòa là triết gia người Pháp
Emmanuel Mounier. Từ góc nhìn nhân vị, Mounier phê phán xã hội dân chủ tư sản
(bourgeois democracy) lẫn xã hội cộng sản không nhà nước (stateless communism)
đã tiếp cận sai khái niệm tự do cá nhân (personal freedom).
Đặc biệt thú vị, Nguyễn
Duy Lạp cho rằng thứ tranh chấp triết lý diễn ra giữa miền Bắc và miền Nam
trong giai đoạn Đệ nhất Cộng hòa không phải là giữa phong trào cộng sản và
phong trào chống cộng, mà là giữa chủ nghĩa cộng sản phái Stalin (Stalinist
communism) ở miền Bắc và chủ nghĩa nhân văn Marxist (Marxist humanism). Ông dẫn
chứng rằng bản thân Ngô Đình Nhu là lãnh đạo phong trào công nhân miền Nam Việt
Nam, vừa với tư cách nhà tổ chức, vừa với tư cách triết gia – nhà lý luận, người
xây dựng triết lý nhân vị Việt Nam (Vietnamese personalism) và từ đó ảnh hưởng
lên các chính sách quản lý của anh trai mình.
Trong cuốn sách này, tác
giả Duy Lạp cung cấp những thông tin chi tiết về các chính sách, phương pháp thực
hiện, quan điểm triết học và chính trị của hai nhân vật gây tranh cãi nhất chiến
tranh Việt Nam, mà đặc biệt nhất là chính sách “Ấp chiến lược” (Strategic
Hamlet Program). Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, qua khắc họa của tác giả, hiện
lên như những nhà cách mạng mong muốn cải tổ nông thôn Việt Nam, không phải bằng
vũ lực cách mạng và cưỡng chế lao động như tại miền Bắc, mà bằng việc hiện đại
hóa một xã hội nông thôn đại đồng – tự chủ có thể vừa chống lại phong trào nổi
dậy vũ trang do Hà Nội tài trợ, vừa chống lại các lãnh đạo tinh hoa thành thị.
Từ đó, tác giả lý giải vì
sao Diệm – Nhu chống tư bản còn hơn cả miền Bắc, và vì sao mối quan hệ giữa họ
với các nhóm lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa tại thành thị miền Nam Việt Nam và
chính quyền Hoa Kỳ của Kennedy lại suy giảm.
Quyển sách này đi từ bất
ngờ này đến bất ngờ khác với những thông tin quý giá, thông qua những góc nhìn
triết lý cực kỳ mới lạ. Người viết tin tưởng rằng đây sẽ là một lựa chọn đáng
giá nhân dịp cuối năm cho những bạn đọc đam mê kiến thức của Luật Khoa.
No comments:
Post a Comment