Wednesday, 16 December 2020

BÔNG VẢI TÂN CƯƠNG 'NHUỐM MÀU' LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC (John Sudworth - BBC News)

 


Bông vải Tân Cương 'nhuốm màu' lao động cưỡng bức

John Sudworth

BBC News, Bắc Kinh

16/12/2020

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55316646

 

Trung Quốc ép buộc hàng trăm ngàn người Uighur và các sắc dân thiểu số khác phải lao động nặng nhọc trên các cánh đồng bông rộng lớn ở tỉnh Tân Cương ở miền tây, theo nội dung nghiên cứu mới mà BBC được xem.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/137E6/production/_116064897_xinjiang_cotton.jpg

 

Những tài liệu trực tuyến mới được phát hiện gần đây cho thấy bức tranh rõ ràng đầu tiên về quy mô lao động cưỡng bức trong lĩnh vực thu hoạch bông ở nơi vốn cung ứng đến một phần năm nguồn nguyên liệu bông cho thế giới và là nguồn nguyên liệu được sử dụng rộng khắp trong ngành thời trang toàn cầu.

 

Ngoài việc có mạng lưới trại giam rộng khắp, nơi được cho là có hơn 1 triệu người đang bị giam giữ, các cáo buộc về việc những nhóm sắc dân thiểu số đang bị buộc phải làm việc trong các nhà máy cũng được ghi chép đầy đủ.

 

Chính phủ Trung Quốc bác bỏ, nói rằng các trại đều là "trường đào tạo dạy nghề", và các nhà máy là một phần trong chương trình "giảm nghèo" tự nguyện được triển khai rộng khắp.

 

Nhưng chứng cứ mới cho thấy mỗi năm có đến nửa triệu lao động người thiểu số bị buộc phải đi hái bông khi vào mùa thu hoạch, dưới những điều kiện làm dấy lên quan ngại về nguy cơ lao động cưỡng bức.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9FF2/production/_116064904_xinjiang_pickingcotton.jpg

 

"Quan điểm của tôi là những tác động thực sự ở quy mô mang tính lịch sử," Tiến sĩ Adrian Zenz, nhà nghiên cứu cao cấp tại Quỹ Tưởng nhớ Các Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản (Victims of Communism Memorial Foundation) tại Washington, người phát hiện ra các tài liệu này, nói với BBC.

 

"Lần đầu tiên chúng ta không chỉ có được bằng chứng về việc người Uighur bị buộc phải làm việc trong các nhà máy sản xuất, trong ngành dệt vải, mà nó còn trực tiếp cho thấy hoạt động thu hoạch bông, và tôi nghĩ rằng đây chính là điều làm thay đổi câu chuyện."

 

"Bất kỳ ai chú ý tới vấn đề cần đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức từ nguồn cung ứng sản phẩm đều cần phải nhìn vào Tân Cương, nơi cung ứng 85% bông của Trung Quốc và 20% bông toàn cầu, và nói rằng 'chúng ta không thể tiếp tục làm như thế này được nữa'."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/72A2/production/_116064392_a18220dc-7f1e-4a25-bd55-3e383dd2ff89.png

 

Các tài liệu, bao gồm cả hồ sơ trực tuyến về chính sách của chính phủ và tường thuật trên báo chí nhà nước, cho thấy trong năm 2018 các thành phố Aksu (A Khắc Tô) và Hotan (Họa Điền) đã gửi đi 210.000 nhân công "thông qua việc chuyển đổi lao động" để tới thu hoạch bông cho một đơn vị bán quân sự Trung Quốc, Quân đoàn Xây dựng và Sản xuất Tân Cương (Xinjiang Construction and Production Corps).

 

Các tài liệu khác nói những người hái bông "được huy động và có tổ chức", được đưa tới các cánh đồng bông cách xa hàng trăm km.

 

Năm nay, Aksu xác định cần có 142.700 lao động tới làm việc trên các cánh đồng của thành phố; nguồn này chủ yếu được đáp ứng dựa trên nguyên tắc "chuyển đến toàn bộ những người cần phải được chuyển đổi".

 

Các nội dung "hướng dẫn" người thu hoạch bông hãy "có ý thức chống lại các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp" cho thấy chính sách này nhắm vào người Uighur và các nhóm sắc dân vốn có truyền thống theo đạo Hồi ở Tân Cương.

 

Các viên chức trong chính quyền đầu tiên là ký "thỏa thuận ký hợp đồng" với các nông trại trồng bông, theo đó xác định "số nhân công cần thuê, địa điểm thu hoạch, nơi ở và tiền lương". Sau đó, những người hái bông sẽ được vận động "hăng hái đăng ký tham gia".

 

Có đủ manh mối để cho thấy sự hăng hái này hoàn toàn không xuất phát thật tâm. Một báo cáo nói rằng tại một ngôi làng, mọi người không ai muốn đi làm việc trong ngành nông.

 

Các viên chức đã phải tới một lần nữa để làm "công tác giáo dục tư tưởng". Rốt cuộc, có 20 người được gửi đi, và có kế hoạch sẽ "xuất khẩu" thêm 60 người nữa.

 

Các khu trại và nhà máy

 

Trung Quốc từ lâu nay đã sử dụng việc đưa dân tái định cư ồ ạt tới các vùng nông thôn nghèo, với mục đích được nêu ra là nhằm cải thiện cơ hội việc làm cho người dân - một phần trong chiến dịch chống đói nghèo của Trung Quốc.

 

Trong những năm gần đây, các nỗ lực này đã được triển khai quá đà.

 

Có thể nói lý do là bởi đây là ưu tiên chính trị nội địa quan trọng nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, với mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, vào năm tới.

 

Nhưng tại Tân Cương, có những bằng chứng về việc có một mục tiêu chính trị quan trọng hơn nhiều và được kiểm soát ở mức cao hơn nhiều, cũng như có những mục tiêu và và hạn ngạch to lớn mà các viên chức bị áp lực phải đáp ứng bằng được.

 

Có thể nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với vùng này từ hai vụ tấn công tàn bạo vào người đi bộ và người dùng giao thông công cộng ở Bắc Kinh hồi năm 2013 và ở thành phố Côn Minh hồi 2014, là các vụ mà Trung Quốc quy trách nhiệm cho người Hồi giáo cực đoan và những người đòi ly khai Tân Cương.

 

Để đáp trả, từ 2016 trở đi, đã có những trại "cải tạo" được xây dựng để bắt giữ bất kỳ ai có hành vi bị coi là không đáng tin cậy, ví dụ như cài đặt ứng dụng nhắn tin mã hóa trên điện thoại, xem tài liệu tôn giáo, hoặc có thân nhân sinh sống ở nước ngoài.

 

Tuy Trung Quốc gọi đây là các "trường học nhằm xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan", nhưng hồ sơ của chính họ cho thấy thực tế đây là một hệ thống giam giữ hà khắc, nhằm xóa bỏ và thay thế đức tin, văn hóa cũ bằng việc buộc phải trung thành với Đảng Cộng sản.

 

Việc xây dựng không dừng lại ở mức xây nhà tù.

 

Kể từ 2018, đã có sự mở rộng ghê gớm hoạt động công nghiệp - hàng trăm nhà máy được xây tại đây.

 

Mục tiêu song song của việc tuyển dụng ồ ạt và giam giữ ồ ạt được thể hiện rõ, với việc xuất hiện nhiều nhà máy bên trong tường rào trại giam, hoặc gần kề các trại giam.

 

Chính phủ tỏ ra tin rằng có công ăn việc làm sẽ giúp làm thay đổi những "ý thức lỗi thời" của các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, qua đó biến họ thành các công dân Trung Quốc hiện đại, thế tục, có thu nhập tốt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2482/production/_116064390_factory_2020_2x_640-nc-2x.png

 

BBC đã tìm cách tới một cơ sở tại thành phố Kuqa, nơi các nhà nghiên cứu độc lập xác định là một trại cải tạo.

 

Được xây dựng vào năm 2017 những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy có các bức tường an ninh bên trong và có một nơi trông giống như một tháp canh.

 

Vào năm 2018, một nhà máy mới toanh xuất hiện ngay kế bên. Ngay sau khi việc xây dựng hoàn tất, vệ tinh chụp được hình ảnh quan trọng.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/51D2/production/_116064902_xinjiang_factory.jpg

Nhà máy tại Kuqa, Tân Cương

 

Các phân tích độc lập xác nhận rằng có rất nhiều người, toàn bộ đều mặc một kiểu đồng phục cùng màu, được nhìn thấy đi bộ một quãng ngắn giữa hai địa điểm.

 

Bị khá nhiều xe hơi không mang dấu hiệu gì đặc biệt bám theo, chúng tôi quay phim bên ngoài, chung quanh khu vực.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B000/production/_116065054_xinjiang_car-blurred.jpg

Nhiều xe hơi bám đuôi theo nhóm phóng viên BBC

 

Nhà máy và khu trại này có vẻ như đã được được nhập lại thành một khu tổ hợp nhà máy rộng lớn, dán đầy các tấm poster với những khẩu hiệu ca tụng lợi ích của chiến dịch chống đói nghèo.

 

Chúng tôi nhanh chóng bị chặn lại, không cho quay phim và buộc phải rời đi.

 

Theo truyền thông nhà nước ở cấp địa phương, nhà máy dệt may này tuyển dụng tới 3.000 người "theo chương trình huy động và tổ chức của chính phủ".

 

Tuy nhiên, việc xác minh những người xuất hiện trong ảnh chụp từ vệ tinh là ai, hay điều kiện làm việc hiện tại của công nhân trong cơ sở này là thế nào, là điều bất khả thi.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1992/production/_116064560_xinjiang_blocked.jpg

Phóng viên BBC John Sudworth (trái) liên tục bị bám đuôi và cản trở việc quay phim

 

Những câu hỏi đã được gửi thẳng đến nhà máy, nhưng chúng tôi không nhận được hồi âm.

Trong suốt thời gian ở Tân Cương, chúng tôi liên tục bị cảnh sát, các viên chức tuyên huấn địa phương và những người khác cản trở, không cho quay phim, và liên tục bị đeo bám bởi đám đông những người không rõ danh tính đi trên những chiếc xe hơi không có dấu hiệu đặc biệt gì trong suốt hàng trăm km.

 

'Lối suy nghĩ lười nhác thâm căn cố đế'

 

Bất chấp mối liên hệ giữa các trại giam và các nhà máy, mục tiêu chính của chương trình giảm nghèo ở Tân Cương chủ yếu là nhằm vào những người chưa bị bắt giữ - nhóm người được coi là ít tạo thành đe dọa an ninh hơn nhưng vẫn cần phải được cải tạo.

 

Thường xuất thân từ các gia đình nghèo làm nghề nông hoặc chăn thả du mục, hơn hai triệu người đã bị huy động đi làm, mà trong nhiều trường hợp họ bị đưa đi làm sau khi phải trải qua những giai đoạn đào tạo làm việc ngắn hạn "kiểu quân sự" và giáo dục ý thức hệ.

 

Cho đến nay, những bằng chứng có được cho thấy, giống như những người tù bị nhốt trong trại, họ cũng bị sử dụng làm nguồn lao động trong các nhà máy, mà đặc biệt là trong các công xưởng dệt may đang bùng nổ tại Tân Cương.

 

Hồi tháng Bảy năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ (CSIS) nói rằng "có thể" là các nhóm sắc tộc thiểu số đã bị đưa hái bông, nhưng "cần phải có thêm thông tin" trước khi họ có thể ra kết luận chính xác.

 

Những tài liệu mới mà Tiến sĩ Zenz tìm được không chỉ cung cấp thông tin đó mà còn cho thấy một mục tiêu chính trị rõ ràng đằng sau việc luân chuyển người thuộc các sắc tộc thiểu số tới các cánh đồng bông.

 

Một thông báo hồi tháng 8/2016 do chính quyền địa phương Tân Cương gửi tới ban quản lý những người hái bông ra chỉ thị rằng các viên chức hãy "tăng cường giáo dục ý thức hệ và giáo dục sự đoàn kết dân tộc" đối với những người này.

 

Một báo cáo về công tác tuyên huấn do Tiến sĩ Renz tìm được cho thấy các cánh đồng bông được coi là cơ hội để làm thay đổi "thói suy nghĩ lười nhác thâm căn cố đế" của những người dân làng nông thôn nghèo, bằng cách cho họ thấy "lao động là vinh quang" - một khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các tài liệu.

 

Những cụm từ này cũng được nhắc lại trong quan điểm của nhà nước Trung Quốc, theo đó nói rằng lối sống và tập quán của người Uighur đang tạo rào cản cho công cuộc hiện đại hóa.

 

Nguyện vọng được ở nhà để "nuôi dạy con cái" thì được miêu tả là một "nguyên nhân quan trọng gây nghèo", theo một báo cáo tuyên truyền khác về lợi ích của việc đi thu hoạch bông.

 

Nhà nước mở những hệ thống "tập trung hóa" việc chăm sóc trẻ em, người cao tuổi và trông nom gia súc để mọi người "không phải lo lắng khi đi ra ngoài làm việc".

 

Và cũng có nhiều nội dung nói về việc những người hái bông được huy động ra sao, họ phải chịu sự kiểm soát và giám sát như thế nào - có vẻ như rất khác thường so với thông lệ tuyển dụng lao động.

 

Một tài liệu về chính sách từ vùng Aksu, đề ngày là tháng 10 năm nay, quy định rằng những người hái bông phải được đưa đi thành từng nhóm, có các viên chức đi kèm, là những người "cùng ăn, cùng sống, cùng học tập và lao động với họ, chủ động triển khai việc giáo dục tư tưởng trong thời gian hái bông".

 

Mahmut - không phải là tên thật - một thanh niên Uighur nay sống tại châu Âu, đã không thể trở về Tân Cương, bởi việc từng đi ra nước ngoài là một trong những lý do chính khiến một người bị bắt vào trại.

 

Ngay cả việc giữ liên lạc với gia đình ở quê nhà cũng trở thành việc gây quá nhiều nguy hiểm cho người thân.

 

Trong lần cuối cùng liên hệ với người nhà, hồi 2018, anh biết tin cả mẹ và chị gái mình đều đã bị đưa đi làm việc ở nơi khác.

 

"Họ đưa chị gái tôi tới thành phố Aksu để làm việc trong nhà máy máy dệt vải," anh nói với tôi. "Chị ấy ở nhà máy đó ba tháng và không được trả đồng nào."

 

"Vào mùa đông, mẹ tôi đi hái bông theo yêu cầu của viên chức chính phủ - họ nói họ cần 5 đến 10% dân làng, họ đến gõ cửa từng nhà."

 

"Mọi người đi bởi sợ sẽ bị tống vào tù hoặc đưa tới nơi nào khác nếu không chịu đi."

Trong năm năm qua, những chuyến đi đến từng nhà như thế đã trở thành cơ chế chế then chốt được áp dụng để kiểm soát Tân Cương. Có 350.000 viên chức được triển khai để thu thập thông tin chi tiết kết, xâm phạm tới quyền riêng tư của từng hộ gia đình người thiểu số.

 

Những người bị các "nhóm làm việc cấp làng xã" này gọi đi làm cũng chỉ nhận ra rằng họ là công cụ trong việc quyết định ai sẽ bị bắt đưa đi trại giam.

 

'Hoàn toàn bịa đặt'

 

Ngành trồng bông Tân Cương từng dựa vào di dân là lao động thời vụ đến từ các tỉnh khác của Trung Quốc.

 

Nhưng thu hoạch bông khét tiếng là công việc nặng nhọc. Mức lương tốt hơn cùng công việc nhẹ nhàng hơn ở những nơi khác khiến di dân không còn tới nữa.

 

Nay, các báo cáo tuyên truyền nói rằng nguồn cung ứng lao động địa phương mới được phát hiện vừa giải quyết được khủng hoảng nhân công vừa giúp tăng thu nhập cho người trồng bông.

 

Nhưng trong các báo cáo này không hề có lời giải thích thực sự nào về việc tại sao hàng trăm ngàn người - những người rõ ràng chưa từng tỏ ra thích thú với công việc này - lại đột nhiên bị đưa tới các cánh đồng bông.

 

Tuy các tài liệu nói rằng mức thu nhập có thể lên tới 5000 nhân dân tệ một tháng, tương đương 764 đô la Mỹ, nhưng theo một tài liệu thì có vẻ như trong một nhóm 132 người hái bông được đưa đi từ cùng một làng, tiền lương tháng trung bình chỉ là 1670 nhân dân tệ, tức là 255 đô la Mỹ, mỗi người.

 

Bất kể mức lương là bao nhiêu thì việc đi làm được trả tiền vẫn bị coi là lao động cưỡng bức, theo công ước quốc tế có liên quan.

 

Sau khi gửi câu hỏi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, BBC nhận được trả lời bằng fax: "Người lao động từ mọi nhóm sắc tộc thiểu số ở Tân Cương đều chọn lựa công việc theo ý nguyện cá nhân và tự nguyện ký hợp đồng lao động phù hợp với pháp luật."

 

Tỷ lệ nghèo ở Tân Cương đã giảm từ gần 20% hồi năm 2014 xuống chỉ còn trên 1% ngày nay, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.

 

Bản tuyên bố nói các cáo buộc về lao động cưỡng bức là do phương Tây "hoàn toàn thêu dệt", và cáo buộc những người chỉ trích Trung Quốc muốn gây ra nạn "bắt buộc phải thất nghiệp và bắt buộc phải đói nghèo" ở Tân Cương.

 

"Những gương mặt tươi cười của toàn bộ người dân thiểu số ở Tân Cương là sự đáp trả mạnh mẽ nhất trước những lời nói dối và đồn thổi của Hoa Kỳ," tuyên bố nói.

 

Nhưng Sáng Kiến Vì Ngành Bông Tốt Đẹp Hơn (Better Cotton Initiative), một tổ chức động lập chuyên theo dõi ngành bông vải vốn cổ súy việc áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức và phát triển bền vững trong ngành, nói với BBC rằng mối quan ngại về chương trình giảm nghèo của Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến họ gần đây quyết định chấm dứt việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho các trang trại.

 

Giám đốc Tiêu chuẩn và Kiểm tra Chất lượng, Damien Sanfilippo, nói: "Chúng tôi đã xác định được nguy cơ khiến các cộng đồng nông thôn nghèo có thể bị buộc phải đi làm việc theo hình thức cưỡng bức này là có liên quan tới chương trình giảm nghèo."

 

"Ngay cả khi những nhân công đó được trả mức lương tử tế - mà đó rất có thể là điều đã đang xảy ra - thì đó vẫn không phải là thứ công việc mà họ có quyền tự do lựa chọn."

 

Ông Sanfilippo, người cũng nhắc tới việc nhóm các giám sát viên quốc tế của ông ngày càng bị hạn chế quyền tiếp cận Tân Cương như một nhân tố khác nữa, nói rằng quyết định trên của tổ chức ông chỉ càng làm dấy lên mối rủi ro cho ngành thời trang toàn cầu.

"Trong phạm vi hiểu biết của tôi, không có bất kỳ tổ chức nào hoạt động tại khu vực có thể làm công tác kiểm định cho các sản phẩm bông đó."

 

BBC đã hỏi 30 nhãn hiệu quốc tế lớn rằng liệu họ có dự định tiếp tục dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc hay không, sau khi biết kết quả điều tra của BBC.

 

Trong số những hãng trả lời, chỉ có bốn công ty là Marks and Spencer, Next, Burberry và Tesco nói rằng họ có chính sách nghiêm ngặt theo đó đòi mọi sản phẩm có nguồn gốc cung ứng nguyên liệu từ bất kỳ nơi nào tại Trung Quốc đều không được dùng bông Tân Cương.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/16F68/production/_116065049_xinjiang_prison.jpg

Một trong nhiều khu nhà tù ở Tân Cương

 

Vào lúc chuẩn bị rời Tân Cương, ngay bên ngoài thành phố Korla, chúng tôi đi ngang qua một địa điểm mà hồi năm 2015 còn là một sa mạc trống trơn.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/4B92/production/_116064391_prison_before_after_2x_640-nc-2x.png

Xây nhà tù : Trước (2015) và Sau  (2020)

 

Nay, tại đây có một khu tổ hợp trại giam, nhà tù khổng lồ mà các nhà phân tích độc lập nói rằng người ta có thể nhìn thấy có nhiều nhà máy ở bên trong.

 

Chúng tôi tin rằng đây là hình ảnh độc lập đầu tiên về địa điểm rộng lớn này.

 

Nó chỉ là một trong rất nhiều khu tổ hợp kiểu đó nằm rải rác khắp nơi tại Tân Cương, và nó là lời nhắc nhở lạnh lẽo cuối cùng về những ranh giới bị xóa nhòa giữa việc bắt nhốt ồ ạt và tuyển dụng lao động ồ ạt tại Tân Cương.

 

                                                           ***

 

TIN LIÊN QUAN

.

Tân Cương: Mỹ chặn hàng xuất khẩu vì TQ vi phạm nhân quyền

15 tháng 9 năm 2020

.

Anh cáo buộc TQ ngược đãi thô bạo người Uighurs ở Tân Cương

19 tháng 7 năm 2020

.

 

TQ bác bỏ chỉ trích của Giáo hoàng về người Uighur

Lãnh đạo Tân Cương ca ngợi 'trung tâm giáo dục'

 

Những khu trại bí ẩn của Trung Quốc

 

Anh cáo buộc TQ đối xử 'quá đáng' với người Uighurs

 

TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương

 

Trung Quốc biện minh việc giam giữ người mẫu Uighur ở Tân Cương

 

Video của người mẫu Uighur tiết lộ gì về trại cải tạo tập trung của TQ?

 

Tìm kiếm sự thật trong các trại 'cải tạo' người Duy Ngô Nhĩ

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats