Wednesday, 16 December 2020

CÁO PHÓ CHÍNH TRỊ DÀNH CHO DONALD TRUMP (George Parker - The Atlantic)

 


Cáo phó chính trị dành cho Donald Trump

George Parker  -  The Atlantic

Người dịch (Lược dịch/Phỏng dịch): Ren Dinh

15/12/2020

https://www.the-interpreter.org/post/cao-pho-chinh-tr%E1%BB%8B-danh-cho-donald-trump

 

Translated from The Atlantic article A Political Obituary for Donald Trump

 

Nước Mỹ dưới Trump ít tự do hơn, ít bình đẳng hơn, chia rẽ hơn, cô đơn hơn, nợ nặng hơn, lầy lội hơn, bẩn thỉu hơn, cay nghiệt hơn, ốm yếu hơn, và chết chóc hơn.

 

George Parker, số Tháng 1/Tháng 2, 2021

 

https://static.wixstatic.com/media/be74b3_1599169b6c484b62afdb14d565071104~mv2.jpg/v1/fill/w_740,h_675,al_c,q_90,usm_0.66_1.00_0.01/be74b3_1599169b6c484b62afdb14d565071104~mv2.webp

Ảnh: Patrick White

 

                                                ***

 

Để đánh giá di sản chính trị nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump để lại, trước hết cần phải tính kết quả. Từ tháng Hai vừa qua, hơn 300,000 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19—tức một phần năm ca tử vong vì đại dịch trên toàn thế giới, cũng là số ca tử vong cao nhất tính theo quốc gia. Trong ba năm trước đại dịch, 2.3 triệu người Mỹ đã mất bảo hiểm y tế, dẫn tới 10,000 “ca tử vong vượt quá dự kiến,” và thêm hàng triệu người nữa đã mất bảo hiểm trong đại dịch. Điểm số của Hoa Kỳ trên chỉ số hàng năm của tổ chức nhân quyền Freedom House giảm từ 90 trên 100 từ thời Tổng thống Obama xuống 86 dưới thời Trump, xếp dưới Hy Lạp và Mauritius. Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi 13 tổ chức, hiệp định, và hiệp ước quốc tế. Số lượng dân tị nạn được chấp nhận vào nước giảm từ 85,000 xuống 12,000 người mỗi năm. Tại biên giới phía Nam, rào chắn trải dài khoảng 400 dặm đã được xây. Hiện vẫn không rõ tung tích cha mẹ của 666 đứa trẻ bị quan chức Hoa Kỳ bắt tại biên giới.

 

Trump đã đảo ngược 80 luật lệ và quy chế môi trường. Ông đã bổ nhiệm hơn 220 thẩm phán vào tòa án liên bang, trong đó có ba người trong Tòa án Tối cao—24% nữ, 4% Da đen, và 100% bảo thủ. Số thẩm phán bị Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ đánh giá “không đủ khả năng” nhiều hơn trong bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào khác trong nửa thế kỷ vừa rồi. Khoản nợ quốc gia tăng $7 ngàn tỷ, tức 37%. Trong năm cuối cùng của Trump, thâm hụt thương mại hàng năm đang trên đà vượt quá $600 tỉ, con số lớn nhất từ năm 2008. Trump ký duy nhất một đạo luật lớn, là luật thuế 2017. Theo một nghiên cứu, đạo luật này là lần đầu tiên tổng mức thuế cho 400 người Mỹ giàu có nhất được giảm xuống thấp hơn tất cả các nhóm thu nhập khác. Năm đầu tiên làm tổng thống, Trump đã trả $750 tiền thuế. Khi ông còn đương chức, người đóng thuế và người quyên góp cho chiến dịch đã đóng góp ít nhất $8 triệu cho doanh nghiệp gia đình của ông.

 

Nước Mỹ dưới Trump ít tự do hơn, ít bình đẳng hơn, chia rẽ hơn, cô đơn hơn, nặng nợ hơn, lầy lội hơn, dơ bẩn hơn, cay nghiệt hơn, đau ốm hơn, và chết nhiều hơn. Nhiều dân Mỹ cũng ảo tưởng hơn. Không con số nào trong bốn năm tại chức của Trump có sức tàn phá lâu dài hơn 25,000 lời nói sai sự thật hoặc tung hỏa mù của ông. Được lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội và truyền hình, chúng làm vấy bẩn đầu óc của hàng chục triệu người. Những lời nói dối của Trump sẽ đọng lại trong nhiều năm tới, đầu độc xã hội như một thứ bụi phóng xạ.

 

Các vị tổng thống đều thường xuyên nói dối, về tất cả mọi thứ từ chiến tranh tới tình dục tới sức khoẻ của họ. Khi đủ nghiêm trọng, những lời nói dối sẽ làm xói mòn nền dân chủ. Lyndon B. Johnson đã lừa gạt người Mỹ về sự cố Vịnh Bắc Bộ và tất cả những thông tin liên quan tới Chiến tranh Việt Nam. Tính nói quanh co của Richard Nixon khiến người ta gọi ông là “Tricky Dick” (Con c* tinh ranh - ND). Sau Việt Nam và Watergate, người Mỹ chưa thực sự tin tưởng lại chính phủ hoàn toàn. Nhưng trong những trường hợp tổng thống nói dối này, mục đích của ông ta khá hạn hẹp và hợp lý hóa: để che đậy một vụ bê bối, làm một thảm họa biến mất, bẻ hướng dư luận để thực hiện một mục đích cụ thể. Có thể nói rằng người Mỹ biết các vị lãnh đạo của họ sẽ bịa đặt tới một mức độ nhất định, nhưng không tệ như thế này. Trong chiến dịch tranh cử của ông năm 1976, Jimmy Carter đã hứa, “Tôi sẽ không bao giờ lừa gạt các bạn,” và ông đã giữ lời. Sau đó, cử tri trả ông về Georgia. Tiếc thay, những hứa hẹn viển vông của Ronald Reagan được ưa chuộng hơn rất nhiều.

 

Những lời nói dối của Trump lại khác. Chúng vượt qua thực tế. Chúng không tấn công sự thật này hay sự thật kia, mà nhắm thẳng vào chính hiện thực. Chúng vượt khỏi chính sách lan vào đời tư, làm mù quáng tâm trí những người hít vào ô nhiễm ông tạo ra, xoá nhoà ranh giới giữa thực và hư. Mục đích của chúng là lộ liễu ra những thứ đáng hổ thẹn để bình thường hóa chúng. Ông thậm chí còn thẳng thắn một cách đáng kinh ngạc về những điều mà các vị tổng thống khác sẽ gắng sức giữ kín: cảm nhận chân thực của ông về Thượng nghị sĩ John McCain và những anh hùng chiến tranh khác; sự hăng hái khi bài trừ những thuộc hạ bất trung; mong muốn cơ quan hành pháp bảo vệ bạn bè và tấn công kẻ thù của ông; nỗ lực tống tiền một lãnh đạo nước ngoài nhằm moi tin xấu về đối thủ chính trị của ông; tình thương mến dành cho Kim Jong Un và sự ngưỡng mộ Vladimir Putin; cái nhìn tích cực với nhóm chủ nghĩa dân tộc da trắng; thái độ hung hãn với các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số; và sự khinh miệt phụ nữ.

 

Đến cả những người giả dối nhất đi trước Trump cũng phải cẩn thận hạn chế những ý nghĩ này trong khuôn khổ chỉ có thu âm trong riêng tư mới có. Trump lại công khai bày tỏ cảm nghĩ, không phải vì ông không thể kìm lại được, mà vì ông cố tình, thậm chí có tổ chức rõ ràng, nhắm tới phá bỏ những quy chuẩn bó hẹp quyền lực của ông. Với những người ủng hộ ông, sự trơ tráo này tượng trưng cho sự chân thật và sức mạnh. Họ nắm được thông điệp rằng chính họ cũng có thể tự do ngôn luận mà không cần hối lỗi. Với những người chống lại ông, việc đấu tranh đúng luật—dù qua những cử chỉ nhỏ nhất như gọi ông là “Tổng thống Trump”—có cảm tưởng như một trò chơi bế tắc. Vậy nên, diễn ngôn chính trị Mỹ ở mọi nơi bị xuống cấp, để lại một lỗ hổng đáng hổ thẹn.

 

Những lời sai trái hàng loạt của Trump—có thể lên đến 50 mỗi ngày trong những tháng nước sôi lửa bỏng cuối cùng của chiến dịch 2020—đã dâng lên sự tàn nhẫn lồ lộ của ông. Nói dối chỉ là một sắc thái khác của vô liêm sỉ. Như khi ông dõng dạc nói lên những gì cần giữ kín cho bản thân, ông đã nói dối hết lần này đến lần khác về những vấn đề đã được kiểm chứng—càng trơ tráo và thường xuyên càng tốt. Hai ngày sau khi các cuộc khảo sát kết thúc và kết quả cho thấy ông gần như chắc chắn sẽ thua, Trump đã đứng ở bục Nhà trắng và tuyên bố ông là người đã thắng cuộc bầu cử mà đối thủ của ông đang cố ăn cắp.

 

Thuyết âm mưu chưa từng có trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump đã được sự phụ hoạ và phóng đại của những đứa con được cưng chiều của ông, nhân viên phục tùng, và những kẻ nịnh hót trong Quốc hội và truyền thông. Tất cả lập tức phát tán hàng chục tuyên bố rằng cuộc bầu cử có gian lận. Như một quy trình, mỗi khi Trump tung ra một lời nói dối, Đảng Cộng hòa răm rắp tuân theo. Trong một tuần sau Ngày Bầu cử, các cáo buộc sai về gian lận cử tri tại các bang dao động đã được nhắc đến gần 5 triệu lần trên báo chí và mạng xã hội. Trong một cuộc thăm dò, 70% cử tri Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử không có sự tự do hay công bằng.

 

Câu chuyện bị đâm sau lưng đã in sâu vào tâm trí hàng triệu người Mỹ, bị tàn dần nhưng không thể bị phân huỷ như đồng vị carbon, ngấu nghiến lấy những mảnh vụn còn sót lại của niềm tin vào thể chế và giá trị dân chủ của người dân. Câu chuyện này sẽ đào sâu thêm sự chia rẽ giữa những kẻ thờ phụng Trump và những đồng minh của họ, tuy sống cùng một thị trấn nhưng trong một vũ trụ hoàn toàn khác. Và đó chính là mục đích của Trump—giam chúng ta vào một nhà tù trí óc nơi hiện thực là một thứ mơ hồ, để ông có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực dù là trong hay ngoài Nhà trắng, trong đó có cả quyền lực huỷ diệt.

 

Những người chống đối ông cho rằng những lời nói dối này được tung ra nhằm thoái hoá đạo đức và tinh thần. Thống kê số lượng hay kiểm chứng hay vạch trần thuyết âm mưu cũng không ích gì. Trump đã cho ta thấy hết lần này đến lần khác rằng sự thật không quan trọng. Với những người có lý trí, điều này khiến họ hoài nghi, phẫn nộ, mệt mỏi, và cuối cùng là muốn quay lưng đi và bỏ lại chuyện chính trị cho những kẻ ảo tưởng.

 

Với những tín đồ của Trump, hậu quả còn tệ hơn rất nhiều. Họ đã phó mặc khả năng đánh giá sự thật cơ bản, tự đày bản thân ra khỏi suy nghĩ độc lập. Họ trở thành những mảnh rác cuốn theo chiều gió của bất kỳ lời nói lố bịch nào thổi từ phía @realDonaldTrump. "Sự thật", đối với họ, là bất cứ thứ gì khiến thế giới trọn vẹn trở lại theo ý họ, bằng cách tấn công kẻ thù của họ—càng viển vông càng hiệu nghiệm và ly kỳ. Sau cuộc bầu cử, khi các cáo buộc gian lận bắt đầu chất đống, Matthew Sheffield, một nhà hoạt động truyền thông từng thuộc cánh hữu, đã tweet: “Đối với các nhà báo bảo thủ, "sự thật" là bất cứ thứ gì gây hại tới ‘cánh tả.’ Nó thậm chí không cần có thật. Vì vậy, hàng loạt lời nói dối của Trump ngay giữa ban ngày về bất cứ điều gì đều chính đáng, vì những lừa gạt này dẫn tới một "sự thật" họ thích hơn: những người theo chủ nghĩa tự do là những kẻ xấu xa.”

 

Làm sao để một nửa quốc gia—những người Mỹ thiết thực, thông minh, độc lập, đang cân bằng các khoản chi tiêu gia đình và thực hành được các hướng dẫn sửa chữa phức tạp—đã rơi vào tình cảnh suy giảm nhận thức khi nói đến chính trị như thế? Đổ tội cho sự thiếu hiểu biết hay dốt nát là một sai lầm. Cần một hành động do ý chí thúc đẩy và một loại năng lượng và trí tưởng tượng nhất định mới có thể thay thế sự thật bằng quyền uy của một kẻ bịp bợm như Trump. Hannah Arendt, trong The Origins of Totalitarianism (tạm dịch: Nguồn gốc của Chủ nghĩa toàn trị), miêu tả sự nhạy cảm với tuyên truyền của quần chúng . Họ bị “ám ảnh bởi nguyện vọng được trốn thoát khỏi thực tại vì trong tình trạng vô gia cư thiết yếu của mình, họ không thể chịu đựng thêm những khía cạnh ngẫu nhiên, không thể hiểu nổi của nó.” Họ tìm nơi nương náu ở “một khuôn mẫu nhân tạo của sự nhất quán tương đối” mà ít liên quan tới hiện thực. Dù Hoa Kỳ vẫn là một nước cộng hòa dân chủ, không phải một chế độ độc tài, và Trump là một kẻ dân túy đặc trưng Mỹ, không phải một kẻ độc tài phát xít, những người theo ông đã ruồng bỏ tri giác chung và tìm thấy trong ông đường lối tiếp cận thế giới họ thích. Thất bại của ông sẽ không thay đổi điều này.

 

Trump cũng đã làm tổn thương những người còn lại. Ông đã tiến xa được như vậy bằng cách lôi kéo sự thù địch lâu năm của quần chúng bình dân với giới tinh hoa. Trong một xã hội dân chủ, ai được tuyên bố đâu là sự thật—chuyên gia hay người dân? Nhà sử gia Sophia Rosenfeld, tác giả Democracy and Truth (tạm dịch: Dân chủ và Sự thật), đã theo vết mối xích mích này về thời đại Khai sáng, khi dân chủ hiện đại lật đổ quyền lực của vua chúa và linh mục: “Lý tưởng của quá trình chân lý dân chủ đã bị đe dọa nhiều lần từ cuối thế kỷ XVIII do nỗ lực độc chiếm, không của người này thì của người khác trong những nhóm nhận thức này - chuyên gia hay quần chúng.”

 

Hiện tượng chuyên gia độc chiếm chính sách— nhà đàm phán thương mại, quan chức chính phủ, nhà nghiên cứu chính sách, giáo sư, nhà báo—đã góp phần tạo nên phản ứng dữ dội mang tính dân tuý, thứ đã trao thêm quyền cho Trump. Triều đại dối trá của ông đã buộc những người Mỹ có giáo dục phải kiên quyết hơn đặt niềm tin và thậm chí là danh tính của họ vào những chuyên gia mà đôi lúc không xứng đáng được như vậy (các Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh, những người thăm dò bầu cử). Cuộc chiến giữa nhóm dân túy và chuyên gia khiến cả hai bên không màng tới chuyện thuyết phục nhau - một yếu tố dân chủ khẩn thiết. Sự bế tắc biến họ thành những nhân vật biếm hoạ.

 

Di sản của Trump gồm một Đảng Cộng hòa cực đoan đang cố níu lấy quyền lực qua những cách thức phi dân chủ trắng trợn, và một mối xung đột cực đoan đóa. Ông để lại một xã hội nơi niềm tin bị suy biến và mọi người học theo ông gian dối thuế và chế nhạo nỗi đau khổ của người khác. Nhiều chính sách của ông có thể được đảo ngược hoặc giảm nhẹ. Công việc khó hơn rất nhiều, là tẩy rửa những lời nói dối của ông khỏi tâm trí chúng ta và khôi phục lại một cách hiểu chung về hiện thực—sự đồng thuận rằng A là A và không phải là B, dù có bất tiện đến đâu—để bảo toàn nền dân chủ.

 

Nhưng giờ chúng ta đã có cơ hội, vì hai sự kiện trong năm cuối cùng nhiệm kỳ của Trump đã phá vỡ bùa mê làm đồi bại sự thật của ông. Sự kiện đầu tiên là coronavirus. Ngày 11 tháng 3, 2020, hồi kết của Trump bắt đầu khi ông phát biểu trước toàn quốc về chủ đề đại dịch lần đầu tiên và ta thấy được ông hoàn toàn hoang mang. Con virus là một sự thật mà Trump không thể nói dối thành dĩ vãng hay biến thành một thứ vũ khí chính trị—nó quá riêng tư và đáng sợ, quá thật. Khi hàng trăm ngàn người Mỹ đã tử vong, trong đó nhiều ca đã có thể tránh khỏi, chính quyền lại đang nhảy múa giữa ảo tưởng, kích động bè phái, và tội vô trách nhiệm. Do đó, một lượng lớn người Mỹ đã nhận ra những lời dối trá của Trump có thể đẩy người thân của mình vào chỗ chết.

 

Sự kiện thứ hai là vào ngày 3 tháng 11. Trong nhiều tháng, Trump đã cuống cuồng cố phá hủy niềm tin của người Mỹ vào cuộc bầu cử—cốt lõi của hệ thống dân chủ, một đòn bẩy quyền lực chắc chắn thuộc về người dân. Nỗ lực của ông gồm nói dối liên tục về gian lận trong phiếu bầu qua thư. Nhưng những phiếu bầu đã ùa về các văn phòng bầu cử, và cử tri đã xếp hàng từ trước bình minh vào ngày đầu tiên của đợt bầu cử sớm, và có người chờ đến 10 tiếng để bầu. Tới cuối Ngày Bầu cử, bất kể mối đe dọa tăng vọt của đại dịch, hơn 150 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu—tỷ lệ đi bầu cao nhất kể từ năm 1900. Một lần nữa, vị tổng thống thất cử lại cố vấy bẩn lòng tin của chúng ta bằng cách tước đoạt phiếu bầu của chúng ta. Cuộc bầu cử không hề đặt dấu chấm hết cho sự dối trá của ông—không gì có thể cả—hay những mâu thuẫn sâu sắc hơn mà những lời nói dối ấy vạch trần. Nhưng ta đã rút được bài học rằng chúng ta vẫn muốn có một nền dân chủ. Điều này cũng là một di sản của Donald Trump.

 

-------------------------

Người dịch (Lược dịch/Phỏng dịch): Ren Dinh

Biên tập: L. Tạ

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats