Wednesday, 27 January 2021

LẠI NÓI VỀ CHUYỆN NGƯỜI VIỆT TUNG TIN VỊT VỀ BẦU CỬ MỸ (Jackhammer Nguyễn)

 


 

Lại nói về chuyện người Việt tung tin vịt về bầu cử Mỹ

Jackhammer Nguyễn

28/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/28/lai-noi-ve-chuyen-nguoi-viet-tung-tin-vit-ve-bau-cu-my/

 

Tôi vừa đọc bài của hai tác giả Lâm Bình Duy Nhiên và phản biện của Nguyễn Đình Cống. Trong bài “Cầm bút và im lặng trước cái xấu”, tác giả Lâm Bình Duy Nhiên phê phán giới cầm bút trong và ngoài nước, im lặng trước tin vịt tiếng Việt về bầu cử Mỹ.

 

Giáo sư Nguyễn Đình Cống phản biện trong bài ngắn “Xin đừng vội trách”, nội dung chủ yếu là, những người không lên tiếng là do họ không biết gì để nói (thiếu thông tin), nên đừng trách họ.

 

Cả hai tác giả đều là những người có trách nhiệm khi viết hai bài kể trên. Tác giả Lâm Bình Duy Nhiên có lẽ sống ở nước ngoài, còn cụ Cống sống ở trong nước.

 

Điểm quan trọng của Lâm Bình Duy Nhiên là tại sao lại có thể dễ dàng phê phán cộng sản, trong khi lại im lặng trước chuyện người Việt tung tin vịt khắp nơi trong cuộc bầu cử vừa qua. Tôi cho là tác giả nói đến những người Việt ở hải ngoại, mà đặc biệt là ở Mỹ, tuy nhiên trong lời dẫn tác giả lại nói là trong và ngoài nước.

 

Như vậy, dẫn tới phản ứng của cụ Cống là hợp lý và tôi rất đồng tình. Tôi đồng tình nhất ở chỗ cụ Cống nói rằng khi lên án chế độ cộng sản từ trong nước không bao giờ là một hành động dễ dàng.

 

                                                        ***

Nhân câu chuyện qua lại của hai tác giả này, tôi muốn xem xét thêm nhiều khía cạnh của hiện tượng tin vịt trong không gian tiếng Việt trong năm vừa qua.

 

Đầu tiên, xin nói về những “người cầm bút” trong nước phao tin vịt. Những người này cũng khá đa dạng, từ những nhân vật bất đồng chính kiến từng vào tù ra khám, cho đến những quan chức về hưu của chế độ cộng sản, nhưng thường lên tiếng phê bình chế độ.

 

Xin tạm nêu tên một số nhân vật công chúng, mà bài viết của họ có chứa đựng tin vịt còn đầy trên Facebook: LS Lê Văn Luân, LS Lê Công Định, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), TS Nguyễn Xuân Diện, nhà báo Lê Phú Khải, nhà báo Nguyễn Đình Ấm…

 

Việc đưa tin vịt của họ về gian lận bầu cử, về bạo loạn ở Capitol – tòa Quốc hội Mỹ ngày 6/1, về AntiFa,… làm cho chúng ta ngạc nhiên về mức độ nông nổi của họ, vì họ không phải là người dân bình thường, không thể phân biệt được nguồn tin nào là đáng tin cậy, nguồn nào là không. Thậm chí tôi cho là nhận thức và sự tiếp cận tin tức của họ còn cao hơn những cộng đồng dân cư Mỹ ở vùng sâu, vùng xa.

 

Xin gạt qua một bên việc dùng tiêu chuẩn kép, hay là mục đích biện minh cho phương tiện, vì hai điều này rất xấu, và theo nguyên tắc nghĩ tốt cho người khác (the benefit of the doubt), ta hãy nghĩ đến những nguyên nhân khác.

 

Nguyên nhân đầu tiên tôi nghĩ rằng, những người này là những người duy cảm chứ không duy lý. Cảm xúc họ quá mạnh, trong trường hợp này là lòng ái quốc quá lớn, lòng căm thù Trung Quốc xâm lược quá lớn, điều đó dẫn đến họ yêu mến Donald Trump vô vàn, và họ tin những gì ông ta nói (tổng thống Mỹ cơ mà).

 

Nguyên nhân thứ hai là sự lộng giả thành chân của Đảng Cộng sản. Trong thời gian qua, việc tranh cãi về nước Mỹ, về tổng thống Mỹ, đã cho cơ quan tuyên giáo cộng sản Việt Nam cơ hội vàng để thao túng truyền thông. Người trong nước được xem thoải mái các kênh YouTube tiếng Việt, loan tin vịt từ nhóm Đại Kỷ Nguyên, từ các kênh “Việt kiều”. Báo chí “lề đảng” cũng dịch và đưa tin rất ỡm ờ về bầu cử Mỹ. Các bài tiếng Anh trên Fox, Newmax, OAN, Epoch Times… chứa đầy tin vịt, có thể kiểm chứng dễ dàng, nhưng nó được dịch ra tiếng Việt rất giật gân.

 

Ngoài ra, trong tiềm thức các cựu viên chức nhà nước Việt Nam, có thể có những bài học tẩy não của nền giáo dục Cộng sản trước đây, rằng xã hội Tư bản là thối tha, dân chủ tư bản là giả dối bị các tập đoàn tư bản thao túng giật dây. Nếu họ có cái tiềm thức như thế thì khi có “tin” (vịt) nói rằng bầu cử ở Mỹ gian lận, có nhà nước ngầm ở Mỹ, tòa án Mỹ bị Tàu mua chuộc,… thì họ sẽ tin ngay.

 

Đó là những người có hiểu biết và có thói quen theo dõi tin tức hàng ngày, huống hồ gì người dân thường ở Việt Nam (mà có thể cả ở Mỹ nữa). Khổ nỗi là bây giờ mạng xã hội lại tạo điều kiện cho họ trở thành những người cầm bút bất đắc dĩ.

 

                                                           ***

Hãy xem xét trường hợp cô Nguyễn Thùy Dương ở Thủ Thiêm. Cô là con cái gia đình cách mạng cộng sản. Cô Dương bực bội chuyện một quan chức cộng sản là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cứ nói những chuyện mỵ dân khi tiếp dân Thủ Thiêm bị mất đất, bèn ném chiếc dép vào bà Tâm.

 

Đây là một hành động của một người biết phân biệt cái đúng và cái sai trước mắt mình, trong cuộc sống của mình. Thế nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng cô Dương biết những chuyện đúng sai xảy ra bên Mỹ thì quá sức cô ấy.

 

Mới đây cô ấy viết một bài về ông cựu tổng thống Mỹ nhiều tai tiếng Donald Trump. Cô Dương cho rằng, ông Trump đã lập văn phòng và sẽ kiểm soát việc điều hành quốc gia của tổng thống Biden, rằng ông Trump “buộc ông Biden phải lái con thuyền nước Mỹ, ít nhiều theo sự ảnh hưởng của ông Trump”. Một nhận định hết sức nghô nghê và buồn cười!

 

Điều đó đáng thương hơn đáng trách. Điều đáng trách là biết bậy mà vẫn làm.

Những kẻ biết bậy mà vẫn làm, đó là những kênh YouTube đưa tin vịt câu view, kiếm quảng cáo ăn tiền của vô số người tại hải ngoại, trong đó có cả những nhân vật từng tranh đấu, vào ra nhà tù cộng sản, cả những nhân vật không thể gọi là kém hiểu biết của cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ đang ở Mỹ, họ chứng kiến chuyện gì đang diễn ra, mà vẫn loan tin vịt.

 

Những người này họ không im lặng đâu, thưa tác giả Lâm Bình Duy Nhiên, họ nói nhiều nữa là khác và rất thích nói bậy để kiếm tiền.

 

----------------------------------------

 

MỜI XEM LẠI

 

Người Việt và luật pháp

Jackhammer Nguyễn

23/01/2021

https://baotiengdan.com/2021/01/23/nguoi-viet-va-luat-phap/

 

Người Việt cộng sản

 

Những người Cộng sản Việt Nam rất e ngại luật pháp. Đây là nhận xét của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhân chứng trong những ngày đầu tiên khi chế độ cộng sản được thiết lập trên miền Bắc Việt Nam:

 

“Thời gian trôi đi, Đảng lần khân và chậm quyết định mở lại hay đóng cửa trường Luật. Tôi hiểu những ngần ngại này. Trong nhiều năm được nhà cầm quyền chỉ định làm luật sư (avocat d’office) tại các toà án, và nhờ giao tiếp thường xuyên với những người được gọi là có trách nhiệm, tôi đo lường được trong cái vô thức bí mật của họ, sự ghê tởm luật pháp đến thế nào!”

 

Luật sư Nguyễn Mạnh Tường học luật ở Pháp, về nước tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng ông không phải là đảng viên cộng sản và cũng không tham gia mặt trận Việt Minh.

 

LS Tường giúp đỡ chính quyền cộng sản Hà Nội trong những bang giao quốc tế sau năm 1954. Sau khi có một bài phát biểu công khai (do những người cộng sản yêu cầu) vạch ra sự sai lầm chết chóc của cải cách ruộng đất, ông bị nhà nước cộng sản tước hết mọi quyền làm việc, sống nghèo khổ đến cuối đời. Những dòng trên do ông viết trong quyển hồi ký “Người bị rút phép thông công”, xuất bản tại Pháp.

 

Người ta cũng lưu truyền một câu nói được cho là của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng, nói với ông Tường rằng, luật pháp chỉ có trói tay mà thôi.

 

Thời cải cách ruộng đất Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thành lập các tòa án nhân dân gồm những bần cố nông tham gia, để xử các địa chủ, không có luật sư tranh biện gì cả. Cho đến tận những năm đầu của cuộc cải cách kinh tế sau năm 1986, hệ thống luật sư đoàn mới được tái lập lại ở Việt Nam, nghề luật sư trở lại.

 

Dù có luật sư đoàn, nhưng các tòa án vẫn do ĐCSVN nắm chặt, không thể độc lập xử án. Các thẩm phán, công tố viên đều phải là người của Đảng. Trong các vụ án được cho là mang tính chính trị, xử những người bất đồng chính kiến, sự hiện diện của luật sư tại tòa hầu như mang tính hình thức. Khá đông luật sư, dù được chính chế độ cộng sản đào tạo, bị bỏ tù, hay phải lưu vong.

 

Sự việc thể hiện rõ nhất về thái độ nghi kỵ căm ghét luật pháp của những người cộng sản vẫn sống dai dẳng đến thế kỷ 21. Sự việc thể hiện rõ nhất thái độ này là việc ông Nguyễn Đăng Trừng, một luật sư được đào tạo dưới chế độ Sài Gòn trước năm 1975, bị khai trừ Đảng, mất ghế đứng đầu đoàn luật sư Sài Gòn vào năm 2014.

 

 

Người Việt không cộng sản

 

Thế nhưng, những người Việt chống đối chế độ cộng sản cũng không có thái độ khác biệt mấy so với những người cộng sản về luật pháp. Có khá đông luật sư bị chế độ cộng sản bỏ tù, rồi đi lưu vong. Trong phong trào đối kháng tại Việt Nam trước năm 2020, cũng có khá đông luật sư.

 

Với sự tham gia của giới luật sư, phong trào đối kháng tại Việt Nam đưa ra khá nhiều tuyên bố rất mạch lạc về sự cần thiết phải có một nền pháp lý độc lập, các tòa án được độc lập với quyền lực chính trị, thì mới có thể có công lý, và về lâu về dài mới có dân chủ cho Việt Nam.

 

Việc thúc đẩy khái niệm tư pháp độc lập này được nói ra rất dễ dàng vì nó rất hiển nhiên, nhất là trong hoàn cảnh đối lập với chế độ đàn áp theo kiểu công an trị, trong đó có khi các vị thẩm phán có nguồn gốc từ công an.

 

Cho nên, có thể nói không ngoa rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa nước Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc đấu tranh để có một nền tư pháp độc lập.

 

Nhưng khái niệm tư pháp độc lập này, lý tưởng cao cả này của phong trào đối kháng Việt Nam bị thử thách mạnh mẽ trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 ở Mỹ, bằng một loại thuốc thử lý thú là Donald Trump.

 

Ông Trump sau khi thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, bèn tuyên bố vung vít là ông bị gian lận. Hoa Kỳ là một nhà nước có chế độ tam quyền phân lập rõ rằng, những bất đồng tranh cãi cuối cùng phải được đem ra tòa. Tòa án độc lập của Mỹ ở mọi cấp, từ cấp tiểu bang, liên bang, đến Tối cao Pháp viện, đều bác bỏ những đơn kiện của ông Trump vì không có chứng cứ, trong đó, chính những vị thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm cũng đã bác bỏ đơn kiện của ông.

 

                                                 ***

Người Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó có khá nhiều luật sư, nhiệt tình ủng hộ ông Trump và chỉ trích, chửi mắng các tòa án độc lập của Mỹ. Giới bất đồng chính kiến Việt Nam, trong và ngoài nước cũng phụ họa, tham gia dàn đồng ca chỉ trích này. Trong số những người này, có cả những người từng học tập và sinh sống ở các xã hội dân chủ như Mỹ, châu Âu, họ có bằng cấp, có người là nhà báo, luật sư…

 

Việc ủng hộ ông Trump là bình thường, trong trường hợp ông ta đúng; còn nhắm mắt ủng hộ ông ta, bất kể đúng sai, vỗ tay tung hô ông ta vi phạm luật pháp, thì đó mới là vấn đề. Việc thúc đẩy một nền tư pháp độc lập cho Việt Nam là một điều hiển nhiên, nhưng việc vô cùng khó hiểu là, cũng chính những con người đó thẳng thừng bác bỏ nền tư pháp độc lập, tòa án độc lập của Hoa Kỳ.

 

 

Họ muốn gì?

 

Tôi không phải là người duy nhất nhận xét rằng, năm 2020 là năm mà phong trào đối kháng tại Việt Nam hầu như chấm dứt.

 

Có phải là những người đối kháng dùng những tiêu chuẩn kép, một mặt họ đòi đảng CSVN phải công nhận tam quyền phân lập, tòa án độc lập, mặt khác họ phủ nhận các bản án của tòa án độc lập Hoa Kỳ?

 

Hay là ta nên hiểu một cách nhẹ nhàng hơn cho họ, rằng họ chẳng biết thế nào là tòa án, tư pháp độc lập, những điều mà họ đã và đang đòi?

 

Với hai cách hiểu đó đều dẫn đến kết luận rằng, phong trào đối kháng tan rã là chuyện tất phải đến. Nếu họ chẳng biết thế nào là sự độc lập của tòa án, một cột trụ của nền dân chủ thì làm sao họ đấu tranh để đòi được nó?

 

Nếu họ dùng tiêu chuẩn kép thì họ là những người không lương thiện, mà không lương thiện thì làm sao có thể tranh đấu, đòi những giá trị tốt đẹp cho Việt Nam?

 

Hãy hình dung, những người đối kháng đó cai trị nước Việt Nam, họ cũng sẽ bảo tòa án xử án theo ý họ mà thôi, nghĩa là không khác gì nhà nước Cộng sản hiện nay.

 

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats