Joe
Biden : Người của Trung Quốc ?
Tú
Anh -
RFI
Đăng
ngày: 27/01/2021 - 14:02
Covid-19, phong tỏa hay không phong tỏa, vì sao
chính phủ Pháp do dự ? Cô đơn, giới trẻ suy sụp tinh thần. Tân tổng thống Mỹ Joe Biden có
thật là « người của Trung Quốc ? » Đó là những chủ đề lớn
trên báo Pháp hôm nay.
Ảnh tư liệu: Chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp phó tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bắc Kinh ngày 04/12/2013 AP - Lintao Zhang
Covid-19 :
Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm
Tâm trạng người dân
Pháp như thế nào nếu cứ phải tiếp tục sống chung với dịch Covid-19 với phong tỏa,
giới nghiêm tiếp nối triền miên, hạn chế sinh hoạt ?
Sức khỏe tinh thần của giới
trẻ, học sinh và sinh viên tiếp tục là đề tài tranh luận. Trong thời khủng hoảng,
ông bà nội ngoại là những người đóng vai trò then chốt chuyển tải lịch sử
gia đình, tạo niềm tin cho thế hệ sau. Liệu có nên kéo dài thời gian bãi trường,
từ hai tuần lên một tháng để chận dịch hay không ? Phóng sự điều tra của
La Croix. Giáo sư đại học bất lực nhìn sinh viên của mình khốn khổ vì
« học từ xa » tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác. Nhật
báo Công Giáo mỗi ngày dành nửa trang báo cho độc giả đóng góp ý kiến.
Biếm họa « góc nhìn
của Plantu » trên Le Monde phản ảnh một cách ý nhị : Một đám
cháu nhỏ ngồi nghe bà kể chuyện : Bà quen với ông của các cháu lần
đầu tiên tại một nơi có nhiều cái bàn, có ly, có đĩa… Một đứa cháu vọt
miệng : Nhà hàng. Bà ngạc nhiên hỏi lại : Con
cũng biết nữa à ? Tranh hài này minh họa cho thông tin chính phủ
Pháp tìm cách trấn an dân chúng trong bối cảnh trên mạng xã hội tràn ngập
tin đồn sắp tái phong tỏa, nhân viên y tế xuống tinh thần, châu Âu tính đến
giải pháp hạn chế lưu thông xuyên biên giới. Siêu vi biến chủng lây lan nhưng
tái phong tỏa là một bài toán khó đối với tổng thống Pháp. Điện Elysée lùi
đến cuối tuần để thông báo các biện pháp mới thay vì công bố vào chiều hôm nay
như dự kiến. « Siêu vi của lòng ngờ vực », tựa trên trang
nhất của Libération kèm theo con số 57% : Gần 6 người Pháp trên 10 « không
tin cậy » vào Emmanuel Macron đưa đất nước ra khỏi đại dịch.
Bên cạnh « y tế
và kinh tế » từ nay có thêm « tâm lý » là thông số thứ
ba phải thêm vào phương trình chống dịch. Macron muốn có thêm thời gian cân nhắc
giải pháp tái phong tỏa. Le Figaro báo động : Khủng hoảng y tế kéo
dài làm suy sụp tinh thần của con người. Bạo loạn tại Hà Lan xung đột với cảnh
sát, tấn công hàng quán trong bối cảnh giới nghiêm. Lửa khói có thể lan đến
Pháp, nơi mà phân bón cách mạng đã thể hiện qua phong trào « Áo
Vàng » cách nay hai năm.
Joe Biden có
đúng là « người của Trung Quốc » ?
Bài phân tích của Le
Monde có tựa « Joe Biden đặt cược trên hàng « made in USA »
để vực dậy kinh tế. Chủ trương này được thể hiện qua sắc lệnh bắt buộc
chính quyền mua sản phầm nội hóa.
Khi làm phó tổng thống
cho Barack Obama, Joe Biden ủng hộ Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới
và chủ trương mậu dịch tự do.Do vậy ông bị Donald Trump gọi là
« người của Trung Quốc ».
Trên thực tế, ngay lúc
tranh cử, ông đã lưu tâm đến thành phần cử tri công nhân da trắng mà hãng
xưởng bị đóng cửa do bị hàng nước ngoài giá rẻ cạnh tranh. Đắc cử, ông bảo
vệ quyền lợi công nhân và công đoàn trong chiều hướng tiếp nối chính sách (Nước
Mỹ trước đã) của…Donald Trump.
Ngày 25/01/2021, Joe
Biden đã ký sắc lệnh tổng thống buộc các cơ quan Nhà nước phải sử dụng một cách
hiệu quả hơn ngân sách trang bị hàng năm (600 tỷ đôla) để mua hàng hóa Mỹ.
Tân tổng thống chỉ
trích người tiền nhiệm quá lỏng lẻo. Donald Trump để các cơ quan Nhà nước mua vật
liệu của nước ngoài tăng đến 30%. Đối với Joe Biden, phải đổi cách
tính, trong một sản phẩm mà chỉ có 50% thành tố làm tại Mỹ vẫn chưa có thể gọi
là hàng Mỹ : « Tỷ lệ này phải cao hơn, chúng ta sử dụng tiền
thuế của dân Mỹ để tái thiết nước Mỹ ». Nhật báo Đức
Handelsblatt bực tức : “Biden bắn tín hiệu cỗ vũ cho chủ
nghĩa bảo hộ mậu dịch cho dù bằng một cách ít thô bạo hơn người tiền nhiệm”.
Trong lãnh vực ngoại
thương, tân tổng thống Mỹ không đặt ưu tiên chấm dứt chiến tranh thương mại
cũng không hủy bỏ áp thuế trừng phạt do Donald Trump ban hành.
Trong quan hệ với châu Âu,
một chuyên gia Pháp trấn an : Xung khắc xuyên Đại Tây dương « không
phải là bất đồng cơ bản » và thế nào cũng sẽ có một sự hợp tác
năng động giữa hai bên. Joe Biden phải nhanh chóng tái lập cân bằng trong ngân
sách Nhà nước và thu hút thành phần công nhân da trắng ủng hộ đảng Dân Chủ trước
đã nhưng nợ công và thâm thụt ngân sách cũng không còn là một cản trở. Thêm vào
đó, chính quyền mới sẽ đồng nhịp với châu Âu trong các hồ sơ lớn như khí hậu,
lãnh vực mà công nghiệp Mỹ có nhiều ưu thế, như trong kỹ nghệ số và nhất là
nhân quyền đối với Nga và Trung Quốc.
Le Monde dự báo
Washington sẽ gây sức ép trên dự án ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Nga-Đức) và
thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-Châu Âu.
Tin tặc : Joe
không hiền như Donald
Đối đầu với chiến tranh mạng,
khác với thời Donald Trump chỉ phản đối và trừng phạt, nước Mỹ của Joe Biden
đang tăng cường các biện pháp phản công.
Đây cũng là một
trong nhiều điểm khác biệt nữa giữa chính quyền Biden và của người tiền nhiệm,
theo phân tích của Les Echos. Tân tổng thống Mỹ xem tin tặc là mối hiểm
nguy nghiêm trọng và đã bổ nhiệm một loạt chuyên gia kinh nghiệm vào các
chức vụ then chốt cũng như tăng ngân sách chiến tranh mạng. Không chỉ có
thế, chính quyền Joe Biden sẽ cải cách lực lượng an ninh mạng và phản công. Ron Klain, chánh văn
phòng của tổng thống khuyến cáo: « Những kẻ có trách nhiệm sẽ nhận lãnh
hậu quả, không phải chỉ có trừng phạt không thôi. Mỹ sẽ có biện pháp để
làm giảm khả năng gây hại của các tác nhân nước ngoài ».
Bắc Triều
Tiên : Đại sứ đào tị
Tuy không có sự kiện
nóng, Ukraina và Bắc Triều Tiên chiếm nhiều cột trên trang quốc tế của Le
Monde.
Thêm một nhà ngoại giao Bắc
Triều Tiên đào tị sang Hàn Quốc. Quyền đại sứ Ryu Hyun Woo bỏ nhiệm sở từ năm
2019 « vì tương lai của ba đứa con ». Báo thương mại Hàn
Quốc Maeil Business tiết lộ.
Le Monde cho biết thêm một
số chi tiết thú vị về nhân thân của nhà ngoại giao thuộc « trung tâm
quyền lực » này . Bố vợ Chon Il Chun là bạn thân của bố Kim Jong
Un, nhân vật chủ yếu trong các hoạt động thương mại của Nhà nước, điều hành
phòng 39, quản lý tiền bạc của các quan chức lãnh đạo mà đứng đầu là gia đình họ
Kim. Đại sứ quán tại Koweit là cơ quan đại diện duy nhất của Bắc Triều
Tiên ở vùng Vịnh, bao quản bốn nước, nơi có một đạo quân lao động xuất khẩu,
nguồn ngoại tệ quan trọng của Bình Nhưỡng. Đào tị là một quyết định rất khó
khăn vì thân nhân ở lại có nguy cơ bị trả thù. Để giải thích lý do thúc đẩy một
quan chức chế độ ly khai, Thea Yong Ho, nhân vật số hai của sứ quán Bắc Triều
Tiên tại Luân Đôn, đào tị năm 2016 cho rằng « dù được biệt đãi đến đâu,
một khi ra nước ngoài, người ta sẽ thay đổi và so sánh ». Hàn Quốc
không xác nhận thông tin. Bắc Triều Tiên giữ im lặng.
Ukraina : Ai
phá tổng thống Zelensky ?
Những đại gia trợ giúp tổng
thống đắc cử năm 2019 phá hoại cuộc chiến chống tham nhũng, phóng sự của Le
Monde. Công luận Ukraina lo ngại đất nước rơi vào tình trạng cũ. Vì sao nên nỗi ?
Theo nhiều nhà quan sát, nước
Nga của Putin giật dây các mưu toan phá hoại này. Những người trong
sạch như chưởng lý Rouslan Ryabochapka bị cách chức. Tình hình hiện nay,
theo một vị thẩm phán, tương tự như thời tiền cách mạng Maidan. Nếu Volodimir
Zelensky đi theo bước chân của Viktor Yanukovitch, quay lưng lại với châu Âu,
chạy theo Matxcơva thì sẽ rất nguy hiểm vì xã hội Ukraina sẽ không chấp nhận.
Trung Quốc :Nhà
sư Tây Tạng, 19 tuổi, chết vì tra tấn
Trang thế giới, La Croix
giới thiệu chân dung của một tu sĩ Tây Tạng, 19 tuổi, chết vì bị tra tấn trong
nhà tù Trung Quốc
Tenzin Nyima, qua đời
ngày 19/01/2021 ở Tây Tạng, sau khi bị bắt và bị giam từ ngày 07/11/2019. Tu học
ở tu viện Dza Wonpo, Tứ Xuyên. Tội của nhà sư trẻ có nụ cười má lúm đồng tiền
là cùng với bốn bạn đồng tu phát lời kêu gọi Tây Tạng độc lập. Bị giam cho đến
tháng 5/2020, Tenzin Nyima được thả nhưng đến tháng 10 bị bắt lại với lý do
« chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng ». Vài hôm sau, cảnh
sát báo tin nhà sư trẻ bị « hôn mê » và gọi gia đình đến
lãnh con. Vì thân nhân không có số tiền chi phí tương đương với 5500
đôla, một bệnh viện từ chối chăm sóc cho nạn nhân. Cuối cùng chuyện gì phải
đến đã đến.
Trong bối cảnh tình hình
Tây Tạng căng thẳng từ nhiều năm qua, số phận nghiệt ngã của Tenzin Nyima minh
họa cho chính sách bạo lực và đàn áp của chế độ Trung Quốc đối với sắc dân Tây
Tạng và Duy Ngô Nhĩ.
Human Rights Watch tố
cáo « chính quyền Trung Quốc, một lần nữa, biến lệnh tạm giam tùy
tiện thành án tử hình ».
Bình luận về cái chết của
nhà sư trẻ Tenzin Nyima, Pierre-Antoine Donnet chuyên gia Pháp về Trung Quốc
nhận định « đây là một chính sách Hán hóa toàn diện »,
cũng như tại Tân Cương La Croix kết luận.
No comments:
Post a Comment