Trao
đổi quanh chuyện “Yêu Trump” và “Ghét Trump”
Bauxite Việt Nam
24/12/2020 09:13 | Posted by BVN1
https://boxitvn.blogspot.com/2020/12/trao-oi-quanh-chuyen-yeu-trump-va-ghet.html
Ngày 13-12-2020 BVN đăng bài viết của nhà
báo André Menras Gửi
những người bạn “phây” Việt Nam thật hay giả, thiện chí hay ác ý lên
hai trang boxitevn.net và boxitvn.blogspot.com với tinh thần gửi đến bạn bè
trong nước “một tiếng nói tự bạch, một sự giãi bày của tình bạn, của tri kỷ tri
âm”, nhằm mong mỏi qua bài viết chân tình này, những người Việt vẫn trái ý nhau
trong vòng 4 năm nay về cách đánh giá nhân vật Donald Trump - Tổng thống 45 của
Hoa Kỳ, có thể hàn gắn lại mọi sứt mẻ không đáng có, để cùng nhau phấn đấu cho
một nước Việt Nam tự do dân chủ, cường thịnh, có pháp luật nghiêm minh, trong
đó mọi người dân đều có quyền được sống, nó là mục tiêu hàng đầu trong cuộc đấu
tranh lâu dài của XHDS Việt Nam.
Ngay sau đó một ngày, chúng tôi nhận được bài trao đổi
của Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm): Tâm
sự cùng anh André Menras Hồ Cương Quyết và BBT trang BauxiteVN.
Biết rằng thế nào cũng sẽ có bài trao đổi lại, chúng
tôi bàn nhau hãy khoan đăng mà chịu khó chờ đợi. Quả nhiên, hai ngày sau đó lại
có bài của André Menras gửi đến: Trả lời bạn Ba Sàm.
Chúng tôi vẫn cố gắng chờ thêm. Thì đến hôm qua,
19-12-2020 lại đọc được mấy lời phúc
đáp của Nguyễn Hữu Vinh trên Facebook.
Lẽ ra còn cố nán chờ xem còn bài nào nữa không để
cùng đăng luôn thành một cụm, nhưng sốt ruột quá, vì nhìn sang các trang bạn,
như Diễn đàn và
cả trên Facebook, thì mấy bài này đều đã hiện diện gần đủ mặt. Vả chăng, đọc lời phúc
đáp của Ba Sàm cũng thấy cái âm hưởng “có hậu” của một tình cảm nồng ấm,
hứa hẹn một sự “cạn lời trong tương kính” như mong ước ở cuối Lời giới thiệu của
mình. Bởi thế toàn BBT đã hội ý và thống nhất đăng lên.
Về phần BVN, tuy trong bài viết của Ba Sàm có
dành ra “vài điều… xin trách”, chúng tôi vẫn thấy không có gì để phải phật
lòng. Cho dù bạn nghĩ về chúng tôi thế nào thì trước sau trong tâm tưởng của những
người chung sức cho diễn đàn này, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh vẫn là BẠN – người bạn
thiết cốt –, không bao giờ lại mang khuôn mặt NGƯỜI KHÁC ở đây. Đăng bài này
hay không đăng bài kia, chậm trễ sửa những câu sai khi cóp lại một bài nào đó…
(như bạn dẫn ra) có thể vì lý do này nọ nhưng hoàn toàn không nằm trong ý tưởng
của anh chị em như một biện pháp đối phó với BẠN – xin nhắc lại là hoàn toàn
không. Còn việc không “mê” Trump như cái cách bạn mê (hoặc bạn nghĩ về Trump),
thì đó là do sự trải nghiệm về Trump giữa chúng ta có khác nhau, chứ chẳng hề
có một “góc khuất” nào ở đây, mà bạn đã cả nghĩ rằng chúng tôi “coi nhẹ mối
nguy Trung cộng”, hoặc còn liên tưởng xa hơn nữa: “vương vấn nhiều nhận thức,
tính cách của một thời ‘theo đảng đến cùng’”. Chao ôi, đến thế cơ! Thôi thì bạn
cứ sang nước Mỹ mà xem. Hãy chịu khó đi thăm thú các tiểu bang, càng nhiều càng
tốt, hẳn sẽ thấy một sự thực là hàng hóa Trung Cộng vẫn đang bày bán ê hề trong
hầu như tất cả mọi siêu thị của những tiểu bang này, nghĩa là ngón đòn thuế
khóa thương mại rất “cao tay” của ông Trump đánh lên hàng hóa xuất cảng của nước
Tàu, hiện đang quay trở lại bổ hết lên đầu người dân Hoa Kỳ, trong khi ông Tổng
thống thì vẫn cứ chắc mẩm mình đã mang về một chiến thắng vĩ đại.
Đại loại như vậy đấy. Chúng tôi đã có những trải
nghiệm cụ thể về nhiều mặt – rất nhiều mặt, kể cả những gì thuộc nhân cách một
chính khách vào cỡ như Trump mà André đã đề cập tới. Cho nên trong khi trước mắt
chúng tôi, hiện tượng Trump, ở tất cả những chuyện đối ngoại đối nội, thậm
chí những chuyện thâm cung bí sử trong nội tình Chính phủ Trump và phe Trump, đều
đang dần dần bộc lộ ra như những hiện tượng hài kịch, nhất là giai đoạn
hậu bầu cử này, thay vì cần “vui vẻ mà đưa tiễn” (Marx) thì bạn và những ai đấy
lại vẫn nghiêm trang – nghiêm trọng nữa – coi đó là hiện tượng chính
kịch (xin hãy đọc và ngẫm nghĩ lại bài Đắng của Vũ Kim
Hạnh để hiểu vì sao chúng tôi lại “mau mắn” đưa lên trang). Đó là chỗ căn bản
khác nhau. Tuy thế, chúng tôi vẫn nghĩ sự khác nhau cũng nhỏ nhoi thôi, bởi mục
tiêu của chúng ta không khác, chưa hề đổi khác, và bởi thế, không thể
nào làm biến chất tình bạn bền vững giữa chúng ta.
Bauxite Việt Nam
---------------------------------------------------------------------------------------------
3.
Trả lời bạn Ba Sàm
André Menras Hồ Cương Quyết
2020 là năm hạn của tôi.
Bị thương nặng ở mắt cá chân và cột xương sống, 5 tháng nằm giường và phục hồi
chức năng trong môi trường Cô Vi, quay (cuồng) làm và dựng phim mới “Việt Nam:
tiếng gào thét từ bên trong”, vẫn chưa được công chiếu vì đại dịch vi rút tàu,
rồi đến phiên bà xã nhập viện khi tôi viết những dòng này, và cuối cùng, như quả
anh đào đặt trên cái bánh ga-tô (thành ngữ Pháp), cái mà tôi xin gọi là cơn cuồng
Trump. Đã tưởng bài xác minh ý kiến cá nhân (về cuộc bầu cử Mỹ) viết và nhờ dịch
xong, tôi sẽ thoát ra khỏi trận cuồng nộ tập thể đang gây chia rẽ và làm quên
nhãng những vấn đề thực chất của Việt Nam, đổ thêm dầu vào ngọn lửa phá hoại nền
dân chủ Mỹ vốn bị suy nhược, đồng thời làm suy yếu phong trào đoàn kết vì một
nước Việt Nam dân chủ. Với bài viết ấy, tôi muốn thoát ra khỏi nạn ô nhiễm
Trump để tiếp tục hoạt động vì Việt Nam. Vậy mà không xong. Bài viết của Ba Sàm
đã nhận đầu tôi xuống vũng nước ngày càng đục ngầu khiến tôi buộc phải trả lời
bài viết đã nêu đích danh tôi, vì tôi vốn tôn trọng con người tác giả. Vụ việc
này, chắc “đảng ta” và ông bạn vàng họ Tập khoan khoái lắm. Đành chịu, bị mắc bẫy,
tôi không thể đánh bài chuồn.
Trước khi làm phật lòng bạn,
tôi xin nói tới đoạn anh Ba Sàm viết về “những kỷ niệm đẹp…”. Tôi xin xác nhận:
tôi đã ủng hộ anh trong suốt cuộc đấu tranh ly khai dũng cảm của Ba Sàm, đã lên
tiếng phản đối khi anh bị bắt và suốt thời gian anh bị cầm tù, đơn giản bởi vì
mọi cuộc chiến đấu vì tự do cần phải được ủng hộ – chứ không phải vì lí do cá
nhân nào cả. Và tôi còn nhớ cuộc gặp ngắn ngủi của chúng ta bên bờ hồ Hoàn Kiếm.
Hôm ấy, một thanh niên (tình cờ?) tới gặp tôi ở quán nước Thuỷ Tạ và đưa tôi đến
cà phê Bốn Mùa, là nơi anh đang ngồi nói chuyện với một người bạn sĩ quan công
an của anh. Lúc đó tôi ra Hà Nội “tị nạn chính trị”, giãn cách với công an Sài
Gòn sau khi họ dùng cơ bắp để ngăn cấm buổi chiếu cuốn phim đầu tay “Hoàng Sa
Việt Nam: nỗi đau mất mát”. Ông bạn anh đề nghị tổ chức một buổi chiếu riêng
cho khoảng năm mươi người và tôi đã từ chối đề nghị ngọt ngào ấy vì tôi cho rằng
cuốn phim không xứng với một buổi chiếu chui xập xệ. Tóm lại, đó là một cuộc gặp
gỡ ngắn mà vui. Hôm nay, sự bất đồng của chúng ta là một bất đồng “dân chủ”. Xin
anh an tâm: tôi đã trải nghiệm những bất đồng sâu sắc và đau lòng hơn nhiều – bất
đồng mà không nói ra với những người bạn vong niên thân thiết, những người bạn
tù dưới chế độ cũ đã không công khai lên án tội ác của chế độ độc tài hiện nay
như cuộc tàn sát ở Đồng Tâm và trò hề xử án hiện nay, những phiên toà thực sự
ám sát công lý.
Trở lại bài viết của anh,
thú thật là tôi hơi thất vọng. Rất tiếc những điểm anh nêu lên không đề cập điều
cơ bản, là phân tích chính sách của Trump và những hậu quả của nó, mà chỉ tập
trung vào nhân vật Trump, nghĩa là về phần trình diễn “sô”. Tôi cũng rất tiếc
đã làm anh thất vọng vì những điều mà anh cho là tôi “thiếu sót“: “rất thiếu những
lập luận chặt chẽ dẫn chứng rõ ràng…“, … “thiếu thứ hết sức quan trọng là khả
năng đối thoại với quần chúng“.
1) Về những cách tôi nói tới nhân vật Trump
Xin nhận là tôi đã dùng
những lời huỵch toẹt, vô đạo đức giả để nói tới ngài Tổng thống
tỉ phú đội cát-két đỏ. Nhưng tôi không hề sỗ sàng với những người đối thoại
trên FB, mà đã kiên nhẫn trả lời những bài khiêu khích, thậm chí thoá mạ của một
số người. Tôi đã dành khá nhiều thời gian không đáng đối với những người công
kích quá khứ và những ý kiến phái tả của tôi. Điều đó, có thể anh không biết.
Cá nhân tôi chưa bao giờ nuôi tham vọng chính trị, lẽ nào sang tuổi 75, tôi lại
bắt đầu. Phải chăng vì vậy mà tôi không biết “nói với quần chúng” như anh trách
tôi. Tôi không biết ngoại giao mà chỉ biết nói lên những ý kiến cá nhân, bộc trực.
Thuận tai càng tốt, nghịch nhĩ cũng không sao, cũng như những thực tại mà tôi cảm
nhận.
Những từ ngữ mà tôi dùng
để nói tới Trump có điều gì không phù hợp? Dưới đây tôi chủ ý tham khảo một tờ
báo Pháp thuộc phái hữu, là tờ Le Figaro mà anh có trích dẫn một
cách hơi bị chọn lọc (nếu cần, tôi sẽ cung cấp đủ nguyên văn, ngày tháng, số
trang những câu trích dưới đây). Le Figaro, anh biết đó, là nhật
báo phát hành trên toàn quốc, có lần đã dành trọn trang nhất để thoá mạ tôi,
khi tôi leo lên tháp chuông nhà thờ lớn tuyệt thực để đòi Bộ Giáo dục Pháp thừa
nhận những năm tôi bị giam tù vì hoà bình cho Việt Nam.
Đây là những điều tờ báo
nói về Trump: Tổng thống nói tới dân nhập cư như là “những kẻ đến từ những nước
chết tiệt”. Ông gọi phụ nữ là “những con lợn nái ục ịch, những con chó cái, những
con vật ghê tởm”. Bấm tweet nói về một nhà báo nữ: “Rosie O‘Donnell thật ghê tởm
(lại ghê tởm) cả nội tâm lẫn ngoại hình. Các bạn nhìn kỹ mà xem: đúng là quê một
cục. Làm sao mà lên tivi được? Nếu chương trình do tôi phụ trách, thì tôi sa thải
ngay. Tôi sẽ nhìn thẳng vào bộ mặt ục ịch xấu xí và nói: ‘Rosie, cô bị loại’”.
Một cái tweet khác, nhà báo nữ Mika, chương trình Morning News: “… Con mụ điên,
chỉ số thông minh thấp lè tè…”. Nguyên ngoại trưởng thì: “Nếu Hillary Clinton
không làm thoả mãn được ông chồng, làm sao có thể nghĩ rằng bà ta sẽ làm thoả
mãn được nước Mỹ?“. Anh đừng nói đó là “fake news“ nhé. Thật cả đấy.
Như vậy đủ chưa? Tôi còn
nhiều lắm. Vậy thì tôi xin hỏi anh: Ba Sàm, anh có thể tôn trọng một cá nhân, Tổng
thống một quốc gia 350 triệu người, ăn nói công khai như vậy không? Có thể nào
giữ lễ độ với một nhân vật như thế không? Hắn có đáng nhận được sự kính trọng
dành cho một Tổng thống không? Ngôn từ của hắn phải chăng là ngôn từ của một
nhân vật công cộng văn minh hay là miệng lưỡi của con thú vật đầu đàn?
Những chữ tôi dùng như
“tên hề nguy hiểm, thô bỉ, không một chút tự trọng”, tôi thấy rất phù hợp để chỉ
định một nhân vật như vậy. Hắn không đáng nhận được sự tôn trọng mà hắn không hề
dành cho người khác. Tôi không thể tôn trọng hắn.
2) Điều thứ nhì anh khẳng định: Trump không kỳ thị
chủng tộc.
Anh có thể tìm ra câu trả
lời vẫn trên báo Le Figaro – ôi, nhờ anh mà tôi đâm ra thích
tờ báo này – với điều kiện là anh không chỉ chọn đọc những gì phù hợp với lòng
trung của anh đối với hắn. Tôi xin trích dẫn: “Tổng thống Mỹ đã ra lệnh huỷ bỏ
những khoá đào tạo chống chủ nghĩa chủng tộc do chính quyền liên bang mở ra, với
lí do là theo ông, đó chỉ là sự tuyên truyền chia rẽ và phản-Mỹ”. Với bốn nữ đại
biểu Hạ viện gốc dân tộc thiểu số, ông khuyên “hãy đi về cố quốc mà sống”. Với
một nghị viên da đen thuộc đảng Dân chủ của thành phố Baltimore, ông ta gọi khu
vực đơn vị bầu cử của nghị viên ấy là “ghê tởm, lúc nhúc những chuột”.
Trong bài báo RFI mà anh
trích dẫn, tôi đọc thấy “có thể nói, cử tri da trắng theo Tin Lành Phúc Âm chiếm
một phần nửa cử tri ủng hộ Trump”. Anh có đọc câu đó không? Anh có biết là
Trump dựa vào bọn “White Power” chủ trương da trắng thượng đẳng, tổ chức thành
những nhóm vũ trang? Thật là kinh hoàng thấy các bạn Việt Nam, tự hào là người
Việt Nam, những người trong bao nhiêu năm bị miệt thị là gook, nhac, slant…
nay lại đứng cùng hàng ngũ với bọn tân nazi gần gũi với đảng Ku Klux Klan. Anh
không thấy như vậy sao? Chẳng thế mà một phái đoàn của Đảng Marine Le Pen – anh
biết chứ, đó là ái nữ của Jean-Marie Le Pen, người ngưỡng mộ Hitler, sĩ quan chậm
chân không kịp tới Điện Biên Phủ – đã được gửi sang Mỹ để ủng hộ Trump tranh cử!
Chào mừng đồng chí!
Và những chàng “Proud
Boys” dễ thương, vũ trang đến tận răng, tuần hành trên phố phường, bất chấp luật
pháp, xông vào tấn công đám đông ở Charlottesville: 1 người chết, 19 người bị
thương? Trump có phê phán và lên án chúng không? Hoàn toàn không. Chỉ nói: “Bên
nào cũng có người tốt”. Còn gửi tweet: “OK, Proud Boys, hãy lùi một bước và đứng
nghiêm trong tư thế sẵn sàng”. Và các chàng trai dễ thương ấy đáp lời lãnh tụ bằng
khẩu hiệu “Stand Back, Stand By” (Lui một bước, chuẩn bị sẵn sàng!). Sau đó, dưới
sức ép của Đảng Cộng hoà, Trump mới nói một câu lên án.
Bây giờ xin nói tới bức
tường ô nhục và trò cười của Trump dọc theo sông Rio Grande nhằm ngăn chặn “bọn
người Mexico cưỡng hiếp” vượt tuyến. Bọn đầu nậu buôn ma tuý thì chẳng hề hấn
gì, chúng có đường dây an toàn để vào Mỹ. Ngược lại, Trump đánh vào hàng nghìn
gia đình nghèo khó, những “thuyền nhân” không thuyền, đang tuyệt vọng tìm cách
thoát khỏi cùng khổ, bạo lực và áp bức dưới chế độ độc tài của nước họ.
Vâng, tôi vẫn xin khẳng định:
Trump là một kẻ kỳ thị chủng tộc, trong lời nói cũng như trong việc làm. Nếu
anh chưa tin thì tôi sẵn sàng cung cấp thêm dẫn chứng.
3) Về “hiện tượng” Trump và báo chí truyền thông,
anh Ba Sàm lên án tôi “đơn giản tung ra các khẳng định như đinh đóng cột cho
xong” .
Phải chăng tôi đã tưởng
tượng ra câu tweet này: “Phần đông các truyền thông ở Washington, New York và
Los Angeles không nói lên tiếng nói vì nhân dân”,… “báo chí là kẻ thù của nhân
dân”? Phải chăng tôi đã tưởng tượng ra việc 250 tờ báo trên toàn nước Mỹ, bằng
những xã luận và bài viết, đã hưởng ứng lời kêu gọi của báo “The Boston
Globe”? xin trích: “Thái độ của Trump đối với truyền thông Hoa Kỳ làm vui
lòng những nhà lãnh đạo như Vladimir Putin ở Nga, Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ coi các
nhà báo là kẻ nội thù”.
Và cái trò hề truyền hình
trong đó Super Trump đấu vật với đối thủ, đấm vào mặt và quật ngã đối thủ? Ba
Sàm, anh có thấy cái clip đó không? Đầu óc một con người như vậy có bình thường
không? Công chúng của hắn là khán giả rạp xiếc à?
Nói một cách nghiêm chỉnh,
chế độ nào muốn bám chặt lấy quyền lực của mình bao giờ cũng sợ báo chí tự do.
Nhưng những kẻ tàn ác nhất đối với những nhà báo chuyên nghiệp và những nhà
bình luận lương thiện, là những nhà độc tài. Họ coi báo chí là công cụ truyền
thông thuộc độc quyền của họ, cúc cung phục vụ họ mà không mảy may ngại ngùng.
Trump thuộc loại cầm quyền như vậy. Giấc mộng của Trump là một giới báo chí
ngoan ngoãn, là những cái tweets của Tổng thống phát ra để giáo huấn, hướng dẫn
nhân dân và bọn nhà báo chỉ việc nói theo. Ngoài ra, tất cả đều là “fake news”,
cụm từ mà Trump đã biến thành thời thượng. Nhân đây, cũng xin kể, ngay gần nơi
tôi ở, thành phố Béziers, cử tri đã bầu ra một tay thị trưởng cao bồi, cuồng
Trump. Đây là lý tưởng chính quyền của ngài thị trưởng, xin trích nguyên văn :
“Một Tổng thống quyền uy sẽ phải đặt lại đúng chỗ cho những đoàn thể gọi là
trung gian (công đoàn, đảng phái). Tổng thống sẽ lãnh đạo quốc gia vì nhân dân,
và trực tiếp với nhân dân (không qua trung gian nào cả)” (tweet của thị trưởng
Béziers, Robert Ménard, ngày 26.11.2020). Hai năm rõ mười nhé. Cùng một luồng
tư tưởng với những Hitler, Mussolini, Tập. Họ muốn đi tắt, vượt qua đầu mọi cơ
quan đại biểu dân chủ. Đó là cung cách truyền thông xã hội và chính trị theo xu
hướng phát-xít.
Anh Ba Sàm ạ, tôi xin nhắc
lại: Trump đúng là kẻ thù của báo chí tự do và dân chủ, là mầm mống độc tài.
4) Cuối cùng, việc Bauxite Việt Nam đã
đăng bài viết của tôi với những dòng giới thiệu nồng nhiệt.
Tôi rất cảm kích và tự
hào vì đây là những người thực sự yêu nước, những trí thức đã dám đăng những
bài viết đầu tiên của tôi mà không hề thay đổi dù chỉ một chấm phẩy. Xin cảm ơn
những người đã dịch giúp: Phạm Toàn, Nguyễn Ngọc Giao, Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc…
Không có họ thì tôi chỉ là người câm. Những đóng góp nhỏ nhoi của tôi là nhờ ở
họ.
Anh Ba Sàm, tôi cũng
không hiểu tại sao bài viết mới của tôi lại gây sốc đối với một nhà dân chủ vĩ
đại như anh. Ở đây, tôi chỉ xin trả lời về những điều liên quan tới tôi, còn về
phần Bauxite Việt Nam, xin để các bạn ấy và anh trao đổi trực tiếp
với nhau.
Điều tôi muốn tái khẳng định
để kết thúc cuộc minh chính đáng tiếc này, là trao đổi ý kiến là bộ phận của
sinh hoạt dân chủ, một sinh hoạt từng bước vừa làm vừa học, để tiến lên, và để
đẩy lùi những Proud Boys đủ loại ở mọi nước. Nếu mỗi người chúng ta biết gìn giữ
lòng chính trực, dũng cảm và những giá trị cơ bản, thì ta có quyền nhầm lẫn, bị
lừa dối, đôi khi chủ quan, và sai lầm đối với tương lai sẽ tới. Điều đó, tương
lai, chỉ tương lai thôi, sẽ làm rõ.
***
Đôi lời: rất vui sáng nay thấy bài của anh André trao đổi lại. Cám ơn anh nhiều
về những lời chia sẻ lịch sự, những ý tứ trân trọng (với riêng tôi). Xin đăng lại
ngay.
Chỉ hơi tiếc là nếu như độc
giả trên FB của anh cũng được đọc bài tâm sự của tôi với anh trước đó thì tốt
biết mấy.
Tôi không muốn bình luận
gì về bài viết (vì nó sẽ nhiều và dài), chỉ tạm một nhắc nhở nhỏ với tác giả,
khi cho là tôi “khẳng định : Trump không kỳ thị chủng tộc“. Điều này rất sai,
vì trong bài viết của tôi hoàn toàn không bình luận gì về chủ đề này, chỉ nêu
trích dẫn trên báo chí, cho người đọc lượng xét. Thậm chí tôi còn lưu ý rằng những
trích dẫn đó “không có nghĩa tôi cho đó là chân lý”. Đây là một kinh nghiệm
chung cho những người tranh luận.
Đồng thời dẫn ra dưới đây
(cuối bài) tất cả những bài viết, bình luận của tôi liên quan “hiện tượng
Trump”, để trả lời cho thắc mắc của tác giả, rằng bài tâm sự của tôi với anh đã
“không đề cập điều cơ bản, là phân tích chính sách của Trump và những hậu quả của
nó, mà chỉ tập trung vào nhân vật Trump…“; đọc trong đó, sẽ được thỏa mãn phần
nào.
Cũng lưu ý thêm, qua các
bài bình luận của tôi, đều có kết hợp đăng lại nhiều bài viết đa chiều về “hiện
tượng Trump”. Đây là cách làm đã được duy trì của trang blog Ba Sàm cũ ngay từ
ngày đầu cho tới khi tôi đi tù (2007-2014).
(Cũng như bài trước, bài
này tôi đăng lên cả Blog và FB Ba Sàm, và chia sẻ tới FB của anh André).
[19-12-2020]
***
A.M.
16.12.2020
Tác giả gửi BVN
*********
2.
Tâm sự cùng anh
André
Menras Hồ Cương Quyết
và
BBT trang Bauxite Việt Nam
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
(Tôi viết bài này sau khi
đọc bài “Gửi những người bạn “phây” Việt Nam, thật hay giả, thiện ý hay ác ý”,
của anh André, trên trang Bauxite Việt Nam).
Không thể nói hết những
tình cảm thân thiết, mối liên kết giữa tôi, cùng blog Ba Sàm, với những người
tham gia blog Bauxite Việt Nam, và anh André Menras Hồ Cương Quyết.
Những kỷ niệm đẹp không thể quên
Blog Ba Sàm ra đời năm
2007. Hai năm sau rộ lên vấn đề bô-xít Tây Nguyên, rồi blog Bauxite Việt
Nam ra đời. Trang Ba Sàm luôn luôn là nơi cổ vũ, giới thiệu nhiều nhất
cho blog mới này, nơi được coi như đi đầu phản đối dự án bô-xít Tây Nguyên,
cũng là nơi dần dần quy tụ tiếng nói của nhiều trí thức tiến bộ.
Tôi cũng là người từng
góp ý riêng cho người chủ trương Bauxite Việt Nam làm sao để
giữ an toàn cá nhân, mà vẫn đảm bảo sự tồn tại của trang. Ý kiến của tôi đã được
tiếp thu và có sự thay đổi.
Anh André Menras Hồ Cương
Quyết, đúng như giới thiệu của Ban biên tập Bauxite Việt Nam; với
tôi và blog Ba Sàm cũng là một người tuy ít gặp, nhưng luôn có mối liên hệ rất
thân tình. Cuộc gặp đầu tiên bên Hồ Hoàn Kiếm, tôi vẫn nhớ. Tất cả những việc
làm cho Việt Nam nhiều năm nay của anh, đều được trang Ba Sàm, cả cũ và mới,
đưa lên cổ vũ.
Khi tôi đi tù, những người
tham gia trang Bauxite Việt Nam, anh André đã cùng bao nhiêu nhân
sĩ trí thức, độc giả, … đấu tranh cho tôi. Khi về cũng lại gặp họ tới động
viên, thăm hỏi. Không thể kể hết sự tri ân đó, chỉ bằng cách sống sao cho xứng
đáng khi còn ở trong tù, và khi ra tù thì ngay tức khắc giành hết thời gian,
tâm trí vào con đường đang dang dở.
Trở về, gặp người chủ
trương Bauxite Việt Nam, tôi góp ý thẳng là nó đáng buồn, trang này
hoạt động kém xưa nhiều. Một lý do quan trọng là vẫn thiên về nhận đăng bài “gửi
riêng” thôi, mà không mở rộng đăng lại bài vở từ nhiều nguồn khác. Ý kiến của
tôi đã được tiếp thu, năm nay bài vở Bauxite Việt Nam đã nhiều,
đa dạng hơn. Có bài nào thấy giá trị, tôi đăng lại liền.
Hiện tượng Donald Trump
Khi còn trong tù, nhờ người
thân, bạn bè gửi cho sách, báo, tài liệu đầy đủ, tôi đã nắm bắt kha khá tình
hình chính trị ở Mỹ, đặc biệt về “hiện tượng Trump”. Tôi đã kinh ngạc và le lói
vui mừng.
Sau khi ra tù, đọc rất
nhiều về hiện tượng đó, càng vui hơn.
Thế nhưng, tôi lại lấy
làm lạ, không ít trí thức tiến bộ, trong ngoài nước không có suy nghĩ như tôi,
không ủng hộ TT Trump như đa số người Việt. Thôi thì, mỗi người mỗi ý là thường.
Nhưng… lạ hơn, và… đáng
buồn, là họ lại sa vào một cuộc cãi vã “khổng lồ”, đầy tức giận với đông đảo quần
chúng; thể hiện những thái độ mà tôi chưa từng thấy, tới độ đôi khi không còn
nhận ra những người mình từng thân thiết, quý mến nữa.
Thương quá! Tại sao vậy?
Tôi đã thấy được khá nhiều lý do.
Nhưng tôi chỉ lặng lẽ đọc,
viết thật nhiều, những bài bình luận ngắn, những bài đăng lên đài quốc tế,
trang mạng tự do, chủ yếu góp ý nhẹ nhàng nói chung về phương pháp tranh luận,
nêu quan điểm của hai bên, và phân tích nhiều, sâu về những quyết sách mạnh mẽ
của chính quyền Trump có nhiều dấu hiệu tốt. Bài gần đây nhất, trên BBC ngày
12/12/2020, tuy bàn về nhân quyền, nhưng tôi cũng góp ý các trí thức quanh vấn
đề bầu cử Mỹ 2020, cần tranh luận bằng các bài viết sâu, với thái độ hòa nhã;
nó là cơ hội cho chúng ta cùng nâng cao dân trí.
Bài viết của tôi quanh chủ
đề Trump, có những đài quốc tế, trang mạng tự do đăng, nhưng cũng có bài bị từ
chối với lý do không rõ hoặc …”buồn cười”, thậm chí không có hồi âm. Tôi không
hề bực bội về điều đó, thậm chí có phần vui, vì nó giúp tôi ngày càng rõ thiên
kiến ở những phương tiện truyền thông này và muốn bằng thái độ nhẹ nhàng mà thẳng
thắn của mình sẽ góp phần thay đổi họ.
Cũng chưa phải lúc tôi viết
về tất cả những lý do mà tôi nhận ra ở những người “chống Trump”.
Cần có “tiên trách kỷ”
Trường hợp anh André, tôi
không lạ, cũng khá giống với một số trí thức “chống Trump”; mặc dù có nhiều thiện
ý đấy, nhưng họ vẫn thiếu thứ hết sức quan trọng là khả năng đối thoại với quần
chúng.
Đơn giản là trước khi có
Facebook, họ đâu bị đối đầu tranh cãi những chuyện lớn lao với cả một dòng thác
dư luận trái chiều với mình. Đang là tầng lớp được coi là tiến bộ, tinh hoa,
trong đó việc đấu tranh cho chủ quyền, tự do dân chủ đã đem tới cho họ vầng hào
quang mà tưởng như không bao giờ bị lu mờ trong mắt quần chúng.
Khi có FB, lúc đầu chưa
có chuyện, nhưng khi có “hiện tượng Trump”, họ bị “sốc” nặng vì ào ạt ý kiến phản
đối không ngờ tới. Nguy hiểm hơn, họ bỗng quên (thậm chí cố “quên”) là trong số
đó, có rất nhiều “dư luận viên”. Chẳng có cơ hội nào hay hơn cho đám này để
xông vào quấy phá, chia rẽ.
Không những “sốc” mà còn
bị “nhiễm độc” nặng. Đó là bản thân bị lây cái phong cách viết, biểu cảm nhiều
khi dễ dãi của mạng xã hội. Cũng tung ra một hai câu tức tối, nhục mạ, chẳng cần
phân tích sâu xa gì. Và anh André cũng không ngoài hiện tượng đó.
Trong bài viết công phu,
đăng làm 3 kỳ của tôi “’Cuồng Trump’, ‘cuồng chống Trump’ và …”, tôi đã lấy một
ví dụ về trường hợp của anh André, nhưng để giữ cho anh, tôi đã không nêu tên.
Anh viết trên FB của mình, chỉ có mấy chữ, là:
“Thằng tỉ phú to mồm này
không có một chút nguyên tắc tự hào nào. Một mặt nó tuyên chiến (bằng miệng) với
TQ, đồng thời nó sẵn sàng bán bố mẹ cho chúng. Một thằng hề quá nguy hiểm!”
(Kèm theo là một bức ảnh TT Trump bị photoshop làm cho méo mó).
Một số trí thức “chống
Trump” có sai lầm đáng lưu ý. Đó là, ngoài bài viết tỏ ra khinh thường người
khác trái quan điểm của mình, cho đó là những kẻ “cuồng tín”, “tâm lý bầy đàn”,
dốt nát, v.v.., thì họ còn miệt thị không tiếc lời với TT Trump. Việc này vô
hình chung [trung] cũng là gián tiếp miệt thị những người “ủng hộ Trump” (mà
nay càng rõ thêm là có tới ít nhất 74 triệu dân Mỹ cũng bị tình trạng “dốt nát”
này?). Thế là cùng nhau sa vào một cuộc “chiến” kiểu “hàng tôm hàng cá”. Trách
thế nào được người ta.
Cho nên, với riêng anh
André qua bài này, anh đã bị thiếu đi cái sự “tiên trách kỷ”, không thấy là
chính mình cũng bị cái tật của nhiều người Việt phản đối mình.
Với riêng tôi, tuy “thích
ông Trump”, như đã có lần nói trên Bàn tròn BBC 8/11/2020, nhưng không bực chút
nào khi rất có thể mình bị các trí thức thân hữu gom cả vào số “cuồng Trump”,
chụp những lời khinh bỉ. Tôi vẫn từng nói nhiều lần, MỪNG trong cuộc tranh luận
này là mọi người cùng được sống trong bầu không khí sôi động, giàu hiểu biết
lên rất nhiều; cái yếu/mạnh trong từng người lộ thêm.
Còn nội dung toàn bài,
tuy khá dài nhưng anh André lại cũng rất thiếu những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng
rõ ràng, khả tín để thuyết phục người đọc.
Chỉ xin đưa một dẫn chứng
trích trong bài của anh.
“ … tôi tuyệt đối không
có một chút cảm tình nào với tay tỉ phú dân tuý chủ nghĩa, với đủ loại bức tường
ô nhục và lố bịch mà ông ta dựng lên, với thái độ kỳ thị chủng tộc, khinh miệt
phụ nữ, căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền) …”
– “Thái độ kỳ thị chủng tộc”?
Mời đọc một bài trên tờ
báo Pháp Le Figaro, đài quốc tế Pháp RFI trích dịch, “Chuyên gia: Sẽ
rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump”, phỏng
vấn Giáo sư quan hệ quốc tế Walter Russell Mead:
“Trump có thuộc về phong
trào chống kỳ thị chủng tộc mới nổi lên không? Rõ ràng là không. Khi ông Trump
nói về một người da đen có chuyên môn, ông có coi người ấy thấp hơn một người
da trắng hay không? Tôi cũng không tin như thế! Không một ai có thái độ như vậy
có thể sống sót ở New York, và Trump cũng như bao người khác…”
Một bài khác, trên RFI,
“Vì sao phong trào ủng hộ Trump củng cố được vị thế trong xã hội Mỹ”. Dịch giả
Trần Ngọc Cư, một người không ủng hộ Trump, nhận xét “ … Ta có thể nói đối
với người da đen, Trump có thể có thái độ kỳ thị, nhưng không có chính sách kỳ
thị”.
– “Căm thù báo chí (báo
chí độc lập với chính quyền)”?
Mời đọc một bài điểm báo
cũng trên đài RFI: “Tuần báo Le Point: Sự phá sản của truyền thông
Mỹ”.
“Tuần báo Pháp kêu lên:
“Ôi, New York Times, họ đã làm gì với bạn?”. Biden xứng đáng hơn
nhiều so với hàng loạt những bài viết quảng cáo trình độ lớp 3 tràn ngập thế giới.
Tuy không phải là một Tổng thống vĩ đại, doanh nhân Donald Trump ít nhất đã
thành công trong việc thức tỉnh kinh tế Mỹ.”
Và trên báo Tuổi
trẻ có bài dịch “Thống đốc New York chỉ trích báo giới ‘thiếu tôn trọng’
ông Trump”, (ông Thống đốc này là người của đảng Dân chủ và rất xung khắc với
ông Trump).
Tuy nhiên, cũng xin nói rằng
những trích dẫn các bài viết, kèm theo đoạn văn của anh André ở trên, không có
nghĩa tôi cho đó là chân lý, mà đơn giản chỉ muốn lưu ý anh rằng quanh “hiện tượng
Trump”, có vô số vấn đề phức tạp, sâu xa cần được mổ xẻ cẩn trọng, thấu đáo như
những bài viết đó, chứ không nên đơn giản tung ra các khẳng định như đinh đóng
cột cho xong như vậy.
“Hậu” xin trách … Bauxite Việt Nam
Được quan sát các vị nhân
sĩ, trí thức, một số đài quốc tế, trang mạng tự do phản ứng thế nào về “hiện tượng
Trump”, tôi rất thích thú. Rõ ràng những “góc khuất” về họ, nay mới thấy, giúp
mình tìm cách tham gia vào làm sáng tỏ thêm những vấn đề bên trong lâu nay ít
ai thấy, hoặc cũng lờ mờ thấy mà ngại nói.
Với trang Bauxite
Việt Nam, tôi cũng thấy cái “góc khuất” đó.
Trước hết phải nói rằng
tôi biết có không ít trí thức tiến bộ VN ở nước ngoài từng một thời tham gia
tích cực phong trào “phản chiến” ở Mỹ, Âu châu trong chiến tranh VN, thân chính
quyền cộng sản VN, thậm chí có công trạng. Họ thường có tư tưởng “thiên tả”,
nay thì thân hoặc cảm tình đảng Dân chủ Mỹ, thậm chí coi nhẹ mối nguy Trung cộng.
Dường như lịch sử nước Mỹ (cùng người Việt ở đó) đang lặp lại sau ngót nửa thế
kỷ, liên quan tới cộng sản.
Bên cạnh họ là các trí thức
trong nước, có tư tưởng tiến bộ, nhưng không tránh khỏi vương vấn nhiều nhận thức,
tính cách của một thời “theo đảng đến cùng”. Khi “dấn thân” cho tự do dân chủ,
họ rất dễ quên cái “gốc” của mình, mà lẽ ra cần rứt bỏ mạnh mẽ.
Đó là “điểm yếu” của họ
trong mắt người dân. Nếu không ý thức mạnh mẽ về nó, sẽ khó hòa mình vào công
cuộc chung.
Cũng như tôi, “điểm yếu”
là một lý lịch quá “đỏ”, dẫu có 7 năm mở blog Ba Sàm cùng nhiều việc khác nữa,
nhưng khó hết được nghi ngại của người đời. Với 5 năm đi tù, so với những mất
mát, tôi đã có một cái “được” rất lớn để xóa đi “điểm yếu”.
Các trí thức đó gần nhau
trong tư tưởng tiến bộ về VN, nhưng lại cũng gặp nhau (tự nhiên hoặc nặng về
“tình cảm”) ở một quan điểm “chống Trump”.
Chưa nói tới cái chất “hủ
nho” trong mỗi người, thì ra ngoài hay ở VN cũng đã ăn vào máu rồi, khó “tẩy độc”
lắm.
“Sự cố” buồn cười đầu
tiên giữa tôi với Bauxite Việt Nam là với bài “’Cuồng Trump’
…” nói trên. Gửi nhiều trang mạng, lần lượt đăng cả, không thấy Bauxite
Việt Nam đăng, tôi liền loan tin cho nhiều thân hữu, trong đó có người
của trang đó, mà không bình luận gì. Bài liền được đăng, nhưng lại có kèm cả một
trích đoạn trao đổi riêng của một cá nhân trong BBT với tôi (ra điều họ không
“thích” bài đó). Sao phải làm vậy nhỉ? Nếu tôi cũng bắt chước, cũng đăng ý kiến
trao đổi riêng lại của tôi, đánh giá không được vui về một số vị trí thức về
tính cách, nhất là trong vụ “Trump”, thì sao?
Và vài chuyện buồn cười
khác nữa, ví như tôi gửi bài thì không đăng, cũng không hồi âm; trong khi đăng
lại một bài phỏng vấn tôi trên BBC, có lầm lẫn không nhỏ, tôi kiên nhẫn nhắc sửa
mấy lần mà cứ … “quên”.
Những chuyện có vẻ nhỏ nhặt
này nó không ngẫu nhiên, vô tình, mà rất liên quan tới những gì tôi quan sát về Bauxite
Việt Nam, từ bài vở cho tới một số hiện tượng khác.
Còn riêng với bài của anh
André, rất không nên viết cả một lời bạt dài lê thê đến như vậy, cùng tất cả
các nội dung của nó. Chắc chẳng phải nói nhiều với những người cũng có kinh
nghiệm làm báo.
Với tôi và blog Ba Sàm
(cũ), dù mang tính chất cá nhân, nhưng cũng rất ý thức cố đưa tin bài nhiều chiều
nhất có thể. Nhưng với trang Bauxite Việt Nam, được tiếng là của tập
thể, thì rất không nên để lộ thiên kiến quá trong cuộc tranh luận về “hiện tượng
Trump” này. Biến nó thành sở hữu của những người “chống Trump” thì sẽ mất độc
giả, thực tế là đang rất ít.
Một điểm khác biệt và yếu
của Bauxite Việt Nam so với hầu như với mọi trang mạng tự do
khác, là không có phần phản hồi, từ khi ra đời cho tới nay. Vậy thì làm sao nhận
được ý kiến đóng góp của độc giả, cho từng bài viết, cho cả trang báo?
Và đừng sợ tranh luận
Có đôi người cứ hoảng hốt
lo là cuộc tranh cãi này sẽ “chia rẽ” phong trào …
Tôi cho rằng họ quá lầm.
Cứ cái lối nghĩ đó, và tất
cả những gì đằng sau kiểu “báo động … nhầm” đó, chỉ giúp dẫn ta đi theo vết xe
đổ của những người cộng sản (“đóng cửa bảo nhau”, “đẹp đẽ phô ra …”).
Điều quan trọng là tranh
luận trên tinh thần văn minh, tương kính mà thôi; như chính ông cha ta đã làm
gương từ cả trăm năm trước trên văn đàn, làng báo.
Mừng là đã dần có một số
người thay đổi, với những bài viết phân tích thấu đáo, ít đi lời lẽ dễ bị cho
là cao ngạo. Cũng biết rằng viết một bài chính luận, lại về chủ đề “xương xẩu”
này là không dễ chút nào.
Rõ thêm đây là một cuộc
“tập dượt” rất tốt, cần thiết, như Trời cho để người Việt chúng ta rèn luyện
trước cho tới ngày được phép lập đoàn thể tư nhân, có một xã hội dân sự đích thực.
Hà Nội, 14/12/2020
Tác giả gửi BVN
*********
1. Gửi những người bạn “phây” Việt Nam,
thật
hay giả, thiện chí hay ác ý
André Menras Hồ Cương Quyết
Bạn đọc thân mến,
Nhắc đến cái tên André Menras hẳn nhiều người Việt
chúng ta đều biết ông là một người bạn Pháp chân thành của dân tộc Việt Nam, từ
nhiều thập kỷ nay đã dấn thân hết mình cho độc lập, tự do của đất nước Việt,
cho mục tiêu hạnh phúc, bình đẳng, bình quyền thật sự của con người Việt Nam.
Vì dấn thân mà ông từng phải nếm cơm nhà tù dưới chế độ Sài Gòn trước 1975, rồi
sau này lại bị xua đuổi, bị nghi ngờ, theo dõi, cấm đoán khi ông còn tình nguyện
đến Việt Nam nhiều lần, ra tận đảo Lý Sơn quay bộ phim “Hoàng Sa, nỗi đau mất
mát” để truyền đi cho thế giới biết về bộ mặt nham hiểm của kẻ thù Trung Cộng
xâm lược Biển Đông, song song với cuộc đấu tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam
nhằm giữ gìn biển đảo thân yêu của mình, cũng như nhằm xây dựng một cuộc sống
cho ra sống sau mấy mươi năm hy sinh vì độc lập mà mình xứng đáng được hưởng.
Người bạn Pháp có thể nói là đã sống chết vì đất nước
Việt Nam trong gần cả một đời người ấy, hôm nay lại mở lòng bằng những lời tâm
huyết, thông qua trang Bauxite Việt Nam gửi đến XHDS chúng ta. Ông
nói về chuyện bầu cử của nước Mỹ năm 2020 và về Tổng thống Donald Trump.
Ông không hề lên mặt dạy dỗ ai mà chỉ muốn nói lên những suy nghĩ từ đáy tâm
can, được nung nấu trong suốt 4 năm qua, khi ông cũng như nhiều người dân châu
Âu, lần lượt trải nghiệm những gì là xáo trộn, va động, kể cả sứt mẻ, mất mát
trong tình cảm và tư tưởng, để từng bước nhìn nhận đúng bản lại diện mục của vị
Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, cùng với những chính sách đối nội và đối ngoại
“hô mưa gọi gió” trong nhiệm kỳ 2016-2020 của ông ta, trong chiều hướng tác động
nhiều mặt, dù tốt hay xấu, dù trực tiếp hay gián tiếp nhưng phải nói là rất mạnh
mẽ, đến cục diện toàn cầu.
André Menras biết rằng không phải chỉ mình ông hay
người dân các nước châu Âu mà chính người Việt, nhất là anh chị em XHDS, trong
4 năm qua cũng đã có những phản ứng trái ngược, thậm chí vì đó mà bị chia rẽ
ghê gớm, trước lời nói và việc làm của nhân vật đứng đầu siêu cường số 1 thế giới
mà ông đang đề cập. Hiểu rõ tâm tư thầm kín của cộng đồng người từng bám trụ mấy
nghìn năm trên giải đất hình chữ S vốn không đội trời chung với kẻ thù truyền
kiếp phương Bắc, ông xoáy vào cái câu hỏi rất cần được giải ảo mà chính ông đã
tự giải ảo cho mình: Trump có phải là vị cứu tinh sẽ giải thoát dân tộc
Việt và cả nhân loại ra khỏi nanh vuốt con sói Tàu đang ngày một lấp ló khuôn mặt
của Hitler hay không là điều rất đáng nghi ngờ, bởi ngay trên gương mặt đằng đằng
sát khí của chính vị Tổng tư lệnh quân đội Mỹ luôn ra oai đánh Tàu bằng chính
sách thuế khóa sấm sét trong gần hai năm cuối nhiệm kỳ của ông, và cả cái nộ
khí rút nước Mỹ ra khỏi tổ chức quốc tế này đến tổ chức quốc tế khác, thật
không dễ tìm được những nét đẹp mềm mại nhân văn để có thể gắn kết thế giới dân
chủ văn minh lại một khối với nhau nhằm hợp lực bao vây và trói chân con sói lại
bằng nhiều cách thật linh hoạt, khiến nó muốn quẫy cũng không sao quẫy được.
Tiếp ngay đấy ông thẳng thắn đặt lại một vấn đề cho
tất cả mọi người cùng sáng tỏ: XHDS của người Việt vốn bắt nguồn từ những yêu cầu
nội tại của đất nước Việt Nam mà ra đời, và chắc chắn cũng xuất phát từ những
yêu cầu bức thiết đặt ra trong thể chế độc tài của xã hội Việt Nam trước mắt,
như quyền sống, quyền sở hữu, quyền xây dựng một nền tư pháp độc lập, quyền tự
do ngôn luận, quyền lập hội… của gần 100 triệu con dân Việt Nam mà tồn tại và
phát triển, vậy có lẽ nào chỉ vì một con người có sức kích động người khác như
Donald Trump mà chúng ta bỗng quên hết, không còn nhớ mình đang vì ai, vì mục
đích gì mà hiện diện ở trên đời.
Cả bài viết của André Menras theo chúng tôi, là một
tiếng nói tự bạch, một sự giãi bày của tình bạn, của tri kỷ tri âm. Người Việt
Nam được tiếng là sống rất có nghĩa có tình, không lý gì để cho những định kiến
giằng xé mà nỡ quay lưng, không chịu khó nhìn sâu vào sự thật đang nở hoa trong
tấm lòng bè bạn.
Nghĩ như thế, chúng tôi xin trân trọng gửi bài viết
này đến quý bạn đọc.
Bauxite Việt Nam
Độ này, trang Facebook của
tôi đã bị ô nhiễm nặng nề vì cuộc bầu cử Mỹ và cái mà tôi gọi là trậnđấu
Trump-Biden. Thế giới gọi là tự do đã phải chứng kiến cuộc ẩu đả toàn quốc có
thể sánh với cái sân trường học trong giờ chơi ầm ĩ nhất. Sau một thời gian
tránh né bình luận, cuối cùng không kiên nhẫn nổi nữa, tôi quyết định phát biểu
ý kiến, một cách minh bạch và an nhiên. Coi như đó như là sự minh định dứt điểm
của một công dân Pháp và Việt Nam bị quá tải bởi cuộc đối thoại giữa những người
điếc, của những người nhầm chiến tranh và chiến địa.
Trước hết, xin đừng nói
tôi là người thuộc phe Biden. Tôi chưa bao giờ đứng về phe này vì Obama đã làm
tôi thất vọng. Đợi hoài chẳng thấy những cải thiện lớn về dân chủ, kinh tế, xã
hội và môi trường. Washington lại lùi bước trước sự bành trướng của Trung Quốc
trong sự lệ thuộc về kinh tế, tài chính và phản ứng yếu ớt trước những khiêu
khích nghiêm trọng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á nói chung và ở vùng biển Đông
Nam Á nói riêng.
Nhưng tôi cũng xin nói rõ
rằng tôi thấy Biden đỡ “xấu” hơn Trump (Bernie Sanders thì đã bị loại); tôi tuyệt
đối không có một chút cảm tình nào với tay tỉ phú dân tuý chủ nghĩa, với đủ loại
bức tường ô nhục và lố bịch mà ông ta dựng lên, với thái độ kỳ thị chủng tộc,
khinh miệt phụ nữ, căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền), làm ăn bất
minh với Putin, màn kịch “hữu hảo” thậm chí thân mật với Tập Cận Bình, trò đùa
với tên sát nhân Kim Jong Un, những tweet nộ khí sặc mùi dân tuý, biệt phái và
hung hăng. Cuối cùng, nhắc lại tội phạm của Bắc Kinh trong việc để đại dịch lan
tràn cũng như sự cảnh báo quá rụt rè của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tôi đồng
thời đã tố cáo tội vô trách nhiệm và lang băm của Trump trong thảm kịch đại dịch
đã và sẽ gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người dân Mỹ, lên án Tổng thống Mỹ
đã khinh thường các quyền con người, trong đó có quyền về sức khoẻ và bảo vệ y
tế của người dân, đặc biệt những người nghèo khó.
Thế là trang FB của tôi
tràn ngập những lời hạch hỏi, công kích thậm chí thoá mạ, đe doạ, từ một số người
Việt sống ở Mỹ – xem ra Mỹ hơn cả Mỹ – và ở Việt Nam.
Tôi xin bình tĩnh nói với
tất cả những người bạn (thiện chí hay không) ấy rằng đối với các nhân vật như
Trump hay Biden, Macron hay Trọng, tôi không có phản ứng tình cảm cá nhân nào cả.
Họ là những chính khách, nên tôi cảnh giác, thế thôi. Tôi xét đoán họ trên hành
động của họ và đối chiếu với những điều mà tôi coi là giá trị nhân văn và chính
trị. Đó là những giá trị mà tôi coi trọng nhưng không bắt buộc người khác phải
chấp nhận, song đó là những gì tôi không thế câm nín hay đem ra bán. Đó là sự
tôn trọng và mở rộng các quyền con người để chống lại những thảm hoạ nhân đạo,
xã hội, môi trường, những xung đột chủ quyền mà những đại tập đoàn ngân hàng,
tài chính và công nghiệp áp đặt lên nhân loại để kiếm lợi riêng cho mình. Tôi
tin tưởng rằng chỉ có thể lật ngược cái logic tàn phá của đường lối phát triển
phi tự do và sát nhân ấy bằng cách nắm vững các quyền cá nhân và quyền công
dân, thông qua một cuộc tranh đấu gian khổ, nguy hiểm mà tất yếu. Quyền con người
không biên giới, dân chủ củng cố và mở rộng: đó là vũ khí của tiến bộ, nền tảng
và động lực của ngôi nhà chung của loài người. Nếu căn cứ vào những giá trị ấy
để xét đoán Trump thì phải nói rằng nhà tỉ phú cuồng tay cuồng mồm ấy không nắm
trong tay tương lai sáng sủa cho Hoa Kỳ, cũng không cho cộng đồng quốc tế mà Việt
Nam là một thành tố.
Ngày nay nguy cơ đáng lo
ngại đối với tôi là nạn bành trướng của Trung Quốc và của Nga, không phải chỉ
vì họ mở rộng sự khai thác và huỷ hoại trên quy mô hành tinh – họ cũng không phải
là những thủ phạm duy nhất – mà còn vì, nghiêm trọng hơn nữa, họ đang củng cố một
hệ thống chính trị độc tài, mà trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, lại có vẻ đạt
được kết quả kinh tế ổn định, vẽ ra một con đường khả dĩ, thậm chí hấp dẫn.
Chúng ta đang sống trong thời đại mà công chúng có tâm lý đi tìm những “người
hùng”, ăn to nói lớn, một mình quyết đoán, ra tay cứu vớt những nhân dân đang
hoang mang, bị bỏ rơi, bị phản bội. Không ít người công dân sẵn sàng hy sinh
quyền tự do của mình với hy vọng bảo vệ được cái ăn cái ở của mình. Thời đại mà
những dòng tweet của lãnh tụ thay thế cho thảo luận nghị trường, cho thông tin
báo chí khách quan, mà những sắc lệnh tình huống được soạn thảo vội vã trong hậu
trường trở thành thánh kinh phải được áp dụng ngay tức thì. Trump nằm trong
trào lưu ấy, làn sóng của những “người hùng dân tộc”, những “anh Hai” của xã hội
đen.
Không, không thể vì những
biện pháp tình thế, tạm thời – tuy là rất tích cực – của Trump chống lại Bắc
Kinh mà tôi có có thể đặt tín nhiệm vào sự minh triết của một tay cao bồi trọc
phú mê golf, ngày đêm bắn tweet lên mạng, bổ nhiệm và cách chức cận thần như
chong chóng, ném đá vào những người phản biện như một tên độc tài. Bắc Kinh
không chết và sẽ không chết vì tăng thuế nhập khẩu, vì các viện Khổng Tử ở Hoa
Kỳ bị đóng cửa, vì mấy điệp viên bị trục xuất. Bắc Kinh sẽ chỉ đổ vỡ trước lực
đẩy dân chủ trước hết ở trong nội bộ Trung Hoa, và trong một bối cảnh quốc tế
thuận lợi cho các quyền tự do. Còn Trump, với căn tính một mình quyết định mọi
chuyện, với xu hướng vị kỷ và ấu trĩ rút khỏi sân khấu quốc tế, đối với tôi,
không phải là con người của tình huống. Xin đừng đòi tôi phải ủng hộ một nhà độc
tài tập tễnh vì lợi ích của cuộc đấu tranh chống nạn độc tài của Bắc Kinh. Tôi
không cận thị đến độ ấy.
Các bạn hãy tha thứ cho
tôi nếu các bạn bị sốc bởi những lời nói trên. Tình hình chính trị vừa qua của
nước Mỹ đã cho tôi đo được sự yếu kém đáng buồn của các lực lượng dân chủ Việt
Nam, đã hiển hiện trong sự phân cực tối đa, trong sự ám ảnh vì tình hình Mỹ đến
mức quên hẳn tình hình Việt Nam. Làm như đáp án của các vấn đề nhân quyền, tự
do Việt Nam trông chờ ở cứu tinh là Trump. Đây là tôi nói chung. Cá biệt thậm
chí có người thề hy sinh tính mạng vì con người đội mũ cát-két đỏ. Siêu thực
hơn, có vị còn hiến kế cho Trump “thành lập ban tuyên giáo (như cộng sản) để định
hướng và đập tan bọn phản quốc thoái hoá, tự chuyển biến như tên Obama”. Tôi
cũng được chứng kiến tận mắt các cuộc trao đổi ý kiến, trình bày quan điểm có
lý lẽ và hoà nhã đã nhanh chóng biến thành đấu tố, chửi rủa. Người ta chụp mũ
thù địch lên mọi phát biểu, mọi thông tin, thật hay giả. Y hệt trò trêu tức “êu
êu” tiếng Pháp gọi là “bisque, bisque, rage” của trẻ em lớp mẫu giáo… Bốn ngàn
năm lịch sử, hy sinh đoàn kết để dân tộc trường tồn, để kiến tạo quốc gia, mà rốt
cuộc, chỉ sau 45 năm “xây dựng chủ nghĩa xã hội”, đã xâu xé nhau vì
Trump-Biden, quên hẳn những vấn đề dân tộc trọng đại để chú tâm đếm phiếu ở
Pennsylvania hay bang nào khác: đau đớn thay! Cả một trò nghi binh, một món quà
quý mà Donald Trump đã mang tặng Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông là Tập Cận
Bình! Có đa nghi quá không, nếu tôi ngờ rằng không ít dư luận viên đã được
chính quyền trả tiền để đổ thêm dầu vô lửa của các mạng xã hội.
Tin tưởng rằng sự hợp tác
nhà nước – nhà nước giữa Mỹ và Việt Nam sẽ mang lại dân chủ ở Việt Nam và độc lập
đối với Trung Quốc, theo tôi là một điều hoàn toàn sai lầm. Năm 2017, nhân dịp
phó hội thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Trump đã nhắc tới Hai Bà Trưng và nói đại ý
“Hãy tự cứu, rồi Trời sẽ giúp người”. Bài học cay đắng của nhân dân Tây Ban Nha
còn đó. Chế độ độc tài và ngục tù đẫm máu của Franco đã trường tồn suốt 30 năm
sau khi chế độ phát xít của Hitler sụp đổ cũng nhờ sự hợp tác hữu hảo và sự tiếp
máu kinh tế của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Tự do và quyền con người
ít khi nào nằm trong cuộc thương lượng cả gói dẫn tới hiệp định thương mại hay
mậu dịch giữa các quốc gia. Chẳng bao giờ nằm trong cái gùi lưng của ông già
Nô-en, dù là Trump hay Biden, đó là kết quả những cuộc đấu tranh cam go nhất của
nhân dân. Ngoài ra, chỉ là ảo tưởng!
A.M.
Nguồn : Bauxite
Việt Nam 13.12.2020
No comments:
Post a Comment