Friday, 25 December 2020

ĐẠI HỘI 13 : BA LĨNH VỰC MÀ ĐẢNG CẦN TỰ ĐỔI MỚI LÀ GÌ? (BBC Tiếng Việt)

 


 

Đại hội 13 : Ba lĩnh vực mà đảng cần tự đổi mới là gì? 

BBC Tiếng Việt

25 tháng 12 2020, 21:25 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55447105

 

Ba lĩnh vực hết sức quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải ưu tiên đổi mới trong bối cảnh đảng này đang chuẩn bị và hướng tới kỳ Đại hội lần thứ 13 chính là đổi mới tư duy, đổi mới chính sách và đổi mới cách làm về nhân sự, hai nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam nói với BBC hôm thứ Sáu.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12F89/production/_116250777_gettyimages-1052800464-1.jpg

Đảng cộng sản Việt Nam và ban lãnh đạo cấp cao đang chuẩn bị cho Đại hội 13 dự kiến khai mạc ngày 25/01/2021 tại Hà Nội

 

Hôm 25/12 từ Hà Nội, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Tiến sỹ Phạm Thị Loan bình luận với BBC, trong bối cảnh đảng CSVN vừa chính thức thông báo Đại hội 13 sẽ nhóm họp từ ngày 25/01 đến ngày 02/02/2021:

 

"Từ nay đến Đại hội còn đúng một tháng, nhưng nhìn rộng ra và sâu hơn, tôi thấy mặc dù đảng trong nhiệm kỳ vừa qua đã làm được nhiều việc, từ ổn định nền kinh tế, chống tham nhũng cho tới chống đại dịch Covid-19 tương đối đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

 

"Trước hết tôi nghĩ rằng đảng cần đổi mới cách thức tư duy về làm nhân sự, đường lối và nhiều việc khác. Về nhân sự, tôi thấy đảng cũng đã có sự chuẩn bị, nhưng cách làm cần phải đổi mới, sao cho dân chủ, thực chất hơn và nó cần mở rộng ra, cần đi tới cả cơ sở, để có thể có được nhiều người tài tham gia hơn và với những người đã chứng tỏ được năng lực, thì cần phải tạo điều kiện để họ tiếp tục làm việc.

 

"Tôi không đi vào chi tiết, nhưng ở nhiệm kỳ vừa rồi, trong Tứ trụ, thì điều hành của phía Chính phủ nhất là trong năm 2020 chống đại dịch theo tôi là khá tích cực, hiệu quả, về Quốc hội thì người lãnh đạo cơ quan lập pháp cũng đã làm được nhiều việc.

 

"Tôi nghĩ về vấn đề "trường hợp đặc biệt" thì chắc đảng cũng đã có tiêu chuẩn, chủ trương, nhưng theo tôi trường hợp đặc biệt cũng phải bao gồm cả đặc biệt về năng lực và các điều khác, riêng về phụ nữ làm lãnh đạo tham gia Tứ trụ, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Trung ương v.v..., không đi vào trường hợp cụ thể, nhưng tôi thấy là cái gì người ta đã được ghi nhận và người ta cũng vẫn có năng lực, khả năng, sức khỏe và xét đầy đủ các tiêu chí chẳng hạn uy tín v.v... thì nếu được, vẫn nên bầu cho họ.

 

"Hơn nữa, nếu những cán bộ phụ nữ đó là những người có tài, có đức, có những tâm huyết, bên cạnh các yếu tố khác và đã được thể hiện ra trong quá trình tham gia quản lý, lãnh đạo, thì theo tôi nên tiếp tục bầu cho họ tham gia, bởi vì sức khỏe thì họ vẫn còn có thể tham gia được.

 

"Điều này thực ra cũng đúng với nói chung, nhưng đồng thời tôi nghĩ là cũng cần đổi mới cách thức suy nghĩ và làm nhân sự để ngoài việc dân chủ hơn, công khai hơn, thì làm sao các lớp trước cũng cần mở đường, nhường đường cho các lớp sau, các lớp trẻ, để người ta có điều kiện tham gia, còn những người đã tham gia nhiều, đã có tuổi, thì vẫn có thể tham gia, nhưng nên tìm hình thức, vị trí phù hợp khác, song tôi vẫn nhấn mạnh là nên nhường đường và tạo điều kiện cho lớp trẻ họ tham gia thì có lẽ là tốt hơn, tôi xin miễn bình luận vào trường hợp cụ thể nào vì có thể là nhạy cảm.

 

"Nhưng tôi thấy rằng điều quan trọng và quyết định chính là nhận thức, tư duy rồi đến đường lối chung của đảng, nếu đảng muốn mở ra cho các thành phần, những người trẻ, kế cận, thì trong cả một quá trình từ các cấp xã, huyện, tỉnh, nên bồi dưỡng thực chất để họ dần dần đi lên, và nếu không có gì quá đặc biệt, thì cứ theo các nguyên tắc, quy định công khai mà sắp xếp, quy hoạch nhân sự.

 

"Trong đất nước và xã hội Việt Nam còn có nhiều người tài, vấn đề là làm sao tạo điều kiện để họ tham gia vào quản lý, lãnh đạo, hỗ trợ phát triển đất nước mới là quan trọng và cái này muốn đạt được, phải thực sự dân chủ hơn nữa và nên nhớ rằng xã hội đã có sự đổi mới, mở mang, không nên phân biệt nữa, ở nhiều nước khác, người ta không phân biệt mà người ta chọn những người tài để có những vị trí cần thiết.

 

"Còn nếu phân biệt qua nhiều chỉ tiêu để đưa vào các quy trình, thì đôi khi cũng bị hạn chế để lãng phí những người thực tài và có năng lực, tâm huyết.

 

"Một vấn đề nữa là đổi mới đường lối, riêng về lĩnh vực kinh tế và quản lý vĩ mô và thể chế, tôi thấy đảng cũng cần có những đổi mới, thực sự là đảng cũng đang có những tính toán để thay đổi về đường hướng, tuy nhiên vẫn còn có những cái chưa được cải tổ kịp, bởi vì tôi lấy ví dụ ngay như vấn đề bảo hiểm xã hội, vẫn đang có sự phân biệt giữa tư nhân và nhà nước, ngoài ra còn có một số vấn đề khác trên thực tế mà vẫn đang chưa cho thấy được rõ việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khu vực tư nhân, kinh tế tư nhân, do đó về lĩnh vực này, tôi đề nghị là cần phải có sự thay đổi, mở mang hơn nữa, có nhãn quan thực tế, thực chất hơn nữa.

 

"Tóm lại tôi nghĩ là về đổi mới, đảng cũng đã và đang có những quan tâm, tuy nhiên đảng cần phải có những cái thiết thực hơn và rõ ràng hơn, đặc biệt là trong cơ chế sở hữu, đây là lĩnh vực vẫn còn đang còn có sự phân biệt giữa nhà nước và tư nhân và vẫn còn đang chưa thấy được đúng và khách quan vai trò, thực chất của thành phần, khu vực kinh tế tư nhân này, cho nên một số chính sách, đường lối lớn theo nhìn nhận của tôi là chưa phù hợp," cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam Phạm Thị Loan nói với BBC.

 

 

Cần thoát ra khỏi "khung tư duy chật hẹp"?

 

Từ Hội An, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nêu quan điểm với BBC:

 

"Qua truyền thông, báo chí nhà nước, tôi cũng được biết là Đại hội 13 của đảng CSVN sẽ nhóm họp dự kiến một tuần từ ngày 25/01 đến ngày 02/02 năm tới, tôi cũng mong rằng lãnh đạo của đảng suy nghĩ nghiêm túc, thấu đáo về vấn đề nhân sự quản lý đất nước và mở rộng trách nhiệm, quyền hạn của quản lý đất nước ra khỏi khung chật hẹp của đảng và có thể mở rộng ra cho những nhân tài trong cũng như ngoài đảng, trong nước cũng như ngoài nước.

 

"Điều đó để làm gì? Để tất cả mọi người đều có thể chung tay và có trách nhiệm với sự xây dựng đất nước. Phải có một sự đoàn kết rộng rãi của các nhân tài Việt Nam cũng như của tất cả tầng lớp nhân dân Việt Nam để đưa đất nước vươn lên. Đó là cái mà tôi kỳ vọng nhất.

 

"Bây giờ nói tới phải làm gì, thì tôi thấy rằng với những vấn đề đó phải giải quyết những vấn đề đi theo, mà về nhân sự thì ngoài cái tâm, thì phải có cái tầm và đặc biệt phải giải quyết cho được vấn đề tiêu cực.

 

"Tôi xin nói rằng quản lý nhà nước thì không thể nào làm được nên hồn nếu để cho tham nhũng, tiêu cực xảy ra như thế, cái đó là điều mà lãnh đạo của đảng phải giải quyết nội bộ nhân sự của mình thế nào cho hợp lý sao cho thực sự trong sạch, không thể quản lý nhà nước mà chung sống với tiêu cực, tham nhũng như thế, và đó cũng là một mong mỏi lớn.

 

"Bây giờ tôi muốn nói đến vấn đề đổi mới cơ chế, chính sách quản lý, lãnh đạo, để tạo điều kiện cho đất nước phát triển và phát triển lành mạnh, cần phải bỏ đi những tư duy sai lầm, cũ rích của vấn đề quản lý nhà nước lâu nay theo cơ chế của quản lý kinh tế tập trung.

 

"Ở đây, phải đổi mới hẳn tư duy đó để bước qua những chính sách mở và tạo điều kiện, cơ chế cho kinh tế dân doanh phát triển mạnh. Vì sao tôi nhấn mạnh điều đó, vì kinh tế là việc của dân, chứ không phải là trách nhiệm của nhà nước đi làm kinh tế.

 

"Nhà nước phải thế nào? Nhà nước thay vì đi làm kinh tế, mà trong nhiều lúc lại cạnh tranh, hạn chế, kiềm hãm với kinh tế dân doanh, thì nhà nước phải hiểu là mình có trách nhiệm và chức năng là tạo điều kiện, cơ chế, tạo mọi sự thuận lợi cho nhân dân, kinh tế nhân dân, dânh doanh phát triển, cái đấy mới là công việc của quản lý nhà nước và là điều phải nhấn mạnh và làm rõ. Đó là hai vấn đề chính mà tôi thấy đại hội 13 phải giải quyết.

 

"Nhân đây, tôi nói thêm là bộ máy đó là để tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát triển, vì vậy tất cả những vấn đề gì mà gây trở ngại cho nhân dân, dân doanh và phát triển kinh tế, thì phải nhanh chóng loại bỏ, để cho nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng trở thành một nền kinh tế thị trường thực sự, chứ không phải là như người ta gọi thế hiện nay, mà hoạt động thực sự tự do.

 

"Do đó, phải lột bỏ đi ngay những cái mà bây giờ đang gây trở ngại, trong đó có những chính sách trở ngại với khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế dân doanh, vấn đề sở hữu tư nhân về đất đai v.v..., chứ không phải là cứ nói rằng đảng và nhà nước có bao nhiêu chính sách này, nọ, với bao nhiêu rừng nghị định, thông tư v.v... mà trên thực tế thì vẫn còn những sự khóa tay, cản trở, thậm chí kìm hãm không cần thiết.

 

"Không nên có những chuyện đó, một nền kinh tế mở thì thực sự phải mở, chứ không phải là kiểu quản lý nhà nước cứ nhỏ giọt, lần lần kiểu mở vòi nước nhỏ nhỏ, rồi tiếp tục xin cho, chẳng nên có chuyện đó, đảng và nhà nước phải thay đổi tư duy để làm sao cho khơi thông cho nước sông được chảy, mà không nên ngăn sông, cấm chợ, dựng đập, đắp đê ngăn chặn, rồi mở cái nọ, mở cái kia mà lại có điều kiện, bắt người ta phải quỵ lụy.

 

"Nên chấm dứt cái đó, mà trách nhiệm của nhà nước là phải mở hẳn ra và để cho nhân dân có được sự hoạt động tự do trong nền kinh tế, thì tự nhiên là phải có quản lý cởi mở hơn, công khai, minh bạch hơn, mà đồng thời giúp giải tán vấn đề tiêu cực, tham nhũng này nọ kia khác. Nói chốt lại là đảng cần phải thay đổi tư duy để tạo mọi điều kiện cho nền kinh tế, đặc biệt trong đó có kinh tế tư nhân, dân doanh phát triển, phải xem lại vai trò của các khu vực đó cho khách quan và thừa nhận, cũng như là cải tổ kinh tế, thừa nhận vấn đề sở hữu tư nhân về đất đai v.v... bên cạnh những đổi mới khác về tư duy và hành động," kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với BBC.

 

 

"Gấp rút chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng"

 

Hôm thứ Năm, 24/12/2020, chuyên trang mạng của đảng Cộng sản Việt Nam về Đại hội 13 của đảng này đưa tin về công việc chuẩn bị tổ chức kỳ đại hội và cho hay:

 

"Tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp từ ngày 14/12/2020 đến ngày 18/12/2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội...

 

"Việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này đã được tiến hành rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới, tiến bộ về chất so với trước...

 

"Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành thận trọng, bài bản, kỹ lưỡng. Từ cuối tháng 12/2018 đến tháng 9/2020, Bộ Chính trị đã 4 lần phê duyệt nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với tổng số 227 người...

 

"Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư một số khoá gần đây (về tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, số lượng, cơ cấu, cách làm) và rút ra các bài học kinh nghiệm...

 

"Tại Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

 

"Cũng trong thời gian này, Tiểu Ban phục vụ Đại hội cũng đang gấp rút chuẩn bị công tác bảo đảm an ninh trật tự, phương án y tế phục vụ Đại hội XIII; việc mời báo chí dự đưa tin về Đại hội và một số nội dung liên quan công tác chuẩn bị Đại hội," trang mạng về Đại hội 13 của đảng CSVN hôm thứ Năm cho biết.

 

                                                       ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng 'kiên quyết' chặn người không đủ tiêu chuẩn

22 tháng 12 năm 2020

.

Hội nghị TƯ14: Bao giờ đảng công khai hơn về nhân sự?

19 tháng 12 năm 2020

.

Việt Nam: Đốt lò nóng, nhưng tham nhũng quyền lực thì sao?

18 tháng 12 năm 2020

.

Hội nghị TƯ14: 'Nhất trí rất cao' về nhân sự Bộ Chính trị, chưa bàn 'trường hợp đặc biệt'

18 tháng 12 năm 2020.

.

Hội nghị TƯ14: Vẫn còn chờ "trường hợp đặc biệt"?

14 tháng 12 năm 2020

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats