Tuesday, 8 December 2020

TẠI SAO DÂN OAN Ở NGHỆ AN UẤT ỨC VỀ MỨC ÁN 15 THÁNG TÙ? (Giang Nguyễn)

 


Tại sao dân oan ở Nghệ An uất ức về mức án 15 tháng tù? 

Giang Nguyễn
2020-12-07

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/aggrieved-nghe-an-citizen-dismayed-by-15-month-sentence-12072020204042.html

 

Phiên tòa xét xử ông Nguyễn Hữu Năng, một dân oan ngụ tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, diễn ra chỉ vỏn vẹn 1 tiếng 20 phút, tại Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên vào sáng ngày 24 tháng 11. Kết thúc phiên toà, ông Năng bị tuyên 15 tháng tù vì tội “hủy hoại tài sản” do ông ném đá vào những chiếc xe công trình đang san lấp mặt bằng trên phần đất mà gia đình ông đã khiếu kiện suốt 20 năm qua. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/aggrieved-nghe-an-citizen-dismayed-by-15-month-sentence-12072020204042.html/@@images/f8305bab-31f6-4015-b2ee-ff7c26323a0b.jpeg

Dân oan Nguyễn Hữu Năng / Courtesy of Hạt Lúa Kẻ Gai

 

15 tháng tù oan ức

 

Phiên tòa không có báo chí và người tham dự thì bị cấm quay hình thu âm. Tuy nhiên, một số phần thu âm ghi lại sự phản kháng của ông Năng và lời tranh cãi trong phiên tòa đã được chuyển đến Đài Á Châu Tự Do.

 

Một người dân thuộc giáo xứ Kẻ Gai không muốn nêu tên vì sợ bị chính quyền sách nhiễu đã chia sẻ về những gì chị quan sát được từ trong phòng xử án.

 

“Khi dự phiên tòa thì có công an mặt thường phục rất là nhiều. Họ trà trộn trong dân rất là nhiều. Và khi vào trong tòa thì thư ký đọc là phiên tòa sẽ được xử công khai. Nhưng mà thực chất ở trong phiên tòa không có ai được cầm điện thoại, hoặc được ghi âm hoặc quay bất kỳ cái gì. Công an mặc thường phục, cũng như là sắc phục rất là nhiều. Họ giám sát người dân kể cả bản thân em cũng bị giám sát”.

 

Người dân ẩn danh này cho biết thêm rằng, trong phiên tòa ông Năng không có quyền biện mình vì mỗi lần ông lên tiếng thì liền bị chủ tọa cắt ngang. 

 

“Ông Năng luôn kêu ông bị oan. Ông ấy bảo là dù ông có chết thì cũng không bao giờ chấp nhận bản án mà tòa án đưa ra bởi vì 20 năm ông đi tìm công lý mà chính quyền không có ai giải quyết cho ông cả. Họ cứ người này đổ lỗi cho người kia. Và khi chủ toạ kêu ‘bị cáo’ thì ông Năng kêu lên ‘Tôi không phải là bị cáo, tôi là dân oan. Bản án đ ưa ra tôi không chấp nhận’. Những lời biện minh của ông ấy thì chủ tọa không nghe, bác bỏ hết, không cho ông nói”.

 

Chị này cũng cho biết thêm rằng chị mới bắt đầu tìm hiểu câu chuyện đấu tranh đòi công lý của ông Nguyễn Hữu Năng trong những năm gần đây. 

 

“Em rất là thương và khâm phục ông Năng vì ông là một người đấu tranh cho công lý”.

Bản án 15 tháng tù dành cho ông Năng chỉ vì hành vi “hủy hoại tài sản” theo chị là quá oan ức.

 

Bà Phan Thị Tịnh, vợ của ông Năng kể với Đài Á Châu Tự Do rằng việc ông ném đá vào xem công trình hôm 27/7 là thể hiện hành động “tức nước vỡ bờ” của chồng bà sau suốt 20 năm ròng rã chồng bà đã đấu tranh đòi lại mảnh đất của mình bị thu hồi để làm khu công nghiệp đô thị & dịch vụ VSIP Nghệ An với giá bồi thường không thoả đáng.

 

 “Họ cho xe chạy qua đất của vùng mình, và hai vợ chồng ra cản các chiếc xe đó mà họ vẫn xô hai vợ chồng để xe chạy”. 

 

Cô Tịnh nói, ông Năng quá tức giận đã ném đá vào các xe làm bể kính.

 

“Không có ai bị gì cả, chỉ có các xe đó. Vì bức xúc quá mới ném đá thôi chứ ngoài ra không ai bị thương gì cả”. 

 

 

Đi tìm công lý suốt 20 năm

 

Người em của ông Năng, ông Nguyễn Hữu Lý, kể với RFA chi tiết sự việc tại sao ông Năng có những hành động như trên:

 

“Toàn bộ khu đất ở Hưng Tây là trung tâm VSIP lớn. Đất họ thu của dân trả với giá chỉ có 88 triệu một sào. Đến hôm nay cũng còn một số dân vẫn chưa ký hết và anh tôi cũng trong diện đó, nên không được bồi thường. Khi thi công thì anh tôi nói là ‘Đó là đất của tôi, tôi sẽ giữ, đấu tranh đến chết’. Khi đấu tranh thì (chính quyền) cũng về điều tra rất nhiều lần, bắt nhiều lần. Bắt lần này, lượt khác thả. Hôm đó xe của VSIP làm đường đi đến phần đất của anh tôi. Anh tôi ném 3 kính xe thì bị họ bắt từ hôm đó đến nay”.

 

Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An khởi công vào năm 2015 do Tập đoàn phát triển VSIP của Singapore đầu tư.  Báo Nghệ An trong một bài đăng tải ngày 2/11/ 2018 có nói đến những “gian khó trong công tác giải phóng mặt bằng với diện tích lớn 750 ha, trong đó có nhiều diện tích đất dân cư, nhà xưởng, nghĩa trang”.

 

Ông Nguyễn Hữu Lý kể thêm, gia đình bắt đầu đụng độ với chính quyền địa phương vào năm 1999. 

 

Năm 1999 cho đến bây giờ, thứ nhất là gia đình là một gia đình thuần nông, làm nghề nông chứ không có vế gì trong xã hội. Thời đó là chia ruộng, người ta bảo là người ta chia ruộng, mỗi khẩu như vậy là được trao 8 phần. Thì trong nhà có 4 người, nhân lên 4 khẩu thì là bao nhiêu ruộng. Sau một thời gian thì họ đi thu các khoản thu thuế, như thuế nông nghiệp, trong đó phải gánh cả. Ảnh thấy bất công của chính quyền xã thu như vậy không đúng. Anh ấy chống khoản thu không đúng”.

 

Qua nhiều năm khiếu kiện từ huyện đến tỉnh, đến Trung ương, đều không được phản hồi, ngược lại còn bị quấy rối, bắt bớ, ông Lý nói tiếp.

 

Ông Lý cũng ghi nhận, trong phiên tòa xét xử người anh của ông ngày 24/11, phía bị hại không đòi bồi thường. 

 

“Anh tôi nói ‘Tôi không là bị cáo, tôi là người bị hại” và trong khi đó, chủ của 3 chiếc xe, người ta cũng biết như vậy, người ta đứng lên xin giảm án và họ không bắt bồi thường, vì 3 chiếc xe đó hư kính tính ra chưa đầy 6 triệu”.

 

Ông cho rằng chính quyền đã lấy cớ để dập tắt tiếng nói đấu tranh của người anh ông để thuận tiện trong việc tiến hành công trình xây dựng khu công nghiệp tại đây.

 

Những vụ dân oan bị thu hồi đất rồi phải đi khiếu kiện vì không được giải quyết thỏa đáng xảy ra rất nhiều tại Việt Nam.

 

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo ngày 14/9 tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, năm 2020 cơ quan hành chính tiếp nhận hơn 300.000 đơn thư các loại khiếu nại, tố cáo. Trong số đơn này các đơn khiếu nại về lãnh vực đất đai chiếm đa số, hơn 60%. 

 

Quay trở lại với trường hợp của ông Năng, dân oan ở Nghệ An vừa bị phạt tù, người chị ẩn danh chứng kiến phiên tòa cho biết, không chỉ có ông Năng mà tại xã Hưng Tây có rất nhiều người bất mãn, nhưng họ không dám lên tiếng. 

 

“Chỗ bọn em cũng rất nhiều (dân oan) nhưng người dân họ thấp cổ bé miệng và họ sợ nên đa số họ cúi đầu chấp nhận giá đền bù rẻ mạt đó. Còn riêng gia đình ông Năng không chấp nhận vì ông đã đi tìm công lý 20 năm rồi và luật thì ông cũng biết cho nên ông không chấp nhận những thiệt hại mà gia đình của ông từ trước đến nay phải chịu. Trong phiên tòa ông cũng tuyên bố là ông sẽ phản kháng. Và ông bảo là dù ông có chết thì ông cũng sẽ đấu tranh đến cùng. Khi phiên tòa xử thì ông cũng báo là ông bị ép cung nên sức khỏe của ông không được đảm bảo”.

 

Ông Nguyễn Hữu Năng được thông báo ông có 15 ngày để kháng án. 

 

Bà Phan Thị Tịnh cho biết, hôm 4 tháng 12 bà vào trại Nghi Kim thăm chồng:

 

Anh Năng có nói là tôi không chấp nhận phiên tòa vì phiên tòa không đúng. Sáng mẹ con có hỏi ảnh có kháng cáo không, nhưng ảnh không ra không hỏi được... Không biết nguyên nhân ổng bức xúc bức chế, ổng oan quá, ông không muốn ra gặp mẹ con”. 

Bà nói chỉ có thể chờ đến tháng Giêng năm tới, khi bà lại được phép thăm nuôi mới hỏi được chồng về việc kháng án. Đồng thời bà cũng cho hay gia đình không có tiền để mướn luật sư.

 

--------------------------

 

Tin, bài liên quan

·         Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng tuyệt thực phản đối chính sách hà khắc của nhà tù

·         Dân Thủ Thiêm tiếp tục cầu cứu lên Trung ương và kiên định giữ đất

·         Những khu đất “vàng” và các bản án tù dành cho quan chức Việt Nam

·         Cam kết của Việt Nam với LHQ về bảo vệ nhân quyền và thực tế!

·         “Dân oan không giết người để giữ đất”

·         Phiên tòa Đồng Tâm: “Dọn đường đưa dân lên đoạn đầu đài”?

·         Đề án thành phố Thủ Đức có theo “vết xe đổ” Thủ Thiêm?

·         Gia đình nhà hoạt động Trịnh Bá Tư bị từ chối được thông tin về tình trạng an nguy của anh

·         Có thể xây dựng lực lượng công an “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân”?

·         Dân oan mất đất tự tử trước khi chấp hành án tù

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats