Sống
dưới bóng con rồng : Đông Nam Á trong thế kỷ Trung Quốc
Lê Hồng
Hiệp
21/12/2020
http://nghiencuuquocte.org/2020/12/08/song-duoi-bong-con-rong-dong-nam-a-trong-the-ky-trung-quoc/
Sự trỗi dậy ngoạn mục của
Trung Quốc trong bốn thập niên qua đã mang lại cho thế giới những cơ hội và thách
thức chưa từng có, nhưng không khu vực nào trải nghiệm thực tế địa chính trị mới
này một cách sống động như khu vực Đông Nam Á. Mười một quốc gia khu vực
đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ
cũng là những nước đầu tiên cảm nhận được những bước dậm chân mạnh mẽ của người
khổng lồ đang tỉnh giấc.
Cuốn sách In the Dragon’s Shadow:
Southeast Asia in the Chinese Century (Sống dưới bóng con rồng:
Đông Nam Á trong thế kỷ Trung Quốc) cung cấp một góc nhìn sâu sắc về sự trỗi dậy
của Trung Quốc và tác động tới bối cảnh kinh tế và chiến lược của khu vực, cũng
như cách các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn của Trung Quốc đã phải vật lộn
như thế nào để đối phó với siêu cường mới nổi.
Mỗi quốc gia trong số 11
nước ở khu vực này đều đối mặt với những thách thức tương tự nhau trong việc đối
phó với Trung Quốc, nhưng như Strangio viết, ‘không hai quốc gia nào có cách tiếp
cận Trung Quốc giống nhau’. Các cách tiếp cận khác nhau của họ được định hình bởi
kinh nghiệm lịch sử và nhận thức khác nhau về các mối đe dọa và cơ hội mà sự trỗi
dậy của Trung Quốc mang lại cho mỗi nước.
Trong số chín quốc gia được
phân tích trong sách (trừ Brunei và Đông Timor), Việt Nam là nước cảnh giác nhất trước Trung Quốc,
trong khi Campuchia là nước thân Trung Quốc nhất. Việt Nam được hưởng lợi
về mặt kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại và là
thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng kinh nghiệm lịch sử cay đắng
của Việt Nam về những cuộc xâm lược lặp đi lặp lại của Trung Quốc và tình hình
tranh chấp Biển Đông sôi sục đã khiến Việt Nam liên tục cảnh giác trước sự gia
tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Hà Nội miễn cưỡng tham gia Sáng kiến Vành
đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và mới chỉ cho phép thành lập duy nhất một
Viện Khổng Tử. Đồng thời, Việt Nam cũng đang xây dựng năng lực quân sự và liên
tục nâng cấp quan hệ với Mỹ và các đồng minh để đối trọng lại Trung Quốc trên
Biển Đông.
Ngược lại, Campuchia của
Hun Sen đã không ngần ngại ôm lấy Trung Quốc bất chấp thực tế rằng Bắc Kinh đã
tài trợ cho chế độ Khmer Đỏ, đối thủ không đội trời chung của Hun Sen trong những
năm 1970 và 1980. Đối với Campuchia, các lợi ích mà Trung Quốc mang lại về
thương mại, đầu tư, du lịch, các khoản vay ưu đãi, và đặc biệt là sự hỗ trợ chính
trị của Trung Quốc dành cho chế độ chuyên chế của Hun Sen, đã quan trọng hơn bất
kỳ mối quan ngại an ninh khả dĩ nào. Trong quan điểm của các nhà phân tích,
Campuchia thậm chí còn hành động như đại diện của Trung Quốc trong vấn đề Biển
Đông.
Bảy quốc gia còn lại nằm ở
giữa, ít nhiều bên này hoặc bên kia của trục “yêu – ghét” Trung Quốc, dù hầu hết
cố gắng duy trì một vị thế cân bằng. Chẳng hạn, Singapore đã cố gắng trở thành
một đối tác thân thiện của Trung Quốc do quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai quốc
gia, nhưng cũng đã khá thẳng thắn trong việc chống lại những ảnh hưởng chính trị
không chính đáng từ Bắc Kinh và yêu sách Biển Đông thái quá của nước này, những
điều đe dọa sự tồn vong và thịnh vượng của chính Singapore trong vai trò một quốc
gia nhỏ phụ thuộc nhiều vào sự tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại hàng hải. Điều
này đã tạo ra những căng thẳng song phương đáng kể, bao gồm việc Trung Quốc bắt
giữ 9 xe bọc thép Singapore trên đường trở về từ các cuộc tập trận quân sự ở
Đài Loan hồi năm 2016 và việc Singapore trục xuất một học giả người Mỹ gốc
Trung Quốc năm 2017 vì người này được cho là đã bí mật nỗ lực gây ảnh hưởng lên
chính sách đối ngoại Singapore thay mặt một chính phủ nước ngoài không được nêu
tên mà nhiều người tin là Trung Quốc.
Trong khi đó, giới tinh
hoa, đặc biệt là những người ở trong quân đội Malaysia, bên cũng tham gia tranh
chấp Biển Đông, cũng trở nên quan ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung
Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay Malaysia đã áp dụng một cách tiếp cận khá
thân thiện đối với Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời thủ tướng Najib Razak.
Ngoài sự gần gũi về kinh tế và văn hóa được duy trì bởi người Malaysia gốc Hoa,
vốn chiếm gần một phần tư dân số đất nước, các khoản đầu tư khổng lồ của Trung
Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia theo sáng kiến BRI và việc Bắc
Kinh sẵn sàng hỗ trợ Najib trong bối cảnh Najib gặp các rắc rối chính trị vì bê
bối tham nhũng liên quan đến quỹ đầu tư 1Malaysia Development Berhad cũng có
vai trò nhất định trong việc giữ ấm cho quan hệ song phương.
Trong suốt cuốn sách, một
điều nổi bật là chiều sâu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Đông Nam Á, điều bắt
nguồn từ quan hệ kinh tế song phương sâu sắc và các kết nối mạnh mẽ được duy
trì bởi các thế hệ những người di cư gốc Hoa sinh sống trong khu vực. Tuy
nhiên, ảnh hưởng này cũng mong manh và dễ thay đổi; khu vực này sẽ không
trở thành một khu vực ảnh hưởng vững chắc của Trung Quốc trong tương lai gần. Ngoài
vấn đề tranh chấp Biển Đông, điều liên tục gây áp lực lên quan hệ song phương,
sự thay đổi chính trị trong nước ở các quốc gia trong vùng cũng có thể đảo ngược
vận may ngoại giao của Trung Quốc, như đã thấy trong trường hợp của Myanmar hoặc
Malaysia. Các quốc gia như Philippines, Thái Lan và Indonesia gần đây cũng
đã thực hiện các bước đi để có một cách tiếp cận cân bằng hơn với Bắc
Kinh. Quan trọng hơn, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và
Trung Quốc có nghĩa là các nước trong khu vực sẽ bị Washington giám sát ngày
càng chặt chẽ nếu họ dịch lại quá gần Trung Quốc. Ngay cả những đối tác
thân cận nhất của Trung Quốc như Campuchia hoặc Lào cũng có thể phải suy nghĩ lại
nếu họ muốn ràng buộc số phận của mình với Trung Quốc.
Kinh nghiệm khu vực phong
phú của Strangio được tích lũy qua nhiều năm sinh sống ở Campuchia và Thái Lan,
cùng với các chuyến đi điền dã nhằm phỏng vấn các nhân vật khác nhau trong khu
vực, cho phép tác giả cung cấp cho người đọc những phân tích chín chắn và đầy đủ
thông tin. Dựa trên sự hiểu biết sâu sắc của tác giả về lịch sử mỗi quốc
gia cũng như cách họ tương tác với Trung Quốc trước đây, cuốn sách giúp độc giả
làm quen với với không chỉ quan hệ đương đại của các nước trong khu vực với
Trung Quốc mà còn là lịch sử và chính trị trong nước của họ. Văn phong báo
chí của Strangio cũng làm cho cuốn sách hết sức dễ đọc. Strangio nên được khen
ngợi vì đóng góp học thuật kịp thời và quan trọng của mình, một cuốn sách rất
đáng đọc đối với bất kỳ ai quan tâm đến quá khứ cũng như tương lai của Trung Quốc
và Đông Nam Á.
-----------------------
Đây là bài điểm cuốn sách In the Dragon’s Shadow: Southeast Asia in the Chinese
Century (Sống dưới bóng con rồng: Đông Nam Á trong thế kỷ
Trung Quốc) của Sebastian Strangio, Nhà xuất bản Đại học Yale ấn hành năm
2020. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên History
Today.
No comments:
Post a Comment