Bài học tính đoàn kết từ người Mỹ gốc Á cho Đảng Dân Chủ
Việt Thanh Nguyễn - The New York Times
Chuyển ngữ: Tuấn H. Nguyễn
19/12/2020
https://www.the-interpreter.org/post/bai-hoc-tinh-doan-ket-tu-nguoi-my-goc-a-cho-dang-dan-chu
Translated from The New York Times article What the Asian-American Coalition Can Teach the Democrats
Khả năng tạo nên một đám
đông chia sẻ chung quan điểm chính trị bất kể nhiều khác biệt là hình mẫu cho một
đảng chính trị - và cho đất nước.
Việt Thanh Nguyễn, ngày 16 tháng 12, 2020
Joe Biden tại một sự
kiện của Liên Minh Người gốc Á Châu và Latin trong tháng Tám.
Nhiếp ảnh gia:
Christopher Lee của tờ The New York Times
***
Trong chính trị liên
minh, từng phần trong khối liên minh đều quan trọng, đặc biệt khi các cuộc bầu
cử sắp diễn ra. Với đảng Dân chủ, người Mỹ gốc Á bỗng nhiên lại quan trọng: Họ
là nhóm chủng tộc hay sắc dân có dân số phát triển nhanh nhất trong tổng số cử
tri tại Mỹ, đóng góp 4.7% lượng cử tri - đủ để tạo nên điểm khác biệt trong cuộc
tranh cử tổng thống ở bang Georgia, nơi Joe Biden vừa chiến thắng với khoảng
cách 12,000 phiếu.
Trên cả nước, người Mỹ gốc
Á bỏ phiếu chọn ông Biden trên Donald Trump với tỷ lệ khoảng 2 trên 1, theo các
thăm dò ý kiến, đánh dấu sự chuyển mình qua nhiều thập niên với đảng Dân chủ
(Năm 1992, 55 phần trăm người Mỹ gốc Á chọn George H.W. Bush và 31 phần trăm chọn
Bill Clinton). Đó là lý do để tin tưởng rằng thay đổi nãy sẽ tiếp tục: Mặc dù một
phần ba số cử tri người Mỹ gốc Á bầu cho ông Trump, có đến 83 phần trăm cử tri
gốc Á trong độ tuổi từ 18 đến 29 lại bỏ phiếu cho ông Biden.
Các nhà hoạt động chính
trị người Mỹ gốc Á từng tranh cãi trong một thời gian rằng đảng Dân Chủ không
quan tâm đủ đến cộng đồng của họ. Bài học người Mỹ gốc Á phải dạy là gì? Khả
năng tạo nên một đám đông chia sẻ chung quan điểm chính trị bất kể nhiều khác
biệt là hình mẫu cho liên minh đảng Dân chủ - và thật sự, cho cả đất nước này.
Họ cho thấy cả bản sắc và tư tưởng chính trị đều quan trọng, không chỉ riêng mảng
này hay mảng khác.
Khi bàn đến bản sắc, người
Mỹ gốc Á vẫn là một nhóm đầy rẫy sự khác biệt. Nhiều khác biệt trong ngôn ngữ,
sự di cư, thế hệ, tôn giáo, văn hóa và cội nguồn góp phần tạo nên nét phong phú
nhưng cũng có thể phá vỡ cộng đồng này. Cái danh “người Mỹ - gốc Á” không tự
nhiên xuất hiện, vì người dân ở châu Á không tự hình dung mình là người ở châu
lục này, mà thường xác định nguồn gốc bản thân với một quốc gia hoặc sắc dân cụ
thể hơn.
Di dân từ châu Á vào Mỹ
trở thành “người Mỹ gốc Á” để đáp lại nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người gốc
Á. Nạn phân biệt chủng tộc ấy - dưới dạng bạo lực không thường xuyên, như một
loạt lời lẽ xúc phạm, xem thường, và định kiến nghe qua có vẻ tích cực nhưng lại
thấp kém như “người thiểu số gương mẫu” - tạo ra một tinh thần đoàn kết chặt chẽ
trong cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Hôm nay, bất chấp nhiều
khác biệt, người Mỹ gốc Á hình thành một liên minh cấp tiến tương đối đoàn kết.
Chắc chắn, văn hóa người Mỹ gốc Á có thể đứng cùng với những mục tiêu bảo thủ,
qua ví dụ một số người Mỹ gốc Á phản đối luật giúp đỡ người thiểu số (dịch:
“affirmative action”). Nhưng những người xác định mình là người Mỹ gốc Á thương
có góc nhìn chính trị cánh tả. Xem bản thân là người Mỹ gốc Á mang tính tư duy,
ngầm thừa nhận tầm quan trọng của một liên minh đa sắc dân lớn hơn.
Không phải ngẫu nhiên mà
Phó Tổng thống tân cử Kamala Harris, đảng Dân chủ, lại nhiệt tình thảo luận
không riêng về văn hóa người da màu mà còn về bản sắc Nam Á của bà. Ở phía ngược
lại, thành viên đảng Cộng hòa bà Nikki Kaley và ông Bobby Jindal, hai trong số
chính trị gia gốc Ấn nổi tiếng tại Mỹ, lại tỏ ra mơ hồ trong việc xác định bản
thân là người Mỹ gốc Ấn, chứ chưa bàn đến người Mỹ gốc Á.
Liên minh người Mỹ gốc Á
cấp tiến hôm nay cũng được củng cố lại qua việc điều tiết nền tảng tư duy-cảm
xúc chính trị của nó. Liên minh này bắt nguồn từ năm 1968, thời điểm các sinh
viên Đại học Berkeley, tại California lập ra tên “người Mỹ gốc Á” để hình thành
phong trào phản đối kì thị chủng tộc, chống chiến tranh, chống chủ nghĩa tư bản,
chống tư tưởng quốc gia bạo quyền, và thường theo chủ nghĩa Marx. Những cam kết
đó vẫn được giới trí thức và các nhà lãnh đạo trong liên minh hưởng ứng, tuy
nhiên, phần đông người Mỹ gốc Á được nhìn nhận có xu hướng tự do hơn, hoặc thậm
chí có quan điểm bảo thủ hơn một chút.
Minh chứng cho sự điều tiết
tư tưởng trên là ứng cử viên tổng thống Andrew Yang. Bất chấp đề xuất của ông về
mức thu nhập căn bản chung (dịch: “universal basic income”) tương đối tiến bộ,
ông không phải là người có quan điểm cuồng chính trị. Và dù ông không tích cực
quảng bá hình ảnh bản thân là một ứng cử viên người Mỹ gốc Á, ông cũng chẳng
quay lưng lại với bản sắc đó (dù ông có vài câu nói đùa về nó).
Người Mỹ gốc Á dựng nên
liên minh chính trị không phải để bỏ qua sự khác biệt của nhiều bản sắc, mà vì
sự hiện hữu của nhiều bản sắc đó. Thành công của họ là lời trách đối với những
người xem thường ”chính trị bản sắc” (dịch: “identity politics”) và muốn nhấn mạnh
giá trị giai cấp hơn chủng tộc hoặc bản sắc. Quan điểm sâu sắc của nhà tư duy
văn hóa Stuart Hall luôn có phần mới mẻ: “Chủng tộc là nền tảng tồn tại của
giai cấp.” Việc tạo ra định nghĩa chủng tộc và nạn lợi dụng sự khác biệt về chủng
tộc luôn là một yếu tố của chủ nghĩa tư bản. Đó là lý do vì sao bất cứ lời kêu
gọi nào đặt tầng lớp lên trên chủng tộc về cơ bản là nhầm lẫn, và tệ hơn là thiếu
trung thực.
Dĩ nhiên, không thiếu các
dẫn chứng tàn ác và kém hiệu quả về chính trị bản sắc. Cách Tổng thống Trump
kêu gọi giới ủng hộ ông, chẳng hạn, liên quan đến chính trị bản sắc người da trắng,
điều này luôn là bản sắc chính trị ở nước Mỹ, nhưng hiếm khi được nghĩ như vậy.
Ông Trump đơn giản làm cho màu trắng ở đất nước này nổi bật hơn thay vì tiềm ẩn.
Nhưng vấn đề không nhất thiết nằm ở chính trị bản sắc. Vấn đề nằm ở nơi ông
Trump đang tận dụng chính trị bản sắc da trắng song song với các chính sách
kinh tế mang ưu đãi đến người giàu và một chiến lược chính trị kèm theo việc
đánh giá thấp những sắc dân khác.
Ngược lại, liên minh người
Mỹ gốc Á đang đòi hỏi chính sách mà, theo cách nào đó, hỗ trợ những người đang
gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ, và những người da màu. Theo cô Jennifer Lee,
nhà nghiên cứu xã hội tại Đại học Columbia và điều tra viên chính của chương
trình Khảo sát Quốc gia về Người Mỹ gốc Á, “người Mỹ gốc Á có một số quan điểm
chung đáng chú ý, gồm kinh nghiệm đối mặt kì thị chủng tộc, thái độ bỏ phiếu và
cảm nhận với các chính sách từ bảo vệ môi trường, kiểm soát súng, đến việc đánh
thuế cao hơn và cung cấp các dịch vụ xã hội.”
Câu hỏi đặt ra cho liên
minh người Mỹ gốc Á nói riêng, cũng như cho đảng Dân chủ nói chung, là yếu tố
gì làm cho kinh tế công bằng: Có phải chủ nghĩa tự do Clinton-Obama ủng hộ Phố
Wall và các thỏa thuận thương mại, đồng thời không ngó ngàng đến tầng lớp trung
lưu và lao động? Hay một mô hình chia sẻ kinh tế qua việc đánh thuế người giàu ở
mức cao hơn, loại bỏ hoặc giảm thật nhiều nợ cho sinh viên và y tế, cải thiện bảo
hiểm sức khỏe và chương trình chăm sóc trẻ em, củng cố các trường công lập và
mang nền giáo dục đại học đến gần hơn?
Như liên minh người Mỹ gốc
Á của hôm nay nhìn thấy, không có chính sách nào được thực hiện hiệu quả nếu
thiếu quan tâm đến bản sắc và sự khác biệt. Ví dụ, phần lớn người Mỹ gốc Á ủng
hộ chính sách giúp đỡ người thiểu số, vì nhận ra sự cần thiết trong việc giảm bất
bình đẳng không chỉ dành riêng cho người Mỹ gốc Phi và người gốc Latin, mà còn
cho cả người dân các đảo Thái Bình Dương và người Mỹ gốc Á có thu nhập thấp.
Quan điểm dành cho chính
sách giúp đỡ người thiểu số nhận ra tầm quan trọng của một liên minh người Mỹ gốc
Á đa sắc tộc và một liên minh người Mỹ đa chủng tộc. Lợi ích giữa các nhóm và
cá nhân có thể hiện hữu với nhau và đôi khi không, nhưng tinh thần đoàn kết đòi
hỏi các thành viên trong liên minh thường phải tìm kiếm sự công bằng cho bản
thân và cho người khác.
Một bài học quan trọng từ
liên minh người Mỹ gốc Á là hành động tôn vinh nét đa dạng văn hóa có thể vài
lúc đánh lạc hướng chúng ta khỏi những vấn đề kinh tế bất bình đẳng, điều đó
không có nghĩa bản thân việc tập trung vào đa văn hóa, khác biệt hoặc bản sắc bỏ
mặc nạn kinh tế bất bình đẳng. Ngược lại, nạn kinh tế bất bình đẳng ở quốc gia
này đã luôn được xây dựng dựa trên sự khác biệt chủng tộc. Chỉ có khẳng định sự
ủng hộ đối với nhiều chủng tộc, cùng cách tiếp cận mạnh mẽ với ý tưởng về một nền
kinh tế công bằng, mới có thể giảm bớt nhiều vấn đề kinh tế mà đất nước này
đang đối mặt.
---------------------------
Đôi nét thêm về tác giả bài viết: Tiến sĩ Việt Thanh Nguyễn,
tài khoản Twitter @viet_thanh_nguyen, là ký giả đóng góp ý kiến cho tờ The New
York Times và cũng là tác giả quyển “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory
War” (tạm dịch: Chẳng Thứ Gì Chết Cả: Việt Nam và Ký ức Chiến tranh). Sách của
ông, “The Sympathizer” thắng giải thưởng danh giá văn học Pulitzer Prize. Việt
Nguyễn hiện đang là Giáo sư Văn học tiếng Anh tại University of Southern
California, miền nam California.
Chuyển ngữ: Tuấn H. Nguyễn, cựu thành viên ban biên
tập Người Thông Dịch, Thạc sĩ Triết học, miền bắc California.
No comments:
Post a Comment