Sunday, 13 December 2020

ĐỘC TÀI CÓ HẠI CHO SỨC KHỎE (Jason Nguyen - Luật Khoa)

 


Độc tài có hại cho sức khỏe 

Autocracy Is Hazardous for Your Health

Người dịch : Jason Nguyen  -  Luật Khoa

13/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/doc-tai-co-hai-cho-suc-khoe/

 

.

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/Getty-Images.jpg

Nghiên cứu cho thấy so với những nền dân chủ, các chế độ độc tài không có lợi cho sức khỏe của người dân. Ảnh: Getty Images

 

Dịch từ bài viết “Autocracy Is Hazardous for Your Health” nằm trong khuôn khổ Dự án Sức khỏe Toàn cầu (Global Health Program) của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR). Dự án này nhằm cung cấp các phân tích, khuyến nghị độc lập và thực chứng để giúp các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà báo, và công chúng đối mặt với những thách thức về sức khỏe trong một thế giới toàn cầu hóa.

 

                                                        ***

 

Nền dân chủ không còn chết đi trong đêm tối nữa. Nó chết giữa ánh sáng ban ngày, sau mỗi cuộc bầu cử, khi các cử tri đón nhận những nhà lãnh đạo dân túy và chuyên quyền hứa hẹn sẽ dẹp bỏ các rào cản và mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, là điều mà nền dân chủ đã không làm được.

 

Không phải những cuộc đảo chính quân sự lúc nửa đêm hay các giao dịch sân sau mờ ám đã đưa những kẻ mạnh bạo (strongmen) lên nắm quyền lực ở Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela – những nền dân chủ trong quá khứ mà nay đã gia nhập hàng ngũ các nước chuyên quyền trên thế giới. Chính những bất mãn hằng ngày về các khoản phí chăm sóc sức khỏe cao, trường học kém hiệu quả, và các chính trị gia tham nhũng đã khiến cử tri ở các quốc gia trên bầu chọn những lãnh đạo dân túy. Từ khi nắm được quyền lực, các nhà lãnh đạo này đã công khai và dần dà làm tổn hại các cuộc bầu cử công bằng, nền truyền thông tự do, và những ràng buộc thể chế (với nhà cầm quyền) – vốn là những trụ cột quan trọng của một nền dân chủ. Việc đó lại được cổ vũ bởi những người ủng hộ đang nóng lòng chờ kết quả.

 

Kết quả của xu hướng trên là sự tăng lên về số lượng các quốc gia đang trải qua quá trình chuyên chế hóa (autocratization) trên toàn cầu, hoặc sự suy giảm đáng kể về chất lượng nền dân chủ của những nước này. Đồng thời, con số các quốc gia đang trải qua quá trình dân chủ hóa – hoặc những cải thiện đáng kể về chất lượng nền dân chủ – vốn đạt đỉnh vào năm 1994 ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã bắt đầu có xu hướng giảm kể từ thời điểm đó (xem biểu đồ bên dưới).

 

Ở một số nước, như Nicaragua và Thổ Nhĩ Kỳ, quy mô của quá trình chuyên chế hóa đã tiến xa đến mức các nước này hiện được coi là những chế độ chuyên quyền có bầu cử (electoral autocracies), tức là những nơi vẫn tổ chức bầu cử, nhưng dưới những điều kiện nhằm ngăn cản các đảng đối lập vận động tranh cử một cách công bằng, hoặc không để cho việc bỏ phiếu được diễn ra tự do hay được kiểm đếm chính xác. Theo nghiên cứu gần đây của Anna Luhrmann và Staffan I. Lindberg trong Dự án các biến thể của nền dân chủ – Varieties of Democracy (V-Dem) Project thuộc Đại học Gothenburg, hơn 2/3 trong số các chế độ chuyên quyền bầu cử mới xuất hiện là đến từ quá trình suy thoái dần dần của các nền dân chủ trước đây. Năm nay, Dự án V-Dem đã liệt kê 24 nền dân chủ đang có xu hướng chuyên quyền hóa. Hoa Kỳ nằm trong danh sách này.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image2-3-1024x665.png

Cột mốc dân chủ hóa là bước nhảy vọt trong thang điểm dân chủ của một quốc gia. Cột mốc chuyên chế hóa là bước sụt giảm lớn trong thang điểm đó. Quá trình chuyên chế hóa có thể xảy ra ở các nước từng được xem là dân chủ, khi các giá trị dân chủ suy yếu, chẳng hạn như hạn chế về quyền tự do ngôn luận hoặc với nền truyền thông tự do. Đồ họa: CFR/ Việt hóa: Luật Khoa.

 

Sự chuyên chế hóa làm giảm tuổi thọ người dân

 

Các cử tri có thể quay sang ủng hộ chính quyền chuyên chế vì những hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, ít nhất là về mặt sức khỏe, những kỳ vọng trên đã không được đáp ứng. Tuổi thọ trung bình đã giảm 2% ở các quốc gia dân chủ mà gần đây trở thành chuyên quyền (Honduras, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela), so với các nước dân chủ không trải qua quá trình này (xem biểu đồ bên dưới).

 

Những tác động nguy hại của chế độ chuyên quyền vẫn còn mạnh mẽ ngay cả khi tính đến những khác biệt về kinh tế giữa các nước và loại trừ Venezuela, nơi có hệ thống y tế đang sụp đổ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/autocracy.001-1024x773.jpeg

Đường màu cam thể hiện tuổi thọ trung bình của bốn quốc gia (Honduras, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela) mà trong thời gian gần đây đã chuyển sang thể chế chuyên quyền. Đường màu xanh cho thấy tuổi thọ trung bình của các quốc gia tương đồng nhưng vẫn duy trì nền dân chủ. Trục hoành thể hiện thời gian, trong đó các năm khảo sát được quy về mốc 0, đánh dấu thời gian các quốc gia chuyển thành chuyên chế (màu cam) hoặc duy trì con đường dân chủ (màu xanh). Tuổi thọ trung bình không bao gồm những người nhiễm HIV, nhằm khu biệt tác động của quá trình chuyên chế hóa đối với sức khỏe, và tránh sự sai lệch nếu có do tác động của các khoản hỗ trợ phát triển lớn cho HIV/AIDS. Đồ họa: CFR/ Việt hóa: Luật Khoa.

 

Một khi không có áp lực của việc tranh cử công bằng hoặc trách nhiệm giải trình trước một nền truyền thông tự do, các lãnh đạo chuyên quyền có ít động lực hơn những người đồng cấp trong các nền dân chủ để làm các công việc nặng nhọc, như duy trì một cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe tiên tiến và cải thiện việc chăm sóc y tế cho các căn bệnh mãn tính. Thay vì áp dụng các biện pháp để cải thiện sức khỏe của người dân, các lãnh đạo chuyên quyền ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã khai thác sự chia rẽ sắc tộc và giai cấp, cũng như cậy nhờ sự bảo trợ để giữ vững quyền lực.

 

Quá trình chuyên quyền hóa thật sự nguy hại cho sức khỏe. Ảnh hưởng của quá trình này đến tuổi thọ có thể là do thiếu những thành tựu của nền dân chủ trong việc giảm số người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, vốn đang gia tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trải nghiệm dân chủ của một quốc gia – là thước đo cho biết một đất nước đã trở nên dân chủ đến mức nào, và trong bao lâu – còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó trong việc làm giảm các ca tử vong bởi các bệnh về tim mạch, chấn thương do tai nạn giao thông, ung thư, và các bệnh không lây nhiễm khác.

 

Các bệnh về tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 17 triệu người vào năm 2015. Còn đột quỵ, ung thư, cũng như các bệnh không lây nhiễm khác là nguyên nhân gây ra hơn 2/3 số ca tử vong trên toàn cầu, bao gồm tám triệu người dưới 60 tuổi ở các nước nghèo. Đến năm 2040, các bệnh không lây nhiễm ước tính sẽ ảnh hưởng đến một phần dân số ở nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình, tương đương tỷ lệ ảnh hưởng tại Hoa Kỳ.

 

Một nghiên cứu trước đó ước tính rằng, sự tiến bộ trong trải nghiệm dân chủ đã giúp ngăn chặn 16 triệu ca tử vong trên toàn cầu từ năm 1995 đến 2015, chỉ tính riêng các bệnh về tim mạch. Biểu đồ dưới đây cho chúng ta thấy các quốc gia đã được hưởng lợi từ những cải thiện về sức khỏe liên quan đến trải nghiệm dân chủ. Các quốc gia vùng Baltic, Brazil, Mông Cổ, Ba Lan, và Nam Phi đã trải qua những cải thiện đáng kể nhất về sức khỏe khi những nước này bắt đầu tiến trình dân chủ hóa đất nước. Đáng buồn thay, một vài nước trong số đó, bao gồm Brazil và Ba Lan, giờ đây có thể đang chuyển hướng sang nền chuyên chế.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/image4-2-1024x671.png

Các màu khác nhau thể hiện số người ước tính được cứu sống khỏi bệnh tim mạch nhờ vào những cải thiện trong trải nghiệm dân chủ. Những màu tối hơn (tỷ lệ phần trăm cao) cho thấy quốc gia đó đã cứu được nhiều người khỏi bệnh tim mạch bằng cách dân chủ hóa đất nước. Đồ họa: CFR/ Việt hóa: Luật Khoa.

 

Có thể thấy, các kỳ bầu cử tự do và công bằng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong những cải thiện về sức khỏe của người trưởng thành, rất có thể vì chúng làm tăng trách nhiệm giải trình và khả năng ứng phó của chính phủ. Các lợi ích sức khỏe của thể chế dân chủ còn lớn hơn khi nhìn vào các quốc gia duy trì một quy trình tranh cử trung thực, và đã trải qua ít nhất một lần chuyển giao quyền lực. Các nước như Botswana và Nam Phi đã tổ chức các kỳ bầu cử đa đảng từ năm 1995 đến năm 2015 nhưng không có sự thay đổi về đảng cầm quyền (turnovers of the ruling party), và điều này cũng đã không làm giảm các ca tử vong do bệnh về tim mạch như Uruguay và Zambia – vốn đã trải qua ít nhất một lần chuyển giao quyền lực (xem biểu đồ bên dưới). Tuy nhiên, việc trải qua nhiều lần thay đổi đảng cầm quyền không làm tăng tác động tích cực hoặc tiêu cực của việc đã trải qua ít nhất một lần chuyển giao quyền lực.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/autocracy.002-1024x773.jpeg

Kích thước của mỗi hình tròn được tính theo số ca tử vong do bệnh tim mạch ở mỗi quốc gia vào năm 2015. Sự thay đổi trong trải nghiệm dân chủ là thước đo chất lượng về số năm mà quốc gia đó đã trải qua nền quản trị dân chủ. Cả hai trục đều cho thấy những thay đổi qua các năm từ 1995 đến 2015. Sự luân chuyển chế độ ý chỉ những thay đổi trong đảng cầm quyền diễn ra ở các quốc gia có bầu cử đa đảng. Đồ họa: CFR/ Việt hóa: Luật Khoa.

 

Các cuộc bầu cử và sức khỏe người dân của một quốc gia là hai thứ ngày càng không thể tách rời. Các thiết chế và quy trình dân chủ, đặc biệt là các kỳ bầu cử tự do và công bằng, có thể cải thiện sức khỏe của người dân, đặc biệt là đối với các bệnh về tim mạch và các bệnh không truyền nhiễm khác. Các cử tri nên cảnh giác với những nhà lãnh đạo dân túy hứa hẹn mang đến một nền y tế tốt hơn bằng cách làm xói mòn trách nhiệm giải trình và việc xây dựng sự đồng thuận một cách từ tốn và cẩn trọng – những đòi hỏi thiết yếu của một nền dân chủ.

 

                                                    ***

Để tìm hiểu thêm về phương pháp nghiên cứu được sử dụng, vui lòng xem phụ lục này.

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats