Sunday, 13 December 2020

KHỦNG HOẢNG NHỰA TOÀN CẦU (Y Chan - Luật Khoa)

 


Khủng hoảng nhựa – Kỳ 1: Hành tinh xanh? Xưa rồi, chào mừng đến hành tinh nhựa

Y CHAN  -  Luật Khoa

11/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/khung-hoang-nhua-ky-1-hanh-tinh-xanh-xua-roi-chao-mung-den-hanh-tinh-nhua/

 

Khoảng 30 năm nữa, rác nhựa sẽ nhiều hơn cá. Con cháu chúng ta sẽ phải bới rác tìm cá.

 

 

 

Khủng hoảng nhựa – Kỳ 2: Các doanh nghiệp nhà họ hứa

Y CHAN  -  Luật Khoa

12/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/khung-hoang-nhua-ky-2-cac-doanh-nghiep-nha-ho-hua/

 

Các doanh nghiệp luôn tạo hình ảnh có trách nhiệm với môi trường. Thực tế khác những gì họ nói.

 

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/1766.jpg

Một chai nhựa của Coca Cola vứt tại một bãi biển ở Scotland. Vào đầu năm 2020, công ty đã bị phản ứng mạnh khi tuyên bố sẽ không từ bỏ việc dùng chai nhựa cho các sản phẩm của mình. Ảnh: Will Rose/ Greenpeace.

 

Ở phần cuối kỳ trước, chúng ta đã thấy các doanh nghiệp ngành công nghiệp giải khát và sản xuất chai nhựa bắt tay nhau, lập nên các tổ chức chuyên vận động nhắc nhở người tiêu dùng về trách nhiệm của mình trong vấn đề rác thải môi trường.

Nhưng trách nhiệm của các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng rác thải này thì lại được đề cập rất qua loa và mập mờ. Họ có lý do để làm việc đó.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/soda-1024x683.jpg

Những chai thủy tinh đựng thức uống như thế này từng là lựa chọn duy nhất và ưa thích của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/ Bloomberg/ Getty Images.

 

Dứt tình cùng thủy tinh

 

Vài chục năm trước, người xem truyền hình ở Việt Nam phát sốt với một bộ phim hài kinh điển có tên “Thượng Đế cũng phải cười” (tựa gốc “The Gods must be crazy”).

Câu chuyện trong phim bắt đầu từ việc một chiếc chai thủy tinh chẳng biết rơi từ đâu xuống, lạc vào tay những con người thuần khiết trong một bộ lạc tại châu Phi. Lần đầu cầm trên tay một vật thể kỳ lạ, họ dần khám phá ra vô số trò hay ho thú vị với cái chai. Những người thổ dân thích thú, nghĩ rằng đó là món quà từ Thượng Đế. 

Nhưng vì chỉ có một cái chai duy nhất, mà ai cũng khoái, nên bắt đầu tranh giành, và nảy sinh mâu thuẫn, rồi đánh nhau. Cuối cùng các già làng quyết định phải trả cái chai này lại cho Thượng Đế. Một người trong bộ lạc nhận trách nhiệm đi đến nơi tận cùng của quả đất để làm việc đó.

Câu chuyện hài hước này thật ra không quá xa rời hiện thực.

Vào giữa thế kỷ 19, các loại đồ uống chủ yếu được bày bán trong các nhà hàng hay quán bar. Một phần ít đồ uống được bán mang về, với các loại chai được đổ thủ công và đậy nắp bằng tay.

Cuối thế kỷ 19, ngành công nghiệp đóng chai phát triển và được cơ khí hóa. Ngày càng nhiều sản phẩm nước uống đóng chai được bán ra để người dùng mang về nhà, thay vì chỉ có thể sử dụng tại chỗ.

Nhưng việc sản xuất chai vào thời đó khá tốn chi phí, chai thủy tinh vẫn là một thứ có giá trị. Các nhà sản xuất vì vậy đóng thương hiệu của mình lên chai, và sử dụng mô hình đặt cọc để khuyến khích người dân trả lại chai sau khi sử dụng.

 

Sau Thế Chiến II, mọi thứ thay đổi.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/5cdc40b72100005800808879.jpeg

Một mẩu quảng cáo sau Thế chiến II tại Mỹ, thuyết phục người tiêu dùng về sự tiện lợi của sản phẩm dùng một lần rồi bỏ so với việc sử dụng chai thủy tinh dùng nhiều lần. Ảnh: HuffPost/ Pinterest.

 

Ngành công nghiệp đóng chai bùng nổ với các ông lớn nhập cuộc, cùng những dây chuyền sản xuất hàng loạt. Họ bắt đầu thử nghiệm làm những loại chai chỉ dùng một lần (disposable) với chi phí cực rẻ.

Trên các chai thay vì ghi “sản phẩm của ABC hay XYZ”, giờ đây nó xuất hiện dòng chữ “không đặt cọc, khỏi thu hồi” (no deposit, no return).

Đó là khúc dạo đầu cho thời đại “tình một lần” của những con người hiện đại.

Ở đây cần phải nói rõ, đối tượng chính bị phản đối khi người ta nhắc đến cơn khủng hoảng nhựa là các sản phẩm nhựa dùng một lần rồi bỏ (single-use/ disposable plastic), chứ không phải tất cả những thứ làm từ nhựa. Không ai có thể và cũng không ai nên phủ nhận sạch trơn vai trò quan trọng hữu ích của nhựa trong đời sống nhân loại.

Khi ngành công nghiệp nhựa bùng nổ với chi phí thấp, sản xuất dễ dàng nhanh chóng, các chai plastic lên ngôi, những nhà sản xuất thức uống như Coca Cola tìm mọi cách đảm bảo người tiêu dùng phải lựa chọn sản phẩm mới này.

Họ tung ra các quảng cáo nhấn mạnh tính chất ưu việt của chai nhựa.

 “10 chai nhựa còn nhẹ hơn cả một chai thủy tinh”

“Vừa lớn, vừa cứng, lại vừa dễ dùng”

“Cầm đi, bạn sẽ yêu ngay mà”

Coca Cola không phải doanh nghiệp duy nhất yêu nhựa và muốn người tiêu dùng chia sẻ tình yêu đó với mình. Phong trào “nhựa hóa” cuốn theo toàn bộ thị trường, từ các loại đồ uống thực phẩm đến mọi mặt hàng tiêu dùng khác.

Ngày nay, ai cũng có thể thấy rõ hậu quả của cơn sóng thần đồ nhựa rẻ tiền này. Nhưng có điều ít ai biết, rằng ngay từ thời điểm đó, những doanh nghiệp như Coca Cola đã biết trước hậu quả này.

Trong bộ phim tài liệu “Plastic tide” (cơn sóng nhựa) của Sandrine Rigaud, chiếu trên kênh truyền hình DW, các nhà làm phim đã đi gặp một nhân vật mà Coca Cola không bao giờ muốn công chúng biết tới.

Arsen Darnay là một kỹ sư từng làm việc tại EPA (Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ). Vào đầu thập niên 1970, khi Coca Cola bắt đầu chuyển hướng tập trung vào các loại chai nhựa, họ đã mời Darnay nghiên cứu tác động đến môi trường của việc sử dụng các loại vật liệu chai khác nhau, từ thủy tinh, nhôm, đến nhựa. 

Mất hơn một năm thu thập số liệu, thống kê, tính toán phức tạp, Darnay cuối cùng hoàn thành bản báo cáo “Những tác động môi trường của các loại chai thức uống Coca Cola”.

Bản kết luận nói rõ, mô hình sử dụng chai thủy tinh có lợi nhất đối với môi trường. Coca Cola ngâm bản báo cáo này, vì họ đã quyết tâm kết tóc se duyên cùng chai nhựa.

Mối tình có lợi nhất cho túi tiền của họ.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/AAG48XC-1024x683.jpg

Nhiều người tiêu dùng tin tưởng các lời hứa về trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và vô tư tiếp tục mua sắm các sản phẩm nhựa. Ảnh: Getty Images.

 

Hứa, hứa nữa, hứa mãi thôi

 

Tháng 1/2018, James Quincey, CEO của Coca Cola, xuất hiện trước ống kính truyền hình tuyên bố chiến lược mới vì môi trường của công ty.

Chiến dịch “Thế giới không rác thải” (World without waste) đặt mục tiêu tất cả các loại chai thức uống của Coca Cola đều làm từ nguyên liệu có thể tái chế (recyclable). Cụ thể đến năm 2030, 50% số chai bán ra của công ty sẽ được làm từ nguyên liệu tái chế.

Nhiều người hoan nghênh động thái này của ông lớn ngành thức uống. Rốt cục họ cũng đã chịu nhận trách nhiệm và thay đổi để cứu lấy môi trường.

Những người từ lâu theo dõi ngành công nghiệp đồ uống và sản xuất nhựa thì không lạc quan như vậy.

Họ nhớ ra rằng vào năm 2008, Coca Cola đã công khai đặt mục tiêu vào năm 2015, 25% số chai nhựa bán ra của mình sẽ được làm từ vật liệu tái chế. Năm 2015 qua đi, không ai nghe doanh nghiệp này nói gì về mục tiêu trên. Các nhà làm phim tài liệu “Plastic tide” tìm thấy trong một bản báo cáo của công ty một dòng ngắn gọn:

“Mục tiêu: chệch hướng. Vào thời điểm hiện tại, 12,4% trên tổng số vật liệu đóng gói trên toàn cầu của chúng ta được làm từ vật liệu tái chế hoặc tái tạo”.

Mục tiêu rõ ràng không đạt được. Nhưng nhìn kỹ hơn, người ta còn phát hiện công ty thậm chí lập lờ cả việc không hoàn thành chỉ tiêu.

Họ nhập nhằng giữa “có thể tái chế” (recyclable) và “có thể tái tạo” (renewable).

Trong trường hợp của Coca Cola, tái chế là những thứ được làm từ vật liệu đã qua sử dụng (waste), còn tái tạo là những sản phẩm chai nhựa được chiết xuất có nguồn gốc thực vật (plant based). Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Nhựa tái tạo về cơ bản vẫn là nhựa, và vẫn có tác hại tương tự với môi trường.

Trong email trao đổi với tổ chức môi trường “Hòa bình Xanh” (Greenpeace), Coca Cola thừa nhận các sản phẩm chai nhựa tái chế của họ chỉ đạt 7%, cách rất xa so với mục tiêu 25%.

Mục tiêu hiện tại mà Coca Cola nhắm đến, theo như chính lời của vị CEO, là “một tham vọng to lớn toàn cầu” (massive global ambition).

Đích thực là vậy, nếu ta nhớ lại 10 năm trước họ đặt mục tiêu 25% tái chế, 10 năm sau thực tế chưa tới 10%. Giờ đây, họ lại tiếp tục hứa hẹn rằng chỉ 10 năm nữa thôi, vào năm 2030, mục tiêu sử dụng 50% vật liệu tái chế sẽ đạt được.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/539787-istock-883173836-1024x689.jpg

Các sản phẩm nhựa được quảng cáo với mũi tên tuần hoàn mang ý nghĩa “có thể tái chế”. Ảnh: istock.com/ Sdominick.

 

Mua, mua nữa, mua tiếp đi

 

Trên khắp thế giới, cứ mỗi một phút, 1.000.000 chai nhựa được tiêu thụ. Đó là con số của ba năm trước. Ở thời điểm hiện tại, số lượng này chỉ có tăng chứ không giảm. Nhất là trong năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu về các sản phẩm nhựa dùng một lần để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm, tăng vọt nhiều lần so với các năm trước.

Vào năm 2016, hơn 480 tỷ chai thức uống bằng nhựa được bán ra trên toàn cầu. Số chai này xếp thành hàng sẽ đạt chiều dài hơn một nửa khoảng cách từ trái đất đến mặt trời. Với tốc độ sản xuất, bán ra và tiêu thụ chai nhựa không ngừng tăng, sẽ rất nhanh con người có thể xây cây cầu nhựa chạm được tới mặt trời.

Ở kỳ trước, chúng ta đã được giới thiệu về nghiên cứu trong đó cho biết từ năm 1950 đến 2018, đã có 8,3 tỷ tấn plastic được con người làm ra. Có một con số khác chưa đề cập: hơn một nửa trong số này được tạo ra chỉ từ năm 2000 trở lại đây. 

Nghĩa là con người càng ngày càng làm nhiều, bán nhiều, mua nhiều, và vứt đi nhiều đồ nhựa. Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy xu hướng ngược lại.

Báo cáo thường niên từ tổ chức Break Free From Plastic (Thoát khỏi đồ nhựa) công bố vào tuần đầu tháng 12/2020 kết luận rằng các công ty thức uống hàng đầu thế giới như Coca Cola, Pepsi và Nestlé đều “không có tiến bộ nào” (zero progress) trong nỗ lực giảm thiểu rác nhựa trên thực tế.

Năm thứ ba liên tiếp, các công ty này đều đứng top đầu trong danh sách những nhãn hàng sản xuất đồ nhựa tạo rác thải trên toàn cầu. Trong đó Coca Cola chiếm vị trí số một khi các nhãn hàng của công ty này xuất hiện nhiều nhất trong những chai rác nhựa thu thập được ở 55 quốc gia khảo sát. Tất nhiên điều này còn do số lượng sản phẩm của Coca Cola bán ra nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác, không nhất thiết có nghĩa rằng họ có ý thức tệ hơn những công ty khác. Trên thực tế, các loại rác nhựa xuất hiện nhiều nhất trong khảo sát ở trên là những loại chai dùng cho các loại nước sốt, cafe, dầu gội đầu… với đủ loại thương hiệu khác nhau. Phổ biến thứ hai là đầu lọc thuốc lá, và thứ ba là chai nhựa đựng thức uống.

Nghĩa là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thức uống và mặt hàng tiêu dùng đều có phần trong cơn nghiện rác nhựa này của nhân loại. Không ai vô can.

Họ không những không vô can, mà còn có tội khi liên tục hứa lèo hứa hẻo, và nhất là lập lờ đánh lận con đen để xoa dịu người tiêu dùng.

Ngay từ thập niên 1980, khi người tiêu dùng bắt đầu phản ứng mạnh với vấn đề rác nhựa tràn lan, các doanh nghiệp đã rất khôn khéo khi đưa ra lời hứa “tái chế” (recycle) cho các sản phẩm nhựa của mình.

Những ông lớn như Coca Cola, Pepsi, Unilever, Nestlé… đều đưa ra các cam kết rằng 100% sản phẩm của mình hoặc đang, hoặc sẽ tái chế được (recyclable).

Cái dấu mũi tên tuần hoàn với dòng chữ có thể tái chế đó như một kim bài chắc nịch đảm bảo với người tiêu dùng rằng, đừng lo, các sản phẩm nhựa này đều sẽ được tái chế, không hại gì cho môi trường cả. Hãy cứ tiếp tục mua, mua nữa, mua nữa đi…

Họ chỉ ém nhẹm không cho công chúng biết, rằng trên thực tế, tái chế được và được tái chế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

.

Kỳ tới: Khủng hoảng nhựa – Huyền thoại về tái chế

 

--------------------------------------------

.

.

Khủng hoảng nhựa – Kỳ 3: Huyền thoại tái chế

Y CHAN  -  Luật Khoa

13/12/2020

https://www.luatkhoa.org/2020/12/khung-hoang-nhua-ky-3-huyen-thoai-tai-che/

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/44065218_101.jpg

Rác nhựa thải ra được hứa hẹn tái chế. Sự thật khác xa lời hứa. Ảnh: picture-alliance/ dpa/ J. Eisele

 

Ở kỳ trước, chúng ta đã được nghe các doanh nghiệp hứa rất nhiều (và thất hứa cũng thật nhiều).

 

Họ đều hiểu rõ việc chuyển hướng sang dùng nhựa cho những sản phẩm thức uống và tiêu dùng gây tác động xấu như thế nào đối với môi trường. 

Ý thức được hậu quả đó, từ thập niên 1980 các doanh nghiệp đã quảng cáo những sản phẩm dùng bao bì chai nhựa của mình là những thứ “có thể tái chế” (recyclable), với logo mũi tên tuần hoàn quen thuộc ngày nay.

Nhưng như chính những người làm trong ngành công nghiệp plastic khẳng định, cái dấu mũi tên tuần hoàn đó có giá trị marketing nhiều hơn là có ý nghĩa thực tế. Không ai trong ngành tin rằng việc tái chế nhựa là khả thi về mặt kinh tế. Nói thẳng ra, lời hứa tái chế các sản phẩm nhựa là một lời nói dối không hơn không kém.

Các doanh nghiệp biết rõ điều đó, nhưng trong một thời gian dài, họ đẩy vấn đề đi càng xa càng tốt, theo đúng nghĩa đen lẫn bóng.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/merlin_131863700_1975c292-ab02-4536-8dcb-299d9c622576-superJumbo.jpg

Trong nhiều thập niên, Trung Quốc là điểm tiếp nhận rác nhựa chính từ các nước phương Tây. Ảnh: Fred Dufour/ Agence France-Presse/ Getty Images.

 

Con dao chọc thủng bức màn tái chế

 

Năm 2017, Trung Quốc bất thình lình đâm dao cả thế giới phương Tây. Hay chính xác hơn, họ đâm thủng huyền thoại tái chế nhựa mà rất nhiều người đã dệt nên.

Nước này đưa ra chính sách “Lưỡi kiếm sắt quốc gia” (National sword) nhắm đến việc kiểm soát hoạt động nhập khẩu các loại rác thải nhựa, vốn đã diễn ra suốt hàng chục năm. Trung Quốc tuyên bố từ năm 2018 sẽ ngưng không trở thành bãi rác của thế giới nữa. Họ nâng tiêu chuẩn, chỉ cho nhập những loại “rác sạch nhất”.

Toàn bộ chuỗi hoạt động tái chế toàn cầu rơi vào khủng hoảng.

Trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc tiếp nhận và xử lý gần một nửa lượng rác thải nhựa trên toàn cầu. Vào thời điểm năm 2017, nước Mỹ “gửi” gần một triệu tấn rác thải nhựa qua Trung Quốc. Trước khi có lệnh cấm, 70% số rác thải nhựa của Mỹ và 95% của châu Âu được chuyển về Trung Quốc.

Các chuyến tàu chở hàng xuất khẩu từ Trung Quốc đi khắp thế giới, trên đường quay về sẵn tiện chở rác thải nhựa giúp chi phí vận chuyển thấp. Cộng thêm giá nhân công rẻ, nhu cầu vật liệu tái chế cao, và các tiêu chuẩn quản lý môi trường lỏng lẻo hơn rất nhiều những nước phương Tây khiến cho trong một thời gian dài, đây là chuỗi cung ứng lý tưởng “giải quyết” vấn đề rác thải nhựa toàn cầu.

Ngoại trừ một vấn đề nhỏ: không ai biết được có bao nhiêu phần trăm trong đống rác nhựa đó thật sự được tái chế, hay chúng được đốt hoặc chôn sâu trong lòng đất như bao thứ rác khác. Mà rác, đặc biệt là nhựa, khi đốt thải ra rất nhiều chất độc, còn khi chôn cũng rỉ ra độc chất ngấm vào đất và nguồn nước.

Nhìn vào hậu quả môi trường tồi tệ của việc xử lý số rác thải này, lệnh cấm của Trung Quốc không có gì ngạc nhiên.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/plastics-cows-1.jpg

Bò tìm thức ăn tại một bãi rác ở Indonesia. Trong nhiều thập niên, rác nhựa từ các nước phương Tây được đẩy về những nước Đông Nam Á. Ảnh: Zikri Maulana/ SOPA Images/ LightRocket/ Getty Images.

 

Huyền thoại tái chế

 

Không có số liệu về khả năng tái chế rác thải của Trung Quốc, nhưng chính quyền nước này đặt ra mục tiêu 35% cho các thành phố lớn vào năm 2020, tức là trước đó mức độ thực tế thấp hơn nhiều. Có thể suy ra là phần lớn rác thải xưa nay của họ bị đốt hoặc chôn.

Trung Quốc đã vậy. Mỹ không khá khẩm gì hơn.

Ngoài việc tống phần lớn lượng rác nhựa của mình đi chỗ khác, kể từ năm 1994 khi EPA (Environmental Protection Agency – Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ) bắt đầu theo dõi số liệu, các nhà sản xuất ở Mỹ chỉ tái chế được 5% lượng rác nhựa thải ra. Đỉnh cao là vào năm 2014 khi họ nhích lên được 9,5%, sau đó rớt xuống.

Kể từ khi cơn sóng thần plastic ập đến từ nhiều thập niên trước, các doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ tái chế được nhiều hơn 10% số rác nhựa thải ra.

(Đặt trong bối cảnh đó, con số 7% tái chế của Coca Cola ở kỳ trước không có gì ngạc nhiên. Ngược lại, mục tiêu vẽ ra 50% của họ trong 10 năm tới mới đáng kinh ngạc.)

Trong câu chuyện dài và sẽ còn kéo dài về cuộc chiến bảo vệ môi trường, “tái chế” giống như huyền thoại về một con rồng.

Nó được mô tả có sức mạnh vô song, có thể giải quyết mọi đối thủ, quét phăng mọi vấn đề. Nhưng nó đồng thời cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Các chính phủ xem tái chế là “thượng phương bảo kiếm”, chém đâu trúng đó. Các doanh nghiệp dùng tái chế như “kim bài miễn tử”, chỉ cần giơ lên là không phải chịu đòn. Còn người tiêu dùng nhìn vào tái chế như “tiên đan bất tử”, nhờ vào nó vẫn có thể tiếp tục phè phỡn ăn chơi thoải mái như xưa giờ.

Không sao cả, cứ việc tiêu xài, cứ việc xả thải, cứ việc mơ ngủ, cứ việc hưởng thụ, mọi thứ tự động sẽ đâu vào đấy.

Trên thực tế, có quá nhiều vấn đề đối với huyền thoại tái chế, đặc biệt là với nhựa.

Nhựa chứa hàng ngàn những hóa chất phụ gia (additives) khác nhau, giúp tạo ra vô số loại nhựa trên đời với tất cả kích thước, chủng loại, màu sắc, mùi vị, độ đàn hồi, tính ổn định…

Đa số những loại phụ gia này đều không được các cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ về nồng độ, mức độ sử dụng, và cũng chưa có bao nhiêu nghiên cứu về tác dụng hay tác hại của chúng.

Một trong những loại nhựa tái chế phổ biến là nhựa đen (black plastic), thường được tạo ra từ các loại rác thải điện tử, có chứa phthalate, các loại chất chống cháy (flame retardants) cùng các kim loại nặng như cadmium, chì và thủy ngân.

Ở nồng độ rất thấp, các chất này đã có thể gây hại đến khả năng phát triển và sinh sản của con người (và của những động vật khác).

Bất chấp điều đó, nhựa đen được dùng để tạo ra đủ loại sản phẩm phổ biến, từ đồ chơi trẻ em, bao bì thực phẩm, bao da điện thoại đến đồ dùng nhà bếp như muỗng nĩa…

Nhựa tái chế, vốn đã mất đi nhiều tính chất ban đầu của nó, không cạnh tranh được về chất lượng với “nhựa trinh” (virgin plastic). Nó lại còn gặp bất lợi khi chi phí sản xuất nhựa ngày càng rẻ, do việc khai thác nhiên liệu hóa thạch không ngừng bùng nổ trong vài thập niên qua.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/merlin_155533848_aa52ba1e-5550-444e-b8d5-e31054c35935-superJumbo-1024x682.jpg

Rác nhựa tại Malaysia được chất ngược lại vào container trả về các nước ban đầu. Chính phủ Malaysia vào năm 2019 quyết định cấm nhập khẩu rác nhựa. Ảnh: Fazry Ismail/ EPA/ Shutterstock.

 

Câu hỏi ngây thơ

 

Các doanh nghiệp dầu khí, bao bì, thức ăn thức uống xưa nay vẫn luôn quảng bá về tái chế như một ngành công nghiệp béo bở đầy tiềm năng, trị giá hàng trăm tỷ đô.

Ngay cả khi gật đầu tin vào huyền thoại rồng đó, người ta vẫn nên đặt ra những câu hỏi ngây thơ:

Tiềm năng và béo bở vậy, vì sao không ai chịu làm? 

Vì sao các quốc gia đùn đẩy nhau trong suốt nhiều thập niên qua, và trong nhiều năm sắp tới?

Vì sao khi Trung Quốc lắc đầu không nhận nữa, hàng loạt nước lâm vào khủng hoảng rác nhựa, nháo nhào tìm chỗ khác để tống khứ, hoặc chỉ biết đem đi chôn đem đốt mà không chịu đầu tư tái chế?

Nhân tiện, nếu bạn thắc mắc chuyện gì xảy ra sau khi Trung Quốc nghỉ chơi: các nước phương Tây chuyển hướng đẩy rác nhựa qua Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cùng những nước như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ…

Lượng nhập khẩu rác nhiều đến mức các nước trên cũng phải lần lượt đóng cửa không nhận nữa. Cuối năm 2018, Việt Nam tuyên bố ngưng cấp giấy phép mới cho các lô hàng nhập khẩu rác.

Và đây là mấu chốt của vấn đề.

Bất kể ngành công nghiệp tái chế có phát triển, có tiềm năng đến đâu, lượng rác thải nhựa mà con người đã và đang tiếp tục thải ra vượt quá xa khả năng tái chế của toàn bộ nhân loại.

Giống như hoạt động của cơ thể: con người đã và đang tống quá nhiều thứ vào mồm, đến mức bộ máy tiêu hóa không thể theo kịp.

Cho dù có khả năng tiêu hóa nhanh, mạnh và sạch đến đâu, nếu cứ tiếp tục tống những thứ mới vào người, toàn bộ cơ thể sẽ tiêu tùng.

Điểm khác biệt ở chỗ hệ sinh thái của trái đất là một cơ thể khổng lồ, và thời điểm tiêu tùng vẫn còn chưa tới.

Chưa tới nên nhiều người lầm tưởng rằng nó sẽ không bao giờ tới.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2020/12/plastics-bird.jpg

Một con chim biển chết ngộp vì vướng phải bịch nhựa. Đại dương ngày nay đã ngập tràn rác nhựa của con người. Ảnh: Krzysztof Bargiel/ Shutterstock.

 

Dấu chân của con người

 

Cách đây vài ngày, tạp chí khoa học Nature đã công bố một nghiên cứu, trong đó các tác giả kết luận rằng tính đến thời điểm hiện tại, trọng lượng của tất cả những thứ mà con người làm ra đã ngang ngửa với tổng trọng lượng của toàn bộ sinh khối (biomass) trên trái đất.

Ước tính tổng trọng lượng của tất cả các dạng sinh vật trên trái đất là vào khoảng 1.100.000.000.000 tấn. Con số này không thay đổi bao nhiêu trong nhiều năm qua. Những gì con người làm ra thì lại tăng chóng mặt.

Vào đầu thế kỷ 20, những thứ con người tạo ra chỉ vào khoảng 35 tỷ tấn, bằng 3% so với tổng sinh khối của trái đất. Ngày nay, tất tần tật mọi thứ con người làm ra mỗi năm, từ các tòa nhà, những con đường trải bê tông, cho đến các loại quần áo, các đồ điện tử, và đủ thứ nhựa, cộng lại nặng khoảng 30 tỷ tấn. Mỗi năm. Tốc độ kinh hoàng đó vẫn ngày một tăng chứ không có dấu hiệu dừng lại.

Ở một góc độ khác, tổng trọng lượng của tất cả các loài động vật đang có trên trái đất là vào khoảng 4.000.000.000 tấn. Trọng lượng của tất cả số nhựa mà con người làm ra từ năm 1950 đến nay là khoảng 8.300.000.000 tấn.

Số nhựa chúng ta làm ra nhiều hơn gấp đôi tổng số động vật đang sống trên hành tinh xanh. 

Điều quan trọng hơn, hơn 90% số nhựa đó hoặc bị chôn, hoặc bị đốt, hoặc bị vứt bỏ trôi đầy đại dương, chui vào bụng các sinh vật biển, và cuối cùng chui ngược lại dạ dày chúng ta.

Tốc độ sản sinh ra nhựa dùng một lần như hiện nay đã tạo ra những dấu chân đủ làm dập mặt con người và mọi loài sinh vật khác. Vậy sẽ ra sao khi theo dự báo đến năm 2050, người ta sẽ sản xuất gấp ba lần lượng plastic so với thời điểm hiện tại? 

Các công ty dầu khí là những nhà cung cấp nguyên vật liệu chính để làm ra nhựa. Đối diện với tương lai các nền kinh tế cắt giảm nhu cầu nhiên liệu, chuyển đổi qua năng lượng xanh, những doanh nghiệp này quyết tâm duy trì và tăng cường lợi nhuận. Một trong số các giải pháp là đẩy mạnh đầu tư vào ngành sản xuất nhựa. Và những lời hứa tái chế sẽ tiếp tục được chế đi chế lại.

Với những ai không còn bị huyền thoại rồng mê hoặc, đây là một cuộc chiến thực sự: ngưng cơn điên nghiện nhựa để cứu lấy hành tinh xanh.

 

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats