Saturday, 12 December 2020

NHÂN QUYỀN VIỆT NAM NĂM 2020 - NHÌN LẠI và HƯỚNG TỚI? (Quốc Phương - BBC Tiếng Việt)

 


Nhân quyền Việt Nam năm 2020 - nhìn lại và hướng tới?

Quốc Phương

BBC News Tiếng Việt

11 tháng 12 2020

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55273436

 

Nhân quyền Việt Nam trong năm 2020 đã có tiến triển tích cực thực chất chưa, và cần làm gì để cải thiện, nâng cao là một số điểm được một số nhà quan sát, vận động cho quyền con người ở Việt Nam đặt ra và trao đổi trên quan điểm riêng với BBC tuần này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/42ED/production/_116033171_gettyimages-1223284567.jpg

Một nghệ sỹ trong đoàn biểu diễn của các nghệ sỹ thuộc giới đồng tính, chuyển giới (LGBT) trong một đêm diễn ở Sài Gòn hôm 27/6/2020, một hoạt động đề cao quyền của giới này

 

Từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự, trước hết đưa ra bình luận của mình nhân ngày Nhân quyền Quốc tế (10/12):

 

"Tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay và trong vài năm gần đây theo tôi có khá nhiều chuyển biến. Trước đây, hầu hết trong xã hội, nhiều người dân chưa biết đến các giá trị về nhân quyền, nhưng có một số tổ chức, cũng như một số cơ quan truyền thông, báo chí quốc tế, nước ngoài đề cập nhiều trong suốt nhiều năm qua và gần đây về nhân quyền, thành ra nhận thức về quyền con người trong xã hội tôi thấy đã được nâng cao.

 

"Song song với đó, về hành xử của nhà nước, chính quyền, người ta đã bắt đầu phải chú ý và thậm chí trên thực tế đã phải đối phó với những vấn nạn về nhân quyền, người ta đã không thể bao che, không thể lấp liếm những vấn đề về nhân quyền, một điều ước mà Việt Nam đã ký và cam kết thực hiện từ rất lâu rồi.

 

"Đó cũng là một tiến bộ nhất định, tuy nhiên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam còn có rất nhiều vấn đề mà hiện tại, cũng như trong tương lai cần phải giải quyết mà trước hết hãy bắt đầu từ quyền được sống khẳng định ngay theo Hiến pháp và pháp luật, hiện tại ở Việt Nam các vụ án oan sai rất nhiều, rồi những vụ án liên quan tranh chấp đất đai, mà người dân gọi là mất đất, cũng rất nhiều, hàng chục năm trở lại đây lực lượng dân oan, những người bị mất đất, bị cướp tài sản ngày càng lớn.

 

"Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác như chất lượng môi trường sống của người dân bị nhiều doanh nghiệp, đơn vị công nghiệp kinh doanh, các quy hoạch bất hợp lý và thậm chí các tổ chức của nhà nước gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xâm hại sức khỏe, an sinh người dân rất trầm trọng, nhưng những vẫn đề đó không được giải quyết rốt ráo, cho nên chất lượng sống của người dân rất là thấp, quyền được sinh sống, lao động trong môi trường an toàn của người dân, điều đáng lưu ý không được đảm bảo tốt v.v..."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1063D/production/_116033176_f7f7c1f1-e328-437f-831a-d1355b9f61de.jpg

Một cuộc cầu nguyện của Giáo dân ở Nghệ An cho ông Trần Huỳnh Duy Thức

 

Từ Adelaide, Úc, Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc, giám đốc và sáng lập viên Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, bình luận về điểm được cho là đáng chú ý nhất trong năm nay:

 

"Điểm đáng chú ý nhất về nhân quyền Việt Nam năm nay và hiện nay theo tôi là sự bắt bớ giam cầm tùy tiện, kể cả giết người, chính quyền có thể hạ sát cả những người cả đời phục vụ cho họ. Như vụ án Đồng Tâm xảy ra vào đầu năm nay, mà nạn nhân điển hình là ông Lê Đình Kình.

 

"Rồi sự bắt bớ giam cầm tùy tiện nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vào đầu tháng 10 năm nay và việc lẽ ra tù nhân chính trị, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức phải được trả tự do sau 5 năm, theo Bộ luật hình sự mới năm 2015, nhưng anh vẫn tiếp tục bị giam cầm hơn 11 năm qua. Nói chung có luật nhưng sự áp dụng vẫn tùy tiện, vẫn rất chính trị.

 

"Theo báo cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) thì nhà cầm quyền đã bắt giữ và truy tố ít nhất 23 người trong năm qua với những tội danh liên quan đến tự do ngôn luận. Đa số những người bị nhắm tới là những người đã phát biểu ý kiến về những vấn đề như tham nhũng, môi trường, chính trị và nhân quyền, sử dụng diễn đàn Facebook. Những người bị kết án đã phải chịu các bản án tù giam có khi cho tới 11 năm.

 

"Nhà nước cũng bắt đầu một chiến dịch nhằm đóng cửa Nhà Xuất Bản Tự Do, một nhà xuất bản sách độc lập chuyên về đề tài dân chủ và chính sách cộng đồng và cũng dọa nạt những ai hỗ trợ nhà xuất bản này. Lực lượng an ninh đã tra hỏi ít nhất một trăm người trên toàn quốc, và lục soát nhà cửa của ít nhất một tá người, tịch thu các quyển sách do nhà xuất bản này in ấn.

 

"Tóm lại, nhân quyền tại Việt Nam theo tôi vẫn không hiện hữu khi mà ngành tư pháp không độc lập, và tòa án thì vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của chế độ độc đảng. Báo chí thì không được tự do và độc lập để đưa thông tin trung thực. Không có đối lập và không có cơ quan lập pháp độc lập thì sự vi phạm nhân quyền là điều tất yếu xảy ra."

 

 

"Thoải mái xâm phạm" quyền riêng tư

 

Từ Texas, Hoa Kỳ, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho rằng nhân quyền hiện nay đã trở thành phổ quát đối với người dân Việt Nam:

 

"Năm 2020, chỉ tính riêng về tự do ngôn luận và tự do báo chí thì Việt Nam vẫn nằm ở trong cuối bảng xếp hạng của quốc tế, nhưng có điều đáng chú ý của năm 2020 chính là hệ thống truyền thông ở Việt Nam thoải mái xâm phạm quyền riêng tư của công dân Việt Nam.

 

"Nếu trước đây, chúng ta chỉ gói gọn vấn đề nhân quyền trong việc bắt giữ và theo dõi các tù nhân lương tâm, bắt giữ, truy tố theo các điều luật 79 rồi 88 của Bộ luật Hình sự của Việt Nam mà nay đã được đổi thành các điều 301 và 117, thì có thể thấy nhân quyền ngày hôm nay đã trở thành phổ quát đối với người dân Việt Nam khi mà tình trạng truyền thông, báo chí nhà nước được phép mở phiên tòa tấn công, nhục mạ công dân trước khi có kết quả chính thức, chưa kể bí mật đời tư, như thậm chí trong năm 2020, báo chí và truyền hình ở Việt Nam đã xâm phạm tới quyền của trẻ em rất nhiều, và đó là vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là liên quan quyền của người lao động.

 

"Trong năm 2020, năm mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, có thể thấy nhiều người lao động Việt Nam không được sự trợ giúp mà còn bị đánh thuế trên phần mà họ nhận từ tiền thưởng, tiền lương của doanh nghiệp, đây cũng là một vấn nạn mà bức tranh nhân quyền của Việt Nam năm 2020 theo tôi không có cải thiện mấy."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1545D/production/_116033178_90f6b8a7-e1f9-4aa9-94ec-51ef37132d03.jpg

Nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị chính quyền bắt giam từ ngày 07/10/2020 và bị khởi tố hình sự

 

 

"Đóng cửa" với xã hội công dân?

 

Từ Hanau, Cộng hòa Liên bang Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói với BBC cho rằng Việt Nam tiếp tục bắt giữ và bỏ tù nhiều nhà hoạt động ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền:

 

"Tình trạng nhân quyền Việt Nam năm 2020 bị vi phạm rất trầm trọng mà ai cũng nhìn thấy, đó là vào đầu năm 2020, ngày 09/01, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động để tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, để giết hại ông Lê Đình Kình và chiếm đoạt các đất đai mà ai cũng biết là người dân Đồng Tâm đã sử dụng từ hàng trăm năm trước, tức là trước khi có những người cộng sản đầu tiên được sinh ra ở Việt Nam, thì đó là về một thứ quyền có thể nhìn thấy rõ.

 

"Thứ hai, chúng ta nhìn thấy rõ các con số mà nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt những người dám đứng lên đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, cũng như những người sử dụng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của họ.

 

"Riêng tính đến ngày 03/11/2020, có ít nhất là 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, riêng trong 11 tháng đầu năm, đã có khoảng 60 nhà hoạt động thuộc mọi lĩnh vực khác nhau ở trong nước bị bắt, đa số họ bị xử theo các điều 109, 117 và 331 theo Bộ luật Hình sự mới.

 

"Theo báo cáo mới nhất của một tổ chức theo dõi, giám sát nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Nam Phi, họ đã xếp các nước theo các mức độ khác nhau, thứ nhất là "cởi mở", thứ nhì là "thu hẹp", thứ ba là "ngăn trở" và thứ tư là "đóng cửa", thì Việt Nam nằm trong 4 nước được cho là "đóng cửa" với xã hội công dân ở trên thế giới, mà trong đó có Lào, Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, đó là con số mới nhất được cập nhật ngày 08/12 vừa qua."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/18BD/production/_116033360_35cdb4af-0cc6-487b-82a3-5c7ba6970ab6.jpg

Ông Lê Đình Kình (thứ hai trái sang, hàng dưới), công dân, cựu đảng viên và cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền cấp xã ở Đồng Tâm bị thiệt mạng trong sự kiện ở thôn Hoành, rạng sáng hôm 09/01/2020 khi cảnh sát bố ráp và tấn công và làng

 

 

"Mong người dân tự nâng cao nhận thức"

 

Hướng tới tương lai, các nhà bình luận chia sẻ với BBC News Tiếng Việt cảm nhận và kỳ vọng của mình, blogger mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước hết nói với BBC:

 

"Trong năm 2021, tôi hy vọng rằng thứ nhất về ý thức nhân quyền, các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam sẽ ý thức được phần mà Việt Nam đã cụ thể hóa về tất cả các quyền con người mà phải tôn trọng. Chúng ta đã thấy là từ phiên tòa Đồng Tâm cho tới bây giờ, quyền con người ở Việt Nam không được truyền thông tôn trọng.

 

"Thứ hai nữa là tất cả những điều luật ở Việt Nam đều có quy định về quyền con người trong đó cụ thể hóa Hiến pháp, nhưng nếu không phải chuẩn bị, không phải dọn dẹp, cũng giống như là thay đổi nhận thức của người dân hay chúng ta còn gọi là "tuyên truyền" và "nhồi sọ" về ý thức cho người dân Việt Nam theo kiểu rằng nhân quyền ở Việt Nam theo kiểu khác, thì chỉ cần thực hiện theo luật mà nhà nước Việt Nam đã ban hành, là tạm thời tôi đã thấy có ý thức về nhân quyền rồi.

 

"Hướng tới năm 2021, phía bên ngoài tôi hy vọng rằng sau khi đại dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát với sự phát triển của vắc-xin, thì tất cả những việc quan sát về nhân quyền, cũng như những hội thảo liên quan nhân quyền sẽ được mở lại, qua đó việc ngược đãi tù nhân trong trại giam, việc bắt giam người tùy tiện, kết án từ tháng Một cho đến tháng Mười Hai năm nay, tháng nào cũng có người bị bắt giam và kết án, cũng như là người dân ở Việt Nam nhìn lại được trong năm 2020 và quyền được sống, quyền được mưu sinh, quyền được che chở bởi chính phủ của họ đã bị xâm phạm ra sao.

 

"Thì với năm 2021, tôi chỉ hy vọng rằng người dân chịu khó bỏ thời gian đọc hơn và tham gia trên mạng xã hội, đặc biệt nếu để ý thì sẽ thấy là quyền bình luận của người dân đối với những vấn đề xã hội trên các trang truyền thông lớn đều đã bị hạn chế, bởi vị họ sợ sẽ bị đình bản, thì niềm tin với tôi rằng mạng xã hội và Internet sẽ thay đổi nhận thức và từ đó người ta sẽ ý thức hơn về quyền con người và lên tiếng nhiều hơn."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/44E1/production/_116033671_gettyimages-1227542682-2.jpg

Một bảo tàng về báo chí Việt Nam được khánh thành hôm 16/07/2020 tại Hà Nội

 

Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nhấn mạnh với BBC về điều mà ông kỳ vọng có được sự chú ý và quan tâm của các giới để quan điểm và hành động chính sách của chính quyền được trở nên hợp lý và chân thực hơn trên thực tế.

 

"Có một điều mà tôi cho là một thủ thuật rất tinh vi của chính quyền là người ta đẩy những vấn đề mà họ cho là nhạy cảm như là những vấn đề về đảm bảo môi trường, hay là tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, xã hội dân sự, tự do trên mạng Internet và mạng xã hội, vấn đề tù nhân lương tâm v.v... bị chìm đi sau nhiều vấn đề khác mà họ nhấn mạnh và cho phép công khai.

 

"Như là vấn đề về bình đẳng giới hay là vấn đề về giới đồng tính là những vấn đề mà họ đẩy mạnh tuyên truyền và cố đưa ra cho quốc tế, họ đẩy rất mạnh. Chúng ta có thể chứng kiến những chuyện như vấn người đồng tính chẳng hạn, họ cấp phép, cho phép những cuộc biểu dương lực lượng, phô trương thanh thế, rồi biểu tình, mít-tinh rất hoành tráng.

 

"Song trong khi đó, những vấn đề về nhân quyền quan trọng hơn, thì lại bị đàn áp như là đòi hỏi về môi trường trong sạch như sau các vụ Vedan, Formosa, chặt cây xanh đô thị, khí thải ô nhiễm, nước sinh hoạt nhiễm bẩn, các cuộc biểu tình về bảo vệ cây xanh, chống ô nhiễm môi trường Formosa, vì môi trường trong lành, vốn là những cuộc biểu tình trực tiếp liên quan quyền sống của người dân thì lại bị đàn áp có thể nói rất là mạnh.

 

"Đó là điều tôi cho rằng truyền thông quốc tế, nước ngoài và các giới trong, ngoài nước Việt Nam trong năm 2021 và tới đây cần lưu ý, quan tâm vấn đề này để làm sao nhà nước nếu muốn bày tỏ cho quốc tế là họ có hiểu biết, nhận thức "sâu sắc" và "cập nhật" về nhân quyền, thì hành xử một cách chân thực, chân thành, cân bằng hơn, không phô trương cái này mà trong khi lại không muốn cho thấy sự thực về những cái khác như thế."

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12F41/production/_116033677_gettyimages-1223284570-2.jpg

Hoạt động của giới đồng tính, chuyển giới ở Việt Nam được chú ý ngày một nhiều hơn trong cộng đồng tại Việt Nam

 

 

Cái giá của nhân quyền và sự nhanh chậm?

 

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhân dịp này chia sẻ với BBC về điều mà ông cho là "cái giá" của nhân quyền và sự nhanh chậm đến từ sự "trả giá" này đối với thay đổi ở Việt Nam qua nhận thức và hành động của người dân:

 

"Tôi chỉ muốn nói thêm rằng tự do, nhân quyền không phải là món quà miễn phí cho tất cả mọi người, nhưng cái giá của nó đắt hai rẻ tùy thuộc vào mỗi chúng ta.

 

"Tôi từng trả lời nhiều người là giá sẽ là quá đắt nếu như quá ít người đấu tranh, ví dụ như là hiện nay chỉ vài trăm người đấu tranh thôi, thì giá phải trả là tôi cũng như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cùng như những người khác phải bị trục xuất khỏi Việt Nam, phải sống xa quê hương của mình.

 

"Còn vài trăm người khác đang phải trả giá từ một vài năm tù cho tới hai mươi năm tù ở trong nhà tù, nhưng mà cái giá ấy rất là rẻ nếu như bây giờ có hàng chục nghìn người, hay hàng trăm nghìn người, hay thậm chí hàng triệu người Việt Nam hiểu được giá trị về nhân quyền và cùng đồng lòng hợp tác với nhau đấu tranh, thì cái giá đó sẽ rất nhẹ nhàng, thậm chí không ai phải trả giá một ngày mất tự do nào mà cả đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ có được tự do, dân chủ ngay lập tức.

 

"Và thời gian cũng sẽ ngắn lại vì nếu như chỉ ccó vài trăm người đấu tranh, thì có thể phải mất 10 năm, 20 năm, thậm chí không bao giờ có nhân quyền, nhưng nếu như tất cả người Việt Nam đều có ý thức nhân quyền, cùng hợp tác đấu tranh với nhau, thì chúng ta có thể có nhân quyền ngay lập tức, trong vòng ba tháng, sáu tháng thôi, rất là nhanh chóng," Luật sư Đài nêu quan điểm tại thảo luận thứ Năm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/17D61/production/_116033679_gettyimages-1229971370.jpg

Việt Nam luôn khẳng định đã quan tâm và tôn trọng các quyền của người dân và quyền con người nói chung

 

Cần cân bằng nội lực và môi trường bên ngoài?

 

Luật sư Teresa Trần Kiều Ngọc từ góc nhìn của mình cho rằng cần có một sự cân bằng giữa nội lực bên trong và môi trường quốc tế hay khu vực bên ngoài để cải thiện những vấn đề nhân quyền tại Việt Nam:

 

"Tôi được biết chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự tại Úc đã và đang ủng hộ chính phủ Úc và Bộ Ngoại Giao Úc để giúp cho Việt Nam từng bước cải thiện nền pháp lý tại Việt Nam, để họ làm việc chuyên môn hơn, các luật lệ công bằng và nhân bản hơn.

 

"Tuy nhiên, mục tiêu cho sự độc lập của tòa án vẫn còn xa vời khi nào Việt Nam vẫn còn là một thể chế độc đảng, và khi nào Việt Nam vẫn còn ý định cai trị toàn diện và tuyệt đối. Nói cách khác, áp lực của quốc tế đối với Việt Nam vẫn còn giới hạn.

 

"Cho nên, theo tôi thì thứ nhất người dân muốn có tự do nhân quyền thì phải đấu tranh mạnh mẽ và kiên trì thì một ngày nào đó mới có được. Đây là mục tiêu dài hạn nên không thể một sớm một chiều có được.

 

"Và thứ hai là hy vọng những người đứng đầu guồng máy nhà nước, chính quyền Việt Nam thực sự hiểu được các giá trị văn minh trong nền dân chủ cấp tiến, qua luập pháp công minh, qua chính trị đa nguyên, qua truyền thông tự do v.v… thì chính họ cũng thấy nhu cầu phải cải tổ.

 

"Nhưng tất nhiên giới cầm quyền nào cũng không muốn mất quyền lực và quyền lợi của họ, cho nên muốn thay đổi thì người dân phải đấu tranh và tôi nghĩ dứt khoát là phải như vậy thôi."

 

 

Quan điểm truyền thông nhà nước Việt Nam thế nào?

 

Truyền thông và báo chí của nhà nước Việt Nam trong năm 2020 tiếp tục khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực về quyền con người và đã được quốc tế, Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế, khu vực ghi nhận, ngoài ra chính quyền cũng đã chủ động, tích cực thực hiện các cam kết về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và cam kết, cũng như cởi mở trong các đối thoại về vấn đề nhân quyền trên mọi diễn đàn từ song phương đến đa phương với các tổ chức, quốc gia.

 

Đối với quan điểm của nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo dõi, giám sát nhân quyền, nhà nước Việt Nam tiếp tục bác bỏ và không tán thành nhiều quan điểm và cho rằng các đánh giá này còn thiếu khách quan, chưa phản ánh đúng thực tế, tiến bộ nhân quyền tại Việt Nam, theo nhà nước Việt Nam đời sống của người dân Việt Nam ngày một được nâng cao và các quyền công dân, nhân quyền của người dân ngày một cải thiện rõ rệt.

 

Vẫn theo truyền thông chính thống loan tải khẳng định người dân đã thụ hưởng rất nhiều tiến bộ về nhân quyền, còn về điều được cho là Việt Nam vi phạm nhân quyền khi "bắt bớ, đàn áp" giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động xã hội dân sự và "bỏ tù" nhiều tù nhân lương tâm, truyền thông nhà nước nêu quan điểm của nhà nước tái khẳng định ở Việt Nam không hề có việc này và những người bị bắt hoàn toàn là những người đã vi phạm luật pháp Việt Nam, trong đó có luật hình sự và đã được xét xử công bằng.

 

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận của BBC News Tiếng Việt với chủ đề liên quan nội dung trên.

 

                                                         ***

 

TIN LIÊN QUAN

 

Nhóm nhân quyền ra sách 'biện pháp trừng phạt Magnitsky' do Phạm Đoan Trang thực hiện

3 tháng 12 năm 2020

.

Tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức 'tuyệt thực', gia đình lo lắng

3 tháng 12 năm 2020

.

Carl Thayer nhận định việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang

15 tháng 10 năm 2020

.

Nhân quyền: Chính phủ VN phải giải trình trước LHQ về 'đe dọa công dân'

17 tháng 9 năm 2020

.

Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền ở Việt Nam thế nào?

3 tháng 10 năm 2020

.

Tuyên bố của EU về vụ xử Đồng Tâm nói lên điều gì?

21 tháng 9 năm 2020

 

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats